Vắng bóng danh ca

Sân khấu cải lương đang vắng dần khán giả. Đây là thực trạng ai cũng thấy rõ. Nhiều nguyên nhân, giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, có một nguyên nhân dễ thấy nhất là 5 thập niên qua cải lương không có danh ca

Hiện nay, ngẫm đi ngẫm lại những cái tên được tôn vinh danh ca và tạo dấu ấn trong lòng khán giả chỉ có NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Minh Vương, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu… Tất cả họ đều là bậc “trưởng bối” trong nghệ thuật sân khấu. “Tre già nhưng măng chưa mọc” là điều đáng lo ngại. Nhiều người cho rằng danh ca có thể đào tạo bằng trường lớp. Vì thế cứ cho đi học ở trường là có được danh ca. Thực tế lại chứng minh ngược lại.

Đào tạo là có?

Trường lớp có thể cho “ra lò” nghệ sĩ hát cải lương. Tuy nhiên, để tạo ra danh ca là chuyện không thể. Vì để trở thành danh ca, ngoài yếu tố năng khiếu, quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm còn cần sự chứng nhận của giới mộ điệu.

Hình ảnh
Từ trái sang: NSƯT Lệ Thủy, NSND Thanh Tòng, NSƯT Nam Hùng trong vở Giấc mộng đêm xuân


Nhìn lại thế hệ vàng sân khấu cải lương trước đây có thể thấy cách thể hiện chất giọng của họ không nằm nhiều ở kỹ thuật mà chủ yếu là ca chân phương, rõ chữ, đầy hơi. Cái chuẩn của cách ca vọng cổ chính là yếu tố mộc mạc, giàu cảm xúc.

Như với cách ca của cố NSND Út Trà Ôn, chỉ với hai bài vọng cổ nhịp 16 Tôn Tẩn giả điên và Tình anh bán chiếu đã được nhận xét là mang lại hơi hướng mới, giàu tiềm năng.

“Chính vì không có ai khám phá cách như anh Mười (tên gọi thân quen mà giới sân khấu gọi cố NSND Út Trà Ôn) nên anh mới là người tiên phong ca tiết tấu nhanh, vuốt chữ hò, liu, xang nhẹ nhàng. Chính những dấu nhấn ấn tượng của anh đã làm cho câu vọng cổ thanh thoát, rứt khỏi nét bi lụy theo kiểu ca chậm chạp của nhịp 8 như ông Tám Thưa, cô Tư Sạng, cô Năm Cần Thơ, ông Năm Nghĩa đã ca trước đó” - soạn giả Kiên Giang khẳng định.

Sau cố NSND Út Trà Ôn, các nghệ sĩ được công chúng yêu mến, công nhận danh ca là NSƯT Út Bạch Lan, cố NSƯT Thanh Nga, cố nghệ sĩ Thanh Hương, cố nghệ sĩ Hữu Phước, nghệ sĩ Thành Được, Minh Cảnh, Thanh Hải, Hồng Nga, Thanh Nguyệt, cố nghệ sĩ Tấn Tài… Họ đều đến với nghề từ sự nghèo khó, phấn đấu học nghề nuôi sống bản thân và gia đình.

Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: “Thời đó bệ phóng của các tài năng chính là các cánh gà sân khấu. Họ vào đoàn hát học lóm người đi trước, rồi tìm cách riêng của mình mà đi lên. Họ học mãi rồi thành nghề. Có thể nói mỗi danh ca có người thầy, thầy tuồng (ngày nay là đạo diễn) và thầy đờn (dàn nhạc cụ trong mỗi đoàn hát). Người thầy thứ ba khắt khe hơn chính là công chúng”.

Trả cải lương về chuẩn mực

Thời gian qua, một số giọng ca hay được biết đến qua cuộc thi trên truyền hình, truyền thanh nhưng con đường đưa họ trở thành danh ca bị tắc nghẽn giữa chừng, có người rời khỏi sân khấu chuyên nghiệp. Phân tích điều này, soạn giả Viễn Châu khẳng định: “Vì họ bị rơi vào cái thế rời bỏ sự chuẩn mực của cách ca vọng cổ”.

Vậy chuẩn mực bắt đầu từ tiêu chí nào? NSND Thanh Tòng cho biết: “Dàn nhạc cổ chính là thước đo chuẩn mực của một danh ca. Ngày nay dàn nhạc cổ bị xem là thứ phụ, máy MD, thu âm phần nhạc có tiện lợi nhưng là sự hạn chế khó thể mang lại sự chuyên nghiệp trong ca diễn”.

Theo NSND Thanh Tòng, một số nghệ sĩ trẻ còn buộc dàn nhạc theo mình, tác giả bị sửa lời ca, muốn ca hơi dài thì tùy hứng, muốn viết thêm vài trăm chữ cho một câu vô vọng cổ là tùy thích. Từ 7 nhạc cụ trong một dàn nhạc cơ bản: kìm, cò, guitar phím lõm, sáo, tranh, bầu, trống, nay gia giảm chỉ còn 4, thậm chí còn 3. Như vậy, diễn viên trẻ nào muốn có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm trở thành danh ca đã không có điều kiện để trau dồi khi mà đàn organ thay thế cả tiếng kìm, bầu, sáo, tranh.

“Dì ruột của tôi, bà Năm Phỉ, ngày xưa nếu thiếu tiếng đờn cò của anh Chín Trích (thân phụ nghệ sĩ Tú Trinh) thì bà ca không hay. Có suất hát phải trả vé nếu dượng Chín (ông là chồng của bà Chín Bia, em ruột cố NSND Bảy Nam) của tôi bị bệnh phải nghỉ ở nhà. Nói như thế để biết tìm một danh ca thời nay rất khó khi mà người hát xem nhẹ người đờn”- NSƯT Kim Cương chia sẻ.
Tác giả Lê Duy Hạnh tin tưởng nếu trả bài vọng cổ về đúng với chuẩn mực của nó, tức là quy định chặt cách ca, cách thể hiện với dàn nhạc, qua đó chọn ra những mầm non nổi trội để uốn nắn thành danh ca. Đường đi đúng tất sẽ nhận được sự tán đồng của công chúng.

Tìm đâu thế hệ vàng sân khấu cải lương


LTS: Hiện tượng thiếu vắng các danh ca đang làm “đau đầu” những người tâm huyết với sân khấu cải lương. Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài “Tìm đâu thế hệ vàng sân khấu cải lương” nhằm tạo nhịp cầu cho nhà quản lý, các nghệ sĩ và khán giả mộ điệu cùng thảo luận thực trạng và giải pháp giúp cải lương thoát khỏi tình trạng “khát” danh ca

“60% thành công của danh ca nhờ dàn nhạc cổ”


NSƯT - nhạc sĩ Thanh Hải cho biết thêm chuẩn mực của dàn nhạc cổ có thứ bậc trong cách thể hiện. Không phải ngẫu nhiên mà cây đờn kìm lại được xếp đầu tiên. Nó như vị nhạc trưởng khó tính, cầm nhịp đều các cây khác hòa điệu, phối ngẫu. Người chơi đờn ca tài tử hay chưa chắc vào dàn nhạc cải lương mà sử dụng được ngón đờn. Một bên vận dụng tính ngẫu hứng còn một bên ngẫu hứng theo nguyên tắc. Đó là bám đúng theo yêu cầu kịch bản. Các cụ ngày xưa khi lập đoàn hát đều trả giá rất cao với dàn nhạc cổ vì họ xác định đúng giá trị của thành công nằm 60% ở dàn nhạc cổ tạo nên nét riêng cho từng “thương hiệu”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp - Theo NLĐO



Ngoại tuyến
 Xem thông tin cá nhân Gửi tin nhắn Gửi email  
 
 Tiêu đề bài viết: Re: Vắng bóng danh ca
Gửi bàiĐã gửi: T.Sáu Tháng 10 07, 2011 12:14 pm 
Forum Mod

Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 4 14, 2007 2:47 pm
Bài viết: 5658
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh
Đã tặng THANKS: 5011 lần
Đã nhận THANKS: 6002 lần
Bài viết này honglien đã nhận được THANKS của thành viên : TamTran


Để không còn “khát” danh ca


Theo các nhà chuyên môn, để đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim thì cần phải tạo chuẩn mực cho cải lương nhằm tìm kiếm danh ca. Bên cạnh đó, tự thân mỗi nghệ sĩ trẻ phải nhiệt tình, dồn sức cho con đường nghệ thuật.

Hình ảnh
NSƯT Ngọc Giàu và nghệ sĩ Tâm Tâm trong vở Tấm lòng của biển


Danh ca thường để đời với bài ca cổ hoặc những vai tuồng bất hủ. Điều đó có nghĩa ngoài tài năng thiên bẩm, họ cũng nhờ soạn giả đo ni đóng giày cho từng nhân vật, sáng tác được bài ca cổ hay, đúng sở trường mà làm nên tên tuổi, khẳng định nghệ danh. Nhưng trên hết, nghệ sĩ không thể thiếu lòng đam mê nghề, thậm chí sống chết với nghề, trước khi đòi hỏi có sự nâng đỡ.

Khác biệt nhờ sáng tạo

NSƯT Minh Vương kể lại: “Năm 1964, tôi đoạt giải Khôi Nguyên vọng cổ, cuộc thi do báo giới Sài Gòn tổ chức. Sau đó, tôi về Công ty Kim Chung làm diễn viên chuyên nghiệp. Ngày đầu tiên vào rạp Đại Đồng xem các nghệ sĩ tập tuồng, nghệ sĩ Lệ Thủy đề nghị tôi tham gia diễn vai con của chị. Do tự ái, tôi từ chối. Liền sau đó, tôi bị thầy là nhạc sĩ Bảy Trạch giáo huấn. Theo ông, nghệ sĩ trẻ mới vô nghề, đã chấp nhận theo nghề hát thì vai gì cũng đóng để học hỏi kinh nghiệm”. Ngày nay, không ít trường hợp nghệ sĩ trẻ khi đoạt giải thưởng cao đã vội lắc đầu hoặc đòi hỏi phải sửa lại kịch bản, viết thêm bài ca mới nhận vai.

Theo lời đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu, ngày nay, việc dựng cải lương khó hơn thế hệ vàng trước đây, vì nghệ sĩ cứ nghĩ mình là ngôi sao nên việc chịu thâm nhập tính cách nhân vật của họ hết sức hạn chế. Hiện tượng thiếu thế hệ vàng cho sân khấu cải lương hôm nay một phần chính là thái độ thờ ơ của nhiều nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật.

Hình ảnh
NSƯT Lệ Thủy và NS Kiều Phượng Loan trong vở Hoa Mộc Lan


Bên cạnh việc cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nghệ sĩ trẻ còn cần đầu tư sáng tạo để tìm kiếm nét riêng cho bản thân. Bởi chỉ có nét riêng tạo sự khác biệt mới giúp giọng ca của họ đi vào lòng khán giả.

Những suất diễn của Sân khấu Vàng sau này, nơi 2 nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy tập hợp hầu hết danh ca cùng thời, dù biểu diễn trích đoạn cũ vẫn đông người xem. Và không ít khán giả đã thốt lên rằng: “Vào nghe ca cũng đáng đồng tiền bát gạo. Trên thực tế, không một danh ca nào bị lẫn vào nhau. Chỉ cần nghe một câu nói lối đã nhận biết đó là chất giọng của nghệ sĩ nào.

NSƯT Bạch Tuyết từng nói: “Tôi chưa phải là một danh ca nhưng tôi vẫn thích nghiên cứu cách ca rất riêng của mình. Chính tôi thẩm định lại hiệu quả của câu vọng cổ mình thể hiện, rồi qua nhận xét của những người đi trước, tôi biết mình cần phát huy điểm nào và loại bỏ những hạn chế nào”. Còn với NSƯT Lệ Thủy thì “Xem trọng phong cách riêng là cách để giữ được ưu thế của mình. Tôi được nhận xét có làn hơi kim pha thổ, chính vì thế vai tuồng nào, bài ca nào cần sự mộc mạc, dung dị là đúng chất giọng của tôi”.

Bệ phóng cho nghệ sĩ trẻ

Để có được thế hệ vàng, những danh ca tên tuổi lừng lẫy từng là “bảo chứng” cho các phòng vé sân khấu như từng có, thiết nghĩ các cơ quan Nhà nước, giới chuyên môn cần đầu tư bệ phóng để nghệ sĩ trẻ phát huy khả năng.

Quan trọng nhất là nhanh chóng cải tổ các nhà hát, rạp hát, nâng cấp hiệu quả việc quản lý nghệ thuật biểu diễn, trả lại cho cải lương những chuẩn mực nhất định. Chính những yếu tố tích cực đó sẽ tác động đến thái độ làm nghề của nghệ sĩ, cho họ cơ sở để củng cố niềm tin.

Hình ảnh
NS Ngọc Nuôi, Thành Được và NSƯT Út Bạch Lan trong trích đoạn Nửa đời hương phấn


Soạn giả Hoàng Song Việt, người 10 năm qua vẫn duy trì hoạt động biểu diễn cho 40 diễn viên trẻ đã từng đoạt HCV các cuộc thi tuyển chọn diễn viên, từ giải Trần Hữu Trang cho đến Chuông vàng, Bông lúa vàng, nói: “Bây giờ diễn mỗi suất phải thanh toán tiền rạp 10 triệu đồng. Dù bán 10 vé chúng tôi vẫn mở màn. Nhóm Thắp sáng niềm tin đã bền bỉ làm sáng đèn hàng suất hát trong sự hy vọng, chưa bao giờ nản lòng. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để làm tốt hơn những chuẩn mực của nghề. Nhưng rồi sẽ về đâu nếu cứ tiếp tục thắp sáng niềm tin theo kiểu tự bơi như hiện nay?”.

Sắp tới, Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức mùa giải Trần Hữu Trang 2011, công việc chọn lựa những tài năng trẻ cho sân khấu chuyên nghiệp đã được khởi động. Không giấu được niềm vui, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: “Năm nay, Đài Truyền hình TPHCM sẽ vào cuộc với chúng tôi, hứa hẹn tạo được hiệu quả khi cuộc thi được tổ chức sơ tuyển tại nhiều địa phương và vòng bán kết, chung kết sẽ được HTV truyền hình trực tiếp. Hướng đi mới này sẽ tạo được hiệu ứng để các diễn viên trẻ tham gia có thêm cơ hội phấn đấu theo con đường chuyên nghiệp”.

Lúc này không cần phân tích lỗi tại ai, vấn đề quan trọng và thiết thực nhất là phải tìm lối đi đúng hướng cho những tài năng trẻ. “Họ không được học bên cánh gà thì phải được học ở nhà trường” - NSND Huỳnh Nga chia sẻ, “chứ để họ tự bơi, tự tìm hướng đi sẽ là điều thiếu sót của chúng ta đối với sân khấu cải lương”.

Sẽ chết nếu thiếu thế hệ kế thừa

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cải cách sân khấu biểu diễn cải lương chính là đi sâu vào từng khuyết điểm để củng cố, bổ sung và mạnh dạn sàng lọc. Cách tổ chức khán giả, nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết của nghệ sĩ trẻ là vấn đề quan trọng. Chính vì nhìn thấy những việc cần phải làm để xây dựng sân khấu dân tộc đậm đà bản sắc văn hóa Việt, Ban bí thư Trung ương Đảng đã quyết định chọn ngày 12-8 âm lịch hằng năm làm ngày Sân khấu Truyền thống Việt Nam. Từ những chuẩn mực mang tính truyền thống mà ông cha để lại, thế hệ sau biết kế thừa và phát huy một cách hiệu quả. Phải chuẩn bị ngay thế hệ kế thừa, thế hệ vàng của sân khấu truyền thống chứ không riêng gì bộ môn cải lương.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp - Theo NLĐO

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương