Một gánh hát chợ trưa

Một cách hữu duyên, sự luân chuyển vận động, canh tân của thuật ca diễn truyền thống miền Nam đã xoay xở dung nạp mọi trào lưu ảnh hưởng mới và bản địa hóa tất thảy để giữ mạnh trường cửu cho chủ thể là nghệ thuật tuồng cổ hay vọng cổ, cải lương.
Sân khấu uỷ lạo cổ nhạc dân gian 2 giờ chiều Chúa nhựt trang hoàng sơ sài hai miếng bìa cứng vẽ bông sen. Dàn cổ nhạc tứ tuyệt mà hết hai cây organ bận áo gấm đỏ rầu rĩ tấu theo nhịp song lang nhỏ giọt đều đều như phin cà phê đã tới hồi cạn nước. Anh kép bận sơ mi quần tây kiểu công chức, cô đào bận bà ba thắt bím đang ca một bản tân cổ về mùa măng Trường Sơn. Phía trước dãy ghế đầu vẫn còn chiếc bàn đại biểu phủ khăn trắng khăn đỏ, vài vị cao niên đã lác đác rơi vào hiệp ngủ trưa.
Tân cổ Viễn Châu, đuôi sam văn công và nguyên lý “bánh mì thịt nguội”
Tôi cũng lơ mơ bỏ lọt tai vài ca từ gieo trật vần cứ lục khục bất an lỗ nhĩ, nôn nóng chờ tới lớp tuồng trông đợi.
Có một sự thật cay đắng cho người mê cải lương vọng cổ, đó là lớp hậu duệ đời sau của những tay gieo chữ thần sầu như thầy Viễn Châu đã hầu như tuyệt tích. Khi bị khiên cưỡng vào những bài văn tả cảnh của dòng ca khúc chính trị hay văn nghệ tư tưởng, mà vốn dĩ giai điệu và tinh thần đã không mang mùi tự sự của tân nhạc cải cách, cuộc gán duyên chông chênh đã cho ra những bài bản khó khăn nhọc nhằn lắm mới chạm được đến áo quần da thịt thính giả, chớ đừng nói chạm tới nhân tâm. 
Nghệ sĩ Trường Sơn và cha, nghệ sĩ Bảy Đức. Ảnh của soạn giả Nguyễn Phương
Cuộc “cách mạng” canh tân cho vọng cổ hết sức liều lĩnh của trào lưu tân cổ giao duyên có lẽ đã không kịp vớt vát một đời sống dài hơi cho cổ nhạc. 
Ra đời từ thập niên 1950, như cuộc phối ngẫu ký tình giữa vọng cổ và tân nhạc cải cách, tân cổ giao duyên chỉ kịp có non một thập niên để là món nhắm thượng trào trên bàn nhậu linh đình của văn nghệ miền Nam thuở đó.
Tiếp tục trở mình theo thế cuộc, khi mà những rạp cine chớp bóng, phim chưởng Tàu hay cao bồi Mỹ đã trở nên được ưa chuộng hơn, thì thuật ca diễn Sài Gòn lại nhanh tay du nhập làn điệu tân nhạc Hương Cảng, Đài Loan cùng làn sóng tuồng hương xa để lập một cuộc canh tân rầm rộ khác cho sân khấu tuồng cổ mang tên Hồ Quảng.
Một cách hữu duyên, sự luân chuyển vận động, canh tân của thuật ca diễn truyền thống miền Nam đã xoay xở dung nạp mọi trào lưu ảnh hưởng mới và bản địa hóa tất thảy để giữ mạnh trường cửu cho chủ thể là nghệ thuật tuồng cổ hay vọng cổ, cải lương.
Có lẽ mọi thứ ở Sài Gòn đi vào bất hủ cũng phải biết rời bỏ một định dạng nguyên thủy nào đó để thoát khỏi nguyên tắc đào thải. Xuất thân của đờn ca tài tử chẳng phải đã tới từ gốc rễ dân nhạc Quảng Nam, hay hát bội từ ngành ca diễn cung đình Trung phần mà thành món giải trí tiêu sầu mang tính đại đồng của thị dân Nam bộ?
Sự bối rối của một ông vua
Cậu MC đỏm dáng không kịp chờ tới hơi ngân cuối của bản tân cổ giao duyên tắt hẳn, sải bước ra sân khấu với một vẻ hớn hở lạc quan rất chi tối nghĩa, trang trọng giới thiệu tiết mục trích đoạn tuồng gì tôi không nhớ, đoạn vua Trần Nhân Tông rũ áo đi tu, khiến bao cung tần xô nhau quyên sinh nơi con suối mà về sau ngài đặt tên là suối Giải Oan.
Màn giằng co kết thúc, cậu MC oai mãnh với kiểu tóc gà chọi hớn hở lao ra sân khấu cho phần “giao lưu tương tác” theo đúng công thức của các lớp huấn luyện “nghệ thuật” dẫn chương trình. Anh kép vai Anh Tông được chọn giữ lại sân khấu để giao lưu và được đề nghị hát một bản bolero “góp vui” cho khán giả. 
Trong một thoáng, tiếng xì xầm hoang mang lan trong vài hàng ghế đầu gồm lớp khán giả cao niên. Cậu kép trẻ không giấu nổi thoáng bối rối. Chính sự bối rối không giấu được sau lớp hóa trang của cậu khiến tôi lưu tâm hơn: anh kép trẻ không quên rằng trên mình đang khoác lớp áo của vị vua thứ ba nhà Trần.
Tiếng phản đối bắt đầu lan đi trong hàng ghế khán giả, anh kép đề nghị thay cho một bản tân nhạc bolero hạp gu trào lưu, thì một bản cổ nhạc về mùa Vu Lan có vẻ dễ dàng phù hợp hơn với chiếc long bào màu hoàng triều vẫn mặc trên người. 
Cái đạo làm nghề, như trong thoáng bối rối và lối xử trí của cậu kép trẻ, giữa cuộc diễn quốc doanh, coi ra thiệt đẹp, thiệt mát dạ. Nó trả lại cho người nghệ sĩ trẻ một nét đẹp vừa tự tôn vừa khiêm hạ của huyền thoại ca diễn miền Nam, khi nghiêm cẩn với chính lớp phục trang đang bận trên người. Cậu MC lại nhiệt tình bay ra, lần này còn hớn hở hơn thường lệ. Người ta không còn nghe thấy cậu nhỏ láng o nói gì nữa vì những tiếng vỗ tay đã vang lên nghênh đón màn diễn được trông đợi nhứt buổi chiều.
Mảng trần vỡ ở rạp Nguyễn Văn Hảo và cuộc tái xuất của lớp diễn bậc thầy
Màn rideau cánh gà lay động, quân lính vận đồ xanh đỏ nhào ra, quánh võ tàu võ ta khí thế, vài em đồng ấu lộn mèo trong tiếng xập xèng phèng la phát ra từ đĩa thâu sẵn. Kia là ông Quan Công mặt đỏ tía tai, đi hia đội mão, kia là Bàng Đức mày râu bặm trợn dữ dằn, nọ là bà phu nhân Lý Thị tay bồng ấu nhi quấn tã khóc khóc cười cười điên điên dại dại. 
Tôi còn nhớ như in thuở con nít đi coi tuồng hát bội, cứ ngồi gần sân khấu là sợ lắm. Cảm giác bị choáng ngợp khi lớp hóa trang sặc sỡ kỳ dị nọ cứ khiến như vị võ tướng giận dữ ghê gớm kia sắp nhảy xổ tới trừng trị mình một phen vậy. Nhưng cái tiếng phèng la nọ, nó cứ làm rộn trong dạ như lân nghe pháo. Biểu hiểu không thì quả tình không mấy người lớn hiểu hết được thoại từ gốc Hán hay ho mỹ diệu nọ. Ba ngồi bên cứ phải giải nghĩa. Dân miền Trung mới là rành tích hát bội nhất, bởi trò ca diễn vương giả của cung đình Huế theo chân lưu dân tới miền Nam mới thành thú tiêu khiển đại đồng, nên ba đọc tên nhân vật vanh vách. 
Tứ bề lại rần rần tiếng vỗ tay la hét, kia Quan Vân Trường trúng độc tiễn. Màn này kinh dị, mũi tên xuyên thấu bả vai, từng múi cơ trên mặt được vẽ cường điệu cứ giựt lên từng hồi, ra chiều đau đớn lắm. Nhưng có lẽ tiếng hò reo nọ thêm phần linh đình bởi chính ngón nhập vai xuất thần của hảo đại lão Trường Sơn. Cậu em kế bên kề tai vanh vách kể những lớp tuồng trứ danh ông từng sắm, với lối đi bộ đánh võ danh bất hư truyền. Lần cuối diễn ở rạp Công Nhân, lúc đang hóa trang thì một mảng trần của rạp Nguyễn Văn Hảo khi xưa rớt xuống ngay chỗ ông ngồi. May không hề hấn nhưng về sau ít thấy ông tái xuất, tưởng rằng tuyệt tích luôn nghệ nhân trứ danh cuối cùng của thế hệ hoàng kim. Bữa diễn chiều Chúa nhựt hôm nay chính là dịp tái xuất bất ngờ khiến khán phòng này hào hứng khác thường là vậy.
Cha con nghệ sĩ Trường Sơn và Tú Sương trong cùng một vở diễn. Ảnh: TL
Coi kìa, đó đó, cái lối nhập vô một tụ, Quan Vũ chánh giữa, tả hữu có Quan Bình, Châu Xương, rồi ba ông một lèo di chuyển rần rần xuyên sân khấu theo lối xuyến tài tình. Mấy bộ phục trang mão giáp rần rần rung chuyển, oai vệ kỳ thú khôn song.
Khán giả lại hồi hồi điệp điệp hò la...
Người ta không còn nhìn thấy đôi cụm bông sen bìa cứng sống sượng trên cảnh trí nữa, cũng chẳng nề hà chi khi thừa biết những làn hơi lớp thoại nọ đều phát ra không phải từ thanh quản mà từ file ghi âm thâu sẵn. Trên kia, nghệ sĩ diễn trò như để gỡ gạc chút cơn ghiền nghiệp diễn, thì dưới này, khán giả cũng bù đắp ít nhiều cơn nghiện được thị kiến sân khấu hào hoa. 
Cậu em kể rằng nghệ sĩ cổ nhạc giờ muốn sống với nghề phải biết nhậu, bởi nguồn thu nhập mạnh nhứt vẫn là đi ca salon, tức phục vụ gia chủ bậc thượng lưu. Những khi có đám tiệc, họ mời ban đờn, nghệ sĩ, quầy lại gầy cuộc ca, ca xong lại xuống cụng ly, vậy mà tiền thù lao tiền thưởng cũng sống ngon được với nghề. Còn ngành tuồng cổ hát bội, không có vài ba sân khấu quốc doanh cho gọi là có phong trào gìn giữ bản sắc này, thì hầu như co cụm về mấy dịp diễn đình chùa mà thôi.
Trong hậu đài, ông hoàng của thời xưa cũ lập cập bắt chặt tay tôi: “Chà tới giờ mới gặp cô ngoài đời đó đa. Nè nè, coi chú gỡ mão ria cho con coi, nặng dữ lắm. Cái màn lúc nãy chú giựt giựt con mắt là tại mồ hôi nó trộn hóa trang trôi vô tròng xót con mắt quá mạng, vậy mà thành nét diễn chớ. Lớn rồi, hen suyễn tùm lum, bữa Thoại Mỹ nó nói để gầy nguyên cuộc diễn Trường Sơn làm liveshow, chú cũng hổng biết sức có kham nổi không...”. Quay qua nạt giỡn cô bạn: “Hên tui biết nay ba bồ diễn chớ dặn rồi, nói khi nào ca diễn đâu báo tui hay cho tui coi rồi im bặt hà”. Tú Sương lúng túng, tiếng cười man dại của Lý Thị đã tắt hẳn: “Sương biết bữa nay còn nhiều chỗ chưa hay, thôi để bận sau Sương mời bồ tới coi cho đã...”.
Tôi biết chứ, khi nét diễn lời ca mà không được thắp đèn thờ tổ ca diễn hằng đêm đã mất đi hào quang của sự điêu luyện từng vang danh nhất bậc thượng thừa.
Tôi biết chứ, khi mà một ban nhạc đúng quy cách của ngành hát bội không thể hiện diện sống động ngay tại sân khấu cho sự tung hứng kỳ ảo giữa ca và tấu.
Tôi biết chứ, khi mà sức lực của tiền bối đã hao mòn để gánh lên người trên dưới chục ký phục trang binh đao khí cụ, chưa kể võ đạo binh bộ oai phong, thì làn hơi đó không còn đủ để diễn hầu khán giả cho tròn vẹn, trong khi lứa đồng ấu thưa thớt còn chưa kham nổi đỉnh cao tuyệt nghệ để hình thành thế hệ truyền nhân.
Như khỏi một giấc mơ trưa của những áo mão cân đai và hoàng kim giả tạo, tôi bước khỏi hội trường Nhà văn hóa Thanh Niên giữa lúc 4 giờ chiều, chưa bao giờ như lúc nọ, ước chi mình là bậc phú hào giàu có. 
Trác Thúy Miêu
(Mến tặng nghệ sĩ Trường Sơn và nghệ sĩ Tú Sương)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương