Nghệ sĩ Nhứt Dũng Sống để làm nghệ thuật chứ không làm nghệ thuật để sống

Nghệ sĩ Nhứt Dũng
Sống để làm nghệ thuật chứ không làm nghệ thuật để sống


Năm 2007, cùng với ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế, nhạc lễ cũng đã sang Ý tham dự Festival Torino Settembre Musica. Phần trình diễn nhạc lễ với tiết mục trống bồng do nghệ sĩ Nhứt Dũng thể hiện là một trong những tiết mục nhận được nhiều thiện cảm của bạn bè quốc tế. Nhứt Dũng cũng là một trong số những nghệ sĩ hiện nay còn “bơi” bồng thuần thục và nặng lòng với loại nhạc cụ dân tộc đang dần dà bị mai một này.

Trong bối cảnh không gian âm nhạc truyền thống đang bị thu hẹp, anh vẫn miệt mài phát triển, cách tân những tiết mục độc tấu sử dụng trống bồng, để tiếng bồng gần gũi hơn với cuộc sống đương đại.


Hình ảnh
Nghệ sĩ Nhứt Dũng - Tranh: Hoàng Tường



Tham gia giảng dạy ở Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, lại vừa theo học lớp cao học, thời gian trong ngày của người nghệ sĩ - giảng viên - học viên này gần như kín chỗ. Chưa kể, hết giờ ở trường là anh lập tức quay về với Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (Cung Văn hóa Lao động TP.HCM) nơi anh làm chủ nhiệm gần năm năm nay. Bận rộn như thế nhưng anh vẫn thu xếp dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện. Anh kể:

- Đưa nhạc lễ lên sân khấu quốc tế có công rất lớn của GS.TS. Trần Văn Khê. Giáo sư đã dùng uy tín của mình để mang nhạc lễ xuất ngoại bởi ban đầu, Việt Nam chỉ định giới thiệu đến khán giả ở Torino (Ý) về ca trù cùng hai loại hình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế.

Thêm nữa, từ xưa đến nay, loại hình nghệ thuật này chỉ được dùng trong những đám ma, đám đình, chứ đâu ai nghĩ sẽ có lúc nhạc lễ được đưa lên cả sân khấu hoành tráng cho người nước ngoài xem.

* Nhạc lễ được công chúng nước ngoài đón nhận như thế nào, thưa anh?

- Phần nhạc lễ trong chương trình lần đó được tôi phụ trách và lên ý tưởng, gồm ba bài nhạc lễ sử dụng đầy đủ bộ nhạc cụ ngũ hành gồm: Kim (những nhạc cụ bằng kim khí) - Mộc (cặp trống) - Thủy (kèn trung, kèn tiểu, kèn thau) - Hỏa (cò dương, cò lòn, đàn gáo, đàn líu) - Thổ (trống bồng, có bầu cộng hưởng được làm bằng đất). Trong đó, trống bồng là một nhạc cụ rất độc đáo và tuyệt vời trong kho tàng âm nhạc truyền thống của dân tộc mà ngày nay ít ban nhạc lễ nào còn giữ được đúng bài bản.

Tại Festival Torino Settembre Musica, khán phòng im lặng như tờ khi thưởng thức phần trình diễn “lần đầu tiên xuất ngoại” của dàn nhạc lễ Việt Nam và vỗ tay không dứt khi tiết mục kết thúc.

Một lần khác ở hội trường UNESCO (Pháp), dàn nhạc dân tộc nước ta đến biểu diễn theo lời mời của Hội người Việt Nam tại đây. Tiết mục cách tân phần trống (Bộ gõ) mà tôi biến tấu theo điệu Lý ngựa ô vốn là một tiết mục góp vui trong khi chờ đợi các nghệ sĩ chuẩn bị cho phần trình diễn kế tiếp, không ngờ lại được hơn 2.000 khán giả tại đó nồng nhiệt đón nhận và họ cứ đinh ninh rằng đó chính là tiết mục “đinh” nhất trong buổi diễn.

* Chuông ta mang đánh ở xứ người tiếng vang rất lớn nhưng ở trong nước, thân phận của âm nhạc dân tộc, trong đó có nhạc lễ, lại rất hẩm hiu?

- Thực tế là hiện nay không còn địa điểm, sân khấu nào đồng ý tổ chức những chương trình như vậy vì kén khán giả, lại không có tài trợ. Suy cho cùng cũng là bài toán kinh tế. Việc Đài truyền hình và Trường đại học Bình Dương trước đây mời GS.TS. Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc, giúp cho sinh viên, giới trẻ tỉnh Bình Dương tiếp cận gần hơn với các loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc cũng là nhờ có các nhà tài trợ. Dứt tài trợ thì chương trình cũng ngừng phát sóng.

Thêm nữa, những nghệ sĩ tài năng mỗi ngày một lớn tuổi, rơi rụng dần. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã bỏ nghề, tìm kế khác mưu sinh… trong khi đội ngũ kế cận thiếu hụt trầm trọng. Hiện nay không còn trường lớp đào tạo bài bản nhạc lễ. Có vẻ như nghệ thuật truyền thống đã lỗi thời nên học sinh sau khi tốt nghiệp tú tài có mấy ai chịu thi vào các ngành học về âm nhạc dân tộc nữa đâu.

Một thực trạng đáng buồn khác là nhiều sinh viên do tôi giảng dạy ở khoa Diễn viên cải lương (Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh) phải chấp nhận đi hát show ở các quán nghệ sĩ. Một phần cũng vì mưu sinh, phần khác vì các em không có sân khấu đàng hoàng để biểu diễn. Hát ở những tụ điểm như vậy lâu dài sẽ khiến các em dễ dãi, không tiến xa cũng như không được dịp trau chuốt bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Nhìn học trò đi hát ở quán mà những người làm thầy như tôi đều muốn rớt nước mắt.

* Cứ theo đà này, có lẽ cũng không còn lâu nữa nhạc lễ sẽ “tuyệt chủng”?

- Tôi nghĩ âm nhạc cổ truyền sẽ không mất, vì đó là ngôn ngữ, là tiếng nói của dân tộc. Chí ít nhạc lễ vẫn sẽ còn tồn tại trong những sinh hoạt tâm linh của người Việt. Nhưng đúng là không gian sống của nhạc lễ nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung đang bị thu hẹp dần.

Điều tôi rất lo lắng là khi những bậc trưởng bối qua đời, không biết ai đủ tâm huyết, năng lực để giới thiệu cái hay, cái đẹp của âm nhạc cổ truyền cho những thế hệ đi sau. Nếu không hiểu thì giới trẻ làm sao thích, làm sao có ý thức giữ gìn? Sở dĩ nhạc lễ được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài là nhờ GS.TS. Trần Văn Khê trước mỗi tiết mục biểu diễn đều có diễn giải xuất xứ, ý nghĩa của từng loại hình âm nhạc dân tộc cho khán giả nước ngoài hiểu hơn về văn hóa cổ truyền của Việt Nam.

Ngày xưa, lúc tôi vừa bảy, tám tuổi, chính nhờ thầy Khê thường đến nhà đàm đạo với cha tôi (tức nghệ nhân Tám Nhứt) mà tôi mới có được niềm say mê âm nhạc dân tộc thông qua những lần nghe thầy nói chuyện. Đó cũng là nền tảng giúp tôi theo đuổi nghiệp nhạc lễ và gắn bó với trống bồng cho đến ngày hôm nay.

* Được biết bồng là loại nhạc cụ rất khó chơi và hiện nay còn rất ít người sử dụng đúng bài bản. Anh đã học cách bơi bồng từ bao giờ?

- Gia đình tôi có truyền thống chơi nhạc lễ, đến tôi là đời thứ tư tiếp nối. Năm 13 tuổi, tôi chính thức theo học nhạc lễ và may mắn được thừa hưởng từ cha tôi, một nghệ nhân bơi bồng nổi tiếng miệt Cần Đước, Long An. Năm nay đã 86 tuổi nhưng cụ vỗ bồng vẫn rất nhuyễn. Đúng là bơi bồng rất khó, không phải cứ vỗ mạnh là kêu. Lực bàn tay tác động vô bồng phải có nhu - có cương, linh hoạt, uyển chuyển thì mới tạo ra được âm thanh.

Hồi nhỏ, nhiều lúc tôi bầm tím cả hai tay để tập luyện cho bằng được độ nảy cần thiết của tay khi bơi bồng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến ít người chơi được nhạc cụ đòi hỏi phải khổ luyện công phu này. Thêm nữa, bồng chỉ có vài ba bài bản nên rất khó lưu truyền cũng như khó chinh phục đối tượng tiếp nhận.

* Xin anh cắt nghĩa rõ hơn vì sao gọi là bơi bồng, mà không phải vỗ bồng hay gõ bồng?

- Đây là từ dùng của ông cha từ xưa để chỉ cách sử dụng trống bồng. Sở dĩ gọi là bơi bồng vì khi tác động vào mặt trống, hai bàn tay phải đưa đẩy uyển chuyển, nhịp nhàng hệt như lúc đang bơi lội. Bàn tay của người nghệ sĩ bơi bồng rất quan trọng, chính nhờ sự khéo léo, lúc mềm mại, lúc dứt khoát mà tiếng bồng đạt đến độ tinh tế, truyền cảm cho người nghe.

* Vậy hiện nay, ở nơi đâu còn giữ đúng bài bản của trống bồng nói riêng và nhạc lễ nói chung?

- Hiện giờ, chỉ còn một số vùng ở Cần Đước và Tây Ninh còn giữ được bài bản. Mặc dù là một trong năm nhạc cụ bắt buộc phải có trong bộ ngũ hành của nhạc lễ nhưng bồng đang dần bị mai một, thậm chí nhiều ban nhạc lễ còn không biết đó là loại nhạc cụ gì.

Tuy nhiên, nhạc lễ vẫn còn được dùng trong những dịp lễ hội, cúng kiếng ở đình chùa - diễn ra nhiều nhất vào tháng Bảy và tháng Giêng. Nhạc lễ phải bao gồm cả nhạc và lễ - nhạc để hòa, lễ để vận hành. Nhạc hòa giữa âm và dương, giữa người còn sống và người đã khuất, giữa con người và con người với nhau.

Lễ gồm có những nghi thức như dâng rượu, dâng trà, dâng hương… diễn ra trong tiếng nhạc làm nền. Mà cũng chỉ có những đình, chùa mới giữ đúng bài bản của nhạc lễ, chứ như đám ma bây giờ không còn giữ đúng gốc nhạc lễ cổ truyền nữa rồi.

* Thế nào mới là đúng gốc nhạc lễ, thưa anh?

- Nhạc lễ đám ma trước đây phải nỉ non réo rắt, theo đúng bài bản còn có cả những nghi lễ vận hành theo nền nhạc, nhưng giờ không còn nữa mà chỉ thấy nhạc sống ầm ĩ như hội chợ. Nhạc cụ sử dụng lai căng, bỏ đi mất bộ kéo (đàn cò) và thay bằng bộ khảy (đàn kìm, đàn tranh), thậm chí trong dàn nhạc lễ đám tang còn có cả đàn organ nữa.

Dường như xã hội hiện đại đã thu hẹp đất dụng võ của anh em nghệ sĩ nên dần dà nhạc lễ đúng gốc không còn được trọng dụng. Thêm nữa vì các kỳ cúng kiếng ở đình chùa vài tháng mới có một lần, trong khi chơi nhạc ở đám ma kiếm được nhiều tiền hơn, vả lại dù có sai sót, lệch nhịp cũng không ai phàn nàn.

Thế nên vì miếng cơm manh áo, các nghệ sĩ đã phát triển nhạc lễ một cách lệch lạc, biến tấu theo kiểu nhạc đám ma xôm tụ để vừa lòng gia chủ. Từ đó dẫn đến một thực trạng là còn rất ít người chịu học bài bản nhạc lễ và loại hình âm nhạc dân tộc này dần dà bị mai một.

* Tình trạng chung ấy đâu chỉ có riêng nhạc lễ mà cả cải lương, hát bội cũng thế, đúng không anh?

- Xã hội hiện đại chuộng pop rock, nhảy đầm là nhiều chứ nhạc tài tử, cải lương chỉ chiếm một bộ phận công chúng nhỏ và góc nhỏ ấy lại ngày càng bị thu hẹp dần. Như cải lương một thời từng được công chúng miền Nam mến mộ nhưng đến giờ cũng qua thời vàng son rồi.

Nhìn các em học trò mình dạy sau ba, bốn năm với biết bao công sức, tâm huyết của thầy cô, tiền của cha mẹ,… vậy mà tốt nghiệp xong, mấy em chỉ có thể hát ở quán xá chứ không có được một sân khấu cho đàng hoàng. Cũng phải thông cảm cho các em. Cả thành phố này chỉ còn lại duy nhất sân khấu Trần Hữu Trang nhưng nơi đó chỉ tổ chức liveshow cho các nghệ sĩ đã thành danh.

Nghĩ vậy, tôi nhận lời mời của Ban giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, đứng ra gầy dựng Câu lạc bộ đờn, ca Tài tử - Cải lương nhằm tạo ra sân chơi cho các em sinh viên mới ra trường và các thành viên yêu thích nghệ thuật đờn, ca Tài tử - Cải lương có dịp rèn luyện nghề nghiệp.

Cứ mỗi quý, câu lạc bộ tổ chức những chương trình biểu diễn, tạo điều kiện cho các em học viên thỏa sức với đam mê sân khấu, biết đâu lọt vào mắt xanh của các đoàn ca múa nhạc thì tương lai có thể sáng sủa hơn. Cũng mừng là mỗi buổi diễn đều phát hết 200 vé mời và có thêm những khán giả tự do đến coi khá đông.

* Không bán vé thì anh lấy đâu nguồn thu để bù chi?
- Từ khi thành lập câu lạc bộ, tôi đã ý thức rõ đây không phải là nơi kiếm tiền mà là nơi để các em đến sinh hoạt, biểu diễn, giao lưu… Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc kinh doanh trên danh nghĩa các hoạt động của câu lạc bộ vì xác định rõ mình đang làm nghệ thuật. Với tôi, sống để làm nghệ thuật chứ không làm nghệ thuật để sống.

Thú thật là nhiều khi tự tôi phải bỏ tiền túi để thuê quần áo cho các em diễn, chủ yếu vì lòng đam mê và thương học trò thôi. Ngoài ra, hoạt động của câu lạc bộ được giúp sức hỗ trợ của Ban giám đốc, Phòng nghệ thuật Cung Văn hóa và các mạnh thường quân. Đến nay tôi đã duy trì câu lạc bộ gần năm năm với hơn 11 khóa và chính các em học viên của khóa này sẽ kế thừa, tiếp nối hoạt động từ khóa trước.

* “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như thế, liệu gia đình anh có phản đối?

- Vợ tôi là một nghệ sĩ tài tử cải lương và cũng đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh. Hai vợ chồng cùng nghề nên hiểu và cảm thông cho nhau. Tôi nghĩ rằng câu lạc bộ là sân chơi do mình tạo ra, là niềm vui của bản thân nên vẫn cố gắng để duy trì phong trào. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để tôi phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu và yêu thích âm nhạc dân tộc.

Thực tế, tôi đã có những học viên ở câu lạc bộ trở thành sinh viên chính quy của Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh. Các em thật sự có năng khiếu để phát triển nghề nghiệp lâu dài nên cần được học tập bài bản để kế thừa lớp nghệ sĩ đi trước và thay mình quản lý câu lạc bộ sau này.

Quan trọng hơn cả, câu lạc bộ còn là nơi tôi có thể “thả ga” thử nghiệm những cách tân, sáng tạo. Khi đứng trên bục giảng ở trường lớp chính quy, tôi phải truyền dạy cho các em theo đúng giáo trình, chứ không thể chủ quan dựa vào các sáng tạo của mình. Nhưng đến với câu lạc bộ, tôi được dịp phát triển thêm những bài bản bơi bồng mới cách tân từ những điệu thức bồng ba, bồng tư truyền thống và cố gắng giữ lại tính dân tộc để không bị lai căng.

Mặc dù tôi biết các cụ ngày xưa nếu nghe những bài bản bộ gõ cách tân như Lý ngựa ô, Ngẫu hứng trống bồng… sẽ phê phán, nhưng nếu cứ bảo thủ thì không thể bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc trong dòng chảy văn hóa hội nhập ngày nay. Chi bằng cứ đưa ra cho quần chúng thẩm định sự phát triển ấy có phù hợp không, có thể tồn tại không hay chỉ như một trào lưu nhất thời.

* Gia đình anh vốn có truyền thống nghệ thuật, vậy anh có hướng con mình theo nghiệp của cha mẹ?

- Thú thật là không. Cảm nhận của tôi ngày xưa đã khác thời đại bây giờ. Lối sống cha mẹ đặt đâu con ngồi đó không còn phù hợp, lỡ con mình không đam mê như mình thì làm sao nỡ ép uổng. Khi con cái vừa học xong cấp 3, tôi đã hỏi ngay “Giờ con muốn gì?” để cho con tôi quyết định và tự có trách nhiệm về con đường lựa chọn của mình. Không như hồi xưa, ông nội không cho theo học nhạc lễ, rồi khi ông mất đi, cha tôi lại hướng tôi vào con đường đó, nhưng dẫu sao cũng là vì tôi có đam mê, còn xã hội bây giờ khác rồi!

Giả như âm nhạc truyền thống vẫn còn ở thời kỳ vàng son thì tình thế đã khác vì con mình sẽ thích nghề nghiệp của bố mẹ làm. Nếu nhìn thấy bố mẹ nghệ sĩ hằng ngày đi diễn, được trọng vọng thì chắc hẳn con mình sẽ tự động đi theo mà không cần thúc ép, như chính tôi ngày xưa từng rất thích nghiệp của cha nên mới học theo. Còn thời bây giờ, đâu phải lúc nào cũng có chương trình hay sân khấu để biểu diễn, con cái nhìn thấy bố mẹ mình khổ thế thì làm sao thích thú mà dám theo đuổi.

* Vậy những tâm huyết với nghề anh sẽ truyền lại cho ai để duy trì bộ môn nhạc lễ nói chung và cách bơi bồng gia truyền của gia đình nói riêng?
- Tôi được may mắn giảng dạy bên trường sân khấu về âm nhạc trong cải lương, nên thỉnh thoảng cũng lồng vào kiến thức về nhạc lễ để các em sinh viên hiểu hơn về loại hình văn hóa này. Dù vậy, sinh viên các ngành này cũng ít lắm, không đông đúc như bên ngành diễn viên điện ảnh, kịch nói hay đạo diễn. Thế nên đến giờ tôi vẫn chưa tìm được học trò ưng ý để truyền nghề và kế thừa bộ môn nhạc lễ mà mình tâm huyết.

Trong khi các lớp dạy khiêu vũ lúc nào cũng có từ 50 - 60 học viên đăng ký thì các lớp học về âm nhạc cổ truyền càng vắng vẻ, thưa thớt. Bên Cung Văn hóa Lao động vừa mở lớp nhảy rap đã phải tràn ra cả sân tập bởi trong phòng không chứa đủ. Thị hiếu đã khác xưa và ít ai còn quan tâm đến bộ môn nghệ thuật đã lỗi thời này.

Ngày xưa, học trò nghe ở đâu có thầy dạy nhạc lễ, đờn ca tài tử - cải lương nổi tiếng là tìm đến tầm sư học đạo, còn bây giờ thầy phải đi tìm trò để mong có người thay mình gìn giữ, kế tục nghệ thuật truyền thống. Đến chính bản thân tôi vẫn đang đốt đuốc đi tìm học trò mà tìm hoài vẫn chưa ra người có thể kế thừa vốn quý của âm nhạc dân tộc, mà trước mắt là cách sử dụng trống bồng đang dần bị mai một.

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ cũng như nỗi băn khoăn chính đáng dành cho âm nhạc dân tộc.


Theo ANH KHANG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương