LIÊN HOAN ĐỜN CA TÀI TỬ- TP.HCM-2013 GIẢI HOA SEN VÀNG

Tác giả: Nhạc Sĩ Văn Dần

Xuyên suốt các buổi liên hoan giải hoa sen vàng, chắc hẳn quý đồng điệu tri âm cũng như Văn Dần, sao khỏi nghe lòng mừng vui phấn khởi.

Qua cuộc liên hoan nầy, Văn Dần rất đỗi hân hoan , vì cảm nhận được, vườn hoa nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn thấm vẫn tươi dù đã trải qua bao thăng trầm biến đổi.

Trong cuộc liên hoan nầy, rất nhiều ngón đờn giọng ca truyền cảm ngọt ngào, mà từ trước đến giờ Văn Dần chưa được hân hạnh quen tên biết tiếng.

Trong đó có những ngón đờn cùng những giọng ca trẻ rất hay;

Sinh khí nghệ thuật là đây, đã thể hiện rõ tài năng đâu đợi tuổi.

Qua cuộc diện nầy, chúng ta đã vững niềm tin, nghệ thuật đờn ca tài tử nam bộ, sẽ mãi âm vang với thời gian vô hạng.

Điều mà chúng ta không ai có thể phủ nhận được , nếu như trước đây, Thành Phố HCM và các Tỉnh bạn không phát động phong trào, không tổ chức các cuộc liên hoan;

Bộ môn đờn ca tài tử hầu như sinh khí chẳng còn, có thể ví như mớ tro tàn nguội lạnh khó mà nhen nhuốm.

Nhờ có những cuộc liên hoan trước đây, liên hoan giải hoa sen vàng, đã hội tựu được nhiều thế hệ tài tử rất là thiện nghệ.

Điều đáng mừng là trong cuộc liên hoan nầy, rất nhiều tài tử trẻ, có ngón đờn giọng ca xuất sắc.

Nhưng rất tiếc cái được chỉ bấy nhiêu thôi,cái chính yếu nhất là nghệ thuật bị kìm hảm vẫn nghiễm nhiên tồn tại.

Cuộc liên hoan giải hoa sen vàng lần nầy, các câu lạc bộ tài tử tham gia hội thi, phải tuân thủ những quy định vu vơ không thích hợp với phong cách thư thái tao nhã vốn có của giới đờn ca tài tử.

Tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật, nó vẫn còn biền biệt xa xôi, chẳng biết bao giờ, nó đến được với đờn ca tài tử như những bộ môn nghệ thuật khác.

Nhà văn viết tiểu thuyết, thi sĩ làm thơ, nhạc sĩ viết ca khúc tân nhạc, các bạn ấy đã được sáng tác ngâm nga đàn hát theo tâm tư tình cảm của mình, không bị ràn buộc phải viết lách theo ý đồ ai cả.

sau công cuộc đổi mới đất nước, tính văn học nghệ thuật những môn nêu trên đã được tự do sáng tác.

đờn ca tài tử thì sao? phương diện nghệ thuật chờ đến bao giờ, mới có được cơ may khởi sắc.

bài ca tham gia các cuộc liên hoan chủ yếu là để tuyên truyền, Do vậy, tính nghệ thuật vị nghệ thuật trao đến công chúng vẫn chưa biết bao giờ thực hiện.

Khi nào những người tổ chức những cuộc liên hoan đờn ca tài tử,ý thức được vấn đề cốt lõi của văn nghệ là … Ta chỉ nên đem đến công chúng món ăn tinh thần mà họ xẳng sàng đón nhận.

Anh chị em tài tử, những người không được một chút quyền lợi gì thuộc biên chế nhà nước.

Nhưng khi tham gia những cuộc liên hoan, lại bị ràng buộc phải làm cái việc tuyên truyền không đúng thời đúng lúc.

Người Việt Nam yêu tổ quốc yêu quê hương, nào ai nỡ lãng quên, sự gian khổ hi sinh của bao liệt sĩ anh hùng, đã kiên cường không quản nguy nan, tuôn đổ máu xương vì tự do độc lập.

Vấn đề là… Ta cần tuyên truyền động viên, đúng thời, đúng lúc, đề tài cần phải thiết thực với tình thế của đất nước ;

Khi đó nhất định với quần chúng nhân dân, chúng ta sẽ nung nấu được ý chí quật cường tinh thần bất khuất.

Bác hồ: vị lãnh tụ thiên tài kiệt xuất nước Việt nam, đâu chỉ dân tộc ta quý yêu tôn kính.

Đức độ tài năng ý chí kiên cường của bác, qua hai cuộc khán chiến đánh tây đuổi mỷ, đã khiến cho bè bạn khắp thế giới năm châu phải hết lời ca ngợi tán dương vì kính phục.

Với dân tộc VN ta, bác là đấng anh hùng trên các bậc anh hùng qua hai cuộc trường chinh đầy gian khổ;

Bài ca ngợi ơn đức cao vời của bác, mà chỉ lập đi lập lại những khẩu hiệu thời chiến theo kiểu thong tin tuyên truyền, tính văn học nghệ thuật không cao, hệ tư tưởng sẽ bị soái mòn,không khéo vô hình trung, quý vị làm nhạt nhòa hình tượng thiêng liêng của dân tộc.

Lời tán dương ca ngợi sáo rỗng , chẳng lợi ít gì cho tinh thần, nó chỉ khiến người mộ điệu chán chường vì ngán ngẫm.

Các Vị hãy đặc mình vào tâm trạng của người nghe hát nghe ca, cứ phải nghe quanh đi quẩn lại những bài nặng tính tuyên truyền,họ không chán nản chỉ là điều không tưởng.

Tính cách nghệ thuật đờn ca tài tử xưa nay, người nghệ sĩ thanh thản chuốt trao tiếng nhạc lời ca theo sự rung động của lòng mình;

Bài ca viết cho tài tử, văn phong tác giả thường biểu cảm qua lối tự sự tự tình;

Từ sự tức cảnh sanh tình, tác giả xao xuyến gieo nguồn cảm súc.

Tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật, mãi luôn là tiếng nói của con tim, bởi nó xuất phát từ sự cảm hoài của người nghệ sĩ.

Cái hồn của nghệ thuật đờn ca tài tử, trước tiên đờn và ca phải hòa quyện gắn kết nhau như bóng với hình;

Phải mạch lạc nhuần nhuyễn để tìm đến đỉnh cao nghệ thuật.

Nếu cứ mãi làm chương trình theo cung cách hiện giờ, anh chị em không thể nào có được tác phẩm hay, chỉ cố tập dợt qua quít để trả bài theo quy định.

Ở một sân chơi thiếu tự do như vậy, Thì quả thật là mỉa mai, trong những cuộc liên hoan, các vị cứ oang oang cổ xí hai từ nghệ thuật.

Buộc các Câu Lạc Bộ phải tái hiện không gian sinh hoạt địa phương tại Liên Hoan Đờn Ca Tài Tử Giải Hoa Sen Vàng, xét về phương diện nghệ thuật, quả là một việc làm vu vơ, chỉ để gây khó cho anh chị em tài tử!…

Trong cuộc hội thi, thay vì dành trọn thời giờ để tài tử đờn ca, các vị lại buộc tài tử đờn tài tử ca, phải làm diễn viên Kịch nói bất đắc dĩ trong ngượng ngùng bối rối.

tội nghiệp cho một số anh chị em tài tử, phải rất cố gắn vào vai trong sự vụng về bỡ ngỡ.

ĐỜN CA đạt tính NGHỆ THUẬT khi nào ta thật có?…

Tài tử đờn khi đã đắm chìm vào cung bậc bổng trầm khoan nhặt đục trong.

Bản thân nghệ nhân trong trạng thái đó hầu như chẳng còn gì,tâm thức họ chỉ vang lên thanh âm huyền ảo bao trùm không gian hiện hữu.

Sự ngẫu hứng sáng tạo từ tâm tư khởi lên, những ngón đờn réo rắc mượt mà cống hiến cho thế nhân , chuỗi âm thanh những cung đờn bất hủ .

Vì nó thánh thoát du dương hơn ngày thường, hùng tráng uy nghi hơn ngày thường, bi ai thống thiết hơn ngày thường, sự cảm súc đó chỉ có được khi tài tử xuất thần;

Muôn sự đời nào có nghĩa gì đâu, bởi Hồn phách tài tử đã lắng sâu vào âm thanh và điệu thức.

Sự ngẫu hứng dạt dào bắt nguồn cho bao sáng tạo nảy sinh;

Khi đó tiếng đờn tài tử đã đạt đến đỉnh cao tâm tấu.

Tác phẩm sáng tác cho tài tử ca,tính văn học luôn ở vai trò quyết định.

Vì mỗi khi cất tiếng ca, tài tử đã hiến trọn tâm hồn mình cho người thưởng thức.

Trong trạng thái đó, phải là mặc khách tao nhân, mới cảm nhận được tiếng lòng người nghệ sĩ.

Vì vậy phải thật yêu nghệ thuật mới nên làm nghệ thuật ;

Đờn ca tài tử hiện tại rất hiếm người nghe, nếu mãi đi theo lối mòn nầy, dần dần sẽ đến nẻo đường toàn ngõ cụt.

Để có được bài hòa ca hay, tài tử đờn, tài tử ca, phải luyện tập rất kì công,để tính văn học và nghệ thuật hòa quyện gắn kết vào nhau thời gian không thể ngắn.

Điểm nầy Văn Dần xin lưu ý các bạn;’’ hòa ca trong nghệ thuật đờn ca tài tử’’ hoàn toàn không phải cả nhóm cùng ca theo kiểu ‘’ hợp ca hay đồng ca một bản nhạc hành khúc’’.

Có một vài bản mang hơi hướng điệu thức Bắc như… Duyên Kì Ngộ, hay hai bản Bắc Ngự chính thống như… Ái Tử Kê, Bắc Man Tấn Cống.

Nhưng nó phải được sử dụng hợp lý khi đã sân khấu hóa.

Theo yêu cầu bối cảnh kịch bản, đạo diễn dàn dựng đồng ca tựa như loại hình nghệ thuật Cải Lương.

Đờn ca tài tử là loại nhạc thính phòng không hình thức phô trương;

tóm lại, hợp ca, đồng ca, hoàn toàn không thích hợp với nghệ thuật đờn ca tài tử.

Từ cuộc liên hoan năm 2011 tại TP.HCM,sự rối rắm bắt đầu từ đây, bởi ai đó trong các vị những người phụ trách chuyên môn, có cái tư duy kéo lùi nghệ thuật?…

Tài tử ca bản Vọng Cổ và những bài bản khác nếu tham gia liên hoan năm đó;

Phải bỏ hết nói lối ngâm thơ đầu bài, người ca lóng ngóng chờ đờn vô trước tới nhịp mới được vô;

Sự tiến triển tuyệt vời đã được người mộ điệu yêu chuộng hơn 60 năm, bổng dưng từ liên hoan 2011, nó bị kéo về thời kì trước năm 1950, kiểu đờn ca theo tiết tấu xưa cũ đã lùi vào quá khứ .

Bản ca Vọng Cổ đờn vô trước, kể từ đầu thập niên 1960 , không còn soạn giả nào phí công viết nữa.

Hòa ca, phải ưu tiên dành sự diễn đạt biểu cảm cho người ca;

Nếu bị ràng buộc theo một kiểu cách nào đó, tài nghệ người ca, phải chịu sự ức thúc phi nghệ thuật rất là oan uổng.

Nếu các vị hiểu được sự liên kết giữa tính văn học và tính nghệ thuật tầm quan trộng của nó thế nào;

Có lẽ các vị đã không buộc anh chị em tài tử phải đờn ca cái kiểu lỗi thời, lại còn biến những bài ca, đầy tính văn học nghệ thuật trở nên đầu thừa đuôi thẹo!…

Sự việc bày ra oái oăm là vậy, mà nào có ai góp ý được đâu;

Vì hiện tại với giới tài tử chúng ta, các vị ấy là những đại tôn sư được nhà nước tín cẩn tin dùng;Quyền vo tròn bóp méo trong tay, họ đâu cần tôn trộng ý kiến nào của nghệ nhân tài tử!…

Trong sự việc nầy, Văn Dần có diệp trao đổi với vài bạn hữu, anh em quá mê nghề thì nhập cuộc tham gia cho vui, với các vị đại tôn sư đó,chắc chắn ý kiến chúng ta, không có chút giá trị gì đâu,vì với chúng ta, cương vị họ đang cao cao tại thượng.

Có điều nầy, Văn Dần xin chân thành nhắc nhở các vị, xin các vị phải hết sức quan tâm đến lòng tự trộng của nghệ nhân tài tử;

Họ chỉ vì nghiệp vĩ, góp mặt cùng đồng điệu tri âm cho thỏa lòng thôi;

Mấy đồng tiền còm bồi dưỡng,không đủ đi lại tập dợt, thì nói gì đến chuyện sử dụng nó phần nào trong đời sống.

Vậy mà anh chị em nào có tính thiệt so hơn, Động cơ thôi thúc nhiệt tình của họ, chỉ vì quá yêu nghề, họ cố khắc phục khó khăn vượt qua trở ngại.

Quý vị đừng cho rằng, họ cố dấn thân vào cuộc liên hoan để được vang danh…

Đơn thuần lắm, họ chỉ là những người mê đờn mê ca;

nhận xét đúng đắng sự tình, chính họ mới là những người thiết tha yêu nghệ thuật đờn ca tài tử.

Có khi nào các vị lắng lòng suy nghĩ, họ đã được gì sau những cuộc liên hoan?…

Giá trị thực tế của nghệ nhân, tài tử, không khác món đồ cổ dùng để trưng bày, khi hết việc nào có ai màng gì đến nữa!…

Thực tế đã đủ phủ phàng lắm rồi, các vị đừng dựa vào sự nhất thời phục tùng của tài tử nghệ nhân, rồi tự cho tiếng nói của các vị là thước ngọc khuôn vàng, mang hơi hướng quyền thế khống chế thiên tư tài tử!…

Ca có nói lối, có ngâm thơ, giọng luyến lái ngân dài vô trước đờn là ca theo kiểu cải lương, không đúng cung cách đờn ca tài tử phải không?…

Hiểu như vậy, là các vị nhận thức nghệ thuật bằng cái đầu cực đoan rồi đó.

Từ sự cả nghĩ chủ quan đó, các vị đưa ra quy định phi nghệ thuật mặc nhiên kìm hảm tài nghệ người ca;

Nghệ sĩ phục vụ Đẹp lòng người mộ điệu, đờn ca tài tử mãi tồn tại với thời gian;

Nếu làm chương trình chỉ để vừa lòng quan chức và các thầy bảo thủ cực đoan, sự mai một chỉ là trong sớm muộn.

Bản Vọng Cổ nhịp 32 ca kiểu đờn vô trước đã quá lỗi thời, hơn 60 năm qua, Nó không còn được sự ủng hộ của người thưởng thức!…

Ta đờn, ta ca, chỉ để ta nghe, có gì vui?…

Trân trộng bảo lưu dình giữ tư liệu truyền thống của ông cha là việc phải làm;

Chủ trương quản bá với công chúng cái mà họ không còn yêu thích chẳng phải là việc làm phí công vô ích hay sao?…

Các vị thử nghĩ,các vị làm nghệ thuật mà khán thính giả quay lưng,phải chăng nghệ thuật đờn ca tài tử từ cổ chí kim, chính các vị là những kẻ đào mồ chôn lấp?…

Đến khi nào các vị mới nhận ra từ sự tư duy ngược giòng tiến hóa của các vị, đã là lực cản quái ác giữa giới tài tử với người mộ điệu?…

Thiết nghĩ: không chỉ riêng bản Vọng Cổ;

Những bài hơi Oán, hơi Nam, thậm chí những bài hơi Bắc;

nếu người ca có chất giọng hay;

Tại sao họ không được quyền chọn tác phẩm có nói lối hoạt ngâm thơ đầu bài?…

Những tác phẩm viết như vậy, càng làm đẹp thêm nghệ thuật diễn ca,sao các vị lại ban cho nó một thứ định kiến để kéo lùi nghệ thuật?…

Để biết bài ca nào đó, tác giả viết cho loại hình nghệ thuật tài tử hay cải lương, nhất thiết phải căn cứ vào nội dung tác phẩm.

Để được thừa nhận là ca đúng cung cách tài tử, phải chờ đờn vô trước hay sao?…

Thật đáng buồn, vì đàn em thế hệ hiện nay, không ít người hiểu sai như vậy!…

Khi xưa hòa đờn hay hòa ca , ngoại Trừ bản Vọng Cổ, những bài bản trong những điệu thức Bắc, Nam, Oán, Hạ,tài tử phải hiểu và tuân thủ một ước định bất thành văn;

Nhưng đó lại là khuôn thước mẫu mực để ta hiểu được tài năng đồng điệu.

Các em các cháu cần lưu ý kĩ điểm nầy; không hề có chuyện đờn vô trước ca vô sau;

Hòa tấu hay hòa cakhi dứt rao đờn của đồng điệu cùng chơi, sau tiếng song lang là tiếng gõ mô của nghệ nhân đờn Kìm, chữ Á đờn Tranh , phải gói trọn trong nhịp đầu vì tất cả nhạc cụ và người ca đồng vô cùng lúc.(

Thời gian tới đây, Văn Dần sẽ có bài minh họa gửi đến các bạn và các em các cháu).

Sở dĩ có sự lệnh lạc để các em các cháu hiểu sai;

Sự việc nó bắc nguồn từ những cuộc liên hoan, ai đó trong các đại tôn sư có trách nhiệm, hướng dẫn lạ kì ,đó lại là nguyên nhân khiến các em các cháu thế hệ trẻ hiểu sai như vậy.

Chúng ta đờn gì, ca gì, mà người mộ điệu chờ đợi lắng nghe?…

Chúng ta cố gắn trao dồi nghệ thuật, không phải để phục vụ cho những người có thế có quyền tâng công lấy điểm.

Một tiếng ngợi khen chân tình của người mộ điệu với giới tài tử chúng ta;

Giá trị thực tế, nó quý hơn ngàn lời biểu dương của những quan chức nói hay vì trách vụ.

Thưa đồng điệu tri âm: Sau Giải Hoa Sen Vàng, Văn Dần sẽ không theo dõi cuộc liên hoan nào nữa!…

Dù đã rất chán nản, Văn Dần cũng cố gắn nghe hết chương trình đêm phát giải;

để rồi sau đó, thức suốt đêm dài nặng nỗi ưu tư;âm thầm sẻ chia nỗi phiền muộn sót sa cùng đồng điệu!…

Ban giám khảo Giải Hoa Sen Vàng, những bậc thầy nhận trộng trách nẩy mực cầm cân!…

Nhưng tiếc thay… Sự đặc biệt ưu ái cho vài câu lạc bộ, và những tiết mục lẻ được tuyển chọn vào vòng chung kết xếp hạng, tự nó đã nói lên sự thiếu công tâm của những bậc thầy cầm cân nảy mực!…

Khi nhận trọng trách ở cương vị nầy, về phương diện nghệ thuật, lẽ nào quý vị không hiểu,mình đương nhiên đã là hình tượng quý kính của thế hệ em cháu tài tửtrẻ!…

Nếu có ai đó giám thất lễ, cho rằng quý vị còn kém am hiểu nghệ thuật trong bộ môn nầy;

Quý vị yên tâm… Không ai bảo ai mọi người sẽ khẳng định, chính kẻ đó mới là kẻ hoàn toàn không hiểu biết…

Điều mà không ít tài tử thắc mắc là… không hiểu vì nguyên nhân nào, quý vị, thản nhiên đặc biệt ưu ái cho một vài câu lạc bộ quá rõ ràng, hầu như không màng gì đến dư luận?…

Lòng chân thành kính trộng của các em các cháu tài tử trẻ , dành cho quý vị có đáng quý không?…

Riêng cảm nghĩ của Văn Dần, đó là thứ tình cảm rất thiêng liêng, dẫu tiền tài vật chất đến đâu, cũng không đổi chát không mua chuộc được !…

Tất nhiên không ai ngây ngô đến độ, mong ở mỗi vị giám khảo là một chiếc cân tiểu li chi tiếc chính sát không mảy may khiếm khuyết.

Nói có sách, mách phải có chứng;

Điển hình là… Cuộc Liên Hoan Giải Hoa Sen Vàng ngày 01/12/2013.

Hai câu lạc bộ Thủ Đức, Phú Nhuận, xét toàn diện khả năng trình diễn ,câu lạc bộ nào Kém? câu lạc bộ nào hay? quý vị cho số điểm, không ai khỏi ngỡ ngàng sửng sốt!…

Ôi!… một Sân chơi được cho là nghệ thuật, cũng không thể tránh những điều khuất tất!…

Chua sót thay!… cuộc liên hoan đờn ca tài tử, nơi mà lợi và danh chẳng đáng kể gì, cũng không dể tìm lấy sự công tâm, để có được niềm vui trọn vẹn!…

Văn Dần chưa trút cạn nỗi ưu tư của lòng mình;

Nhưng thôi… Viết cho tận ý, gẫm cũng chưa đổi thay gì được cả!…

Văn Dần thiết tha mong đồng điệu tri âm không nản lòng;

Dù cái tôi của họ to đến mấy, cũng phải thừa nhận là chính các bạn , mới là những nhân tố quyết định sự hưng suy môn nghệ thuật đờn ca tài tử…

Thưa quý đồng điệu tri âm:

Mời các bạn cùng Văn Dần trao đổi đề tài quan trộng khác…

Chắc hẳn trong chúng ta điều biết, đờn ca tài tử nam bộ, đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa nhân loại.

Đây không chỉ là niềm vui riêng trong giới tài tử chúng ta.

Sự kiện nầy lại một lần nữa , góp thêm niềm tự hào của toàn dân Việt Nam, một đất nước hằng ngàn năm văn hiến …

Bắc, Trung, Nam, ba miền với nhiều nền nghệ thuật phong phú tuyệt vời;

Thiết nghĩ… không phải quốc gia nào trên thế giới, cũng có được nhiều nền nghệ thuật như Nước Việt Nam Ta…

Hân hoan trong niềm tự hào, từng thành viên trong giới tài tử chúng ta, trước tiên phải làm gì, để xứng đáng là một công dân trong một nước văn hiến?…

Là một thành viên trong giới đờn ca tài tử, đang thừa hưởng vốn quý của ông cha;

ta phải Làm gì để bảo tồn và phat huy, vì mỗi chúng ta là một nhân tố , đang mang trách nhiệm dình giữ tinh hoa nghệ thuật, một nền âm nhạc bác học mà tiên sư tổ sư, đã khổ công sáng tạo vun bồi truyền thụ?…

Văn Dần được biết, UNESCO sáu tháng giai đoạn đầu, họ cử người giám sát xem tài tử chúng ta sinh hoạt ra sao,có thật đúng như đã trình bày trong hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận.

Sau đó sự giám sát thưa dần, nhưng trong thời hạng ba năm , chúng ta vẫn sinh hoạt tốt, có tiến triển rõ rệt, khi đó sự công nhận mới thật là vĩnh viễn.

Đờn ca tài tử là loại âm nhạc dân gian, sự sinh hoạt rộng khắp rất là quan trộng.

Tất nhiên chúng ta đâu chỉ sinh hoạt có hình thức cho phí công;

Ta sinh hoạt không chỉ để họ giám sát, điểm chính là chúng ta hợp mặt tích cực luyện tập trao dồi nghệ thuật.

Điều mà Văn Dần muốn trình bày rõ chi tiết với các bạn là… Mọi sinh hoạt cũng bình thường thôi;

Vấn đề là cần lưu ý chú trộng tác phong tư cách thành viên, luctập dợt đừng để xảy ra cảnh xô bồ xô bộn.

Mong các bạn đừng nghĩ lầm Văn Dần tỏ ra kẻ cả mà có lời nhắt nhở thiệt hơn .

Văn Dần chỉ lo các bạn có lúc vui quá nên quên, thật ra, chúng ta càng nghiêm túc luyện tập, chúng ta càng nâng cao nghệ thuật.

Văn Dần biết, có những nơi sinh hoạt theo hình thức câu lạc bộ, nhưng anh chị em đó không chú trộng mấy về chuyên môn, chỉ hợp mặt đờn ca vài bản Vọng Cổ thôi, cái chính là để gặp nhau nhậu nhẹt.

Một lần nữa, Văn Dần thiết tha mong mỏi các bạn thành viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử;

Chúng ta cùng hạ quyết tâm, vì vinh dự đất nước, vì tinh thần dân tộc, vì tri ơn tiên sư tổ sư, ta tích cực học tập trao dồi,quyết bằng mọi cách, dình giữ bảo tồn phát huy, để nghệ thuật đờn ca tài tử, mãi mạnh tiến với không gian vô cùng thời gian vô tận…

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương