Những vở diễn ghi dấu ấn đẹp

ới sự phong phú vở diễn trong năm nay, Giải Mai Vàng sẽ tìm ra những tác phẩm xứng đáng

Dù sân khấu vẫn trong tình cảnh khó khăn nhưng sàn diễn cũng bội thu vở diễn. Trong đó, nhiều vở tạo được dấu ấn đẹp đối với công chúng yêu sân khấu, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Những vở diễn ghi dấu ấn đẹp - Ảnh 1.
Cảnh trong vở nhạc kịch “Tiên Nga”
"Tiên Nga" - nhạc kịch thuần Việt nổi bật
Là tác phẩm được ấp ủ từ nhiều năm, lại công diễn vào thời điểm Kịch IDECAF kỷ niệm 20 năm thành lập nên đạo diễn - NSƯT Thành Lộc cũng như ê-kíp đã dốc toàn sức lực cho vở nhạc kịch thuần Việt "Tiên Nga" đến với đông đảo công chúng kịp thời. Qua 3 đợt tái diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM), vở nhạc kịch này đã thu hút hàng chục ngàn khán giả.
Đây là tác phẩm thứ ba trong sự nghiệp đạo diễn của NSƯT Thành Lộc, sau 2 vở "Bí mật vườn Lệ Chi" và "Ngàn năm tình sử". "Tiên Nga" được Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hồng Dung chuyển thể từ kịch bản văn học của NSND Nguyễn Thành Châu đã nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn và số đông khán giả.
Dấu ấn đẹp trong dàn dựng của NSƯT Thành Lộc chính là anh đã chọn hướng đi cho riêng mình: không sử dụng phần âm nhạc thu sẵn, dù nghệ sĩ hát thật trên nền phối âm sẽ không mới và hấp dẫn bằng việc họ thể hiện với dàn nhạc sống. Nhạc sĩ Đức Trí là người cùng với NSƯT Thành Lộc thiết kế phần âm nhạc để vở diễn làm nên sự khác biệt này, đòi hỏi nghệ sĩ biểu diễn có sự khổ luyện để khai thác nội lực, cảm xúc của tác phẩm.
Nhạc kịch "Tiên Nga" toát lên tinh thần yêu kính tác phẩm của cụ Đồ Chiểu, trên hết là tô đậm tinh thần trung - hiếu - tiết - nghĩa của người Việt nói chung và sự hào sảng vốn có của người dân Nam Bộ nói riêng. Thành công của "Tiên Nga" hội đủ các yếu tố mới mà vở diễn hướng đến: tính định hướng, tính nghệ thuật và cả yếu tố thị trường. Người xem cảm nhận chất văn học đậm đà trong vở diễn, nhận ra những giai điệu mang tính dân tộc nhưng rất hiện đại.
Vừa giải trí vừa có chất lượng tốt
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (Sân khấu Kịch 5B) có vở "Bên đàng dệt mộng" (tác giả: Trường Long, đạo diễn: Quách Hồ Ninh) được xem là bước tiến mới của sàn diễn này khi vừa đạt được chất lượng chuyên môn vừa thu hút đông khán giả.
Những vở diễn ghi dấu ấn đẹp - Ảnh 2.
Cảnh trong vở “Bên đàng dệt mộng” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM
"Bên đàng dệt mộng" tập hợp được lực lượng mạnh gồm các diễn viên: Võ Minh Lâm, Như Huỳnh, Thanh Tuấn, Quốc Thịnh, Tuyền Mập, Nguyễn Sơn, Thu Hiền, Hồng Đào, Thanh Thúy, bé Gia Bảo... Câu chuyện kịch xoáy vào tình yêu của chàng sinh viên học nghề dệt lụa nhưng khái quát rõ nét những thói hư, tật xấu khi con người đánh mất lòng nhân trước cạm bẫy của đồng tiền.
Cách dàn dựng của đạo diễn Quách Hồ Ninh trên Sân khấu Kịch 5B, với bố cục ánh sáng, cảnh trí và âm nhạc hòa quyện tạo nên bức tranh sinh động đã mang lại sự thú vị trong cảm xúc của người xem. Khán giả như được nhập cuộc cùng các nhân vật.
Những vở diễn ghi dấu ấn đẹp - Ảnh 3.
Cảnh trong vở “Vườn nho đắng” của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh
"Vườn nho đắng" của Ái Như trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng mang lại dư vị ngọt ngào trong cảm xúc khán giả sau mỗi đêm diễn. Vị ngọt của "Vườn nho đắng" được tẩm ướp bằng niềm đam mê sáng tạo của ê-kíp thực hiện, nhận được sự đồng cảm nơi người xem và lòng nhân ái, bao dung phả ra từ câu chuyện.
"Kỳ án xứ mặt trời" rực sáng với những thông điệp mạnh mẽ mà ê-kíp (tác giả: Vương Huyền Cơ; Thái Kim Tùng dàn dựng) đã gửi gắm vào vở kịch này. Câu chuyện được xây dựng với một không gian mở, ở một vùng đất xa lạ, không phân định rõ thời gian, bấy lâu luôn tồn tại những sự gian trá, lọc lừa, những án oan vì bọn tham quan. Giữa bao biến động ấy, vẫn có những con người nhân nghĩa, quyết đứng lên bảo vệ lẽ phải, bất chấp gian nguy.
"Gã thợ may" (đạo diễn: Đinh Mạnh Phúc; cố vấn nghệ thuật: NSND Hồng Vân) của Sân khấu Kịch Phú Nhuận kể về gã đàn ông biến thái, tâm thần chuyên bắt cóc những doanh nhân giàu có. Qua câu chuyện này, những vấn đề mà mỗi con người đều có thể đối diện, chọn lựa: thiện - ác khi hành xử với nhau. Từ lâu, kịch kinh dị đã là một đặc sản của Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Câu chuyện đầy hồi hộp và gay cấn này còn mang lại cảm xúc dạt dào về tình yêu chung thủy của con người.
Trong khi đó, "Tình kỹ nữ" (tác giả: Bảo Ngọc, đạo diễn: Phúc Zelo) trên sàn diễn Nhà hát Thế giới trẻ tạo sự hấp dẫn cho người xem khi có góc nhìn mới từ tác phẩm "Trà Hoa Nữ" - kể về một người con gái đã hy sinh tình yêu để cứu cha mình.
Vở diễn mang lại những suy gẫm đa chiều về thân phận người phụ nữ. Ở đó, âm nhạc, cảnh trí và diễn xuất của diễn viên tạc vào tâm trí khán giả nét đẹp nên thơ như đứng trước một bức tranh thiên nhiên. Chính những số phận trong kịch đã tô điểm cho bức tranh đó trở nên sống động, thú vị trong cảm nhận của người xem. Phúc Zelo là đạo diễn trẻ, có nhiều khám phá mới trong xử lý không gian, thủ pháp dàn dựng. 
Nhiều vở diễn thu hút đông người xem
Bên cạnh đó, năm qua còn nhiều vở diễn thu hút đông người xem: Nhạc kịch "Thủy Tinh - đứa con 101" của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy; Nhà hát Thế giới trẻ với "Mỹ nhân kế", "Quỹ sống", "Thâm cung nội chiến"; Sân khấu Kịch Sài Gòn với "Oan hồn bên suối", "Mảnh đất nhiều ma", "Biệt thự cuối đường số 13"...; Kịch Phú Nhuận với "Nguyệt huyết dị thôn", "Ngã rẽ", "Xóm lũ"...; Sân khấu Hoàng Thái Thanh với "Con ma nhà họ Hứa", "Giấc mộng vàng son"...; Nhà hát Kịch TP HCM với "18 tuổi", "Người mẹ thứ hai", "Hẻm nhỏ Sài Gòn"...; Sân khấu Kịch IDECAF với "Tứ đại mỹ nhân", "Bởi vì ta yêu nhau", "Thám tử si tình"...
Sân khấu cải lương có các vở xã hội hóa được yêu thích, như: "Rạng ngọc Côn Sơn" (đạo diễn NSƯT Kim Tử Long), "Hồn của đá" (nhóm NSƯT Vũ Luân), "Hòn vọng phu" (nhóm nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà), "Lối về" (nhóm nghệ sĩ Diễm Thanh)...
Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương