Nét tài tử của người Nam bộ

Trong những năm gần đây, nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển mạnh, rộng khắp và là một loại hình âm nhạc đặc sắc; góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm truyền thống và bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Loại hình nghệ thuật đặc sắc này đã được các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam bộ là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện được tính cách phóng khoáng và nét sống sông nước miệt vườn của con người nơi đây.

Đờn ca tài tử từ lâu đã được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ trong những ngày hội, những dịp vui; và đã đi sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân từ hàng trăm năm nay. NSND Đỗ Dũng là một trong những người dành hầu như cả đời mình cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Ông là chuyên viên nghiên cứu âm nhạc tài tử cải lương, giảng viên về âm nhạc và sân khấu dân tộc; đồng thời cũng là một soạn giả có nhiều bài ca được nhiều người yêu mến như: “Nghĩa đời”,........

PV: Ông có thể giới thiệu về đặc điểm cũng như tính chất của đờn ca tài tử của Nam Bộ?

NSND Đỗ Dũng: Về âm nhạc dân tộc, dòng nhạc nào mang tính tiêu biểu cho vùng miền đó. Âm nhạc tài tử phương Nam là loại hình sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của người Nam bộ. Trước tiên, nó mang tư tưởng, tình cảm, ý chí của người Nam bộ; mang tính tự phát và tự giác. Tức là không có thể chế, không ai sắp đặt và cũng không ai quản lý.

Đờn ca tài tử là do những trí thức, sĩ phu yêu nước ban đầu của vùng đất Nam bộ sáng tạo ra. Sau này là truyền dạy cho nhau. Khi phong trào lan tỏa, qua nhiều giai đoạn hình thành thì mới có những văn sĩ, những nhà nghiên cứu quan tâm đến đờn ca tài tử. Nhưng số lượng đó cũng không nhiều.

Quan điểm đầu tiên khi sáng tác đờn ca chỉ là để giải trí, vui chơi; không quan trọng tính dân tộc, tính bác học như thế nào. Sau này có một số công trình và đồng thời tôi tự nghiên cứu bằng các phương pháp so sánh, đối chiếu và phân tích dựa trên các cơ sở khoa học về âm nhạc, vật lý và xã hội học mới thấy rõ ràng, đờn ca tài tử mang tính đặc trưng, tính dân gian và tính bác học.

Tính dân gian là quá trình truyền bá; tính tự giác, tự phát cũng là từ dân gian. Nhưng khi cần thiết, đờn ca tài tử cũng có thể trình diễn trong thính phòng. Bài bản của đờn ca cũng là cổ điển, kéo dài chương khúc, mang kịch tính; không thua gì những hợp xướng, những tác phẩm giao hưởng.

Tính triết lý chính là tư tưởng phương Đông, tư tưởng của Khổng Mạnh. Thể hiện rõ trong các bản nhạc đờn ca.

PV: Đó là về âm nhạc, còn về đặc trưng của ngôn ngữ đờn ca tài tử xưa thì sao?

NSND Đỗ Dũng: Lúc tiền nhân khai phá vùng đất Nam bộ, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, văn hóa chưa được nâng cao và thiếu thốn đủ phương diện; thế nên mỗi câu, mỗi ca từ trong bài đều mang tính dạy đời. Đờn ca viết về thế thái nhân tình, về chồng vợ, bạn bè; một số bài thì ca ngợi tính trung quân ái quốc. Vì mang nặng tư tưởng phương Đông nên triết lý về mặt ca từ.

Đờn ca chơi không theo thể chế ràng buộc, không có một tổ chức nào quản lý, giáo dục, giúp đỡ mà tính tự giác, tự phát rất cao. Tính chất này không phải vô thưởng vô phạt mà mang tính dân gian có định hình do những nghệ nhân tiền bối, những nhà sư trước đây có công khai phá nền âm nhạc tài tử. Hầu hết là những trí thức nho học nên ngôn từ mang tính văn học của ca nhạc tài tử rất cao.

Hình ảnh
Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử

PV: Đó là nghệ thuật đờn ca tài tử xưa kia, từ khi hình thành đến đặc điểm ngôn từ của nghệ thuật đờn ca tài tử cổ. Còn so với nghệ thuật đờn ca tài tử bây giờ, nhất là đối với những bài hát như ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, ca ngợi mùa xuân như ông đã viết thì đặc điểm ngôn ngữ như thế nào?

NSND Đỗ Dũng: Ngôn từ của đờn ca tài tử ngày nay có những cái khác trước đây và khác rất xa. Một là tiếp thu từ văn hóa mới nên các tác giả cầm bút sáng tác rất có ý thức. Đờn ca tài tử ngày xưa không có thể chế, không có tổ chức nhưng ngày nay nó nằm trong đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Từ đó được nâng đỡ, quan tâm và đồng thời cũng đi theo định hướng. Tức là phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, các lễ hội, lễ lộc ở địa phương. Đờn ca còn về tình yêu cuộc sống đôi lứa lao động…

Về mặt ngôn từ, nghệ thuật ngôn từ luôn gắn với cuộc sống và hơi thở thời đại. Ngôn từ biểu hiện phong cách mới và đồng thời thể hiện xu thế thích hợp với thời đại, tạo nét gần gũi. Còn câu văn các cụ ngày xưa, dùng những điển tích, điển cố hoặc là Hán Việt thì có người hiểu, có người lại không hiểu.

PV: Những điều cơ bản khi đặt bút viết lời cho những bản đờn ca tài tử là như thế nào?

NSND Đỗ Dũng: Theo tôi, người viết có 3 dạng. Một dạng viết bằng tình cảm, tâm huyết. Dạng nữa là những người viết theo phong trào để đáp ứng yêu cầu khán giả. Còn dạng khác là viết để tiêu khiển, xem như thư giãn.

Với những tác giả chuyên nghiệp hoặc gắn bó với phong trào sáng tác thì kinh nghiệm trước nhất là chọn chủ đề. Sau đó đưa nội dung vào ca từ rồi kết hợp với âm nhạc. Tới ngữ nghĩa thì làm sao cho một đơn vị ca từ bao gồm có ngữ âm, từ, ngữ nghĩa. Ba vấn đề này phải chồng khít lên nhau và chuyển tải được tư tưởng, tình cảm mà tác giả gửi đến cho công chúng. Đó mới là vấn đề quan trọng.

Đờn ca tài tử ngày càng được nhiều du khách biết tới

PV: Ông có nhắn gửi gì tới những tác giả, những bạn trẻ có mong muốn soạn lời cho đờn ca tài tử?

NSND Đỗ Dũng: Ngày nay, có rất nhiều tác giả viết rất sâu sắc. Chủ đề rộng. Nhiều tác giả trẻ cũng có những tác phẩm ca ngợi về tình yêu và cuộc sống, những hình tượng lao động rất hay.

Lớp trẻ là những người được học hành, được tiếp thu nhiều hơn, có điều kiện kế thừa những người xưa để chung tay xây dựng, nâng tính chất nghệ thuật ngôn từ trong sáng tác cho tròn trịa và hoàn thiện hơn.

PV: Xin cám ơn nhạc sĩ./.

Theo VOV2

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương