nhạc sĩ Ba Tu

Khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh, con đường mà các nghệ nhân chọn đã tỏa sáng, tạo thêm “lửa” để lan truyền trên thế giới.

Đệ nhất nguyệt cầm
Cuộc đời của NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu không mấy thăng trầm song niềm đam mê thì cứ bị thử thách bởi 2 chữ “tài tử” đã chỉ rõ công việc ông theo đuổi không dùng làm kế sinh nhai
NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu và cố Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ (hàng đầu) trong một buổi dạy đờn ca tài tử
NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu và cố Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ (hàng đầu) trong một buổi dạy đờn ca tài tử
Đôi lúc các nghệ nhân theo đuổi đờn ca tài tử (ĐCTT) bị cho là phí công, rỗi nghề nhưng không phải vì lời mỉa mai đó mà trình độ của người tài tử như ông Ba Tu (tên thật là Trương Văn Tự, SN 1938, quê Long An, hiện ở
TP HCM) thấp đi. Ông Ba Tu cho biết để trở thành người tài tử đúng nghĩa, phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu: Học từ chữ nhấn, chữ chuyền, ngón đờn sao cho mùi mẫn, cách“sắp chữ” khi ca sao cho đẹp và luôn tạo một phong cách riêng.
Chữ tài không gắn chữ tai
Ông Ba Tu sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Thấy vậy, cha ông đã tìm thầy về dạy cho con. Từ đó, ban ngày ông học chữ, đêm đến lại làm quen với cây đờn kìm (nguyệt cầm) dưới sự hướng dẫn của thầy Chín Phàn. Những thanh âm khi trầm bổng, lúc réo rắt nhặt khoan từ loại nhạc cụ ít phím hiếm dây này (2 dây, 9 phím) đã mê hoặc và thấm đẫm tâm hồn Ba Tu. “Thầy tôi thường nói đam mê là một chuyện nhưng điều cần có của một người học ĐCTT là phải sáng dạ” - ông Ba Tu kể. Ghi nhớ lời thầy dạy, Ba Tu luôn lắng nghe, quan sát những buổi ĐCTT mà cha và thầy ông mời các nghệ nhân đến chơi. Cứ thế, tâm hồn Ba Tu bị chiếm bởi những ngón đờn tranh của nghệ nhân Bảy Quế và lối chơi đờn cò độc đáo của nghệ nhân Hai Võ. “Những thanh âm đó đã mê đắm, da diết, vỗ về như mạch ngầm phù sa quyện vào lòng sông vun đắp cho một chặng đường 11 năm học ĐCTT của tôi” - ông Ba Tu cho biết.
Với NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu, người có máu đam mê ĐCTT thì phải xác định rằng “chữ tài không gắn với chữ tai”, nghĩa là không ỷ tài mà gây sự, làm mờ nhạt ý nghĩa vô giá của môn nghệ thuật này. “Mặc dù tôi đã thuộc nằm lòng 20 bài bản tổ của ĐCTT nhưng cha vẫn yêu cầu phải luyện ngón đờn kìm ngày thêm già dặn ở cả 3 trường phái nhạc lễ, tài tử và cải lương. Đặc biệt, phải tu tâm, tu dưỡng nghề dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào” - ông Ba Tu nhớ như in lời cha dạy.
Lăn lộn nhưng không biến chất
Là người gắn bó máu thịt với ĐCTT, NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu đã từng trải qua nhiều đoàn hát. Theo soạn giả Kiên Giang, từ ĐCTT đến với sân khấu cải lương, Ba Tu là điểm tựa vững chắc cho dàn nhạc cổ thời đó, để ứng biến thăng hoa của ĐCTT đi vào niêm luật, quy củ của dàn nhạc cổ cải lương. Những năm 1960, Ba Tu tham gia Đoàn Cải lương Phước Thành, sau đó về Đoàn Cải lương Tuồng cổ Minh Tơ. Sau năm 1975, ông lần lượt tham gia Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Nhà hát Trần Hữu Trang cho đến khi nghỉ hưu. “Thông thường, mỗi người chỉ thuần thục một ngón nghề, còn với Ba Tu thì thể nào trong nhạc tài tử, cải lương cũng đều là sở trường cả” - soạn giả Kiên Giang nhận xét.
Lăn lộn với nhiều gánh hát nhưng NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu không để chất ĐCTT trong ông biến dạng. Theo ông, khi cầm đờn đòi hỏi nghệ nhân phải có tâm, coi là tâm tấu. Không chỉ thuộc lòng bản, nghệ nhân phải nhấn nhá từng chữ nhạc sao cho thật chuẩn xác và truyền đến người ca, người nghe. Ngày xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) hay ngũ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc, sáo) thì đờn kìm vẫn giữ vai trò lĩnh xướng. Trong nhạc tài tử cải lương, bài bản dựa vào chữ nhạc chính từ cung bậc của đờn kìm; người học ca, các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của cây đờn này. Vì vậy, cây đờn kìm được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ. Được giới ĐCTT và sân khấu cải lương gọi là đệ nhất nguyệt cầm, tên tuổi của NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu đã gắn liền với tiếng đờn kìm như máu thịt. Tư thế ngồi đờn của ông cũng khác biệt, lúc nào tâm trạng cũng đĩnh đạc như người quân tử. Vì vậy, tiếng đờn kìm của ông còn là tiếng lòng của “quân tử cầm”.
Theo NSND Viễn Châu, người đờn phải khổ luyện cho thành phong cách thì mới có được mệnh danh này. Ba Tu nhấn chữ xang nức nở như người đang có tâm sự kể lên nỗi lòng mình. Còn khi Ba Tu đờn vọng cổ, nét nhấn nhá có nhiều chữ mới, luyến láy duyên dáng, các thể điệu Bắc thì rất hùng tráng, các bài Nam - Oán cực kỳ mùi mẫn. Trong khi đó, NSND Ngọc Giàu thì rất thán phục ngón đờn của ông: “Tiếng đờn của anh Ba Tu đầy kịch tính, làm cho người nghệ sĩ cảm thấy có sự cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm bài hát”.


Truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ
Với các phong trào ĐCTT, NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu có nhiều công lao khi đã đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ. Những ai đam mê học đờn kìm, ông đều phân tích cặn kẽ, chỉ dẫn hết sức chu đáo để họ có được những kiến thức và lĩnh hội nơi ông niềm đam mê cháy bỏng.
Các nghệ nhân đi theo con đường của NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu, truyền đạt kinh nghiệm ĐCTT cho thế hệ trẻ, phải nhắc đến Hoàng Tấn, Lê Khắc Tùng (Thanh Tùng), Phương Thảo, Tấn Chương, Út Khị…

Bài và ảnh: Thanh Hiệp
__________________________________________________________________________________

NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu là người lớn tuổi nhất trong đoàn nghệ nhân Việt Nam có mặt tại Baku (Azerbaijan) để cùng các thế hệ nghệ sĩ con cháu trổ hết các ngón nghề của đờn ca tài tử làm say lòng tất cả các đại biểu năm châu và các nhà báo quốc tế tham dự cuộc họp xét duyệt của UNESCO.

15 giờ 47 (giờ Việt Nam) ngày 5.12.2013, ông H.E Abulfas Garayev - Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Azerbaijan (đại diện tổ chức UNESCO), gõ búa chính thức công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là giây phút không bao giờ quên của NSƯT - nhạc sĩ Ba Tu. Ông bảo rằng ngay khi tiếng búa vừa gõ xong, những nghệ nhân Việt Nam ôm chầm lấy nhau. Ông (gần 80 tuổi) khăn đóng, áo the, mái tóc bạc phơ bên những mái đầu còn rất xanh như các nghệ sĩ Hải Phượng, Lê Tứ và cả Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái… ai cũng muốn bật khóc.
Cuộc đời và tên tuổi của NSƯT Ba Tu gắn liền với cây đờn kìm (nguyệt cầm) như máu thịt. Ngón đờn của ông hay đến nỗi được giới đờn ca tài tử xưng tụng là “đệ nhất nguyệt cầm”. Cây đờn kìm (2 dây, 8 phím) vốn được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ cổ nhạc bởi ngày xưa dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) hoặc ngũ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc, sáo) thì lúc nào đờn kìm cũng giữ vai trò lĩnh xướng. Ngay cả trong cải lương thì bài bản cũng dựa vào chữ nhạc của cây đờn kìm. Thế cho nên, để được người trong giới tôn xưng là “đệ nhất nguyệt cầm” chắc chắn ngón đờn của NSƯT Ba Tu phải khiến người ta “tâm phục, khẩu phục”. Soạn giả Bảy Viễn từng nhận xét: “Ba Tu nhấn chữ xang nức nở như người có tâm sự đang kể lể lòng mình. Còn khi Ba Tu đờn vọng cổ nét nhấn nhá có nhiều chữ mới, luyến láy duyên dáng, điệu bắc thì hùng tráng, các bài nam - oán thì cực kỳ mùi mẫn…”.
NSƯT Ba Tu tên thật là Trương Văn Tự, sinh năm 1936, tại Long An. Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu chơi cổ nhạc nên cha ông rước thầy về dạy nhạc cho ông. Ban ngày học chữ, ban đêm học đờn kìm với thầy Chín Phàn. Ông kể rằng, ngày đó ông ôm cây đờn mà vành đờn chạm đến cằm (vì ông còn nhỏ quá). Dạy trống nhạc lễ, thầy phải lấy vải dày trùm mặt trống để tiếng trống chỉ còn vừa đủ hai thầy trò nghe, không làm phiền hàng xóm về đêm. Thỉnh thoảng cha ông và thầy Chín Phàn lại mời các nghệ nhân quanh vùng đến hòa đờn. Ông rất sáng dạ nên để ý quan sát và chăm chú lắng nghe ngón đờn tranh của nghệ nhân Bảy Quế, ngón đờn cò của Hai Võ… rồi chú tâm luyện tập. Ông bảo: “Phải biết học từ chữ nhấn, chữ chuyền để ngón đờn sao cho mùi mẫn, cách “sắp chữ” để ca sao cho đẹp, tạo được một phong cách riêng...”.
Cây đờn cứu mạng
Năm 17 tuổi, Ba Tu đã đờn rất khá, được thầy tin tưởng cho hòa đờn chung. Ngày ấy, người ta rất coi trọng đờn ca tài tử, thường mời ngồi vào những chỗ danh dự nhất trong các cuộc đình đám hội hè, và chỉ có những nhà giàu mới mời được ban nhạc tới chơi (không như những hình ảnh đờn ca tài tử ngồi lây lất dưới những gốc cây trong vườn thường thấy hiện nay). Hôm đó, nhà ông Quản Khá có đám cưới, mời ban nhạc, ông được thầy cho đi theo để chơi đờn kìm, còn thầy Chín Phàn thủ cây ghi ta phím lõm, thầy Bảy Quế (đờn tranh) và sư bá Năm Giai (đờn cò). Chủ nhà kê một bộ ngựa, trải chiếu hoa rất trang trọng để các “thầy đờn” ngồi. Chưa đến lúc hòa đờn, các thầy ngồi giải lao ở bàn nước. Thầy Chín Phàn bảo ông: “Con lên bộ ván ngồi trước, chờ các thầy”. Ông vâng lời ngồi vào chiếu hoa nhưng ông chủ nhà lại tưởng thằng con nít nào hỗn hào ngồi vào chỗ danh dự nên nắm tóc ông kéo xuống. Thầy ông phải chạy tới can thiệp: “Ông Quản ơi, đây là người trong ban nhạc tui!”. Vậy là cậu thiếu niên Ba Tu được ngồi hòa đờn với các bậc thúc bá nhưng mái tóc thì dựng đứng lên vì trước khi đi cậu có chải tóc bằng dầu bóng bi-ăng-tin (như keo xịt tóc bây giờ), nhưng ông Quản Khá kéo lên nên nó không chịu nằm xuống.
Một kỷ niệm nhớ đời nữa là có lần ông cùng thầy Chín Phàn chèo xuồng qua Vàm Từng (đoạn sông Xoài Rạp đổ ra cửa biển, nằm giữa hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước của Long An) để qua ấp Bà Thoại chơi đờn đám cưới. Xuồng ra giữa vàm, gió nổi lên dữ quá, thổi xuồng lật úp. May nhờ có cây đờn kìm của trò và cây ghi ta phím lõm của thầy nổi lên như cái phao để thầy trò bám lấy, chới với giữa sông chờ người trong bờ chèo đò ra vớt...
Hà Đình Nguyên

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương