Ðưa âm nhạc dân tộc đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt



Các nghệ sĩ Trung tâm văn hóa thành phố tập hát cho các em tại SOS Làng trẻ em TP Hồ Chí Minh.
Nhiều năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều suất diễn đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, nhất là các mái ấm, nhà mở. Từ những buổi diễn này, các học sinh, những bạn nhỏ kém may mắn đã hiểu hơn về âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Một ngày đầu tháng 12, SOS Làng trẻ em TP Hồ Chí Minh (còn gọi là SOS Làng trẻ em Gò Vấp) trở nên sôi động hơn khi Trung tâm văn hóa thành phố tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc. Ðây là lần đầu Trung tâm văn hóa tổ chức chương trình âm nhạc dân tộc tại SOS Làng trẻ em Gò Vấp. Những bản hòa tấu nhạc dân tộc, các bài đờn ca tài tử do nhiều nghệ sĩ "nhí", nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố trình diễn đã đưa các em nhỏ vào không gian đậm đà bản sắc Việt. Ðể chương trình thêm sinh động, Trung tâm văn hóa thành phố còn phục vụ nhiều tiết mục ảo thuật. Các em không chỉ thưởng thức mà còn được tham gia, làm trợ diễn cho các cô chú nghệ sĩ. Em Nguyễn Khánh Như, 10 tuổi, hào hứng: Ðây là lần đầu em xem chương trình với nhiều tiết mục hay như thế. Em không chỉ chứng kiến các màn ảo thuật lôi cuốn mà còn được giao lưu, được nghe những bản nhạc quê hương ngọt ngào. Phần hấp dẫn nhất của chương trình là dạy hát. Nghệ sĩ Minh Ðức cùng đồng nghiệp giới thiệu đến các em bài hát "An toàn giao thông" theo điệu Lý cây bông. Cầm lời bài hát trên tay, các em say sưa hát theo sự hướng dẫn. Giai điệu vui tươi của bài Lý cây bông được viết lại lời mới phù hợp hơn, không chỉ giúp các em cảm nhận được cái hay của một giai điệu âm nhạc dân tộc mà còn là bài học nho nhỏ về chấp hành Luật Giao thông. Với giai điệu quen thuộc, lời ca gần gũi, chẳng bao lâu các em đã thuộc và đua nhau lên biểu diễn để có cơ hội nhận được những phần quà xinh xắn.
Theo chị Trần Ngọc Lan, Phó trưởng phòng Nghệ thuật dân gian - Trung tâm văn hóa TP Hồ Chí Minh, mỗi năm trung tâm văn hóa dành gần 20 suất để phục vụ tại trường học, mái ấm, nhà mở trong thành phố. Mỗi chương trình đều có nội dung khác nhau, phù hợp từng đối tượng. "Ngoài việc phải chọn những tiết mục biểu diễn phù hợp lứa tuổi các em nhỏ, trung tâm còn chọn những bài dân ca được viết lại lời mới sao cho gần gũi với lứa tuổi để các em dễ thuộc, dễ nhớ, qua đó âm nhạc dân tộc sẽ thấm nhanh vào tâm hồn các em hơn" - chị Trần Ngọc Lan cho biết. Ðối với các nghệ sĩ, mỗi lần được phục vụ học sinh, nhất là các em ở mái ấm, nhà mở đều mang lại những cảm xúc đặc biệt. Nghệ sĩ Minh Ðức là một trong những nghệ sĩ thường xuyên tham gia cho biết: Biểu diễn phục vụ các em nhỏ đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ chọn những bài hát phù hợp mà phong cách biểu diễn cũng phải trẻ trung, gần gũi.
Ðiểm thú vị trong lần biểu diễn tại làng trẻ em SOS Gò Vấp lần này chính là có đến ba nghệ sĩ "nhí" tham gia. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng các em đã ham mê âm nhạc dân tộc. Không chỉ hát, các em còn có thể trình diễn nhạc cụ dân tộc một cách điêu luyện. Em Trần Nhựt Ðức, 14 tuổi đã có nhiều năm theo đuổi đờn ca tài tử cảm thấy thích thú khi phục vụ các bạn đồng trang lứa có hoàn cảnh đặc biệt tại làng SOS Gò Vấp. Trong chương trình, Ðức biểu diễn ghi-ta hai bản Nam Xuân và Nam Ðảo. Ðức hy vọng sẽ truyền được ngọn lửa đam mê đờn ca tài tử, nhạc dân tộc đến với các bạn tại làng SOS.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc SOS Làng trẻ em TP Hồ Chí Minh chia sẻ, những chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào trường học nói chung và mái ấm, nhà mở nói riêng có ý nghĩa rất lớn và hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho các em tiếp cận giai điệu quê hương, bồi dưỡng tâm hồn, truyền cho các em tình yêu với âm nhạc truyền thống dân tộc. Và để ngọn lửa đam mê ấy được lan truyền mạnh mẽ, lâu dài, ngoài những chương trình phục vụ định kỳ, đòi hỏi các ngành chức năng có giải pháp để âm nhạc dân tộc trở thành môn học gần gũi trong nhà trường. Ðó mới là con đường vững chắc để âm nhạc dân tộc được bảo tồn và phát triển.
BẢO LINH

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương