Người trẻ vẽ về hát bội

Thứ Hai, 05/02/2018, 21:22:09
 

Triển lãm "Vẽ về hát bội" đã thu hút người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Họ là những họa sĩ với tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng bằng tình yêu hội họa và đặc biệt là tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống hát bội, các bạn trẻ đã làm nên một cuộc triển lãm “Vẽ về Hát bội” lần đầu được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, như một lời tri ân đến những người đang nỗ lực giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc.
Sảnh của Garden Small, quận 5 thu hút nhiều bạn trẻ hơn mọi ngày, mọi người đến chung vui với những họa sĩ trẻ đồng trang lứa với mình và để chiêm ngưỡng những tác phẩm vẽ về hát bội vô cùng đặc sắc đang được trưng bày tại đây. Hơn 50 tác phẩm hội họa của 42 họa sĩ trẻ đã giúp khách tham quan có cái nhìn khá toàn diện về nghệ thuật hát bội. Người xem bắt gặp phía sau chiếc mặt nạ tuồng là biết bao nhân vật, biết bao số phận đã làm nên sức sống cho nghệ thuật hát bội suốt hàng trăm năm qua. Ðó là sự thảng thốt của nữ tướng Ðào Tam Xuân khi nghe tin chồng Trịnh Ân và con trai Trịnh Ấn đã bị hôn quân sát hại, hay gương mặt nửa người nửa cáo của Hồ Nguyệt Cô được bạn Huỳnh Kim Liên khắc họa sắc sảo sau khi xem vở tuồng kinh điển Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Ở một góc khác, người xem sẽ cảm nhận được nỗi nhớ quê hương của An Tư công chúa qua đôi mắt u buồn và không gian được tác giả phủ lên lớp mầu xanh hoài cổ. Những nhân vật, những trích đoạn kinh điển trong các vở hát bội cứ thế dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua cách thể hiện rất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống và những quy chuẩn trong môn nghệ thuật này.
Có được cuộc triển lãm “Vẽ về Hát bội”, phải kể đến công đầu của hai họa sĩ trẻ Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang. Trong một lần xem chương trình trò chuyện về NSND Ðinh Bằng Phi, một nghệ sĩ hát bội gạo cội, hai bạn trẻ đã cảm nhận được lòng yêu nghề và nỗi trăn trở của người nghệ sĩ tài hoa làm sao để nghệ thuật hát bội được giữ gìn, phát triển, đến với bạn trẻ hôm nay rộng rãi hơn. “Qua chương trình, chúng tôi thật sự xúc động về câu chuyện của NSND Ðinh Bằng Phi và ý tưởng phải làm điều gì đó nhằm tri ân những người dành cả cuộc đời mình để giữ gìn nghệ thuật truyền thống dân tộc bắt đầu xuất hiện”, Huỳnh Kim Liên chia sẻ. Thế là những người trẻ ấy đã liên hệ với nhau trên mạng xã hội, thông qua các mối quan hệ, tập trung những bạn trẻ đam mê hội họa để tiến hành thực hiện dự án mới mẻ này. Bạn Nguyễn Nhựt, người đứng ra kết nối những họa sĩ trẻ cùng chung tay thực hiện dự án, nhớ lại: “Hầu hết các họa sĩ trẻ đều rất hào hứng với dự án Vẽ về hát bội cho nên khi chúng tôi ngỏ lời, bạn nào cũng đồng ý tham gia”.Cuối cùng, 42 họa sĩ trẻ đã quyết định đồng hành với dự án. Dự án được triển khai, các bạn trẻ cùng nhau đi tìm tư liệu, hình ảnh về hát bội, về những vở diễn, nhân vật kinh điển trong nghệ thuật tuồng để chọn những trích đoạn, nhân vật mà mình muốn thể hiện. Theo họa sĩ Phùng Nguyên Quang, đây là khâu khó khăn nhất đối với cả nhóm, vì tư liệu về hát bội không nhiều. Nhưng bằng tình yêu, cộng với sự hỗ trợ của NSND Ðinh Bằng Phi, NSƯT Hữu Danh, các họa sĩ trẻ cũng vượt qua trở ngại đó.
Trong vòng hơn hai tháng, các họa sĩ đã hoàn thành những tác phẩm của mình. “Sau khi vẽ xong, chúng tôi gửi cho NSND Ðinh Bằng Phi, NSƯT Hữu Danh xem để thẩm định vẽ như thế có chuẩn chưa. Khi nào các nghệ sĩ đồng ý chúng tôi mới triển lãm”, họa sĩ Nguyễn Nhựt kể lại. Ai có thế mạnh nào sẽ thể hiện tác phẩm dựa trên thế mạnh đó. Chính vì thế, người xem sẽ dễ dàng nhận ra sự phong phú trong chất liệu, từ chất liệu sơn dầu, xé giấy, kỹ thuật số, mầu nước, mầu Gouache, hay tác phẩm tương tác đã hoàn toàn thuyết phục người xem. Sự sinh động về chất liệu và mầu sắc khiến mọi người thấy mình như đang sống cùng với từng nhân vật trong thời hoàng kim của nghệ thuật hát bội...
Triển lãm diễn ra đến ngày 10-2 và sẽ được lưu tranh cho đến hết Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Và đối với những ai đến với triển lãm Vẽ về Hát bội của những họa sĩ trẻ TP Hồ Chí Minh cũng đều có chung cảm nhận, người trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống khi họ hiểu và tìm ra được sự đồng điệu.
Bài, ảnh: BẢO LINH

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương