Nhạc sĩ Thanh Hải: Người ký âm cho hào quang sân khấu

Nhạc sĩ Thanh Hải: Người ký âm cho hào quang sân khấu

 11:42 | Thứ bảy, 10/03/2018  0
Âm nhạc như một sự dẫn dắt cho mọi đường ca nét diễn của tôi, với Thanh Hải, tôi thỏa sức mà thăng hoa, mà ký thác mọi giấc mơ giai điệu. Người nhạc sĩ tài hoa, được trang bị bài bản, lại khí khái hơn người.
Đã ngàn năm trôi qua, sao dời vật đổi, mà ta vẫn không thể nào quên tiếng chuông báo tử của buổi chiều hôm đó…
Đinh Tiên Hoàng, Người đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa…

(Hoàng hậu của hai vua, tác giả Lê Duy Hạnh)
Tiếng nhạc trầm hùng, bi tráng nổi lên, kéo dài trên nền của từng hồi chuông, hồi trống. Tôi chầm chậm xoay người - như một sự đảo chiều của thời gian - cùng nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga trở về cái bi kịch lịch sử của hơn một ngàn năm trước. Không gian cũng quay cuồng theo thế sự, Đinh Tiên Hoàng đế băng hà, Thái tử Đinh Toản lên ngôi khi còn quá nhỏ, Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính.
Người đàn bà đứng giữa vận nước đang hồi nghiêng ngả, đã dám đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi quyền của gia tộc, để định đoạt cơ đồ bằng cái lý lẽ của muôn dân: “Vua hay thứ dân cũng sinh tử đi về. Để dân tộc mãi trường tồn bởi nghĩa tình vời vợi nước non”.
Tiếng vỗ tay rào rạt. Như một thói quen, tôi quay lại tìm Thanh Hải. Như 20 năm qua, kể từ lần đầu tiên Hoàng hậu của hai vua công diễn ở sân khấu thử nghiệm 5B Võ Văn Tần TP.HCM (ngày nay là Nhà hát kịch - Sân khấu nhỏ), anh vẫn ngồi đó, một góc, quàng lên cơ thể mình ít nhất là một cây guitar phím lõm, án ngữ trước mặt là một cây đàn organ, ở đấy, chứa biết bao nhiêu phần mềm ghi âm các bản phối cho sáo, cho đàn tranh, cho đàn bầu… Cây song lan chưa bao giờ rời khỏi Hải như nét tài hoa mà người nhạc sĩ này đã đồng hành cùng tôi qua bao mùa “chinh chiến”.
Không là “chinh chiến” sao được khi ngày lên sàn tập Đời cô Lựu (tác giả Trần Hữu Trang) chuẩn bị đi công diễn bảy nước châu Âu, chuyến lưu diễn thế giới đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất, độc lập; bao nhiêu ánh mắt đang chờ đợi, tò mò, hiếu kỳ về một diện mạo văn hóa từ một xứ sở sặc mùi khói lửa.
NSND. Bạch Tuyết và NSƯT. Minh Vương trong lần tái diễn Đời cô Lựu, phân cảnh cô Lựu gặp lại con trai Võ Minh Luân. Ảnh Thanh Hiệp
Trong nguyên bản của tác giả Trần Hữu Trang, phân cảnh cô Lựu gặp lại con trai Võ Minh Luân là một đoạn nói lối. Lên sàn tập, tôi vào thoại, nói lối. Mọi người cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Có tiếng gợi ý, hay là Bạch Tuyết hát ru đi, trên nền dân ca ru con Nam Bộ. Tôi vẫn cứ loay hoay, rồi nói nhỏ với Thanh Hải, gặp lại con - giờ đã trưởng thành, trong nỗi nhớ thương, bẽ bàng, ngang trái, người mẹ đâu thể chỉ có lời ru. Hơn nữa, câu kết của bài lý, bài ru, sẽ rất khó để Minh Vương vào dây vọng cổ. Chị cần một tiếng giãi bày nội tâm, không oán trách ai, nhận hết về mình những lỗi lầm xưa cũ. Chị lấy dây oán, Hải phát triển từ đây giúp chị Ba nghen!
Và tôi tải nội dung câu thoại thành bài oán - mà tới ngày nay, khi lưu truyền thành bản chính thức của Đời cô Lựu, cả tôi và nhạc sĩ Thanh Hải đều chưa kịp đặt tên: “Nhưng ai có ngờ đâu/ màn chăn xưa bụi úa khói vàng/ phủ giăng sương lạnh/ bếp cũ tàn tro, nguội lửa tự bao giờ/ nên bước chân của ba con thêm ngần ngại/ khi ruột rà thân thích chẳng còn ai/ cưu mang khối tình mà ngày tháng đã đổi thay...
Nhạc sĩ - NSND . Thanh Hải trình diễn trong À Ố show. Ảnh: JumP
Trên nền cảm thức âm nhạc và gợi ý của tôi, nhạc sĩ - NSND. Thanh Hải đã ký âm và hoàn chỉnh một bản oán (mới) cực kỳ tinh tế, giúp tôi - và nhân vật của mình - diễn tả trọn vẹn cái khắc khoải, nghiệt ngã trong lòng người đàn bà “sống bên chồng mà luôn tưởng nhớ đến một người chồng, sống bên con mà lòng luôn nghĩ đến một đứa con” suốt 18 năm ròng. Tôi rưng rưng tiếng lòng theo từng khúc thức. Âm nhạc như một sự dẫn dắt cho mọi đường ca nét diễn của tôi, với Thanh Hải, tôi thỏa sức mà thăng hoa, mà ký thác mọi giấc mơ giai điệu.
Người nhạc sĩ tài hoa, được trang bị bài bản, lại khí khái hơn người. Hải bay bổng, tinh tế mà cũng bất cần và trần trụi. Tôi không biết uống rượu nhưng ngồi cạnh Hải, lắng nghe chuyện nghề, rồi thi thoảng, khà một tiếng sau hớp... trà, cũng đủ để thấu cảm một lần trong đời về cái gọi là bạn tri âm nghệ thuật.
Cái hôm ngồi vỡ hoang âm nhạc cho Hoàng hậu của hai vua, hai chị em tôi, một lần nữa lại thăng giáng theo từng điệu thức miền. Cảnh Dương Vân Nga để tang chồng, nếu rơi vào bi lụy thì người đàn bà này, hẳn về sau, sẽ không đủ nội lực mà nhiếp chính, càng không đủ sức mạnh để đứng vững giữa cơn bình địa ba đào. Vì thế, tôi hướng về cái thanh âm của ký ức, có đau thương mất mát của hiện tại nhưng sự trong trẻo của quá khứ sẽ là nơi nương tựa cho những nuối tiếc, yêu thương. Và “nó” đã về trên ngón đờn của Thanh Hải:
Không còn ngàn lau. Không còn tuổi nhỏ
Mãi trôi đi theo tháng rộng năm dài
Hoàn toàn mang âm hưởng của sông Hương núi Ngự, của miền đất thần kinh, của nơi lưu dấu những “thềm cũ lâu đài bóng tịch dương”. Nó không chỉ là lời tình tự của một người vợ khóc chồng. 
Ngày tôi nhận lời Sỹ Hoàng biểu diễn Hoàng hậu của hai vua tại Nhà hát Chợ Lớn (Théatre de ChoLon trong The Garden Mall, Quận 5, TP.HCM), trên bản live, tôi gọi điện thoại hỏi Thanh Hải có thể thu xếp thời gian để làm việc cùng tôi. Chỉ khi Hải gật đầu, tôi mới mạnh dạn xác nhận tái diễn Hoàng hậu của hai vua, sau đúng 20 năm, khi đã bước qua tuổi 74!
Bạn có thể bước dài trên vùng ánh sáng vì bạn đã đi từ trong đêm tối, băng qua thứ ánh sáng không màu ấy, để từ nơi cái vị trí ngất ngưởng của người nghệ sĩ biểu diễn, bạn chân thành mà nhận ra, hào quang của nghề, lại khởi phát từ nơi cái góc khiêm cung ấy - nơi bạn tôi, người nhạc sĩ tài hoa, NSND. Thanh Hải vẫn ngồi và làm điểm tựa cho tôi. 
Tràng pháo tay hay những bông hoa bạn tặng tôi, tôi xin ân cần mà trao gửi đến người nhạc sĩ ấy, anh là linh hồn cho buổi biểu diễn đêm nay... và mãi mãi... 
Nhạc sĩ - NSND. Thanh Hải tên thật là Nguyễn Kim Hải, sinh năm 1957 và lớn lên tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Theo lời anh kể, năm 1976 khi vừa từ Hải Phòng vào tới TP.HCM, anh tìm ngay đến hai danh cầm cổ nhạc đương thời của miền Nam mà anh rất thần tượng là Văn Vĩ và Văn Giỏi (guitar) để “thọ giáo”. Sau đó, anh có dịp tiếp cận để học hỏi các danh cầm: NSND Viễn Châu (đàn tranh), Năm Cơ (đàn sến), Hai Thơm (violon)... Anh chính thức bước vào sân khấu cải lương chuyên nghiệp năm 1978 ở Đoàn văn công TP.HCM, sau đó Đoàn 284, Phước Chung rồi về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang... 
Anh là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam đàn vọng cổ, cải lương bằng nhạc khí organ (sử dụng cần Pel) rất hiệu quả. Giai điệu Vọng Kim lang do liên danh “Văn Giỏi - Thanh Hải” cải biên, nhiều đài phát thanh đã chọn lớp đầu của giai điệu này làm nhạc hiệu cho chương trình ca nhạc cải lương.
NSND. Bạch Tuyết

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương