Phạm Thị Huệ: "Đào" - "Kép" hai vai

Phạm Thị Huệ: "Đào" - "Kép" hai vai

Bến tầm dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách, đìu hiu...

Giọng ca trù hát theo thể “Dựng Đường thi” bài “Tỳ bà hành” cùng đàn rập phách vang lên trong căn nhà nhỏ ở 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội, với sự quyến rũ kỳ lạ đã níu chân bao khách lạ... 

Con phố nằm bên hông Nhà thờ lớn, vốn tĩnh mịch nên là điểm đến cho khách bộ hành vào mỗi lúc đêm về; nay lại trở nên xưa cũ hơn khi vẳng bên hè phố rêu phong một giọng ca trù trầm lắng, da diết.
Phạm Thị Huệ trên chiếu ca trù.
Một cụ già người Hà Nội gốc, đã ngoại bát tuần thốt lên: “Nghe tiếng đàn, nhịp phách ấy, tôi như sống lại một thời xuân sắc”. Bà chủ của không gian xưa cũ ấy là đào nương kiêm kép đàn Phạm Thị Huệ, sinh năm 1973. Mồ côi mẹ khi mới 5 tuổi. 8 tuổi cô bé có đôi mắt tròn trong sáng, khuôn mặt trái xoan đã phải sống tự lập “ăn cơm bụi, ngủ giường tầng” tại ký túc xá Nhạc viện Hà Nội để đeo đuổi ước mơ bầu bạn với cổ nhạc. 

Nghề chính là giảng viên đàn tỳ bà nhưng thời gian gần đây, tên tuổi người con gái đất mỏ này lại gắn với ca trù, nhất là cuộc chơi ca quán. 

Đó là năm 1992, khi đang học năm cuối hệ trung cấp của Nhạc viện Hà Nội. Đang chuẩn bị cho cuộc thi độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, chị gặp nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền - lúc đó là giảng viên khoa Lý luận sáng tác. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy, chỉ một tuần sau bản đàn dự thi của chị trở nên mới lạ và đã đoạt giải cao nhất cuộc thi.

Sau đó, chị học một lớp nhạc cổ theo lý thuyết mà thầy Hiền đã khai thác được từ những nghệ nhân và chính thức bén duyên ca trù. Nhưng phải đến năm 2001, chị mới chính thức được thỏa nguyện phách đàn. Bởi muốn học ca trù đâu phải dễ, số nghệ nhân ca trù ở nước ta giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, các cụ lại rất kén học trò. Nhưng chị đã vượt qua được mọi thử thách để may mắn giờ trở thành “đệ tử” của nhiều nghệ nhân nổi tiếng. 

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức (Hà Nội) đã truyền cho chị kỹ thuật luyện, cất và giữ giọng. Người trực tiếp đào tạo chị thành ca nương là nghệ nhân Nguyễn Thị Trúc (Hà Tây). Bà uốn cho từng cách lấy hơi, nhả chữ, róc phách đến cách bắt hồn bài hát. 

Còn để học được tiếng đàn đủng đỉnh, nghe cứ như trượt khỏi lời ca, chậm hơn người hát mà lại vẫn nâng đỡ lời ca ấy thăng hoa, chị phải lặn lội tìm đến thầy Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương) - một trong những cây đàn đáy tên tuổi trong làng ca trù nước nhà. Cụ là người duy nhất còn sót lại của lối đàn “hàng hoa”: lãng mạn, bay bổng và phá cách.
Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương