Để gìn giữ ngọn lửa nghệ thuật truyền thống

Để gìn giữ ngọn lửa nghệ thuật truyền thống

Nghệ thuật truyền thống nước ta đang đứng trước nhiều nỗi lo hiện hữu: thiếu vắng khán giả, thiếu lớp trẻ giữ nghề, các trường nghệ thuật chật vật và khó khăn trong công tác tuyển sinh... Vì thế, thắp lửa và giúp các bộ môn nghệ thuật truyền thống lan tỏa, tạo ra nguồn lực kế thừa, phát triển trong tương lai vốn luôn là điều nan giải ở Việt Nam lâu nay.
Không khó để nhận thấy, nghệ thuật truyền thống bao gồm các bộ môn tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, dân ca, xiếc... đang bị nhiều loại hình giải trí thời đại mới lấn át. Chính vì điều này, các buổi diễn nghệ thuật truyền thống thường thưa vắng người xem, một phần vì các tác phẩm chưa thật sự cuốn hút, nhiều chương trình, vở diễn, tiết mục được dàn dựng lại từ kịch bản đã phủ bụi thời gian nên không có sự mới lạ. Cũng từ đây, không ít nhà hát, đơn vị biểu diễn nghệ thuật gặp khó khăn, thiếu kinh phí để duy trì hoạt động hoặc đầu tư cho những tác phẩm mới.
Cảnh trong một vở diễn tốt nghiệp của sinh viên lớp Diễn viên Cải lương (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội)
Thực tế cũng cho thấy, các loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca đang bị khủng hoảng nguồn nhân lực nên không giữ được vai trò, vị trí vốn có trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp qua chiều dài lịch sử đang có nguy cơ mai một, thất truyền.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên các ngành nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống và nhạc công của khoa kịch hát dân tộc. Nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống không có gương mặt nghệ sĩ trẻ, có tâm huyết và cả tài năng để dàn dựng tác phẩm. Đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi, tình trạng khan hiếm tài năng trẻ ngày càng trở nên trầm trọng.
Không những thế, nhiều trường đào tạo nghệ thuật cũng cho biết rất khó khăn trong việc tuyển sinh dù thời gian qua Nhà nước cũng như Bộ VH-TT&DL, các trường, nhà hát... có những chính sách ưu đãi với thí sinh thi, học sinh, sinh viên học các ngành về nghệ thuật truyền thống.
Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, 6 năm qua, trường không thể tổ chức được khóa diễn viên tuồng nào vì không có hồ sơ dự tuyển. Mùa tuyển sinh gần nhất, Khoa Kịch hát dân tộc của trường này chỉ tuyển được đủ chỉ tiêu môn diễn viên cải lương, các môn diễn viên chèo, múa rối phải đào tạo thấp hơn chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng đầu vào. Môn nhạc công kịch hát truyền thống chỉ 2 em đăng ký nên phải dừng đào tạo.
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu bộ môn kịch múa, ballet, biên đạo. Ngoài ra, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội với các bộ môn biểu diễn nhạc cụ đàn tỳ bà, sáo, đàn bầu… rất ít người trẻ đăng ký học; Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam dù có hàng nghìn hồ sơ dự tuyển nhưng chỉ tuyển được vài chục em.
Nghệ thuật truyền thống nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một, các trường đào tạo luôn thiếu các tài năng trẻ theo học có nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng với các trường nói trên, mặc dù từ năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, trong đó ghi rõ: “Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc…” nhưng tình trạng thiếu hụt học sinh, sinh viên theo học chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã thông qua “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” từ năm 2015 nhưng đến nay đề án vẫn chưa đạt được những mục tiêu như kỳ vọng.
“Bấp bênh như chèo, nghèo như cải lương, đoạn trường như tuồng, buông lơi như xiếc” là câu cửa miệng và cũng là nỗi niềm của những người gắn bó lâu năm với những bộ môn nghệ thuật này. Dăm bảy năm miệt mài “kinh sử” trong nhà trường, hàng chục năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên sàn diễn, tự mình hóa thân hỉ, nộ, ái, ố cùng nhân vật, nhất là phải lao tâm khổ tứ lắm mới luyện tập và giữ gìn được “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” để tồn tại được với nghề, nhưng có một thực tế là phần lớn các nghệ sĩ, diễn viên sân khấu truyền thống, nhất là ở khối các đơn vị nghệ thuật địa phương, đang phải vật lộn với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
Để vực dậy cũng như tạo ra được nguồn lực, thế hệ trẻ giữ lửa nghệ thuật truyền thống từ các đơn vị đào tạo, các nhà hát... vốn là một bài toán khó ở nước ta nhiều năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, muốn có nhân lực, trước hết cơ chế, chính sách về thu nhập của nghệ sĩ phải phù hợp với cuộc sống. Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật truyền thống cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị, bộ ngành khác.
Điển hình như chương trình đưa sân khấu vào học đường, sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua đã đưa nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ, giúp các em hiểu về sân khấu truyền thống, tạo nên một lớp công chúng trong tương lai. Nếu có sự vào cuộc của các bộ, ngành khác, đưa sân khấu đến với công chức, viên chức nữa thì sẽ nới rộng “biên độ” phục hồi sân khấu truyền thống.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương