'Ông già miền Tây' Hoài Linh lấy nước mắt khán giả

'Ông già miền Tây' Hoài Linh lấy nước mắt khán giả

Nghệ sĩ Ưu tú chinh phục người xem khi phát huy thế mạnh diễn hài lẫn bi trong tác phẩm vừa ra mắt ở TP HCM.

Kịch Hiu hiu gió bấc công diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP HCM) chiều 12/4. Đây là một trong 27 vở dự thi Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018. Tác phẩm do đạo diễn Minh Nhật dàn dựng, tác giả trẻ Như Trúc chấp bút, dựa trên nguyên tác cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Vở quy tụ hai gương mặt gạo cội là Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh, Đàm Loan cùng dàn diễn viên trẻ. 
Hoài Linh khoe khả năng diễn bi trong kịch Hiu hiu gió bấc. Ảnh: Mai Nhật.
Hoài Linh diễn bi trong kịch "Hiu hiu gió bấc". Ảnh: Mai Nhật.
Chọn bối cảnh là một xóm nghèo ở miền cù lao, tác phẩm xoay quanh anh Hết - chàng trai mồ côi từ nhỏ, chịu thương chịu khó. Ngày nọ, Hoài - người thương bấy lâu của Hết - lên xe hoa cùng người khác. Anh đâm ra nghiện cờ tướng, không thiết tha làm ăn. Đằng sau sự lầm lì của Hết là nỗi đau khi anh bị bà giáo Cẩn - mẹ Hoài - van xin anh rời xa con bà để cô có cuộc sống sung túc hơn với người chồng khấm khá. Anh Hết dời nhà sang bên kia sông, sống cùng ông ngoại nhưng tâm tưởng vẫn dành cho người cũ, dẫu anh được Hảo - một cô gái khác - yêu thương.
Hoài Linh là điểm sáng của vở diễn. Danh hài đóng vai ông ngoại Hết, còn gọi là ông Tư - một người miền Tây bộc trực, sống vì đạo nghĩa. Đất diễn không nhiều, song mỗi lần xuất hiện, Hoài Linh đều nhận được tràng pháo tay từ khán giả. Cảnh nhân vật thấy cháu sống vật vờ bên bàn cờ, nghiến răng vụt roi vào lưng Hết rồi buông thõng chiếc roi, hay bình thản châm lửa đốt nhà.... được nghệ sĩ diễn chân thật, cảm xúc giúp khắc họa nỗi buồn của người ông thương cháu nhưng bất lực trước tình cảnh. 
* Cảnh Hoài Linh ôm cháu ngoại khóc 
Khán giả khóc, cười cùng Hoài Linh trong kịch Nguyễn Ngọc Tư
 
 
 
Bên cạnh các lớp diễn bi, Hoài Linh còn gây ấn tượng với lối diễn hài. Cách đối đáp, chơi chữ, thích "cà khịa" con cháu của ông Tư tạo nhiều tiếng cười thư giãn sau những phân đoạn nặng về nội tâm. Hoài Linh diễn thong dong, nhấn nhá đủ để người xem vừa bật cười vừa thấm thía sự cay đắng trong giọng nói nhân vật. Nghệ sĩ Ưu tú tung hứng ăn ý với các nghệ sĩ trẻ và tạo nhiều đất diễn cho đàn em thể hiện khả năng. 
Nghệ sĩ Đàm Loan lấy nhiều nước mắt với vai người mẹ thương con đến mù quáng.
Nghệ sĩ Đàm Loan lấy nhiều nước mắt với vai người mẹ thương con mù quáng. Ảnh: Mai Nhật.
Nghệ sĩ Ưu tú Đàm Loan vào vai bà giáo Cẩn - người từng cho Hết bú sữa lúc lọt lòng vì cha mẹ sớm qua đời. Nhân vật là kiểu mẫu điển hình của những người mẹ hết lòng vì con mà chấp nhận gạt bỏ tình nghĩa với người ngoài. Đàm Loan khiến người xem nhức nhối trong cảnh bà giáo quỳ lạy Hết bỏ xứ ra đi để con gái bà hết vương vấn người cũ. Chị diễn tả nỗi đau quặn thắt của người mẹ khi thấy con gái bầm tím mặt mày vì hôn nhân chưa êm ấm. 
Các gương mặt trẻ như Công Danh, Thùy Trang, Huỳnh Tiến Khoa... diễn chắc tay, giúp tác phẩm giữ được mạch cảm xúc. Công Danh thể hiện tròn trịa vai Hết, lột tả được bi kịch của người sống trọn tình nghĩa mà chịu phần thiệt về mình. Nổi bật không kém là Huỳnh Tiến Khoa trong vai ông Năm Kìm với mối tình cùng dì Lan - người đàn bà tâm thần sau một lần mất con (Hồng Trang đóng). Dù chỉ là tuyến phụ, câu chuyện về mối tình này tạo nhiều xúc cảm cho người xem
Chuyện tình giữa ông Năm Kiềm và dì Lan tạo nhiều xúc cảm cho vở.
Chuyện tình giữa ông Năm Kiềm và dì Lan tạo nhiều xúc cảm cho vở. Ảnh: Mai Nhật.
Kịch có bối cảnh dàn dựng công phu. Khung cảnh miền Tây hiện lên trong tác phẩm ở những rặng dừa nước, chiếc ghe, mái nhà rơm, áo bà ba, khăn rằn... Hiệu ứng ánh sáng, âm thanh được khai thác sống động trong cảnh ông Tư đốt nhà, hay phân đoạn dì Lan hồi tưởng lại quá khứ bị bạo hành. Nhạc sĩ Hồ Văn Thành viết riêng cho vở nhạc phẩm Hiu hiu gió bấc - tạo dư âm buồn sâu lắng của miền sông nước. Lau nước mắt sau hơn 120 phút xem kịch, chị Huyền Thanh (nhà ở quận một) chia sẻ vở kịch chinh phục được chị ở diễn xuất của các nghệ sĩ. Chị đánh giá ngoài các tên tuổi gạo cội, Huỳnh Tiến Khoa và Hồng Trang tạo được nét riêng. 
Biên kịch Như Trúc cho biết tác phẩm ban đầu là bài dự thi tốt nghiệp của đạo diễn Minh Nhật năm 2017 ở trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Kịch bản này từng được soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể thành cải lương. Đạo diễn Minh Nhật đề nghị cô sáng tác thêm một tuyến truyện về ông Năm và dì Lan, để tạo thành một vở kịch đa tuyến (môtíp nhiều câu chuyện nhưng cùng một mạch đề tài). Cây bút trẻ kể Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh, Đàm Loan nhanh chóng nhận lời khi được mời tham gia cùng êkíp toàn người trẻ
Mai Nhật

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương