Quả ngọt cho nghệ thuật tuồng

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa tổ chức buổi diễn báo cáo Bộ VHTTDL cho học sinh tốt nghiệp dự án liên kết đào tạo lớp trung cấp diễn viên, nhạc công tuồng K34 (2014 - 2018) của nhà hát và Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội


Quả ngọt cho nghệ thuật tuồng
Các học sinh biểu diễn vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Ảnh: Thái Anh. 
Đây là kết quả của bài thi tốt nghiệp mới được 22 diễn viên và 10 nhạc công hoàn thành xuất sắc tại lễ tốt nghiệp. Mặc giáp, đeo cờ, đi hia cao, vẽ mặt…, những học sinh này đã hóa thân thành công các vai tuồng cổ mẫu mực của hai vở tuồng cổ “Sơn hậu”, “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, vở tuồng đồ “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” và 2 chương trình: hoà tấu, độc tấu nhạc cụ cùng các trích đoạn tuồng mẫu mực “Châu Sáng qua song”, “Đào Tam Xuân đề cờ”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Hoàn thành xuất sắc vai nữ tướng Đào Tam Xuân trong vở tuồng cổ cùng tên thế nhưng Nguyễn Thị Thanh Phương (quê Bắc Ninh) vẫn tỏ ý tiếc nuối vì cách đi của mình chưa đủ sức dũng mãnh của một nữ tướng. 
Gặp lại Nguyễn Đình Tiến (quê Hoài Đức, Hà Nội) sau 4 năm, nếu như hồi đầu Tiến còn bị chọc là “Tây hát tuồng…” thì giờ đây Tiến múa, diễn và hát đã rất thuần thục. Vai diễn Đổng Kim Lân trong vở tuồng cổ “Sơn hậu” của Tiến cũng được đánh giá cao. 
Cô bé Hiền Phúc với gương mặt thanh tú cùng ánh nhìn hồn nhiên, kể rằng: Quê em ở Quảng Bình. Chưa khi nào em xa nhà dài như thế - cứ phải hết 4 tháng mới được về. Nhớ nhà, nhưng bận rộn ca hát, múa… của tuồng nên không có thời gian để… buồn! Mà lúc nào nhớ quá thì chạy ra với… mẹ - mẹ em chạy chợ trên phố Cầu Diễn. Những năm qua, vừa học văn hóa bên Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ, vừa học tuồng với Hiền Phúc là khá vất vả. Nhưng, có 2/3 học sinh trong khóa đều là học sinh trung học như Phúc. 
Là một trong những người theo sát lớp học sinh này từ những ngày đầu, NSND Mẫn Thu khoe: “Chúng tôi rất vui mừng khi đã ở tuổi xưa nay hiếm thì được đón lứa con hát trẻ kế cận. Điều đáng quý ở đây là các em không chỉ có thanh, sắc, khả năng mà còn có thừa niềm đam mê với nghệ thuật cha ông…” 
Không riêng gì Tiến, Phương hay Phúc mà những học sinh của khóa K.34 đến với tuồng đều từ xuất phát điểm không biết hoặc có nghe nói nhưng không quan tâm. Thế nhưng, sau 4 năm học tất cả những học sinh này đều chia sẻ rằng giờ đây các em đã phải lòng tuồng. Có thể thấy, ngoài yếu tố được học tập hoàn toàn miễn phí về học phí, chỗ ở (theo dự án liên kết đào tạo của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam, Bộ VHTTDL chủ trì) thì điều quan trọng hơn cả là chính ngọn lửa nghề của cácthế hệ đi trước luôn chói sáng cũng như sự tận tình, trách nhiệm của ban giám đốc nhà hát đã khiến các em mê đắm với tuồng lúc nào không hay. “Chúng em hoàn toàn có thể có những lựa chọn khác để có cuộc sống dễ dàng hơn, giàu có hơn nhưng giờ thì chỉ có tuồng”- Nguyễn Đình Tiến cười tươi nói.
Và, trong khi học sinh vui một, nhà hát lại vui mười. Đã từ hơn 10 năm nay, nhà hát luôn thiếu hụt diễn viên kế cận vì nhiều năm qua Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh được. Có được lớp diễn viên, nhạc công tươi trẻ này, theo ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhà hát dự kiến sắp xếp lại nhân sự và sẽ thành lập riêng một đoàn với lực lượng nòng cốt là các em học sinh K.34.
“Với nghệ thuật tuồng bao năm qua bị hẫng hụt lớp kế cận vì không tuyển được học sinh bây giờ trở lại với một khóa học trung cấp đông đảo có đủ cả đào, kép, nhạc công thế này đã là vui lắm. 4 năm liên kết đào tạo là 4 năm nhà hát hết lòng giữ cho được những người trẻ còn yêu mến với nghệ thuật truyền thống khó bậc nhất như tuồng. Giờ đã gieo được tình yêu cho các em thì chúng tôi lại quyết tâm tạo điều kiện cho các em được làm nghề. Cũng có thể ban đầu các em còn có phần non nớt nhưng bù lại các em có sức trẻ, có khát vọng nên chắc chắn rằng những vai diễn của các em sẽ tươi mới hơn”- ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Thái Anh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương