Cải lương cần những cuộc cải cách

Ngày 27-12, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức tọa đàm “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương - Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp”.

Đến dự có đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đại diện các cơ quan văn hóa, nhà lý luận phê bình, NSND, NSƯT, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu cải lương, giảng viên và sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật…
Muôn trùng khó khăn
Phát biểu tại tọa đàm, các ý kiến đều ghi nhận những giá trị đặc sắc mà sân khấu cải lương có được trong quá trình hình thành và phát triển. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về những khó khăn mà sân khấu cải lương đang gặp phải.
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Chương chia sẻ: “Cải lương muốn phát triển thì phải phát triển song hành với công nghệ video, phim - khai thác cải lương bằng phương tiện nghe nhìn. Giới nghệ sĩ cần cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay bảo vệ bản quyền, những vở diễn từ cải lương sàn gỗ đến video cải lương. Vấn đề đầu tư kinh phí làm sân khấu, cần có sự đầu tư quy mô để đáp ứng tốt nhu cầu của khán giả, nếu không khán giả xem - nghe cải lương không đã, rất dễ quay lưng với sân khấu…”.
Cải lương cần những cuộc cải cách ảnh 1Vở cải lương Giấc mộng đêm xuân
NSƯT-TS Hải Phượng nói về nỗi khó khăn của giới nhạc công, từ công tác đào tạo đến điều kiện làm nghề, đời sống và cả con đường thăng tiến “hẹp cửa” của những người cầm đờn: Ngày xưa, đoàn cải lương lớn lúc nào cũng có hai ban nhạc - tân nhạc và cổ nhạc. Giờ, dàn nhạc đoàn hát thưa thớt chỉ vài người. Ngày xưa, họ là những thầy đờn, vừa đờn cho buổi diễn vừa dạy nhạc. Nay, hầu hết thầy đờn lớn tuổi, không có ai thay thế.
NSƯT Văn Môn từng tâm sự buồn rằng, hai năm nay Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM đã bỏ bộ môn nhạc cụ dân tộc, không tổ chức tuyển sinh trung cấp. Vậy, lấy đâu ra nhạc công đáp ứng cho sân khấu cải lương. Chưa kể, lớp trẻ có năng khiếu nhưng không có bằng cấp cũng không thể đầu quân vào đơn vị nghệ thuật công lập. Thực tiễn, lãnh đạo nhiều đoàn hát không coi trọng nhạc công, dàn nhạc.
Với những khó khăn trong công tác tổ chức biểu diễn, NSƯT Kim Tử Long bức xúc: “Muốn sáng đèn sân khấu phải làm sao để tác phẩm hay của các đơn vị công lập và xã hội hóa đến được với công chúng. Nhưng khi chúng tôi đầu tư xây dựng vở diễn xong lại không có điểm diễn. Sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quá nhỏ, số ghế ít ỏi, chi phí thuê hữu nghị cũng 15 triệu đồng/suất. Nhà hát Bến Thành khang trang thật nhưng chi phí đội lên đến 45 triệu đồng/suất, 10 triệu đồng/buổi tập. Chúng tôi buộc phải nâng giá vé vào cửa, có khi lên đến cả triệu đồng nên khó kéo khán giả đến rạp. Tôi từng muốn tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Thành phố, nhưng nhà hát đã kín lịch, mà chủ yếu là tổ chức sự kiện, rất ít chương trình biểu diễn sân khấu. Tiếc thay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang không hoạt động thường xuyên do lỗi thiết kế, các suất hát khi tổ chức thì vắng khách. Mỗi năm nhà hát được cấp hàng tỷ đồng để hoạt động, nhưng tác phẩm có đến được với công chúng không? Chưa kể, sau các liên hoan hội diễn, nhiều tác phẩm của các đoàn công lập đều phải “cất kho”. Đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cũng không duy trì được các suất diễn vì chi phí thuê mặt bằng quá cao”.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm đã đặt ra các vấn đề của sân khấu cải lương trong hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Đó là thách thức của nghệ thuật cải lương trước thời cuộc, khi gặp sự tác động xu hướng toàn cầu hóa, một bộ phận người làm nghệ thuật chạy theo thị hiếu nên dễ dãi bên cạnh sự buông lỏng của cơ quan quản lý. Đó là hụt hẫng về nguồn nhân lực, diễn viên đông nhưng có quá ít đất dụng võ, trình độ chuyên môn chưa sâu.
Ngoài ra, các chính sách dành cho văn học, văn hóa nghệ thuật bất cập, không theo kịp tình hình phát triển kinh tế thị trường, không đồng bộ nên có lúc cải lương hoạt động lạc lõng và yếu ớt...
Thị phần khán giả sân khấu bị thu hẹp
Ghi nhận những trăn trở, bức xúc, ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu: “Vẫn còn quá nhiều ưu tư, trăn trở trước dấu mốc 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển. Trong hoài niệm về quá khứ vàng son, tiếc nuối, phải thẳng thắn nhìn nhận việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Đa số tham luận đã vẽ nên chân dung của sân khấu cải lương hôm nay với một gam màu ảm đạm, quá ít niềm vui. Nhiều năm qua, những bất cập về cơ chế, chính sách, phương thức đầu tư; những khó khăn khách quan về môi trường hoạt động chưa được giải quyết phù hợp và kịp thời, đã trở thành rào cản sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ai trong chúng ta cũng nhận thấy trong thời đại bùng nổ thông tin, bùng nổ thị trường văn hóa, nghệ thuật, thị trường giải trí đa dạng và đầy hấp lực thì thị phần khán giả của sân khấu bị thu hẹp. Đó là sự phát triển tất yếu của lịch sử, là xu hướng của cả thế giới, không riêng ở Việt Nam. Thế nhưng, trước sự đe dọa, lấn át của các yếu tố khách quan, trong muôn vàn khó khăn nội tại, chúng ta, ở dấu mốc 100 năm cải lương, phải làm gì?”
Trả lời cho câu hỏi này, các ý kiến tại tọa đàm tập trung phản ánh và phân tích đầy đủ, về giá trị nghệ thuật, thành tựu, đóng góp của nghệ thuật cải lương trong đời sống xã hội từ trong lịch sử đến nay, đồng thời đưa ra các kiến nghị, giải pháp gắn với thực tiễn, đặc biệt là những ý kiến tâm huyết nhấn mạnh đến việc cải lương cần những cuộc cải cách để thay đổi.
GS-TS Mai Quốc Liên: Cải lương cần được bảo vệ khẩn cấp
Là di sản phi vật thể của nhân loại, cải lương cần được bảo vệ khẩn cấp. Phải trả cải lương lại về cho nhân dân, nhất là khán giả trẻ. Từ đó cho thấy, cần sự liên thông giáo dục văn hóa nghệ thuật trong học đường. Nhà nước, Chính phủ phải bảo trợ, chỉ đạo Bộ GD-ĐT đưa nghệ thuật cải lương vào trường học.
Bản thân nghệ thuật cải lương cũng phải đổi mới, sáng tạo; phải viết, diễn, phát huy tâm lý, đề tài như thế nào phù hợp tâm lý con người thời đại ngày nay. Và nhất thiết phải có một nơi biểu diễn dành riêng cho sân khấu cải lương. Có làm được, giải quyết được những vấn đề trên mới hy vọng sẽ có sự chuyển biến trong thời gian tới.
NGND Hà Quang Văn: Trông chờ sự dấn thân của nghệ sĩ
Cải lương thực sự vẫn không ngừng sáng tạo, đổi mới, phát triển, biến đổi với nhiều phương thức biểu diễn. Tuy nhiên, để những nghệ sĩ cải lương có thể sống được bằng nghề và khôi phục lại được sự phát triển rực rỡ thì còn là một thách thức đầy khó khăn lâu dài, đòi hỏi phải có sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của Nhà nước và trông mong vào sự dấn thân của những nghệ sĩ tài năng và người trẻ.
Trong đó, có nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật cải lương; xây dựng môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đạo diễn Nguyễn Mộng Long nhớ lại thời hoàng kim: “Sau ngày giải phóng khoảng 15 năm, sân khấu cải lương TP sáng đèn hàng đêm. Nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương trở thành “thế hệ nghệ sĩ vàng” của sàn diễn nghệ thuật truyền thống. Có thể nói toàn bộ hoạt động cải lương trong giai đoạn này đã góp phần hiệu quả vào công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó cũng là kinh nghiệm quý báu để những người làm sân khấu hôm nay dựa vào đó để chấn hưng nghệ thuật sân khấu ca kịch dân tộc này”.
NSƯT Kim Tử Long bộc bạch: “Chúng tôi đứng ra làm nghệ thuật, tự bỏ tiền túi, không có ai ủng hộ. Tôi cũng như nhiều anh em nghệ sĩ làm nghệ thuật xã hội hóa còn đam mê nghề chỉ mong muốn có một điểm diễn ổn định để có thể an tâm làm nghề. Tôi đề xuất lãnh đạo thành phố bố trí rạp Nhân Dân (hiện nay là cơ ngơi của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) dành cho sân khấu cải lương. Chỉ cần cấp cho chúng tôi một khoản kinh phí ban đầu sửa chữa điểm diễn này để đưa vào hoạt động, còn lại các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa sẽ tự đầu tư tác phẩm, biểu diễn…”.
Với cái nhìn tổng quan, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: “Hãy nhìn vào hiện trạng cải lương hôm nay để đặt ra vấn đề đào tạo nghệ sĩ cải lương - từ chuyên môn đến đạo đức làm nghề. Thực tiễn, cải lương TP còn thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ đạo diễn trẻ tài năng, hình thức biểu diễn quá yếu... Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải bảo trợ cho cải lương sáng đèn và người đem khán giả đến rạp hát chính là đội ngũ làm nghề. Riêng TPHCM phải có một trung tâm nghiên cứu cải lương - giúp cải lương phát triển, tìm ra giải pháp cho sân khấu cải lương...”.
Theo đồng chí Thân Thị Thư, sau tọa đàm này, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành liên quan, ban tổ chức sẽ đề xuất với lãnh đạo TPHCM những  giải pháp nhằm hướng tới việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương Nam bộ.
Năm 2018 kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương Nam bộ, TPHCM đã tổ chức một loạt các chương trình nghệ thuật đặc biệt thiết thực kỷ niệm sự kiện này, đồng thời tôn vinh những thế hệ nghệ sĩ, soạn giả, đạo diễn, nhạc công và cả những công nhân hậu đài... đã có nhiều đóng góp vì sự phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống.
Điểm nhấn của đợt hoạt động này có triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật cải lương đậm chất xưa; tọa đàm “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương - Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp” diễn ra liên tục trong tháng 12-2018 và đợt hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ vào giữa tháng 1-2019.
THÚY BÌNH

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được