Mua đồ gỗ cao cấp, lơ mơ là... “sập bẫy”

Mua đồ gỗ cao cấp, lơ mơ là... “sập bẫy”

Cập nhật ngày: 01/09/2014 - 03:31
Mua đồ gỗ cao cấp, lơ mơ là... “sập bẫy”
Một bộ salon bằng gỗ quý. Ảnh: HĐ
“Tân Châu có nhiều tiệm bán đồ gỗ rất đẹp, đặc biệt trên đó có nhiều bộ bàn ghế được đóng bằng loại gỗ cao cấp mà giá cả cạnh tranh, lên đó xem thế nào kiếm vài món về trang trí cho ngôi nhà”- một người bạn của tôi nói thế. Trăm nghe không bằng một thấy, nên chúng tôi rủ nhau lên đường thâm nhập thực tế.
Không biết đường nào mà lần
Xã Tân Đông, thuộc huyện Tân Châu có đường biên giới giáp với Campuchia là nơi có nhiều hộ kinh doanh và chế tác gỗ từ cao cấp cho đến bình dân. Chúng tôi tìm vào một xưởng mộc để xem một bộ salon gỗ. Theo lời anh N- chủ xưởng thì bộ salon này được đóng bằng gỗ gõ đen (còn có tên gọi khác là gỗ mật, gỗ gụ).
Trọn bộ có tổng cộng 7 món, gồm bàn, ghế dài, ghế rời và những chiếc ghế ngắn, ghế kẹp (được dùng để nối dài thêm cho cái bàn). Chủ xưởng mộc cam kết: nếu người mua phát hiện trong bộ bàn ghế có pha bất cứ một loại gỗ nào khác ngoài gõ đen, ông sẵn sàng… cho không.
Nhìn tổng thể, bộ bàn ghế khá đẹp, xét cả về kỹ thuật kết cấu cũng như tính thẩm mỹ. Duy có điều, một trong những bộ phận quan trọng của chiếc ghế bị nứt một đường dài khoảng hai tấc. Vết nứt này đã được trám vào bằng một loại sơn. Anh N ra mức giá: 35 triệu đồng- không bớt một xu, người mua sẽ được giao hàng đến tận nhà. Anh bạn tôi nói- người đang muốn tìm mua bộ bàn ghế còn chút phân vân nên tìm lời thoái thác, để về suy nghĩ lại rồi sẽ trả lời sau.
Một tuần sau, để yên tâm hơn, anh bạn tôi rủ thêm một người có chút kinh nghiệm về gỗ trở lại xưởng mộc trên để xem lại bộ salon. Khi được đề nghị cho đem bộ bàn ghế ra ngoài trời để quan sát cho kỹ, anh chủ xưởng hơi ngần ngừ một lúc nhưng cuối cùng cũng chấp nhận.
Sau khi lật ngửa bộ bàn ghế lên, chúng tôi thấy mặt dưới của nó mới được quét một lớp sơn màu màu đỏ như nước bã trầu. Lấy chiếc chìa khoá xe máy rạch nhẹ vài đường vào mặt gỗ thì lớp sơn rơi xuống và không khó để nhận ra, màu thật của mặt ghế không phải là màu đỏ mà là màu trắng pha chút màu vàng nhạt.
Tiếp tục săm soi bộ bàn ghế, chúng tôi thấy ngoài bộ phận chân ghế, chân bàn có chung một màu đỏ, còn lại các bộ phận khác đều màu vàng nhạt. Vân gỗ không có hoặc rất mờ, thớ gỗ lại thô, có chỗ còn bị răn nứt.
Để kiểm tra cho rõ hơn, cả nhóm xin phép vào xưởng mộc để xem gỗ. Anh chủ xưởng mộc, lúc này tỏ ra ngần ngại nhưng không có lý do để từ chối nên đành đồng ý. Phía trong xưởng, chúng tôi nhìn thấy lèo tèo mấy thứ gỗ rẻ tiền, tuy vậy, anh chủ xưởng vẫn nói cứng rằng đó là gỗ cao cấp thuộc nhóm một. Khi bị chất vấn, anh tỏ ra lúng túng và lảng tránh những câu hỏi của khách hàng.
Với lý do để suy nghĩ thêm, chúng tôi ra về. Người bạn được mời đi cùng với vai trò “chuyên gia thẩm định” vốn có chút kinh nghiệm về gỗ khẳng định chắc chắn rằng, bộ bàn ghế lúc nãy được đóng bằng gỗ tràm vàng, may ra chỉ có mấy cái chân ghế, chân bàn là bằng gỗ gõ đen mà thôi. Lời khẳng định ấy được củng cố hơn vào mấy ngày sau khi chủ xưởng gỗ gọi điện cho anh bạn tôi, nói rằng sẽ… khuyến mãi thêm một cái ghế (trị giá gần hai triệu đồng) và nếu cần thì sẽ thương lượng lại giá cả.
Theo nhận định của một người có thâm niên hàng chục năm làm nghề cưa, xẻ gỗ mà chúng tôi tham khảo ý kiến thì bộ bàn ghế nói trên chắc hẳn được đóng bằng nhiều loại gỗ khác nhau. Có thể trước đó người chủ xưởng mộc đã được ai đó thuê đóng hàng bằng gỗ gõ đen.
Sau khi đóng xong, phần gỗ quý còn thừa đã được anh ta tận dụng, pha trộn với thứ gỗ rẻ tiền để làm nên bộ salon có tên là “hàng cao cấp”. Người mua nếu không có kiến thức về gỗ sẽ dễ bị “sập bẫy”. Trên thực tế, những loại salon bằng gỗ tạp, gỗ phẩm cấp thấp giá cả không bao nhiêu, có khi chỉ cần dưới mười triệu đồng là đã có một bộ “hoành tráng”.
Tiếp tục tìm hiểu về thị trường đồ gỗ cao cấp, chúng tôi thấy có một điều rất lạ: giá cả mặt hàng này có sự chênh lệch rất lớn. Thông qua người bạn, chúng tôi được giới thiệu đến một xưởng gỗ được đặt trong rừng cao su khu vực gần thị trấn Tân Châu.
Người chủ xưởng nói anh đang có một bộ bàn ghế (ở dạng phôi, chưa chế tác hoàn chỉnh) bằng gỗ hương. Nếu chúng tôi thích thì anh ta sẽ để lại cho với giá hữu nghị là… 45 triệu đồng, bao gồm cả tiền sơn PU và chi phí vận chuyển. Theo lời giới thiệu, thuyết minh của người chủ thì loại gỗ hương mà ông đang nói là hương vàng. Còn nếu muốn đóng đồ bằng gõ đỏ thì ít nhất phải tốn 55 triệu đồng, nếu là cẩm lai thì còn đắt hơn từ 10 - 15 triệu đồng/bộ.
Trong khi đó, tại một siêu thị nội thất trên đường 30.4, mức giá niêm yết cho thấy: một bộ salon 7 món (gồm bàn và các loại ghế) được đóng bằng gỗ gõ đỏ có giá từ 84 – 92 triệu đồng. Tại đây, một bộ bàn ghế 10 món được giới thiệu đóng hoàn toàn bằng gỗ cẩm có giá từ 180 - 192 triệu đồng.
Còn tại huyện Châu Thành, một người quen của chúng tôi mới mua một bộ bàn ghế cũng được nói là bằng gỗ cẩm, đóng tại xã Tân Hà nhưng giá chỉ có… 50 triệu đồng. Hiếm có mặt hàng nào cùng chủng loại lại có giá cả chênh lệch đến mức khó hiểu như thế.
Mua đồ gỗ cao cấp, lơ mơ là... “sập bẫy”
Sản phẩm bằng gỗ chế biến tại một cửa hàng ở TP. Tây Ninh. Ảnh: HĐ
Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết, hiện nay, do nguồn nguyên liệu gỗ cao cấp trong nước ngày càng khan hiếm, nên phần lớn gỗ cao cấp dùng để đóng bàn ghế cũng như nhiều đồ trang trí nội thất khác trong nước phải nhập từ nước ngoài về.
Gỗ nhập vào có xuất xứ từ nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Malaysia và Nam Phi. Gỗ nhập khẩu thì phải chịu nhiều chi phí nên giá cả các mặt hàng gỗ cao cấp đã trở nên ngày càng đắt (thừa dịp, một số chủ xưởng mộc không ngại “hét giá”… tới mây xanh).
Hiện tại, một mét khối gỗ hương xuất từ Lào có giá khoảng trên dưới 30 triệu đồng. Nếu không rành về gỗ thì người mua rất dễ bị ngộ nhận. Một trong những loại gỗ cao cấp thuộc nhóm một thường được các tay bán đồ gỗ “múa”, nhất là gỗ hương.
Trên thực tế, loài gỗ này có nhiều loại như hương đỏ của Lào, hương vàng của Nam Phi. Gỗ hương đỏ có giá cao hơn hương vàng. Cái gì hiếm cũng dễ bị làm giả, mặt hàng đồ gỗ cao cấp cũng không phải ngoại lệ. Vậy thì làm thế nào để mua được đồ gỗ cao cấp đúng hàng, đúng giá?
Cẩn thận không thừa
Theo giới sành chơi đồ gỗ, một trong những nguyên tắc mà khách hàng cần ghi nhớ khi mua hoặc đặt đóng hàng bằng loại gỗ cao cấp là nên yêu cầu phía bên bán giữ nguyên vẻ ngoài chất liệu gỗ, không được sơn hoặc phun bất cứ loại hoá chất nào trước khi có sự đồng ý của bên mua hàng. Nếu như người mua hàng không có kiến thức, kinh nghiệm về gỗ thì tốt nhất nên nhờ những người am hiểu lĩnh vực này kiểm tra giúp.
Sau khi kiểm tra và nhận biết đó là chủng loại gỗ đúng như mình muốn thì mới đồng ý cho thợ hoàn thiện các công đoạn còn lại. Sở dĩ phải làm như vậy là do đồ gỗ cao cấp có giá trị cao nên dân buôn không ngần ngại dùng mọi mánh khoé để lừa người có nhu cầu.
Một trong những thủ thuật đơn giản là dùng sơn PU cùng một số loại hoá chất khác để đánh bóng bàn ghế và đồ nội thất. Một khi bộ bàn ghế đã được “trang điểm” bằng hoá chất thì rất khó để nhận biết nó làm bằng loại gỗ gì. Hiện nay trên thị trường đã có loại sơn mà khi phủ lên bề mặt của gỗ sẽ tạo ra vân gỗ rất đẹp, nhìn vào không khác gì gỗ cao cấp. Đây là một chiêu thức tinh vi để lừa người mua hàng.
Qua đó, các loại gỗ phẩm cấp thấp sẽ được “hô biến” thành gỗ mun sọc, mun hoa hay nhiều loại danh mộc thuộc nhóm một. Người mua đồ gỗ cao cấp nên đặt yêu cầu của mình về chất lượng gỗ, chủng loại gỗ và kiểm tra bàn ghế hoặc đồ gỗ cao cấp khi giai đoạn mộc hoàn thành.
Một số loại hoá chất, trong đó có sơn PU giá khá cao (sơn một bộ bàn ghế phải mất từ 4 - 5 triệu đồng tiền sơn), nên không có lý do gì để thợ mộc sơn cả hai mặt của sản phẩm, ngoại trừ khi muốn qua mắt khách hàng.
Điều cần đặc biệt chú ý là phải kiểm tra cả phía mặt dưới của bàn ghế, mặt sau của những bức tranh được làm từ gỗ. Có thể dùng ngón tay gõ vào các mối nối để kiểm tra xem có phải gỗ đặc hay không, nếu không rất dễ bị lừa bởi nếu nhìn bằng mắt thường thì có cảm giác gỗ rất dày và đặc ruột, nhưng lắm khi phía trong lại trống rỗng do gỗ bị sâu, hoặc chỉ là phần giác, không phải gỗ lõi và càng không phải gỗ nguyên khối.
Một kinh nghiệm đáng lưu ý nữa là nếu có ý định tậu hàng đồ gỗ cao cấp thì nên chọn thời điểm vào mùa nắng mà đặt hàng. Lý do là vào mùa mưa, gỗ hút hơi nước nên nếu đóng bàn ghế vào mùa này sẽ không bảo đảm tính vững chắc của sản phẩm.
Người viết bài có một anh bạn quen đã mua bộ bàn ghế giá hơn 60 triệu đồng. Anh chỉ dùng được một năm thì một số mối nối của nó đã bị hở hoác, hoá ra thợ mộc đã dùng loại gỗ chưa kịp sấy khô để đóng, gặp mùa nắng, dưới tác động của nhiệt độ, nước còn ủ lại trong gỗ bắt đầu bốc hơi khiến cho gỗ bị teo lại.
Hiện nay, một số người có nhu cầu xài đồ gỗ nhưng sợ bị lừa hoặc sợ bị thợ mộc “ăn bớt” gỗ, nên đã tự mua gỗ nguyên liệu rồi thuê thợ đem đồ nghề đến tận nhà mình để đóng.
VIỆT ĐÔNG

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương