Tâm sự cây đàn Tỳ bà Việt Nam

Tâm sự cây đàn Tỳ bà Việt Nam

 Cùng chung một số phận với chị Đàn Tranh, mà chị càng ngày càng được muôn người ưa chuộng, bao nhiêu thiếu nữ xinh đẹp khắp ba miền Bắc, Trung, Nam nâng niu, chăm sóc, ôm trong tay, để trong tay, để trên đùi, còn tôi chỉ được một số ít nhạc sĩ miền Trung chiếu cố, toàn là những nhạc sư lớn tuổi của đàn Nhã Nhạc cung đình ngày xưa còn sống, hay những thầy dạy đàn Tỳ Bà, các cụ trang nghiêm có mặt trong đàn Ngũ Tuyệt của ca Huế. Còn lại miền Bắc, miền Nam ngày nay số người biết sử dụng tôi theo phong cách truyền thống Việt Nam, chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cô gái Huế và đàn Tỳ bà.
Chúng tôi đã chịu thử thách của thời gian, hơn ngàn năm, đã nói được trung thực tiếng nhạc của dân Việt, chúng tôi mới sống sót đến ngày nay. Không phải như anh Đàn Cầm, cùng có mặt trong đàn Tiểu Nhạc do Lê Tắc ghi lại, sau nổi một thời dưới nhà Trần, nhờ có sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại sự kiện của nhạc sư Trấn Cụ, thông thạo Đàn Cầm và đã dạy cho Thái Tử biết Đàn Cầm và đá cầu. Nhưng rồi, có lẽ không nói được rõ ràng tiếng nói âm nhạc Việt, Đàn Cầm bị chìm trong quên lãng. Ngày nay, không còn thấy ai biết Đàn Cầm nữa. 

Suốt đời nhà Trần, không nghe ai nhắc đến hai chị em tôi. Chúng tôi an phận trong đàn Tiểu Nhạc dùng trong dân gian. 

Qua đời nhà Lê, khi Lương Đăng quy định nhạc cung đình theo mẫu của nhạc nhà Minh, tôi còn có mặt trong đàn Đường Hạ chi nhạc. Hỏi thăm tìm chị Đàn Tranh, thì nghe nói chị không được ai tán thành cả. Cụ Nguyễn Trãi đã dâng biểu để tâu với Vua vì sao người đã từ chức không ở trong ban lo việc quy định Nhạc triều đình, nêu những cái sai của Lương Đăng. Những đại thần am hiểu âm nhạc như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận đều không tán thành những quy chế do Lương Đăng bày ra. Tôi ở trong đàn Đường Hạ chi nhạc mà có được ra mắt triều thần đâu. 

Nhưng đến đời Hồng Đức (1470 – 1497), ba vị đại thần nói trên chế ra hai đội Đồng Văn và Nhã Nhạc để đàn và hát trong cung đình, tôi được biết chị Đàn Tranh cũng như tôi được tuyển vào trong hai đội ấy. Nhưng các vị đại thần không muốn giữ tên “Tranh” hay “Tỳ Bà” là tên Trung Quốc, nên đặt cho tôi tên “Tứ Huyền Cầm” (đàn 4 dây), còn chị Đàn Tranh lúc ấy có 15 dây mang tên là “Thập Ngũ Huyền Cầm”. 

Sau đó, có một sự thay đổi rất lớn từ đời Quang Hưng (1578) hai đội Đồng Văn, Nhã Nhạc bị đội Giáo Phường trong dân gian thay thế. Lúc này, tôi bị bỏ quên và chị Đàn Tranh may mắn hơn tôi được sung vào đội Giáo Phường, góp mặt với Đàn Đáy, Đàn Trường cùng làm bằng cây tre dài 3 - 4 thước ta, do một bà lão nghệ nhân gõ để giữ nhịp, có trống yêu cổ, có loại địch quản mà tên gọi thông thường là quyển thúy. Có đào nương vừa ca vừa gõ phách, có cả sinh tiền. Khi đờn trong cung điện gọi là đi “hát cửa quyền” thì đội Giáo Phường có rất nhiều nhạc công đờn “cầm”, tức là loại đàn dây, trong đó chị Đàn Tranh 15 dây được gọi trở lại bằng tên tộc của mình là Đàn Tranh. Vì còn nhiều trống ta, trống nhỏ, ống địch, hải loa v.v... 

Nhưng đến lúc cuối đời nhà Lê, chẳng biết ai đã tổ chức lại dàn nhạc trong cung đình, mà lại có một lần thay đổi lớn. Chị Đàn Tranh không còn có mặt trong Nhạc triều đình, mà người ta lại tuyển tôi vào để góp mặt với Đàn Nguyệt (lúc đó tôi nghe các nhạc công gọi là “Cái Đàn Sông Vận”, Đàn Tam, Đàn Nhị, có hai cái sáo, một trống bản, một tam âm la và một sinh tiền. 

Chúng tôi được gởi sang Trung Quốc để sung vào loại cửu tấu của nhà Thanh. Chúng tôi có gặp mấy nhà sử học của Trung Quốc đến hỏi thăm chúng tôi về tên các nhạc khí, xem xiêm y chúng tôi và ghi chép rõ ràng. Họ nói họ vâng lệnh triều đình ghi lại nhiều chi tiết về 9 loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh, họ chép vào quyển Khâm Định đại than hội điển sự lệ. 

Đến lúc vua Quang Trung thắng trận Đống Đa xong, gởi một phái đoàn hữu nghị sang chầu vua Càn Long, vua nhà Thanh phong cho vua Quang Trung tước An Nam Quốc Vương, người Trung Quốc gọi dàn nhạc chúng tôi là “An Nam Quốc Nhạc”. 

Chưa bao giờ tôi sung sướng bằng lúc này. Trong triều đình các ông hoàng, bà chúa không ngại ôm tôi vào lòng. Tôi vừa có mặt trong dân gian, vừa được tham gia đàn Nhã Nhạc trong Đại Nội. Nhưng chị Đàn Tranh được nhiều người ưa chuộng hơn tôi. Các thiếu nữ, con nhà trâm anh thế phiệt đua nhau học Đàn Tranh. Mừng cho chị và cũng lo cho mình. 

Tôi có theo cụ Trần Quang Thọ từ Trung di cư vào Nam, sanh con là Trần Quang Diệm, nổi tiếng là ông Năm Diệm, cũng chuyên đàn Tỳ Bà. Ông Năm đặt tên 4 dây của tôi là Tòng, Lan, Mai, Trúc đúng theo giọng Hò Xang, Xê Líu.

Hậu duệ của ông Năm là Trần Văn Khê, còn giữ cách đàn của ông, qua những buổi dạy truyền ngón của bà Ba Viện, con gái của ông Năm.

Tôi rất vui mừng khi biết rằng UNESCO trong năm 2003 đã ghi Nhã Nhạc tức Nhạc cung đình Huế vào danh sách các “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Và tôi rất mong rằng người Việt hữu trách ngày nay, biết giữ gìn cái hay cái đẹp của thời xưa, và “phát huy” không có nghĩa là đổi mới bằng cách chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài của nhạc phương Tây mà quên cái tế nhị thầm kín bên trong của nhạc cổ Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh - Việt Nam năm Ất Dậu 2005GS.TS TRẦN VĂN KHÊ

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương