THẦY ƠI VỀ TỚI NHÀ RỒI…

Tình cờ…
Niềm vui nối tiếp niềm vui!
Đúng vào những ngày khánh thành cầu Cao Lãnh, người dân Đồng Tháp đặc biệt là giới văn nghệ sĩ của xứ sở Sen hồng quá đỗi vui mừng được đón vị Nhạc sư đáng kính vừa trở về quê hương. Căn nhà 134 A tổ 17, khóm 2, phường 4, từ đường Phạm Hữu Lầu quẹo vô rạch Cái Sâu chỉ vài trăm mét từ nay sẽ là nơi mà người nhạc sư 101 tuổi đời, tài hoa, ước nguyện về trú ngụ tới cuối đời sau khoảng thời gian 90 năm trời tha hương nay ông đã quá “chùn chân, mỏi gối”.
Tôi không nhắc lại những gì ông đã đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam bởi nhiều, quá nhiều người đã viết, đã nói về ông. Tôi chỉ muốn nhắc lại những dòng Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới vẫn nể phục ông:
“Nhạc sư Vĩnh Bảo là người anh, người bạn chí thân, tri âm, tri kỷ nhưng tôi vẫn coi anh là một người thầy đã gián tiếp và nhiều khi trực tiếp uốn nắn tiếng đàn tranh của tôi”; “Chưa nghe được ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn tranh của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa “bay bướm”, vừa “sâu sắc””.
Mọi người kính trọng, ngưỡng mộ Nhạc sư, nghe ông cùng con gái trở về sinh sống trên quê hương thì liên tục ghé thăm, chuyện trò, trao đổi với ông thật vui vẻ, đầm ấm, thân tình. Cái ranh giới của một người quá nổi tiếng, đóng góp cả cuộc đời cho nền âm nhạc truyền thống, ranh giới về tuổi tác, sự khác biệt về thế hệ với đàn con cháu giờ đây thật mờ nhạt bởi sự bình dị, mộc mạc, hòa đồng quá gần gũi của ông. Nhìn ông nói chuyện, trao đổi về âm nhạc với mọi người ghé thăm, tôi có cảm giác ông như con tằm vẫn tiếp tục nhả tơ, nhạc sư muốn trao đổi, dạy dỗ hết những gì hiểu biết của mình cho thế hệ sau.
So-501--Anh-minh-hoa---Thay-oi-ve-toi-nha-roi
Ông vẫn khỏe, cái “khỏe” của một người già đã đi qua hơn thế kỷ cuộc đời.
Tôi hỏi ông:
- Tâm trạng thầy thế nào khi đặt chân về quê cha, đất tổ.
Ông trầm ngâm:
- Thỉnh thoảng vẫn nhớ “nhà”, nhớ con cháu, nhớ những học trò gắn bó bao năm trên thành phố phồn hoa Sài Gòn, ở nước ngoài lâu lâu hội tụ lại thầy trò gặp nhau mỗi dịp các em trở về. Còn nữa, về quê bạn bè “đi” hết rồi…
Đúng thôi, không chông chênh sao được! 
Từ mảnh đất Cao Lãnh này, người con ưu tú của làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, Đồng Tháp quê mình được ba má cho lên Sài Gòn đi học từ năm 11-12 tuổi, sau đó 1935-1936 ông qua Campuchia, năm 1938 ông trở về Sài Gòn, năm 1945 ông lại lên Nam Vang – Campuchia. Lớn lên qua Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore… giảng dạy, hội thảo, trao đổi, truyền bá âm nhạc Việt Nam ở các nước. Lâu lâu mới được về thăm nhà một vài ngày rồi lại ra đi. Trong đầu cậu bé hơn 10 tuổi chỉ còn những hình ảnh không rõ nét lắm về quê hương. Có điều khí phách hào sảng, khiêm nhường riêng, rất riêng của người miền Tây thì vẫn đeo đẳng theo ông suốt cuộc đời. Khi nhiều người ngưỡng mộ ông, ông nói: “Cái tôi biết chỉ là hạt cát, cái tôi chưa biết mới là đại dương”…
Nhạc sư nhớ ngày xưa nhà ông ở gần Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp bây giờ. Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Việt Nam – Nguyễn Thành Thuận, nhìn sơ đồ ông vẽ, cho rằng nơi nhà cũ của ông có lẽ ở góc giao nhau đường Lý Thường Kiệt và Đặng Văn Bình, phường 1, thành phố Cao Lãnh, ngang Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Tháp bây giờ, thuộc làng Mỹ Trà. Ngày xưa làng này rộng lắm thuộc địa danh phường 1, phường 2, phường 3, phường Mỹ Phú, một góc xã Mỹ Trà và xã An Bình của huyện Cao Lãnh ngày nay. Nhà của ông là căn nhà ngói hai gian, lợp mái ngói loại “vẩy cá” ngày xưa, không có đóng trần la phông. Ông Nguyễn Hàm Ninh, một nho gia am tường kinh văn và âm nhạc, sử dụng rất hay 4 loại đờn truyền thống như kìm, tranh, cò,… là cha của ông. Vì vậy các anh chị của ông ai cũng chơi được nhạc truyền thống. Ông cũng hấp thu được hầu hết những tinh hoa nghệ thuật của cha và các anh chị trong gia đình.
Ông kể: Lần sau cùng tôi về quê năm 1973, cách nay cũng hơn 40 năm rồi.
Tình cờ được nhà thơ Hữu Nhân “mai mối”, “tìm” ra vợ nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Quang Hương, tên thường dùng Lê Hương (tên vợ ông Hương Nguyễn Thị Ghết) là bạn hàng xóm với Nhạc sư khi thầy sống ở đường Phan Đình Phùng gần chợ Vườn Chuối – Sài Gòn. Ngày trước chồng bà Hương làm ở phủ Quốc vụ khanh, đặc trách về văn hóa (chánh lục bộ, hộ tịch…) của chế độ cũ, ông Lê Hương là người từng chụp bộ ảnh “Cao Lãnh xưa” rất nổi tiếng. Bà đã qui y cửa Phật, tu tại gia từ năm 1978 đến nay, sau khi ông Hương mất 2 năm. Nhà bà chỉ cách 4 căn nhà Nhạc sư trên con đường dal Đinh Bộ Lĩnh, tại thành phố Cao Lãnh hiện nay. Gặp vợ của người em cùng giới văn nghệ sĩ cũ, người Nhạc sư già run run, xúc động, không ngờ có được “món quà” trùng phùng rất tình cờ, tay bắt mặt mừng, ông cười móm mém: “Có nằm mơ chưa bao giờ tôi và con gái Thu Anh nghĩ đến”.
Chưa hết, không biết có phải là cái “duyên” hay không nữa, nhà ông ở bây giờ, ngày trước là đất của ông Hội đồng Kiên, bạn thuở xưa của Nhạc sư. Sau con cháu ông Hội đồng bán cho người khác…
“Thầy ơi về tới nhà rồi!”.
Đồng Tháp đón thầy bằng cả tấm lòng trân trọng và tri ân. Chính Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh, ngành và một số Mạnh thường quân cùng gia đình đã tìm cho gia đình thầy một căn nhà nhỏ bên con rạch Cái Sâu, phía trước nhà là con đường 3-4 mét, cách chợ Hòa An chỉ ít bước chân. Nhạc sư cười nói: “Về quê mình không khí thật trong lành, yên tĩnh, nhiều cá tôm. Mấy hôm nay ăn cháo cá lóc đồng, rau đồng ngon lắm, yên tâm hoàn toàn…”.
Hy vọng tiếng đàn của ông từ đây sẽ tiếp tục ngân vang trên quê hương Đồng Tháp, là tiếng lòng, là triết lý nhân sinh của một Nhạc sư tài hoa, một “từ điển sống” rất quí hiếm nhưng khiêm nhường, là niềm tự hào và là “tài sản” vô giá làm rạng danh xứ sở Sen hồng, của đất nước Việt Nam.
Phạm Thị Toán(Báo Văn Nghệ Đồng Tháp)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 501

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương