Bùi ngùi nhớ vị Thủ tướng yêu tuồng

Bùi ngùi nhớ vị Thủ tướng yêu tuồng
Theo Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Gia Thiện, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, có ít nhất 3 vị Thủ tướng am hiểu, yêu thích và dành tình cảm nồng hậu cho tuồng Bình Định. Đó là 3 cố Thủ tướng: Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Trong đó, những kỷ niệm có từ 8 năm trước về cố Thủ tướng Phan Văn Khải với tuồng Bình Định vẫn như mới hôm qua. Kỷ niệm đó trở lại bùi ngùi khi cùng cả nước quốc tang “bác Sáu Khải” vừa từ trần…
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ 3 từ phải sang - hàng thứ 2) và đoàn nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn chụp ảnh lưu niệm dịp đoàn đến biểu diễn tại quê hương ông. Ảnh tư liệu của Nhà hát tuồng Đào Tấn
Biết sở thích xem tuồng của Thủ tướng Phan Văn Khải, trong những lần ông về Bình Định công tác, tỉnh đều “chiêu đãi” bằng nghệ thuật tuồng và Nhà hát tuồng Đào Tấn là đơn vị được chọn biểu diễn phục vụ. Những nghệ sĩ có vinh dự tham gia đợt biểu diễn đều nhớ một vị khán giả đặc biệt, luôn chăm chú ngồi xem đến hết chương trình, ân cần chúc mừng nghệ sĩ… 
“Trước hoặc sau biểu diễn có dịp trò chuyện với Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi bất ngờ khi bác nhớ tên một số diễn viên gạo cội của Nhà hát cùng những vai diễn tâm đắc của họ. Cảm động hơn nữa là bác còn có thể chỉ ra rất chuyên môn cái “chất” của tuồng Đào Tấn, tuồng Bình Định so với tuồng một số địa phương khác. Ông cũng thường nhắn nhủ các đơn vị, nghệ sĩ tuồng cố gắng vượt qua sức ép của đời sống vật chất, của sự lấn át bởi những loại hình nghệ thuật giải trí khác… để giữ gìn nghệ thuật truyền thống này. Trước bác, chúng tôi cũng đã luôn xác định đó là nhiệm vụ chính trị, nhưng cách bác “chỉ đạo” mà đầy tâm tình, căn dặn khiến cả đơn vị thấy được quan tâm, san sẻ, khích lệ và ấm áp lên rất nhiều”, NSƯT Gia Thiện kể.
Cả cuộc đời hoạt động chính trị, hẳn Thủ tướng Phan Văn Khải có dịp xem tuồng ở nhiều nơi và phần nào biết qua về những phong cách nghệ thuật riêng khác ở mỗi đơn vị, địa phương. Theo như lời kể ở trên của NSƯT Gia Thiện, vị Thủ tướng này đã có lần đề cập đến đặc trưng tuồng Bình Định mà ông gọi giản dị là “nét tuồng Bình Định”. Có lẽ chính sự mộ điệu “nét tuồng Bình Định” ấy đã dẫn đường cho cơ duyên Nhà hát tuồng Đào Tấn lần đầu tiên được mời đến biểu diễn suốt 3 đêm liền tại quê hương cách mạng Củ Chi.
Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn Văn Bá Dũng kể, tháng 7.2010, nhân dịp khánh thành đình làng Tân Thông - quê hương Thủ tướng Phan Văn Khải (thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Nhà hát vinh dự được mời đến biểu diễn và tham quan đình làng, địa phương.
Đã biểu diễn phục vụ Thủ tướng nhiều lần, song đó là lần đầu được mời đến quê hương Thủ tướng để biểu diễn, tâm trạng của lãnh đạo cũng như anh em nghệ sĩ đơn vị vừa háo hức vinh dự, vừa không khỏi có chút lo lắng. Đến nơi khi đã gần 22 giờ để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn mừng khánh thành đình làng sáng hôm sau, cả Nhà hát không ai có thể nghĩ “bác Sáu Khải” cùng bà con địa phương đang đợi đoàn đến. Ông ra tận xe đón mọi người, giản dị và ân cần như người ông, người bác mừng con cháu ở xa về, hỏi han các nghệ sĩ nữ đi đường xa có say xe không, mệt nhiều không, đã kịp ăn khuya chưa… Cảm giác trước đó - đứng trước một vị nguyên Thủ tướng - bay biến đâu mất, và Nhà hát đã có 3 đêm diễn thăng hoa trước đông đảo khán giả làng Tân Thông, vùng cách mạng Củ Chi. Nhà hát đã chọn giới thiệu đến khán giả miền Nam 3 vở tuồng hay: Đào Tam Xuân loạn trào, Xử án Bàng Quý Phi và Tiết Giao đoạt ngọc, trước khi diễn tuồng thì biểu diễn nhạc võ Tây Sơn. Cả 3 đêm diễn, Thủ tướng Phan Văn Khải gần gũi cùng người già, trẻ nhỏ, bà con làng Tân Thông quê hương ông, quây quần chăm chú xem tuồng Bình Định. Sau mỗi buổi diễn, ông đều lên sân khấu động viên nghệ sĩ, tỏ ý khen hay và nán lại ăn khuya cùng đoàn. Một kỳ diễn ấm áp không thể quên trên đất miền Nam của Nhà hát tuồng Đào Tấn…
SAO LY

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương