Nhạc sĩ Hoàng Thành: Tay đờn – tay viết

Hình ảnh


Từ năm 1975 đến nay, anh là một trong những danh cầm kỳ cựu và dường như cả đời của nhạc sĩ Hoàng Thành vẫn chưa trả hết “nợ dâu”? Bởi lẽ, từ tuổi thơ của anh cho đến mái đầu đã bạc, cuộc đời anh luôn gắn liền với tiếng nhạc. Mấy chục năm qua, anh lại còn sáng tác vọng cổ và kịch bản cải lương nữa. Là một trong những nhạc sĩ “Tay đờn tay viết”, cống hiến trọn kiếp “con tầm” cho nghiệp dĩ.

Cậu bé Lê Văn Thuận chào đời ở vùng Chợ Lớn (1949) và tuổi thơ của cậu không may, sớm gặp bất hạnh. Mới vừa hai tuổi, khi mới chập chững những bước đi đầu đời thì cơn sốt bại liệt đã vô tình cướp đi đôi chân của cậu. Cái tuổi hồn nhiên ấy, chưa biết phải làm gì cho tương lai, nhưng tâm hồn ngây thơ đã biết đắm say tiếng đờn ca vọng cổ, nhất là khi nhạc sĩ Văn Bông ở gần nhà có nhã ý dạy đờn cho Thuận.

Gia đình cũng cảm thấy vơi đi phần nào nỗi buồn cho số phần của bé Thuận, khi thấy Thuận thích thú hồn nhiên ngày ngày bên cây đờn guitar phím lõm với nhạc sĩ Văn Bông. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ, làm sao cho bé Thuận vui chơi để bù đắp sự khiếm khuyết của bé là chính, nhưng không ngờ sau này lại là cái nghiệp của Thuận, tức nhạc sĩ Hoàng Thành.

Chính nhạc sĩ văn Bông là người thầy đầu tiên mở đường cho anh vào nghiệp dĩ. Anh được nhạc sĩ Văn Bông truyền dạy câu vọng cổ không bao lâu mà ngón đờn của anh tươi ngọt lạ thừơng và duờng như ngừơi có tật thiên lại phú cho cái tài thì phải. Thấy thế, nhạc sĩ Văn Đặng dạy cho 6 bản Bắc, rồi nhạc sĩ Minh Phụng dạy anh 3 bản nam. Lúc này mới hơn mười tuổi, nhưng nhiều cuộc đờn ca tài tử trong vùng Chợ Lớn đều có mặt cậu Thuận thủ đờn guitar lõm. Một hôm trong cuộc đờn ca, nhạc sĩ Bảy Tuất phát hiện ngón đờn trẻ triển vọng của Thuận, ông thương mến và cảm thông hoàn cảnh, nên nhận làm đệ tử. Ông dạy thêm các bài bản lớn, có cuộc đờn ca lớn là ông dẫn Thuận đi theo để luyện nghề với các nghệ nhân, những buổi tập tuồng ở đoàn hát ông cũng dẫn cậu theo để dợt nghề. Khi sự kìm cặp đến độ chín muồi, nhạc sĩ Bảy Tuất đưa Thuận vào đờn chính thức cho gánh hát. Nhạc sĩ Bảy Tuất là người thầy thứ tư, là ân sư đã dìu dắt anh vào SKCL chuyên nghiệp (1963).

BÓNG TỐI VÀ ÁNH SÁNG

Lần đầu tiên Hoàng Thành đờn cho sân khấu cải lương (SKCL) chuyên nghiệp, đó là gánh Bình Minh. Anh vẫn còn nhớ, tâm trạng lúc đó rất khó tả, niềm vui hạnh phúc tràn ngập nhất là ước mơ được đờn trên sân khấu đã thành hiện thực. Vì thế, những lúc thăng trầm theo nghề buồn vui lẫn lộn, nhớ cái thuở ban đầu ấy như một ánh hào quang để an ủi cho suốt một chặng đường dài mà anh theo đuổi và anh đã thành đạt.

Hơn mười năm trên SKCL Sài Gòn trước 1975, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng được nhiều đại bang cải lương đương thời và hãng dĩa chú ý như Sao Ngàn Phương, Tân Hoa Lan ÚT BẠCH LAN, Tấn Tài - Thành Được, Việt Nam (của Minh Vương)... các hãng dĩa: Tân thanh, Hồng Hoa, Quê Hương... và Đài phát thanh Sài Gòn. Không bao lâu, anh lại được soạn giả Xuân Phát (Giám đốc hãng dĩa Tân Thanh) giới thiệu đờn cho công ty Kim Chung và chính xuân Phát đặt cho anh nghệ danh Hoàng Thành từ đó. Nổi nhất lúc này, cũng là cái mốc công chúng biết đến tên tuổi Hoàng Thành qua bài vọng cổ ''Danh nghĩa với tiền tài'' do Thành Được ca ở hãng dĩa Tân Thanh và Đài phát thanh Sài Gòn. Một số nghệ sĩ tài danh kể lại, hồi đó nhạc sĩ Hoàng Thành đờn tuy chưa sắc xảo lắm, nhưng ngón tươi và mùi, với lối đờn vỗ êm rất dễ ca, nên hầu hết các nghệ sĩ ''chịu'' tiếng đờn của Hoàng Thành.

Một kỷ niệm đã thành dấu ấn trong đời, là năm anh gặp NSUT Mỹ Châu, lúc ở Đoàn Sài Gòn II, tập vở ''Tìm lại cuộc đời'', hơi NSUT Mỹ Châu khá lạ, không lên thẳng dây ''Hò tư” mà chị ca hơi ngang, nên lúc đó nhạc sĩ Hoàng Thành nhạy bén bảng sự cảm âm của mình mà sáng tạo lấy cung ''Oan'' làm ''Hò'' chính cho Mỹ Châu xuống vọng cổ. Từ ''Oan'' đến ''Hò tu', cách nhau một bậc về cao độ (một cung) chưa có tên gọi chính thức, nên anh và trong giới gọi là ''Dây Mỹ Châu''. Loại dây này có âm hưởng vừa rộn ràng khi dứt ''Cống'' và ''Xê'', vừa đằm thắm khi xuống ''Hò'' và ''Xề” có lẽ từ sự cảm âm của nhạc sĩ Hoàng Thành với giọng ca của NSUT Mỹ Châu đã tạo nên âm sắc huyền diệu của kiểu dây mới này.

TAY ĐỜN TAY VIẾT

sau 1975, nhạc sĩ Hoàng Thành đờn chánh và làm trưởng ban nhạc của Đoàn cải lương tập thể Sài Gòn hơn mười năm, rồi về Đoàn II của Nhà hát Trần Hữu Trang cũng khoảng mười năm. Từ SKCL, tên tuổi Hoàng Thành càng rực rỡ hơn, nhất là giai đoạn hoàng kim 15 năm của SKCL (1975- 1990). Lúc bấy giờ, những vở cải lương nổi tiếng của Sài Gòn II, ngoài các tác giả, diễn viên... khán giả còn rất mến mộ tiếng đờn của Hoàng thành, như vở: Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa...

Nổi bật của Hoàng Thành lúc này nhiều chiêu thức độc đáo: lối rao mùi mẫn và rất gợi cảm, nhiều người ngoài giới biết ca thừơng nói ''Nghe tiếng rao của Hoàng Thành là ngứa cổ muốn ca liền'', huống chi ngừơi trong giới. Khi rao đờn, anh thường bắt đầu vô ''Xề'' nhấn ''Xang'' về '' Hò'', chỉ mấy chữ nhạc ấy mà làm rung cảm biết bao trái tim người mộ điệu, lúc đó khá nhiều ngón đờn nghiệp dư cũng ảnh hưởng lối rao này của Hoàng Thành. Đờn vọng cổ, các thể điệu Nam - Oán trong cải lương Hoàng Thành đờn càng ngọt ngào hơn, nhất là lớp Xế Xàng trong ''Tìm lại cuộc đời” Văn Thiên Tường lớp dựng trong ''Khách sạn hào Hoa'' anh nắn nót tùng chữ theo lời ca của diễn viên, tiếng nhạc nức nở như tiếng lòng của nhân vật vậy. Vẫn lối đờn mùi và êm như ngày xưa, nhưng qua nhiều năm tháng với ánh đèn sân khấu, làm cho tiếng đờn Hoàng thành càng sâu lắng hơn, trầm tĩnh và rất điệu nghệ.

Vẫn tiếng đờn ấy, mấy chục năm qua người ta không cảm thấy xa lạ khi anh xuất hiện trên nhiều Đài PT và TH, như các chương trình truyền hình trực tiếp: Vầng trăng cổ nhạc (HTV), Đêm biển hẹn (Bà Rịa-VũngTàu), Nghệ sĩ và tri âm (Long An), Tiếng vọng quê hương (miền tây)... đặc biệt, tiếng đờn của anh còn góp phần quan trọng trong hai vở cải lương đoạt Huy chương vàng - Liên hoan truyền hình toàn quốc: Tô Hiến Thành xử án và Bão táp nguyên phong của Đài PTTH Cần Thơ.

Từ năm 1980, nhạc sĩ Hoàng Thành lại cầm viết sáng tác vọng cổ và kịch bản cải lương. Phong cách văn chương của anh cũng không khác gì phong cách diễn tấu guitar vậy ''Nhạc là nhân, văn cũng là nhân'', vần điệu suôn sẻ, ngôn từ mộc mạc chân phương nhưng giàu cảm xúc và trữ tình. Một số bài tân cổ giao duyên của anh khá quen thuộc qua Đài và băng dĩa như: Ra giêng cưới em (Châu Thanh - Cẩm Tiên ca), Giăng câu (Linh vương - Cẩm Tiên ca), Tự tình lý cây bông (Thoại Mỹ ca), Nỗi buồn chim sáo (Phượng Hằng ca), Tâm sự đời tôi (Châu Thanh ca)... Đến năm 1990, anh bắt đầu sáng tác kịch bản cải lương, hầu hết các tác phẩm được dàn dựng thành cải lương video như: Vì sao anh mất, Bến bờ xa lắc, Ngày trở về chưa muộn, Duyên nợ tái sinh...

Gần trọn một đời với nghiệp Tổ, tuổi đã xấp xỉ lục tuần mà ngón đờn vẫn còn khá phong độ, ngoài cộng tác viên thường trực cho Đài TH-TPHCM, hàng ngày anh vẫn đắt show. Tuy là vậy nhưng anh vẫn cảm thấy buồn và thiếu vắng một cái gì đó rất lớn lao trong cuộc đời làm nghề, đó là đêm đêm không còn cảnh ngồi đờn dưới ánh đèn sân khấu và lưu diễn đó dây như một thời vang bóng...

Đỗ Dũng

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương