Nghe đờn ca tài tử bên bờ kè Hưng Long

Nghe đờn ca tài tử bên bờ kè Hưng Long
BTO- Đều đặn cứ thứ sáu hàng tuần, cuối bờ kè phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận lại vui như mở hội. Họ là những ngư dân, nông dân, người bán vé số, chạy xe ôm,… vì đam mê cổ nhạc và đờn ca tài tử nên đã cùng nhau tụ hội thành lập câu lạc bộ (CLB) Ánh sao cổ nhạc mang tiếng đàn, tiếng rao vọng cổ làm nao lòng người nghe.
Ông Bảy Khanh cùng anh em trong CLB vừa chơi đờn, vừa tung hứng cho anh chị em khác diễn
Ông Nguyễn Hớn tranh thủ dắt tập vé số ra sau lưng lên ca mấy bản rồi mới đi bán tiếp
 Ai về Phan Thiết mà nghe…
Đó là câu mở đầu trong bốn câu thơ do chính ông Nguyễn Khanh, người có công đầu trong việc thành lập ra CLB Ánh sao cổ nhạc phường Hưng Long sáng tác và đọc cho khán giả nghe trong đêm diễn thứ 187. “Ai về Phan Thiết mà nghe.  Đờn ca tài tử bờ kè Hưng Long. Thấy biển, ngắm nước, nhìn sông. Nghe đờn, nghe hát đời không còn buồn”. 76 tuổi, ông Bảy, tên gọi thân mật của ông Nguyễn Khanh được người dân nơi đây trìu mến gọi, nhìn còn thanh niên lắm. Theo ông Khanh, có được sức khỏe như vậy là nhờ ngày nào cũng được nghe đờn, nghe hát cải lương, vọng cổ. “Chào sân” khoảng tháng 4/2011, đều đặn tối thứ sáu hàng tuần sân chơi lại tề tựu đông đảo đủ mọi tầng lớp người dân tham gia. Thoạt đầu hát hò ngay quán cà phê tại nhà ông Bảy, nhưng dần khán giá yêu mến quá nên đến chật kín quán khiến “sân khấu” trong nhà bị quá tải. Thấy khu bờ kè đối diện nhà mình quá rộng, ông Bảy cùng với những thành viên trong CLB đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương để nhóm được phép biểu diễn phục vụ bà con. Và từ đó cho đến nay, “sân khấu” khu bờ kè đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người có niềm đam mê với món đờn ca này. Gần 3 năm, đến nay đã là chương trình thứ 187 được các anh chị tổ chức để thỏa niềm riêng và cũng đã phục vụ hàng ngàn khán giả. Nghe tiếng đờn tiếng hát bay xa, bà con khắp mọi nơi trong tỉnh Bình Thuận và cả những địa phương khác kéo về ngồi la liệt khắp bờ kè để nghe nhóm ca của ông Bảy hát cho đã lỗ tai. Gọi là sân khấu cho vui, chứ thực ra dù đã rất cố gắng, nhưng kinh phí hạn hẹp nên nhóm ca Ánh sao cổ nhạc chỉ sắm được vài chiếc bàn nhựa và vài chục chiếc ghế nhựa cũ kĩ đặt dọc khu bờ kè để bà con ngồi xem cho đỡ mỏi chân. “Ai nhanh chân thì có ghế ngồi, còn đến chậm thì đành phải lót dép hay kiếm hòn đá, cục gạch nào đó ngồi nghe thôi” – ông Bảy cười đôn hậu nói. Ấy vậy mà tối thứ sáu tuần nào bà con cũng đến rất đông, không ai bảo ai, họ tự sắp xếp chỗ cho mình, người nào có xe máy thì dựng chân chống lên rồi gác chân ngồi vắt vẻo, người đi bộ thì lót dép xuống lề đường, “vip” hơn thì mua ly nước mía năm ngàn đồng của những người bán bên đường rồi có ghế nhựa ngồi xem cho hết chương trình rồi về.
CLB Ánh sao cổ nhạc đã bước đến đêm thứ 187
“Đam mê đã ăn vào máu rồi!”
Thời trai trẻ, ông Bảy Khanh cống hiến cho cách mạng với vai trò một chiến sĩ văn nghệ, nuôi quân cho Đoàn văn nghệ khu Lê Hồng Phong rồi Đoàn Văn công Sao Vàng. Thuộc làu các bài vọng cổ, các bài bản nhỏ, các điệu lý, đàn mandolin,… từ lúc 10 tuổi. Sau này, ông mày mò học và thành thạo cả đờn cò, đờn sến, guitar phím lõm, guitar tân nhạc. “Bởi vậy, đờn ca nó đã ăn vào máu tôi rồi, có muốn dứt cũng không được”. – ông Bảy thiệt tình nói. Không chỉ ông Bảy, CLB Ánh sao cổ nhạc hiện với khoảng trên 20 thành viên cũng có niềm đam mê không kém gì ông “chủ xị”. Như ông Hoàng Nam (51 tuổi), một doanh nhân thành đạt ở thành phố Phan Thiết cũng đã giao hết công việc cho con cháu để theo ông Bảy và anh em trong CLB để thỏa niềm đam mê “ca cẩm”. “Danh ca” của khu bờ kè còn phải nói đến Bích Vân, Ngọc Hường, Đức Mười… hay những thanh niên trai tráng mê đờn như Hoàng Nô, Minh Tấn, Phú Sinh…  Rồi không thể không nhắc đến những ngón đờn của Thanh Vinh, Văn Lướt…vừa bước qua tuổi 20, tất cả đều là những lao động còn chật vật với cơm áo ngày thường. Nhưng cứ đến tối thứ sáu hàng tuần, họ lại tạm gác công việc rồi tất bật chạy đến “sân khấu”  để hòa vào không khí “nhà mình”.
Họ hóa thân thành nhiều vai diễn trong một đêm
Rất đông bà con đến nghe và cổ vũ cho anh chị em trong CLB
Không chỉ hát đơn ca, khi khán giả yêu cầu, những thành viên trong CLB bỗng chốc trở thành thầy Lý trong vở Ngao Sò Ốc Hến, An Dương Vương trong vở Trọng Thủy - Mỵ Châu, hay nhiều vai kinh điển khác,… Tất cả những vở diễn phục vụ bà con đều được các thành viên trong CLB tự nhau luyện tập. “Nhiều khi hứng lên là diễn luôn chứ cũng chẳng cần tập tành gì. Do đã quá hiểu nhau nên cũng “khớp” ra phết” – “danh ca” Đức Mười nói. Không chỉ các thành viên trong CLB diễn, nếu khán giả có “máu” văn nghệ thì cũng được nhanh chóng “trân trọng kính mời”. Như cụ ông Nguyễn Hớn, hơn 70 tuổi, hành nghề bán vé số dạo, cứ đến tối thứ sáu hàng tuần là ông chỉ bán lòng vòng ở khu bờ kè để chờ khi “sân khấu” lên đèn là ông vội dắt tập vé số vào túi quần leo lên cầm mic-rô ca vài bản cho đã rồi mới đi bán tiếp.
Hiện CLB Ánh sao cổ nhạc chủ yếu dựa vào kinh phí của những thành viên và những người đến nghe hát có lòng hảo tâm thì góp năm, mười ngàn đồng cho nhóm để có kinh phí sắm dụng cụ biểu diễn. “Khó khăn là vậy, nhưng mình chơi kiểu “cây nhà lá vườn”, có gì thì xài nấy. Cốt yếu là để thỏa lòng đam mê và có thể lưu giữ, phát huy giá trị truyền thống của quê hương là vui nhất rồi” – ông Bảy nắm chặt tay tôi nói vậy.
Minh Hải

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương