Nước mắt nghệ sĩ sau ánh hào quang

Cả cuộc đời, khi họ đứng trên đỉnh vinh quang, khi họ lung linh dưới ánh đèn sân khấu, khi họ được vây bọc bởi sự ái mộ của công chúng, họ như con ve đốt hết tất cả những gì mình có, sinh lực, tài lực... cho một cuộc rong chơi dài bất tận.

"Vào chùa, xin để lại ngoài cổng những gì danh lợi, sân si..., để nghe Phật dạy...". Dòng chữ nhắc ấy được kẻ đậm ngay phía cổng vào, cạnh lời đức Khổng Tử: "Ta chưa từng thấy ai thích đạo đức bằng thích nhan sắc; nhưng đạo đức thì tồn tại, còn nhan sắc thì nhứt thời...". Hai "vế đối" được viết ở vị trí khá trung tâm khác để nhiều người có thể nhìn thấy: "Tiền tài như phấn thổ/ Đạo đức tợ thiên kim"...

Những điều đó, ám ảnh tôi ba năm về trước, trong lần đầu tiên tìm đường vào chùa Nghệ sỹ, cho đến tận bây giờ.

Ông bầu Xuân nói với tôi, rằng tất cả những điều có thể nói về họ, đấy là sự cảm thông, đấy là sự thương xót, giận đấy mà thương đấy. Cả cuộc đời, khi họ đứng trên đỉnh vinh quang, khi họ lung linh dưới ánh đèn sân khấu, khi họ được vây bọc bởi sự ái mộ của công chúng, họ như con ve đốt hết tất cả những gì mình có, sinh lực, tài lực... cho một cuộc rong chơi dài bất tận.

Tuổi già, cô đơn, bệnh tật là điều ám ảnh của cả thế giới này. Nhưng, với những người "trót" làm nghệ sỹ, thì đó là những kẻ tử thù! Hầu hết những thế hệ nghệ sỹ của Sài Gòn vài thập niên trước, đều đang sống chung với sự cô đơn, già nua, bệnh tật và nghèo đói.

Những người cùng thời với họ như bầu Xuân - kẻ "gian díu" với đời nghệ sỹ - là những người duy nhất của Sài Gòn, có thể hiểu được những thăng trầm, mà nốt nhạc nào khi tấu lên, cũng đắng đót và ám ảnh ba chữ: nghiệp cầm ca.

Những người đang sống và đã chết, những nghệ sỹ mà tên tuổi của họ một thời đã làm nức nở công chúng Sài Gòn, giờ đây, như là hiện thân chân thực nhất cho "lời sấm" về cái nghề rất đỗi bạc bẽo này: xướng ca vô loài của nghiệp cầm ca.

Một bức phù điêu tạc một nghệ sỹ đang chơi đàn Tam thập lục được dựng ở giữa những hàng bia mộ. Dưới bức phù điêu có ghi dòng chữ: Đài kỷ niệm Nghĩa trang nghệ sỹ. Dường như, nó là một chút an ủi những người đã mất, những nghệ sỹ đã mất

Bài 1: Tiền tài như phấn thổ.

Chùa Nghệ sỹ có lẽ là ngôi chùa duy nhất trên đất nước Việt Nam, nơi tập trung những diễn viên, nghệ sỹ, những đàn ca tài tử của Sài Gòn suốt mấy thập kỷ qua. Thế nhưng, đấy không phải là "cõi người" trần tục. Nó là sân khấu cuối cùng, không đèn màu, không cánh gà, không có sự hóa trang, không vai diễn... của những nghệ sỹ đã lùi về "hậu trường" sau khi đã trải qua tất thảy những hỉ nộ ái ố. Nó là bản nguyên của những thân phận, những kiếp người, với sự ứ đọng và dồn nén về thời gian, khi người ta lãnh ngộ được giá trị đích thực và bản ngã của chính mình!

"Người dẫn đường" của tôi là một chàng trai trẻ người Bắc, vừa mới chập chững làm quen với mưa nắng Sài Gòn đỏng đảnh chưa được một mùa, mới chỉ mường tượng được và "khoanh vùng" khu vực, rằng chùa Nghệ sỹ nằm ở chỗ đó.

Cho nên, ánh mắt ngỡ ngàng không giấu nổi sự kinh ngạc của cậu hiện ra ngoài gương mặt, đấy là một sự tất yếu dễ hiểu. So với tuổi của ngôi chùa, tuổi đời của cậu còn quá trẻ. So với những đoạn trường của những nghệ sỹ đã yên nghỉ tại đây - nghĩa trang nghệ sỹ, và được nhang khói ngay trong chùa Nghệ sỹ, thì những vấp ngã, những buồn tủi, những niềm vui, hạnh phúc mà tuổi đời nhỏ bé của cậu đã từng được trải qua, chắc chắn chỉ là một giọt nước bé nhỏ giữa bể tích hợp những thăng trầm của muôn người tại chốn này.

Hình ảnh

Vẫn khung cảnh tịch mịch cố hữu của cõi vô vi. Vẫn những bóng cây câm lặng và nhẫn nhịn giữa nắng Sài Gòn chao chát, hay nặng nề thân phận trước những cơn mưa xối xả chợt đến rồi lại chợt đi. Mùi trầm phảng phất trong gió nhẹ. Tất cả dường như đang ngủ yên, hay là một sự nặng nề thiếu bóng hình của sự sống.

Bên cạnh những lời răn của Phật tổ, những điều luật của Phật giới, những điển tích, điển cố được dẫn luận... thường thấy ở những chốn tu hành, "chất nghệ sỹ" của ngôi chùa kỳ lạ và đặc biệt này hiện hữu ngay ở những dòng di huấn, mà đọc lên, có lẽ những người cám cảnh và thấu ngộ nhiều nhất, là những người được mang danh "nghệ sỹ".

Hẳn, những ai đưa ra được những điều đúc kết đầy trải nghiệm ấy, đã phải nuốt bao cay đắng tủi hờn: Tiền tài như phấn thổ; Đạo đức tợ thiên kim... Tưởng như, có một mái đầu đang gục xuống, khuôn mặt se sắt và đắng đót, bàn tay nắm chặt vò nát nắm đất dưới chân, mà thốt lên những lời tự thán đau buồn ấy. Dòng tự than được trang trọng khắc trên một phù điêu ngay lối cổng vào nghĩa trang liệt sỹ, nó đứng cao vượt lên những tán cây, và có thể nhìn thấy một cách rõ ràng nhất.

Năm 1948, các nghệ sỹ tiền phong yêu nước, yêu nghề như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Trần Hữu Trang, Duy Lân... cùng nhiều nghệ sỹ khác thành lập Hội nghệ sỹ ái hữu tương tế, trụ sở tại 133 Cô Bắc, Sài Gòn. Năm 1957, nghệ sỹ Phùng Há làm Hội trưởng đã đứng lên vận động Hội trường đua Phú Thọ giúp cho một số tiền để mua đất xây chùa và nghĩa trang cho giới nghệ sỹ, bằng khoán đất số 326, lập ngày 29/10/1958, với diện tích 6.080 m2.

Hình ảnh

Ông Bầu Xuân, "người muôn năm cũ" vẫn còn sống, không biết là điều hạnh phúc hay bất hạnh đối với ông, vì chính ông là người đã đi hết cùng với họ, những nghệ sỹ, từ những ngày tháng lung linh với cuộc sống xa hoa, và đến cả giai đoạn buồn nhất đối với họ, đó là tuổi già, nghèo nàn và cô đơn, cùng với đó là sự tàn phai nhan sắc cũng như danh tiếng.

Song song với việc thu thập hài cốt của các nghệ sỹ về nghĩa trang, chùa được tiến hành xây dựng vào năm 1969. Người có công đầu tiên là ông Lê Minh Công, pháp danh Thích Quảng An (Tỳ kheo). Trước, ông Công là người quản lý các đoàn hát.

Ngôi chùa khi mới xây, kích thước nhỏ như một cái am. Kinh phí xây dựng đều lấy từ sự vận động các mạnh thường quân đóng góp. Bầu Xuân khi ấy là trưởng đoàn Dạ Lý Hương đã đóng góp 137 trong tổng số 204 ngàn đồng tiền xây cất. Chùa xây đến năm 1972 thì hoàn tất.

Ngày 22/3/1972 tại trụ sở của Hội nghệ sỹ ái hữu tương tế, Ban quản trị Chùa và nghĩa trang tạm thời đầu tiên được hình thành, gồm toàn các nghệ sỹ, ông bầu hoặc những người không dính dáng gì đến nghệ danh nghệ sỹ, thì cũng có tấm lòng yêu mến nghệ thuật mà đóng góp công đức kinh phí: ông Phan Văn Thới (bầu Thới), ông Nguyễn Phát Hưng (Nam Hưng), ông Lê Quang Anh (Năm Anh), ông Nguyễn Kim Khánh, Trần Văn Chức (nghệ sỹ Duy Chức)...

Ban quản trị đầu tiên xúc tiến việc tổ chức Hát hội và vận động Mạnh Thường Quân gây quỹ xây dựng, phát triển chùa. Ngoài việc thờ phụng, chùa còn giúp đỡ một số cán bộ cách mạng ẩn náu tại chùa hoạt động cách mạng.

Ban quản trị đầu tiên kéo dài đến năm 1978, sau đó chùa được quản lý tốt bởi nghệ sỹ Phùng Há, với sự phụ tá của nghệ sỹ Như Mai và nghệ sỹ Kim Hoàng. Tháng 9/1994, Ban ái hữu Nghệ sỹ Hội sân khấu thành phố cải tổ cơ cấu tổ chức, ra quyết định số 37/HSK - 94 về việc thành lập Hội đồng quản trị Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ, chia ra làm hai bộ phận hành chính và Phật sự.

Nước chảy, bèo trôi. Lần lượt, những nghệ sỹ Như Mai, Kim Hoàng, Nam Hùng, Trường Xuân, Lê Quang Anh... lần lượt qua đời. Bắt đầu từ đó, bầu Xuân nhận trách nhiệm làm "tổng quản" cho ngôi chùa và nghĩa trang lạ lùng ấy, như một tiền nghiệp.

Mấy chục năm đã qua đi, sự xuất hiện của Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ đã trở thành một chỗ dựa tâm linh và tinh thần cho những người nghệ sỹ từ thế kỷ trước. Chùa, đó là nơi họ gửi đặt niềm tin, và an bình tâm tánh, cất giữ phần hồn. Nghĩa trang, là nơi họ gửi phần xác thịt, khi những ngày cuối đời trong nghèo đói và bệnh tật, trong sự cô đơn, không người nương tựa, họ lại tìm về.

Bầu Xuân tâm sự: không như vài chục năm trước, những năm đầu khi Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ mới thành lập, người ta cứ nghĩ cái diện tích hơn 6 ha ấy là lớn lắm. Họ phải đi tập hợp, thu gom hài cốt của các nghệ sỹ đã mất, với ý định sẽ tập trung quy tập được đầy đủ, và biến nơi đây thành nơi an nghỉ cuối cùng cho những người mà phần lớn cả cuộc đời họ, đều rong ruổi tựa nước chảy bèo trôi.

Những người trong ban quản trị không lường được, cái tốc độ đô thị hóa nó đã hiện hữu ngay tại nghĩa trang nghệ sỹ này - nơi tưởng như đã tách biệt hẳn với cuộc sống trần thế.

Quỹ đất ngày càng eo hẹp. Mỗi phần mộ nghệ sỹ được khoanh lại trong một ô rất nhỏ. Khi những ô nhỏ ấy cũng không còn, mà số lượt "đặt chỗ" trước cũng không phải ít, ban quản trị quyết định lựa phương án, những phần mộ cũ sẽ được cải táng lần nữa rồi hỏa táng, gửi hũ tro trong tháp hài cốt (cũng được xây cất trong khuôn viên chùa).

Hình ảnh
Những khoảnh khắc tại Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ.


"Giới luật" nghĩa trang nghệ sỹ chỉ dành cho nghệ sỹ cũng không còn được bảo nguyên nữa. Một phần nó được dành cho những người "ngoại đạo", họ yêu mến, ái mộ nghệ sỹ, ái mộ nghiệp cầm ca, và một điều không kém phần quan trọng, là họ có những đóng góp về vật chất để Ban quản trị lấy đó làm kinh phí hoạt động!!!

Đối với nghệ sỹ, điều kiện để được vào chùa, phải có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có những đóng góp và tham gia hoạt động trong Hội ái hữu nghệ sỹ.

Trong những điều luật của Chùa được niêm yết công khai trên tấm bảng, có ghi: thuần túy từ thiện Phật sự, tương tế, ái hữu; giúp đỡ một số nghệ sỹ và đồng bào nghèo khó bất hạnh (cho hòm (áo quan), chi phí chôn cất, cúng giỗ và các chi phí tụng niệm); không thu một lệ phí nào cho việc mai táng, xây mộ, giữ hài cốt, hương khói, bảo quản...; nuôi dưỡng những nghệ sỹ già yếu, neo đơn, bệnh tật (có tâm đạo); sẵn sàng góp phần cứu giúp đồng bào và nghệ sỹ bị thiên tai, bão lụt hỏa hoạn; bốn ngày rằm lớn đều có tổ chức chẩn bần cho nghệ sỹ nghèo và đồng báo nghèo khó.

Nhấp nhô giữa hàng mộ trắng, hay một tán cây mới ở tuổi trưởng thành, nghĩa trang nghệ sỹ có những phù điêu, tượng bán thân: người nghệ sỹ chơi đàn tỳ bà; bức phù điêu một tuyệt sắc giai nhân đang mở rộng vòng tay đón đứa trẻ - niềm hạnh phúc lớn lao... Điều ấy là một đặc trưng riêng, ít nghĩa trang nào có được. Nhiều phần mộ thực sự là những công trình nghệ thuật, nó hàm ý tính cách và tâm hồn nghệ sỹ, của những người nằm dưới đó, thuở còn sống ngang dọc một vùng trời!

"Vào chùa, xin để lại ngoài cổng những gì danh lợi, sân si..., để nghe Phật dạy...". Dòng chữ nhắc ấy được kẻ đậm ngay phía cổng vào, cạnh lời đức Khổng Tử: "Ta chưa từng thấy ai thích đạo đức bằng thích nhan sắc; nhưng đạo đức thì tồn tại, còn nhan sắc thì nhứt thời...".

Có phải, vào đến chốn này, khi những hỉ nộ ái ố đã trải qua, khi những mùi vị cuộc sống đã nếm đủ, khi những sân si, danh lợi, tiền bạc đã như nước chảy mây trôi, những người nghệ sỹ của Sài Gòn những thập niên của thế kỷ trước, mới thấm thía, xót xa để cất lên lời tự thán: Tiền tài như phấn thổ, đạo đức tựa thiên kim...???



Ngoại tuyến
 Xem thông tin cá nhân Gửi tin nhắn Gửi email  
 
 Tiêu đề bài viết: Re: Nước mắt nghệ sĩ sau ánh hào quang
Gửi bàiĐã gửi: T.Hai Tháng 7 02, 2012 10:12 am 
Forum Mod

Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 4 14, 2007 2:47 pm
Bài viết: 5658
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh
Đã tặng THANKS: 5011 lần
Đã nhận THANKS: 6002 lần

Sân khấu cuối cùng của đời nghệ sĩ

Ông là người chứng kiến họ ở thời kỳ tột đỉnh vinh hoa, tài sắc, nhan sắc, được bồng bế bởi chữ danh, họ là điều mà ai cũng thèm muốn; đến khi những điều đó lùi xa như khói lam chiều, bầu Xuân lại là người chứng kiến họ.

Bài 2: Nước mắt nghệ sĩ sau ánh hào quang

Bầu Xuân - người nhận nhiệm vụ làm "tổng quản" coi sóc Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ, đã bước qua tuổi 80. Dấu ấn thời gian không đánh gục được ông. Hoặc giả, đó cũng là sự sắp đặt của số phận, hay là sự đày đọa nghiệp chướng, bắt bầu Xuân phải chứng kiến sự tàn phai về nhan sắc, sự trớ trêu của con tạo đối với những nghệ sỹ, những cầm ca, những mỹ nữ vang tiếng một thời. Mấy chục năm ròng, bầu Xuân là người kiên nhẫn trò chuyện với những người đã khuất.

Không phải sao, khi ông là người chứng kiến họ ở thời kỳ tột đỉnh vinh hoa, tài sắc, nhan sắc, được bồng bế bởi chữ danh, họ là điều mà ai cũng thèm muốn; đến khi những điều đó lùi xa như khói lam chiều, bầu Xuân lại là người chứng kiến họ.

Khi Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ thành lập Hội đồng quản trị, nghĩa là phải có một ban bệ, một chức danh có đủ tư cách pháp nhân, thay mặt những nghệ sỹ, thay mặt Ban ái hữu nghệ sỹ lo tiếp nhận những công đức của mọi người, lo xây cất những phần mộ, chăm sóc những nghệ sỹ già nua, bệnh tật không người nương tựa... Những công việc ấy, là những việc làm phi lợi nhuận. Nó không cần đến những người coi đó là một chỗ kiếm lợi, tư hữu cho bản thân mình. Thực tế ấy, những ai dám nhận vai trò đảm trách công việc ấy, là những người hùng thực sự.

Bầu Xuân tên thật là Diệp Nam Thắng. Ngay từ những năm 60, ông Thắng đã là chủ xưởng giấy Kiss me ăn nên làm ra, lợi nhuận từ việc kinh doanh thừa sức để ông có một cuộc sống vương giả. Đối với ca hát, ông là kẻ ngoại đạo.

Hình ảnh
Mộ phần diễn viên tài hoa bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh


Thế nhưng, chẳng biết do nghiệp chướng hay do sự lựa chọn của số phận, Diệp Nam Thắng lại là một người mê đàn ca tài tử. Bỏ bê việc làm ăn của xưởng giấy, Diệp Nam Thắng đứng ra thành lập đoàn hát Dạ Ly Hương, và trở thành trưởng đoàn, thành ông bầu của vài chục giọng hát, cây đàn.

Thuở ấy, những gánh hát, những đoàn hát hoạt động ở Sài Gòn là những đoàn tự phát. Nó là sự tập trung của một nhóm những nghệ sỹ, dưới sự quản lý của một người, lo tổ chức, lo hậu cần, tổ chức các sô diễn, bán vé, thu tiền, trả lương cho nghệ sỹ, lo trang phục biểu diễn... Sự sống còn của cả đoàn hát, phụ thuộc vào tài năng quản lý của người trưởng đoàn. Vì mê xướng ca quá, Diệp Nam Thắng đã bỏ sự nghiệp làm ăn sang một bên, chọn niềm đam mê làm lẽ sống cho cuộc đời mình.

Sài Gòn giải phóng. Đất nước thống nhất. Những đoàn hát, gánh hát theo thời gian dần dần biến mất. Những nghệ sỹ, diễn viên hết tuổi diễn đồng nghĩa với việc miếng cơm, manh áo của họ đã bị rơi vào cảnh mạt lộ, nếu như họ không tự cứu mình bằng những nghề mưu sinh chân tay khác.

Đoàn hát Dạ Ly Hương tan rã. Nhưng, cái danh "bầu Xuân" đã gắn với Diệp Nam Thắng như một định mệnh. Những đóng góp của ông, thời gian, tiền bạc, và cả tuổi trẻ, đã giữ chân Diệp Nam Thắng ở lại Chùa nghệ sỹ, làm công việc quản lý những linh hồn đã mất.

Nhìn vẻ bề ngoài, không ai nghĩ bầu Xuân đã bước qua tuổi 80. Có lẽ, trời thương ông, hay chút máu mê nghệ sỹ đã ngấm vào trong máu ông, như một thứ thuốc lạ lùng nào đó, khiến ông như người không có tuổi.

Ông vẫn giữ được vẻ to, khỏe và tráng kiện của một bầu hát, hàng ngày hai lần đi xe buýt đến trụ sở của Hội đặt trong khuôn viên chùa. Tiền bạc kiếm được từ thời trai trẻ, Diệp Nam Thắng dành hết cho Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ.

Hàng ngày, ông sống bằng tiền báo hiếu của người con đang sinh sống và định cư tại Mỹ.

Hình ảnh
Sân khấu cuối cùng của các nghệ sỹ


Tiền công đức do bà con đóng góp, ông Thắng dùng cho việc xây cất các phần mộ, trả lương tháng cho đội thợ xây nghĩa trang, chi phí cho những nghệ sỹ sống nương nhờ cửa phật.

Ông bảo, chính Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ, mấy chục năm qua cũng đều phập phồng sống nhờ bằng sự hảo tâm của những Mạnh Thường Quân. Chùa không hề có một nguồn thu chính và thường xuyên nào cả. Trong khi đó, những ảnh hưởng của cơn bão giá vẫn hàng ngày, hàng giờ thúc ép và đe dọa đến cuộc sống của cả những nghệ sỹ còn đang sống trong Chùa nghệ sỹ, và cả những người đã khuất.

Nghĩa trang nghệ sỹ được xây cất thành những lô, những hàng thẳng thớm. Những lối nhỏ dẫn ra các khu mộ được rải bê tông. Trên sơ đồ tổng hợp, tựa như những ô bàn cờ.

Vào "mê cung" ấy, người ta có thể gặp lại những gương mặt cũ, những cái tên đã trở nên quen thuộc với công chúng Sài Gòn mấy mươi năm trước. Trên mỗi phần mộ, một phần đất trống được để chừa ra trồng những cây hoa nhỏ, có mái che hệt như một ngôi nhà ấm ũng.

Gia đình nghệ sỹ cải lương Hoàng Nhựt (tên thật là Lê Ngọc Yên), nghệ sỹ Thu Anh (tên thật Phạm Kim Anh) và đứa con gái nhỏ Lê Ngọc Bảo Châu (pháp danh Giác Huệ) cùng ra đi trong một tai nạn thương tâm ngày 14/11/1992. Cô con gái Bảo Châu khi đó mới tròn bốn tuổi. Nếu như không có tai nạn thương tâm ấy, rất có thể, ngày hôm nay, sân khấu Sài Gòn đã có thêm một nữ nghệ sỹ tài năng, xinh đẹp mang cái tên xinh đẹp: Lê Ngọc Bảo Châu.

Kế bên, phần mộ của nghệ sỹ hát bội Phan Thị Nguyệt (nghệ danh Minh Nguyệt), những nhà soạn giả, ngoại vụ... Những phần mộ đơn sơ, lát đá màu xanh ngọc, tất cả đều sạch sẽ, trang nghiêm và toát lên chất nghệ sỹ của những người đam mê ca hát thuở sinh thời.

Xen giữa những hàng bia mộ câm lặng là đài tưởng niệm khắc bức phù điêu một nữ nghệ sỹ đang ôm đàn gảy khúc đàn trời. Không hiếm hoi những phần mộ được thân nhân dựng thành căn gác hai tầng, có ban công rộng rãi.

Trên ban công nhỏ xíu ấy kê bộ bàn ghế giả mộc, làm nơi tiêu giao cho những linh hồn. Một vài chỗ khác, cây dây leo bìm bìm trổ hoa tím lịm, phủ lấy phần mộ nghệ sỹ như một tấm thân che hết nắng gió bụi trần. "Chất nghệ sỹ" dường như không bao giờ mất, ở cả những nơi lạnh lẽo và hoang buồn như thế.

Có thể, cho đến bây giờ người ta vẫn không thể quên cái chết thương tâm của người nghệ sỹ tài năng đất Sài Gòn những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nghệ sỹ Lê Công Tuấn Anh.

Ngày 17/10/1996 là ngày buồn nhất của những người ái mộ chàng nghệ sỹ tài hoa, bạc mệnh. Khi Lê Công Tuấn Anh ra đi, tôi còn là một đứa trẻ, nhưng vẫn đủ để nhận thức được tình cảm của công chúng dành cho anh lớn tới mức nào.

Thuở ấy, phương tiện truyền thông còn hết sức thiếu thốn. Những người dân quê chuyền tay nhau những bài báo photo viết về cái chết, cuộc đời, và về câu chuyện tình buồn của anh.

Sự xót xa có. Sự giận hờn, trách móc cũng có. Sự cảm thông, tiếc nuối cũng thật nhiều. Khi đám tang của anh diễn ra trong sự tiếc nuối của một đoàn dài những người hâm mộ anh, dưới cơn mưa Sài Gòn tầm tã của những ngày cuối tháng 11 u uất ấy, cô tôi đã len lén chạy ra bờ ao đứng khóc một mình.

Tôi gặp lại anh trong nghĩa trang nghệ sỹ. Phần mộ của anh nằm một mình ngay hàng bia đầu tiên, không ngày nào không có hoa tươi. Vẫn gương mặt khả ái, nụ cười rạng ngời, hiền khô của một nghệ sỹ tài danh. Giữa chốn không có sân si, danh lợi, không có buồn vui này, có ai tự hỏi một điều ám ảnh: "thế nào là hạnh phúc?"

Bất giác, tôi làm một phép tính nhẩm trong đầu, giá như anh còn sống, năm nay, anh đã là một người đàn ông gần bước đến tuổi 40, anh đã trở thành một người nghệ sỹ thành đạt. Giá như, anh không có một phút giây xốc nổi, trong cơn thất vọng đau đớn và tột độ về sự si tình.

Vẫn giọng buồn buồn và đều đều của bầu Xuân, ông bảo, ẩn số chung của tất cả những người nằm đây, đó là sự "trả giá" của nghiệp cầm ca. Đấy là ga cuối dừng chân cho những cuộc rong chơi dài, của những chú ve, sống không nghĩ đến những ngày trước mắt. Sự vô tư đến vô tâm ấy, thôi đành đừng giận nữa.

Mang theo tâm trạng trĩu buồn của bầu Xuân đến hội dưỡng lão nghệ sỹ - cũng là một thế giới u buồn của những nghệ sỹ đang còn sống, vẫn là một màn sương mờ phủ lên tấm gương đã cũ. Nơi đây, cũng là một "thế giới phẳng" của những thân phận buồn.

Theo http://vietnamnet.vn


Ngoại tuyến
 Xem thông tin cá nhân Gửi tin nhắn Gửi email  
 
 Tiêu đề bài viết: Re: Nước mắt nghệ sĩ sau ánh hào quang
Gửi bàiĐã gửi: T.Hai Tháng 7 02, 2012 10:20 am 
Forum Mod

Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 4 14, 2007 2:47 pm
Bài viết: 5658
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh
Đã tặng THANKS: 5011 lần
Đã nhận THANKS: 6002 lần
Bài viết này honglien đã nhận được THANKS của thành viên : ThanhKiet


"Thế giới phẳng" của những người đang sống!


Nó là thế giới của những nghệ sỹ cùng khổ nhất, trái ngược hẳn với những lầm tưởng của người đời, rằng những nghệ sỹ, cuộc đời lúc nào cũng là thảm hồng!

Hình ảnh
Ông Tần Nguyên, người quản lý khu dưỡng lão nghệ sỹ.


Rời bỏ khu Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ, mảnh đất yên lặng của những người đã chết, tôi tìm đến Khu dưỡng lão nghệ sỹ, nơi trú ngụ của những người đang sống. Vẫn là những câu chuyện buồn, những mảnh đời buồn. Tôi gọi, đó là "thế giới phẳng" của những người đang sống. Không gian vẫn lặng lẽ và khuất nẻo, cô lập với Sài Gòn ồn ào và náo nhiệt.

Khu đất rộng chừng 6 công đất (khoảng 6533 mét vuông), thời chế độ cũ ngụy quyền Sài Gòn, nó nguyên là một trại gia binh. Ban Ái hữu nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh đã đệ đơn xin chính quyền Ủy ban Thành phố làm khu dưỡng lão cho những nghệ sỹ không nơi nương tựa. Xin được đất, Ban Ái hữu cử nghệ sỹ Hoàng Sa ra Hà Nội xin Chính phủ miễn thuế đất và cấp kinh phí 420 triệu để xây dựng.

Ngày 7/3/1993, Khu dưỡng lão nghệ sỹ được khánh thành, gồm một trung tâm hai tầng ngăn thành các phòng nhỏ làm nơi ăn ở cho các nghệ sỹ, một khu nhà cấp 4 làm nhà ăn và công trình phụ.

Hình ảnh


Tổng kinh phí xây dựng hoàn tất lên đến 1,5 tỷ đồng. Phần kinh phí thiếu hụt, vẫn trông mong vào sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân. Số còn lại, các nghệ sỹ tổ chức lưu diễn để quyên tiền từ khán giả và đồng bào. Đến nay, khu nghệ sỹ đã bắt đầu xuống cấp. Một sân khấu ngoài trời được Ban Ái hữu xây dựng làm nơi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng. Những dịp lễ tết trung thu, các em thiếu nhi của phường Âu Dương Lân lại có dịp được nghe các dì, các má hát lên những khúc nghê thường, như một sự sẻ chia của những thế hệ.

Ở đây, những công chúng yêu mến đàn ca tài tử miền Tây, sẽ được gặp trực tiếp những tên tuổi nức danh một thời. Những cái tên như nghệ sỹ Kim Chi, Ngọc Đáng, Kiều Lệ Thu, Bạch Yến, Thanh An, Văn Ngà, Ngọc Văn, Mộng Lành, Hoàng Nô... Thế nhưng, đấy là những gì còn lại, những gì thuộc về cuộc đời thực, con người thực. Nhưng hư danh đã theo thời gian lùi xa vào một thời quá vãng.

Hình ảnh

Nghệ sỹ Lệ Thẩm là một trong những người đầu tiên vô Khu dưỡng lão. Trước, Lệ Thẩm hát ở đoàn Năm Châu. Sinh ra trên mảnh đất Bạc Liêu, quê hương gắn liền với điệu Dạ cổ Hoài Lang đẫm buồn sông nước, những đêm đờn ca tài tử, những câu vọng cổ cứ tự nhiên thấm vào huyết mạch, và gắn cuộc đời, số phận của dì với sự thăng trầm của những ghe hát, đoàn hát ròng rã mấy mươi năm trời.

Từ những năm 60 thế kỷ trước, khán giả cải lương Sài Gòn đã biết tới Lệ Thẩm với những vai đào thương duyên dáng trong các vở "Cô gái áo vàng", "Tấm Cám", "Miếng thịt người"... Rời đoàn Năm Châu, Lệ Thẩm qua "đầu quân" cho đoàn Tiếng Chuông. Một thời gian sau, Lệ Thẩm cùng chồng là nghệ sỹ Tuấn Sỹ xây dựng đoàn hát Nhụy Hương. Sau năm 1975, dì đeo đẳng với sân khấu Sài Gòn thêm vài năm nữa, rồi cơn trọng bệnh đã đưa Lệ Thẩm vào Khu dưỡng lão nghệ sỹ cho đến tận bây giờ.

Thời gian đầu vô trại dưỡng lão, nghệ sỹ Lệ Thẩm nhận vai trò nấu cơm nước phục vụ các đồng nghiệp. Nhưng rồi, căn bệnh tim không cho dì làm được lâu. Mấy năm trở lại đây, dì Lệ Thẩm phải nghỉ ngơi. Khuôn mặt dịu hiền và phúc hậu của tuổi 71 đã đẩy lùi những năm tháng gắn bó với sân khấu cải lương của cô đào Lệ Thẩm.

Nghệ sỹ Kiều Lệ Thu, diễn viên cải lương của đoàn Sài Gòn 2, tuổi nghề đã mấy chục năm lận. 20 tuổi, cô bé Kiều Lệ Thu đi vào nghiệp xướng ca, đã qua nhiều đoàn hát, hay diễn cùng với nghệ sỹ Mỵ Châu, Ngọc Bích. Năng khiếu và tình yêu ca hát từ thời thiếu nữ không nuôi sống được cô kép hát xinh đẹp ngày nào. Những ngày tháng cuối đời, khi bước sang bên này dốc, Kiều Lệ Thu nhận đóng những vai phụ, hay có đạo diễn trẻ nào thương dì, kêu dì đi đóng vai quần chúng, lất ít tiền catsê làm đồng ra, đồng vào.

Cô sáu Ngọc Sương, em gái má Phùng Há - một nghệ sỹ tài danh, học trường Tây, chơi đàn dương cầm, đàn violong nức tiếng cả đất Sài thành cũ, Bạch Công tử một thời si mê Ngọc Sương, cuối đời cũng gửi gắm phần sống còn lại của mình ở Khu dưỡng lão nghệ sỹ. Đứa cháu ruột kêu Ngọc Sương bằng dì rước nghệ sỹ về nhà chăm nuôi, ở nhà đẹp, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ, người giúp việc chăm sóc. Thế nhưng, cuộc sống tài tử của người nghệ sỹ Sài Gòn cũ không chịu được cảnh sống bó buộc, nhất là không có ai làm bầu bạn. Bỏ ngôi nhà khang trang của đứa cháu, nghệ sỹ Ngọc Sương xin vào Khu dưỡng lão, bầu bạn với đồng nghiệp.

Hình ảnh


Bên cạnh những nghệ sỹ Sài Gòn cũ, không ít những gương mặt nghệ sỹ đất Bắc. Nghệ sỹ Bạch Yến quê Hà Nội, đi hát từ năm 16 tuổi trong đoàn cải lương Kim Chung. Bạch Yến thành danh với nhiều vai diễn để đời như Lữ Bố, Phan Lê Huê.... và thường xuyên được phân vai đào võ hay kép độc. Năm 1954, sau nỗi đau chồng mất, 2 đứa con còn nhỏ, Bạch Yến theo đoàn vào Nam trình diễn. Nào ngờ đó là chuyến đi lâu nhất trong đời bà khi những biến cố chính trị phân chia 2 miền Nam Bắc khiến cả đoàn phải ở lại miền Nam.

Từ đoàn Kim Chung, nghệ sỹ Bạch Yến chuyển qua đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Năm Phỉ Kim Cương để rồi sau này thành lập đoàn hát riêng mang tên Bạch Yến. Vượt qua trở ngại của một nghệ sỹ đất Bắc vào Nam lập nghiệp bằng nghề ca hát, đoàn hát Bạch Yến vẫn là một trong những đoàn sáng giá của sân khấu miền Nam trước giải phóng.

Những hào quang ấy, bây giờ kể lại giống như nhắc lại một câu chuyện rất cũ, từ rất xa xôi. Những gì hiện hữu ở khu điều dưỡng nghệ sỹ, ấy là những căn phòng già nua, cũ kỹ, nằm tít sâu trong con hẻm Âu Dương Lân mù mịt khói bụi. Hàng ngày, họ lặng lẽ với nỗi buồn của riêng mình, sống bằng ký ức và hoài niệm. Thời gian đã đánh gục tất cả, những tiền tài, danh lợi, những hư danh xưa cũ...

Ông Tần Nguyên, thành viên của Ban Ái hữu, là người trực tiếp quản lý trung tâm cho biết: mấy năm trở lại đây, nhiều nghệ sỹ đã khuất núi, do tuổi tác, do bệnh tật, và do cả sự cô đơn! Hình như, đây là khoảng tối nhất không bao giờ có ánh sáng mặt trời!!!

Hào quang sân khấu đã tắt, những nghệ sỹ phải trở về với đời thường, phải đối mặt với những lo toan cơm áo gạo tiền... Cuộc sống nghệ sỹ không biết đến ngày mai của họ, đã khiến họ phải trả giá cho tuổi trẻ của chính mình. Tất nhiên, những nghệ sỹ đó không nhiều, và hẳn, chẳng ai mong muốn mình như thế.

"Cả đời đi theo những gánh hát, gửi cuộc sống vào những nơi bất định, nay đây mai đó, tiền bạc kiếm được tiêu pha không bao giờ tính. Trước, có một anh kép, trên thế giới người ta xài xe gì mới, y như rằng anh cũng tậu cho mình bằng được. Sự ngẫu hứng và phóng túng của họ, khiến họ chỉ biết đến bản thân mình. Con cái thì gửi cho ông bà, vợ chồng theo những đêm diễn, theo những thú tiêu khiển, những thú vui qua ngày... Cho nên, kết cục về sau cũng là một điều không khó lý giải...".

Ngày ở khu dưỡng lão nghệ sỹ như trôi chậm lại. Hơn 5 giờ chiều, chị nấu bếp đã dọn cơm chiều cho các nghệ sỹ. Từ mỗi gian phòng cá nhân, những dáng người già nua chậm rãi ra nhận phần ăn của mình. Căn phòng nhỏ nhắn chừng 5 mét vuông, kê vừa chiếc giường cá nhân và một ngăn tủ gỗ đơn sơ đựng những vật dụng, những chiếc đài chạy băng một cửa, hay một chồng băng maxell tịnh hành của những thập niên 90 về trước... Những cuốn băng ấy, rất có thể là những vở diễn do chính các nghệ sỹ nhận vai. Đấy là những gì còn lại của họ sau cả một cuộc đời đi ca hát?

Chiều le lói ẩn mình. Đám mây đen đột ngột kéo đến, cuốn nắng theo những hàng bạch đàn xạc xào lá. Ông Tần Nguyên đang tiếp nhận một tải gạo chừng năm chục ký của một khán giả hảo tâm gửi tặng. "Đấy là một trong số những tấm lòng hảo tâm hiếm hoi còn nhớ đến những nghệ sỹ đã vang bóng một thời!".

"Những nghệ sỹ trẻ, nếu như họ biết được những mảnh đời, những số phận như thế, họ sẽ nghĩ gì?". Dường như không nghe thấy điều tôi hỏi, ông Tần Nguyên ngó lơ xơ lên rặng bạch đàn đang mùa thay vỏ, trắng như một tấm thân lõa thể: "Tôi nghĩ, đấy là những bài học cho lớp nghệ sỹ trẻ bây giờ. Họ rất tài năng, rất được người ta ngưỡng mộ. Nhưng, họ hãy thực tế với chính mình, bước xuống sân khấu, khi không còn ánh đèn hào nhoáng nữa, họ là những con người bình thường như bao người khác...".

Có thể, điều ông Tần Nguyên nói, sẽ khiến nhiều người khó chịu. Nhưng, tôi tin ông ấy đúng.

Di Linh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương