Giữ “lửa” chầu văn

Nghệ thuật hát văn (hát chầu văn) ngày càng có chỗ đứng hơn trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để nghệ thuật hát văn ở làng An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương được bảo tồn và phát huy giá trị.
Hát văn được những người nông dân An Mô bảo tồn, gìn giữ
“Nghệ sĩ” nông dân
Theo chân anh Phan Minh Đức - Tổ trưởng quản lý Khu di tích Đền Sinh – Đền Hóa (Ban quản lý di tích thị xã Chí Linh)- chúng tôi đến nhà nghệ nhân hát văn duy nhất, người hồi sinh hát văn An Mô - cụ Phạm Văn Trạnh (78 tuổi). Nghệ nhân Trạnh trông khá mệt mỏi sau trận ốm, nhưng nhắc tới hát văn ông bỗng tươi tỉnh, đôi mắt sáng ngời. Theo lời nghệ nhân, An Mô là một làng cổ lâu đời của xã Lê Lợi. Hát chầu văn ở An Mô ra đời gắn liền với hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ ở Đền Sinh - Đền Hóa.
Ông kể, sau hai cuộc kháng chiến, nhiều cụ trong làng biết hát văn đã qua đời. Trăn trở mãi, cuối cùng ông quyết định phải tìm và khôi phục lại các giai điệu hát văn cổ của làng. Ông đã lặng lẽ “khăn gói” đi khắp các di tích lịch sử, đền tại những địa phương như: Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng... sưu tầm, ghi chép lại những bài hát văn cổ. Ông còn dày công tìm hiểu rất kỹ các thể hát, lối hát trong hát văn như: Hát Phú, Dọc, Cờn, Xá Thương, Xá Bằng, ngâm thơ...
Miệt mài tay đàn, miệng hát, chân gõ phách, sau một thời gian, ông đã dần phục dựng được nghề hát văn ở An Mô. Để có người đồng hành, ông dạy cho con trai hát văn, rồi hai bố con rong ruổi đi hát khắp nơi. Cha truyền con nối, từ con trai, rồi đến các cháu trong gia đình ông đều lần lượt trở thành cung văn (người hát văn). Tiếng lành đồn xa, người khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lặn lội tìm đến ông xin học hát. “Lối hát văn cổ rất ít điệu, nhạc cụ chỉ có đàn nguyệt, phách, trống con. Để trở thành cung văn giỏi phải có năng khiếu, chất giọng cuốn hút nhưng phải chịu khó khổ luyện” - ông Trạnh chia sẻ.
Đến nay, đã có hàng trăm người hát văn được ông truyền dạy, trở thành cung văn giỏi nghề. Ngay tại An Mô đã có thêm những thế hệ cung văn say nghề, tâm huyết. Sau những tất bật thu hoạch lúa vụ mùa và chuẩn bị cho vụ chiêm xuân, đội trưởng đội hát văn thôn An Mô - anh Hoàng Văn Khải (39 tuổi) - lại thong dong luyện đàn, luyện hát văn cho lễ hội mùa xuân sắp tới. Gia đình nghệ sĩ Hoàng Văn Khải có 4 anh em trai thì tất cả đều biết hát văn, các con của anh cũng theo học, phụ nghề hát từ bố, chú bác. “15 tuổi tôi đã theo thầy Trạnh để học hát văn, đến nay đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, hát văn đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của tôi” - anh Khải tâm sự.
Từ vườn cam trĩu quả sắp đến mùa thu hoạch, cung văn Nguyễn Văn Kỷ (53 tuổi) hồ hởi ghé qua nhà nghệ nhân Phạm Văn Trạnh. Anh Kỷ cũng là học trò xuất sắc của nghệ nhân Trạnh, một cung văn giỏi của An Mô. Nhấp ngụm trà nóng, anh Kỷ tươi cười nói, vào những ngày mùa lo đồng áng, nhưng khi nông nhàn là anh em trong gia đình lại tay đàn, tay hát tham gia biểu diễn tại các lễ hội, lễ hầu và thi hát trong thôn, ngoài xã… “Với người An Mô hát văn như một đam mê, tài sản tinh thần vô giá để vơi bớt nhọc nhằn mưu sinh”- anh Kỷ bộc bạch.
Khát vọng giữ gìn di sản
So với các loại hình dân ca truyền thống khác, hát văn ra đời sớm hơn, vừa là nghệ thuật trình diễn đặc sắc, vừa là yếu tố âm nhạc quan trọng trong nghi lễ thực hành văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. An Mô hiện có tới trên 200 hộ gia đình có người biết hát văn, trong đó, 30 người làm nghề hát văn chuyên nghiệp, hoạt động rộng khắp từ Nam ra Bắc.
Nhờ hát văn, cuộc sống của nhiều nông dân An Mô được cải thiện, thu nhập không chỉ còn trông chờ vào làm nông. Tuy nhiên, đến nay hát văn ở An Mô chủ yếu do người dân tự nuôi dưỡng chứ chưa có sự quản lý cụ thể từ nhà nước để loại hình nghệ thuật này hoạt động bài bản. Cung văn Hoàng Văn Khải tâm sự: “Đội hát văn An Mô thành lập tự phát bởi các cung văn trong thôn. Chúng tôi hy vọng sẽ có một cơ chế quản lý để đội hoạt động quy củ chuyên nghiệp, các thành viên yên tâm gắn bó với hát văn”.
Nỗi niềm của các cung văn An Mô cũng đang là nỗi lo của lãnh đạo xã Lê Lợi. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Phương cho biết, chầu văn được xác định là sản phẩm quan trọng tạo sức hút cho du lịch địa phương. Mới đây, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án làng nghề hát văn An Mô nhằm tôn vinh các nghệ nhân, đưa ra giải pháp bảo tồn. Nhưng, dự án đang bỏ ngỏ do khó khăn về kinh phí, địa phương chưa thể triển khai. “Chúng tôi đang hết sức trăn trở, mong tìm được hướng đi để quản lý, hỗ trợ người dân gắn bó nuôi dưỡng, phát huy loại hình nghệ thuật này”- ông Phương cho hay.
Người hát văn của An Mô đều là những nông dân hồn hậu, quanh năm “chân lấm tay bùn”, nhưng vẫn miệt mài giữ “lửa” loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương