Âm nhạc cổ truyền: “Phần hồn” đang mai một

Âm nhạc cổ truyền: “Phần hồn” đang mai một

(GD&TĐ) - Sau khi các di sản âm nhạc cổ truyền lần lượt được vinh danh trước thế giới, nhiều người mới nhìn lại toàn cảnh bức tranh âm nhạc dân tộc và giật mình thấy rằng chúng ta hình như mới chỉ bảo tồn được “phần xác” của âm nhạc cổ truyền, còn “phần hồn” tinh túy thì đã bị mai một đi rất nhiều.
Ít quốc gia nào bảo lưu được một kho tàng âm nhạc truyền thống phong phú như ở Việt Nam. Kho tàng âm nhạc truyền thống dân gian hiện nay còn lưu giữ được nhiều loại hình âm nhạc quý như: quan họ, ca trù, cải lương, chèo cổ, xẩm, đồng dao, hát xoan, hát si, hát lượn, hát ống, hát ví, cồng chiêng, dân ca các dân tộc, nhã nhạc, lễ nhạc với nhạc cụ dân tộc độc đáo… Đặc biệt là hát ru và hát dân ca - nguồn lực tinh thần trong mỗi con người Việt Nam từ lúc còn thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Không ít người con đi xa quê hương nay trở về để tìm lại kỷ niệm trong đó có tiếng hát lời ru của mẹ thuở nào...
Tuy nhiên, nghệ thuật truyền thống là diễn xướng, là sự ngẫu hứng ứng tác nên âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung không tồn tại dưới dạng văn bản chi tiết như bản nhạc phương Tây, mà các tác phẩm luôn tồn tại với nhiều dị bản khác nhau. Vì vậy mọi hình thức bảo tồn, lưu trữ bằng các phương tiện nghe nhìn, các công nghệ hiện đại bao giờ cũng chỉ bảo lưu được một phần nhỏ những giá trị vốn có của âm nhạc dân tộc. Phần lớn còn lại tồn tại cùng người nghệ sỹ - những nghệ nhân cổ nhạc.
Quan họ giao duyên trong Lễ hội Lim
Những người nắm “phần hồn” âm nhạc dân tộc
Do tính đặc thù như vậy nên mặc nhiên, trong mỗi nghệ nhân cổ nhạc luôn tồn tại “chức năng kép”: vừa biểu diễn vừa sáng tạo tại chỗ. Họ vừa sở hữu một vốn liếng âm nhạc giàu có và quý giá của cả dân tộc, đồng thời cũng là những người nắm giữ trong tay kho tri thức đồ sộ về sáng tác âm nhạc cổ truyền và chế tác các nhạc cụ dân gian. Chính điều đó đã khu biệt một nghệ nhân với một diễn viên, nhạc công hay nhạc sĩ thuần túy. Với lối tư duy nhận thức tác phẩm theo kiểu bản năng rồi ngẫu hứng ứng tác đó, “xương thịt” và “linh hồn” của mỗi tác phẩm dường như phải ngấm vào trong máu, để trở thành phản xạ tự nhiên trong mỗi nghệ nhân.
Nói cách khác, toàn bộ các giá trị nghệ thuật tinh tế của tác phẩm luôn tiềm ẩn trong khối óc, con tim nghệ nhân. Chỉ đến khi biểu diễn, những giá trị đó mới hiện hình qua đôi bàn tay hay giọng hát đầy sức biến hóa của họ. Sự tồn vong của các tác phẩm âm nhạc cổ truyền Việt Nam gắn bó chặt chẽ với sự sống còn của nghệ nhân cổ nhạc. Các nghệ nhân cổ nhạc chính là những di sản sống vô cùng quý giá, cần được bảo vệ và khai thác một khi chúng ta muốn bảo tồn và phát huy vốn di sản âm nhạc cổ truyền của dân tộc.
Tuy nhiên, theo Ban nghiên cứu Di sản văn hóa phi vật thể, Viện Văn hóa Dân gian, hiện những nghệ nhân cổ nhạc “xịn” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang tiếp tục hao hụt dần bởi tuổi già sức yếu. Trong rất nhiều trường hợp, các “bảo tàng sống” này đã mang vào lòng đất lạnh những tinh túy của âm nhạc dân tộc mà không kịp trao truyền cho lớp kế cận.
Một buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc của giảng viên và sinh viên Nhạc viện Hà Nội Ảnh: Nguyễn Lâm
Cần một chính sách cho âm nhạc cổ truyền
Hàng chục năm qua, Nhà nước luôn cố gắng hô hào mọi người bảo vệ âm nhạc cổ truyền dân tộc. Song sẽ là một câu hỏi làm giật mình các ông bố bà mẹ khi vấn đề đặt là họ có muốn con cái mình theo học cổ nhạc Việt Nam? Chắc sẽ có rất ít câu trả lời là “có” khi mà đời sống kinh tế của chính những người thầy - nghệ nhân cũng như của những người gắn bó với những thể loại âm nhạc đó… vô cùng hiu hắt! Theo học âm nhạc cổ truyền Việt Nam - con cái họ sẽ được gì? Học xong sẽ kiếm sống trong môi trường nào? Tương lai sẽ ra sao?...
Vì thế quá trình truyền dạy cổ nhạc trong hàng chục năm qua thường diễn ra manh mún, tự phát. Học trò thì ít, không phải ai cũng sẵn lòng theo nghề. Và không phải ai cũng muốn học hết vốn liếng của các cụ. Phần vì không đủ tài lực, thời gian; phần thì chỉ cần một vốn liếng tối thiểu để “xuất đầu lộ diện” là xong! Phần lớn các cụ dạy bằng tâm nguyện với tổ nghề. Song có những cụ thì cám cảnh, giấu nghề, học trò có lẽo đẽo theo sau đến mấy cũng không nhận lời truyền dạy!
Nhiều giá trị lớn nhỏ của cả một kho tàng âm nhạc cổ truyền đang có xu hướng bị mai một, ra đi vĩnh viễn không trở lại… Một số loại hình âm nhạc dường như chỉ còn lại những dư âm của một thời vang bóng! Trên những phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong thị trường băng đĩa, cổ nhạc Việt Nam vẫn là “của hiếm” - ít người nghe, chẳng ai mua. Nhưng nếu có muốn nghe cũng chẳng biết tìm đâu ra. Không cần nói nhiều, ai cũng hiểu đó là một bức tranh quá ảm đạm.
Người ta có thể đầu tư bạc tỷ cho nhiều loại hình âm nhạc gọi là “mới”, nuôi dưỡng nhiều mô hình nghệ thuật phát triển… nhưng lại chẳng đầu tư bao nhiêu cho kho tàng di sản cổ nhạc của cha ông. Ai cũng hô hào, ai cũng công nhận là phải làm, nhưng tất cả dường như chỉ dừng lại ở đó. Thường thì người ta dễ “an tâm” khi nhìn thấy sự tồn tại của các nhà hát chèo, tuồng, cải lương hay các đoàn quan họ… và tưởng rằng thế là đủ...
Thiết nghĩ coi nghệ nhân cổ nhạc là những di sản sống thì chúng ta cần phải có thái độ trân trọng và giữ gìn vốn di sản ấy. Sự ẩn dật và mai một, đứt đoạn và thiếu hụt của âm nhạc cổ truyền cũng chỉ bởi vì chưa có một chế độ đãi ngộ, quy chế bảo tồn nào đối với các nghệ nhân.
Đã đến lúc cần hoạch định một chính sách riêng cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, giới nghệ nhân cổ nhạc nói riêng. Ngoài việc tôn vinh các nghệ nhân, điều có thể làm trước khi quá muộn là phải có cách ứng xử cụ thể đối với từng nghệ nhân hay nhóm nghệ nhân nhằm khai thác, bảo tồn, phát huy hiệu quả vốn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền mà họ đang sở hữu, trong đó phải ưu tiên trước nhất việc đầu tư, khuyến khích các “thầy nghệ nhân” nhanh chóng tạo ra các “trò nghệ nhân”, có nghĩa là tạo ra một thế hệ nghệ nhân kế cận! Có như vậy mới mong bảo tồn di sản cổ nhạc Việt Nam.
Nguyễn Minh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương