NS Khải Hoàn

Khải Hoàn - Ngón đờn độc đáo của cải lương Nam Bộ




Trước năm 1975, sân khấu cải lương (SKCL) Nam bộ có khá nhiều nhạc sĩ khiếm thị nổi tiếng như Văn Vĩ, Văn Giỏi, Văn Bền, Út Mù, Thanh Hồng... Sau năm 1975, có lẽ Khải Hoàn là nhạc sĩ khiếm thị duy nhất của SKCL phía Nam, đang được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đề nghị Nhà nước xét phong tặng Nghệ sĩ ưu tú đợt này.
CON ĐƯỜNG GIAN TRUÂN

Nhạc sĩ Khải Hoàn (Nguyễn Khải Hoàn) sinh quán tại Cần Thơ (1953) trong một gia đình cách mạng (ông nội là liệt sĩ, cha là cán bộ nghỉ hưu) hiện đang sinh sống tại TPHCM. Anh là trưởng nam và là người duy nhất trong gia đình theo con đường nghệ thuật và đã thành danh khi còn rất trẻ.


Người ta thường nói “có tật có tài”. Nhưng tài năng của nhạc sĩ Khải Hoàn là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu... Anh bị căn bệnh đậu mùa cướp mất nguồn sáng quý báu của đời mình ngay từ lúc mới tròn 4 tuổi. Từ đó, không biết đâu là sắc màu, chỉ cảm nhận được cuộc sống qua âm thanh thì làm sao mơ ước một tương lai tươi sáng ? Năm 7 tuổi, anh được gia đình đưa lên Sài Gòn học chữ ở trường mù cho đến hết bậc trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở). Bước “đột phá” quan trọng là anh thử khả năng của mình ở bậc trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông) tại trường Nguyễn An Ninh (Q.10) khi học chung với những học sinh sáng mắt. Anh được ưu tiên có bạn bên cạnh đọc giúp cho anh ghi chép bằng máy đánh chữ braile dành cho người mù, nộp bài sau. Ba năm sau, anh đậu bằng tú tài toàn phần (lớp 12 bây giờ). Điều đáng quan tâm là trong thời gian này, anh không chỉ tập trung cho học vấn mà còn học nhạc. Ban đầu, anh được cha dạy đàn mandoline, sau đó tìm đến nhạc sĩ cải lương Phi Long để học guitar phím lõm và violon về nhạc tài tử cải lương (một buổi học chữ, một buổi học đờn, ban đêm ôn tập cả hai môn). Khi đậu tú tài cũng là lúc anh đã đờn thành thạo 20 bài bản Tổ nhạc tài tử và một số bài bản cải lương. Ngoài ra, anh còn mày mò tự học thêm đờn tranh và kìm. Vì tật nguyền, không thể tiếp tục lên bậc đại học, anh quyết định theo cải lương.


THÀNH DANH

Vì ngón đờn đã được trui rèn sắc bén, kỹ năng đã đủ độ hành nghề nên nhạc sĩ Khải Hoàn bắt đầu khởi nghiệp bằng đờn chánh guitar và giữ song loan từ gánh cải lương Kim Chung (1973). Trải qua biết bao thăng trầm, biến đổi của SKCL, nhạc sĩ Khải Hoàn luôn gắn bó với nghề, đờn chánh cho gần chục đại ban, như: Tân Dạ Lý, An Giang, Khánh Hồng, Trúc Giang, Long An, Tiền Giang I, Phước Chung, Sài Gòn I, Sài Gòn II, Nha Trang, Nhà Bè... Thời kỳ vàng son của SKCL 15 năm sau giải phóng, tiếng đờn của Khải Hoàn bay bổng khắp nơi theo hàng chục vở diễn và đã tạo nên tên tuổi cho mình. Từ năm 1990, anh được biên chế chánh thức vào Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và đờn chánh ở đoàn II cho đến nay. Khi sân khấu sàn diễn có nhiều biến động (sau năm 1990), nhạc sĩ Khải Hoàn tăng cường độ hoạt động trên nhiều địa hạt như: đờn cho cải lương video, đờn cho các đài phát thanh và truyền hình, nhiều tụ điểm văn hóa trong nội thành TPHCM... Đặc biệt là anh đã đờn chánh cho nhiều vở diễn tham dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đã đoạt huy chương vàng và huy chương bạc.

Mỗi nhạc sĩ đều có phong cách và “tuyệt chiêu” riêng. Sau khi học thầy rành nghề, trong quá trình thực hành trên sân khấu, nhạc sĩ Khải Hoàn tự tìm tòi sáng tạo cho mình một lối đờn riêng. Anh mang những âm giai mang âm hưởng các làn điệu lý và nhạc Huế kết hợp các giai điệu bài bản đã học, sáng tạo những âm sắc lạ, vừa rộn ràng tươi mượt, nghe đậm chất trữ tình hơn là ai oán, ngón nhấn luyến láy rất lanh lẹ tạo những thanh âm huyền hoặc, nhất là những âm chủ: Xang, Oan, Xự... Sở trường của nhạc sĩ Khải Hoàn không chỉ ở guitar phím lõm mà cả violon, sến, kìm... Ở mỗi giai điệu dường như tiếng đờn của anh đều như mang tâm trạng. Cũng làn điệu đó, từng lúc từng nơi anh nhấn ra âm sắc khác nhau, có nghĩa là khi vui cũng như lúc buồn anh thả hồn vào tiếng nhạc như tâm trạng của chính mình, hay là tâm trạng nhân vật, từng hoàn cảnh trong vở diễn hay bài bản mà diễn viên ca.

ƯỚC MUỐN LÀM ĐẸP CHO ĐỜI

Nhiều năm nay, nhạc sĩ Khải Hoàn đã hết lòng nâng đỡ nhiều nhạc công như giới thiệu show diễn riêng hoặc tham gia ban nhạc của anh đờn cho các đài phát thanh truyền hình các tỉnh và TPHCM... Năm 2003, anh cùng một số đồng nghiệp cho ra đời một album CD, anh đờn chánh độc chiếc và hòa tấu một số bài bản tài tử và cải lương thịnh hành với chủ đề “Những làn điệu phương Nam”. Anh đã cùng một số đồng nghiệp tham gia nhiều đợt biểu diễn từ thiện, tham gia sinh hoạt phong trào đờn ca tài tử ở địa phương. Đặc biệt, anh đã có những ý kiến thiết thực đóng góp cho hoạt động của Hội Người mù quận 10, TPHCM, và đã từng làm phó chủ tịch hội này hai nhiệm kỳ.

Nhạc sĩ Khải Hoàn đã được Nhà nước tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa” năm 1993 và đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Anh tâm sự: “Những gì mà tôi thành đạt như hôm nay, trước tiên là nhờ sự hỗ trợ và động viên tối đa của gia đình, sự quan tâm giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Nhà hát và các đồng nghiệp... Những ơn nghĩa đó càng thôi thúc tôi phải luôn luôn vươn lên làm đẹp cho đời...”. 



______________________________________________________
Nhạc sĩ Khải Hòan: Chiến sĩ thi đua cấp TP
Từ mấy chục năm nay SKCL có nhiều nhạc sĩ khiếm thị như: Văn Vĩ, Văn Giỏi, Văn Bền. Trong đó có nhạc sĩ Khải Hòan của đòan 2 – THT. Anh là nhạc sĩ có cái tâm và tài được hầu hết trong giới thương mến, nhiều năm liền trở thành một trong những gương mặt điển hình của nhà hát THT và năm qua anh đọat danh hiệu “chiến sĩ thi đua cấp TP”.

Cuộc đời anh lớn lên gắn liền với nghiệp dĩ có hơn 40 năm liên tục với Cải lương. Anh là một người khiếm thị bẩm sinh từ lúc năm tuổi, do căn bệnh đậu mùa cướp đi nguồn sáng của đời anh. Tuy vậy, bù lại là anh được thiên phú cho ''có tật có tài'' và rất được gia đình quan tâm. Năm bảy tuổi anh được gia đình cho đi học ở trường khiếm thị và học chữ cho đến hết bậc tú tài.



Trong thời gian học chữ, khi rảnh rỗi Khải Hoàn học đờn Guitar và Violon nhạc Tài tử - Cải lương với cố danh cầm Phi Long cho đến khi rành nghề.



Nhạc sĩ Khải Hoàn khởi nghiệp từ đoàn Cải lương Kim Chung 2 (1972) cho đến ngày giải phóng (1975). Sau đó, anh tiếp tục đờn chánh Guitar lõm qua các đoàn CL như Tân Dạ Lý, Long An l, Vàm Cỏ Nha Trang, Khánh Hồng An Giang, Sông Tiền... rồi về Nhà hát Trần Hữu Trang (Đoàn 2 - 1990) cho đến nay. Trong thời gian đi đờn cho các đoàn, Khải Hoàn tự sáng tạo một phong cách diễn tấu riêng cho mình; nghĩa là lối chạy chữ, nhấn nhá hoàn toàn mới lạ so với trước đó đã học thầy, cũng như khác với cách diễn tấu của nhiều danh cầm khác. Có lẽ, Khải Hoàn luôn diễn tấu bằng cảm xúc và thẩm âm từ tâm tấu, tuy anh không nhìn thấy những cung bậc (phím đờn) nhưng anh chạy ngón nhẹ nhàng và nhạy bén. Những âm thanh đầy đặn liền mạch nhau trong tiết tấu, huyền hoặc, nhặt khoan, trầm bổng... Nét riêng diễn tấu của nhạc sĩ Khải Hoàn là tiếng nhạc luôn mang âm hưởng của loại dây bán Ngân giang, nên âm sắc hòa quyện những thanh có độ vang hơn là trầm. Âm thanh ấy luôn du dương bay bổng, dù ở những thể điệu Nam - Oán vẫn cho người cảm nhận thanh âm rộng ràng. Cũng có lẽ cha mẹ anh sinh anh ra là để anh theo nghề đờn, nên anh không bị chi phối bởi hoàn cảnh hay số phận của mình; anh không nghĩ mình bất hạnh hơn bao người khác vì niềm hạnh phúc của anh là được làm nghề phục vụ cho bao người, bên cạnh là có đồng nghiệp quý mến, gia đình quan tâm chia sẻ ...



Do vậy, Khải Hoàn rất yên tâm mà trau dồi nghề nghiệp, tiếng đờn luôn trẻ trung như thái độ lạc quan của anh ''Nhạc là nhân'' và luôn có những sáng tạo chữ đờn mới. Anh chạy ngón rất nhanh lẹ và lanh nhưng không bị lệch âm, âm sắc trẻ trung mà không non chữ; đặc biệt, chữ ''xang'' của anh tuấn rất mùi mần nhưng không quá bi thảm; và lối ''rao đờn'' của anh khá cuốn hút người ca như NSƯT Thanh Kim Huệ và nhiều nghệ sĩ khác thường nói: ''Nhạc khi Khải Hoàn có lối rao đờn chọc ngứa người ta, nghe anh rao đờn là muốn ca liền...''.



Đó là cái tài và cái tâm của nhạc sĩ Khải Hoàn đối với cái nghiệp. Còn riêng về cá nhân anh, tuy khiếm thị nên việc đi lại cùng các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày tất nhiên là có nhiều hạn chế so với những người khác; thế nhưng, anh là một người luôn muốn hoạt động nhiều hơn để vượt lên số phận. Ngoài nhiệm vụ là nhạc trưởng của Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang, anh luôn hoàn thành trách nhiệm của mình với dàn nhạc và cùng tập thể hơn 20 năm lưu diễn trên mọi miền Tổ quốc, anh còn tham gia đờn chánh cho nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, hãng băng dĩa; phục vụ nhiều chương trình từ thiện xã hội mà không nhận thù lao... Với những đóng góp đó, năm 2009, 2010 nhạc sĩ Khải Hoàn được tập thể Nhà hát Trần Hữu Trang bầu danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND TP. HCM tặng bằng khen; năm 2011 vừa qua được bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, và được Đài HTV tặng kỷ niệm chương 5 năm ''Chuông vàng Vọng cổ''. Nhạc sĩ Khải Hoàn còn mở công ty riêng của anh ''Khải Hoàn Bảo'' chuyên săn xuất các chương trình ca nhạc, ca cổ, tài tử, Cải lương CD, VCD, DCD... trong những năm gần đây và hoạt động khá hiệu quả.



Trong năm vừa qua, Công ty của nhạc sĩ Khải Hoàn thu khoảng 30 vở Cải lương CD và VCD, một số vở mới, một số vở cũ nổi tiếng được tái dàn dựng như Tô ánh Nguyệt, Đời cô Lựu (của Trần Hữu Trang), Nửa đời hương phấn (Hà Triều - Hoa Phượng), Vợ tạm chồng hờ (Thế Châu - Nhị Kiều), Của trời cho (Đức Hiền), Lan và Điệp (Loan Thảo)...; và khoảng 150 bài Vọng cổ. Các sản phẩm của Công ty ''Khải Hoàn Bảo'', ngoài thu làm Album cho các nghệ sĩ, hầu hết là sản xuất chương trình cho nhiều Đài phát thanh và truyền hình các tỉnh thành phía Nam, như Đài TNND TP. HCM, HTV9, VTV, SCTV, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu... Và chính nhạc sĩ Khải Hoàn đờn chính Guitar lõm trong các chương trình này.



Theo nhạc sĩ Khải Hoàn cho biết, anh thành lập Công ty trước tiên là để tập sự nghề nghiệp cho con trai của anh (Hoàn Bảo), kế đến là tạo thêm hoạt động cho ban nhạc đồng nghiệp; không chỉ kinh doanh thuần túy mà còn gắn với ý nghĩa phục vụ - hỗ trợ thu chương trình cho các Đài PT&TH phục vụ công chúng; lối cùng là để chuẩn bị khi anh về hưu vẫn có cơ sở để tiếp tục làm sứ mệnh của kiếp con tằm cho đến cuối đời.
Theo: ngocanh
Nguồn tin: Báo sân khấu

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương