ĐỜN CA TÀI TỬ - ÂM NHẠC “CỔ TRUYỀN MUỘN” CỦA CƯ DÂN NAM BỘ


ĐỜN CA TÀI TỬ - ÂM NHẠC “CỔ TRUYỀN MUỘN”
CỦA CƯ DÂN NAM BỘ


  • Đặng Hoành Loan
Ngày nay, mặc dù bị chi phối mạnh bởi sự hội nhập văn hóa, văn hóa, công nghệ và kinh tế toàn cầu, nhân dân Nam bộ vẫn trân trọng, yêu mến và duy trì lối chơi  Đờn ca tài tử trong đời sống thường nhật.
Đờn Ca tài tử, âm nhạc “cổ truyền muộn” của cư dân Nam bộ xứng đáng được xếp vào hàng Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Việt Nam.
XUẤT XỨ
Thế kỷ thứ XIX những người dân Việt ở Nam bộ đã có hai hình thức nghệ thuật có tính chuyên nghiệp đó là Tuồng và Nhạc lễ. Tuồng là sân khấu diễn tích, âm nhạc lấy trống, kèn làm nòng cốt, Nhạc lễ là ban nhạc chơi nhạc phục vụ hành lễ tín ngưỡng, lấy nhạc cụ dây kéo và bộ gõ làm nòng cốt. Từ nhu cầu chơi nhạc, các nhạc công họat động trong hai hình thức nghệ thuật này, cùng với những nông phu yêu nhạc dựa vào âm nhạc của hai hình thức nghệ thuật trên để sáng tạo ra phong trào “đờn cây” (tức hòa đờn không có bộ gõ) để thoả mãn nhu cầu chơi nhạc trong những lúc nông nhàn, trong những ngày rảnh rỗi. Phong trào đờn cây nhanh chóng lan tỏa khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Câu ca dao “Đồng Nai có bốn rồng vàng/ Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi” đã minh chứng cho sự phát triển nhạc đàn của Nam bộ trong thời kỳ này (khoảng năm 1800).
Đến cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều nhạc quan và nhạc công của các ban nhạc triều đình nhà Nguyễn vào Nam theo phong trào Cần vương. Họ là những người sớm biết kết hợp âm hưởng nhạc Nam bộ với nhạc Huế để sáng tác ra những bản nhạc Tài tử và mở các lớp dạy đờn khắp khắp hai miền Đông, Tây Nam bộ.  Đó là nhạc sư: Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) (1880) ở Long An. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa các bản đờn cổ, sáng tác các bản mới, rồi “tập hợp thống nhất được những ban, nhóm đờn ca của hai vùng Đông-Tây Nam bộ, dựng nên dòng nhạc Tài tử”[1]. Cùng thời với ông còn có các nhạc sư Trần Quang Diệm (1853 -1927) ở Mỹ Tho, là nội tổ của GS. Trần Văn Khê. Lê Bình An (?) là cha của nhạc sư Lê Tài Khị (1862-1924) ở Bạc Liêu, Kinh lịch Trần Quang Quờn ở Miền Tây, thầy Tam, thầy Dũng, cha con ông Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tùng Bá và hai vị quan chức khoa cử Phan Hiền Đạo, Tôn Thọ Tường học nhạc ở Huế là những người có công sáng tác bài bản, truyền dạy đờn ca tài tử khắp Nam bộ. Như vậy, từ phong trào đờn cây nhờ có các nhạc sư từ kinh đô Huế vào đã tạo ra sự biến đổi về chất để âm nhạc đờn cây trở thành hình thức âm nhạc cổ truyền  mới: Đờn ca tài tử.
NGHỆ THUẬT
a) Đàn tài tử
Để chơi đờn ca tài tử, người ta phải theo học các nhạc sư một thời gian rất dài, thường phải mất hai đến ba năm mới thông thạo các bản đờn, các kỹ thuật chơi đờn như: rung, nhấn rung, nhấn mổ, nhấn mượn hơi, mổ đơn, mổ kép, mổ kềm dây; các cách đổ hột, rung cung của đờn dây cung kéo; các cách chầy, hưởng, mổ bấm, bịt, day, chớp, búng, phi, rải của đờn tỳ bà. Nhờ vào các ngón kỹ thuật này, người chơi mới chơi được các điệu và hơi trong bài nhạc tài tử.
Đến nay, nhạc mục tài tử đã lên tới vài trăm bản. Trong vài trăm bản đó, giới nhà nghề nhạc tài tử đã gút lại được 20 bản nhạc tiêu biểu và gọi là 20 bản tổ. 20 bản tổ gồm các bản: Lưu Thủy Trường, Phú lục Chấn, Bình Bán chấn, Cổ bản trường, Xuân tình chấn, Tây Thi trường, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam Xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam - Cửu khúc, Phụng cầu.
Khi chơi 20 bản tổ cũng như chơi những bản đờn tài tử khác, người chơi được phép ngẫu hứng sáng tạo, để sáng tác ngay khi trình diễn những nét giai điệu mới mẻ trên cơ sở nhịp, câu, lớp, điệu (giọng), hơi, đã được quy định bởi lòng bản.
Lòng bản là những âm cơ bản (âm chính) của âm giai và tiết tấu của mỗi câu nhạc, lớp nhạc. Mỗi câu nhạc có số khuôn nhịp cố dịnh, thường có hai loại câu: câu  nhịp tư  và câu nhịp tám. Câu nhịp tư có 4 nhịp 4/4, câu nhịp tám có 8 nhịp 4/4. Lòng bản được tạo thành trên cơ sở các thang âm Bắc (hơi Bắc, hơi Hạ), thang âm Nam (hơi Xuân, hơi Ai, hơi Đảo) và thang âm Oán (hơi Oán). “Hơi được xác định bởi 4 yếu tố: Thang âm, Âm tựa, Chữ đàn và nét nhạc đặc trưng”[2].
Tất cả các nhạc sĩ chơi nhạc tài tử phải thuộc thấu đáo lòng bản của từng bản nhạc tài tử. Có vậy khi hòa đờn họ mới nhanh chóng thoát khỏi sự giàng buộc của lòng bản để thăng hoa trong “sáng tác” các câu đờn, chữ đờn mà vẫn bảo đảm sự toàn vẹn bản hòa tấu nhạc tài tử.
Dàn nhạc hòa tấu nhạc tài tử truyền thống thường có có nhạc cụ: đờn kìm, đờn tranh, đờn tỳ bà, đờn cò, đờn bầu và ống tiêu. Khoảng nửa cuối thế kỷ XX có thêm  hai nhạc cụ phương Tây là guitare và violon tham gia vào dàn nhạc tài tử. Để hai nhạc cụ này tương thích với nhạc đàn tài tử  người ta đã cải tiến bằng cách khoét phím đàn guitare lõm xuống, gọi là guitare phím lõm và thay đổi cách lên dây của cả hai cây đờn.
Cách lên dây buông  guitare phím lõm:
- Dây Xề bóp:                 Xòn - Đô - Xon - Rê
- Dây Sài Gòn:               (Rề) - Xòn - Rê - Xon – Rế
- Dây Rạch Giá:             (Rề) - Xòn - Rê - la – mí
- Dây Tứ Nguyệt:            (Rề)- Là - Rê- La – Rế
- Dây Lai:                      (Xòn)- Rề - Xòn - Rê- La- Rế
- Dây Ngân Giang 1:     Xòn - Rê - Xon - Xi-Ré
- Dây Ngân Giang 2:     Rề - Là - Rê - Fa (thăng)-La
- Dây bán Ngân Giang: Rề - Xòn - Rê -Si- Rế
Cách lên dây buông violon:
- Dây Xề buông:             Xòn - Rê - Xon - Rế
- Dây Xề bóp:                 Xòn - Đô - Xon – Rế[3]
b) Ca tài tử.
Trên cơ sở các bản nhạc tài tử, người ta viết lời ca để các ca sĩ hát. Lời ca ra đời đã nhanh chóng trở thành công cụ đắc lực phát huy giá trị nghệ thuật và chức năng giáo dục của Đờn ca Tài tử đối với công chúng - một công chúng dân ca vốn có truyền thống tiếp nhận nội dung âm nhạc thông qua lời hát.
Không bao lâu sau, các ca sĩ trình diễn nhạc tài tử có lời đã thay đổi lối ngồi ca (ca “salon”) bằng cách ca có diễn điệu bộ gọi là “Ca ra bộ”. Ban nhạc tài tử biểu diễn Ca ra bộ được biết đến sớm nhất là ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) với cô Ba Đắc, người ca sĩ diễn ba vai Bùi Kiệm, Bùi Ông và Kiều Nguyệt Nga trong bài ca Tứ đại oán tại hội chợ đấu xảo ở Paris vào năm 1910. Ca ra bộ ra đời là tiền đề cho việc hình thành sân khấu Cải lương Nam bộ. Đến năm 1017, vở diễn Lục Vân Tiên của soạn giả Trương Duy Toản được trình diễn ở Sa đéc. Nhiều người coi đây là vở Cải lương đầu tiên. Vở Cải lương đã đánh dấu sự ra đời loại hình sân khấu truyền thống thứ ba của Việt Nam sau sân khấu Tuồng và sân khấu Chèo. Nhờ vào biểu mục nhạc tài tử phong phú, nhờ vào những giọng ca tài tử điêu luyện, sân khấu Cải lương đã nhanh chóng phát triển và trở thành sân khấu ăn khách nhất trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn ở Nam bộ suốt thế kỷ XX. Ngược lại, sân khấu Cải lương cũng là tác nhân tích cực làm cho nhạc tài tử lan tỏa tới mọi lớp người từ thành thị đến nông thôn Nam bộ.
Nói đến sân khấu Cải lương, không thể không nhắc tới một bản nhạc có tính chất sự kiện, đó là bản Vọng cổ. Tiền thân bản Vọng cổ là bản Dạ cổ hoài lang do nhạc sĩ Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) biên soạn năm 1918 ở Bạc Liêu. Hơn một năm, từ sân chơi Đờn ca tài tử, bản Dạ cổ hoài lang bước lên sân khấu Cải lương. Kể từ đấy, nhờ vào những sáng tạo của nhiều danh ca, danh cầm, khắp Nam bộ, bản Dạ cổ hoài lang đã dần lột xác để biến thành bản Vọng cổ. Vọng cổ ra đời là một sự kiện âm nhạc lớn làm thay đổi diện mạo âm nhạc của sân khấu cải lương. Dần dà, bản Vọng cổ cũng được giới chơi nhạc tài tử yêu mến và trở thành bản nhạc không thể thiếu trong mỗi cuộc đờn ca.
c) Hòa đờn ca tài tử
Như đã trình bầy, những người chơi Đờn ca tài tử phải thuộc làu lòng bản các bản đàn. Khi chơi, họ được phép tự do sáng tạo ngẫu hứng thêm bớt các âm, biến hóa tiết tấu, thay đổi cường độ, tạo chỗ ngưng nghỉ để cho ra một bè đàn có tính cách rêng, kỹ thuật riêng của người nhạc sĩ chơi Đờn ca tài tử. Và cứ như vậy, nếu có 4 người hòa tấu 4 đàn khác nhau trên cùng một lòng bản họ sẽ cho ra 4 giai điệu có tánh cách khác nhau nhưng lại hợp thành “một tác phẩm hoàn hảo”. Lối hòa đàn của Đờn ca tài tử được các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam gọi là lối “hòa tấu biến hóa lòng bản”. FGS-Nhạc sĩ Hoàng Đạm cho rằng “ “Biến hóa lòng bản” là một trong nhiều cách viết âm nhạc khác nhau, mà từ lâu danh từ âm nhạc thế giới đã gọi là hétérophonie (hétéro là dị dạng, biến hóa khác nhau; phonie là âm điệu, giai điệu…Trung Quốc gọi cách viết này là “chi thanh” hoặc “phức điệu chi thanh”[4].
Trước khi vào bản đờn chính, người chơi đờn tài tử phải chơi câu rao. Câu rao là câu nhạc khởi đầu, rất ngẫu hứng của người chơi đờn. Câu Rao không có nhịp phách cố định, không có lòng bản như bản đờn, người chơi câu rao dựa trên cơ sở  điệu và hơi của nhạc tài tử mà sáng tác. Câu rao “chẳng những tạo một bầu không khí phù hợp với bản đờn, vui tươi cho bản Bắc, nghiêm trang cho bản Nhạc, êm ả cho bản Xuân, buồn dịu cho bản Ai, mà còn là một dịp để nhạc công thử dây đờn như người chơi kỵ mã thử ngựa, và lúc đó người nhạc công có thể phô tài của mình hay tuỳ hứng sáng tác những khúc mới lạ”[5].
NHỮNG NGƯỜI CHƠI ĐỜN CA TÀI TỬ
Trước kia những người chơi Đờn ca tài tử là những nhạc sĩ tài tử, họ không sống bằng nghề đàn hát. Họ chơi đờn một mình hoặc hòa đờn với nhau chỉ nhằm mục đích tiêu khiển khi nhàn rỗi. Khi chơi họ phải chọn những người bạn tri âm, tri kỷ, hiểu nhau từ cuộc sống đến nghệ thuật; hiểu nhau từ ngón đờn, chữ đờn đến tài năng nghệ thuật. Bởi với họ, lối chơi nhạc tài tử là đánh lên những âm thanh từ “tâm thức” để tạo ra một bản nhạc của “tâm thế”. Vì vậy chơi nhạc tài tử chính là chơi “tâm tấu”, chơi nhạc bằng cả lòng mình. Để có được điều đó, việc chọn bạn đờn và nơi để chơi đờn là điều vô cùng quan trọng.
Về sau, khi phong trào chơi Đờn ca tài tử lan rộng, quần chúng có nhu cầu thưởng thức, nhiều nhạc sĩ bậc thầy đã đứng ra thành lập các “ban nhạc tài tử” để đi trình diễn các nơi. “Ban nhạc tài tử” ra đời đã tạo ra lối chơi nhạc tài tử khác với lối chơi tiêu khiển trước đấy. Đó là lối biểu diễn nhạc tài tử trên bục diễn trước khán giả. Người ta còn biết “Vào năm 1915 Nguyễn Tống Triều và ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho lên trình diễn ở nhà hàng Cửu Long Giang bên cạnh chợ Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên nhạc tài tử lên sân khấu chuyên nghiệp ở Sài Gòn”[6]
Song song với việc thành lập các ban nhạc tài tử, sân khấu Cải lương ra đời đã sản sinh ra nhiều nhạc sư, nhiều danh cầm chơi nhạc tài tử lừng danh. Họ là những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, họ luôn luôn phải khổ luyện, phải sáng tạo, phải làm mới ngón đờn, chữ đờn của mình trong từng đêm diễn. Sự khổ luyện, sự sáng tạo nghệ thuật ấy đã biến họ thành những người điêu luyện trong trình diễn và nhạy bén trong sáng tạo các ngón đờn, chữ đờn mới, bổ sung, làm phong phú nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Những người chơi ngẫu hứng, những ban nhạc chơi trên bục diễn, những nhạc công Cải lương chơi đờn tài tử đã đem lại cho loại hình âm nhạc này sự đa dạng về phong cách diễn tấu, đa dang âm sắc dàn nhạc và đa dạng khán thính giả nghe Đờn ca tài tử.
NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐỜN CA TÀI TỬ  LÀ NHẠC CỔ TRUYỀN
So tuổi đời với nhiều hình thức âm nhac cụ kỵ ở Việt Nam như Hát Xoan, Ca trù, Hát văn, Ca Huế, Hát Xẩm... thì Đờn ca tài tử chỉ dám nhận mình là cháu chắt, bởi nó mới ra đời ngót nghét một trăm năm, đồng tuổi với âm nhạc mới Việt Nam (nhạc tiếp thu của phương Tây từ đầu thế kỷ XX). Mặc dầu là vậy, nhạc tài tử vẫn được người Việt Nam xếp vào kho tàng di sản  âm nhạc cổ truyền của mình.
- Căn cứ thứ nhất, bài bản nhạc tài tử vẫn giữ nguyên lối cấu trúc âm nhạc cổ truyền Việt Nam -  lối cấu trúc lòng bản.
- Căn cứ thứ hai, nhạc tài tử vẫn giữ nguyên vẹn các dạng thang âm, các quãng cao độ trong các dạng thang âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
- Căn cứ thứ ba, các nhạc sĩ chơi nhạc tài tử bằng các cây đờn kìm, đờn tỳ, đờn tranh, đờn bầu, đờn nhị. Đây là các cây đờn cổ truyền Việt Nam. Nhờ vậy các nhạc sĩ tài tử đã tiếp nối, phát triển, sáng tạo ra nhiều cách nhấn nhá chữ đờn mới để tạo thành âm hưởng nhạc tài tử Nam bộ.
- Căn cứ thứ tư, các nhạc sư dạy đờn tài tử vẫn giữ nguyên cách dạy truyền ngón, truyền khẩu có dựa trên những bài bản được ghi bằng chữ nhạc cổ truyền trên ký tự quốc ngữ.
Ngày nay, mặc dù bị chi phối mạnh bởi sự hội nhập văn hóa, văn hóa, công nghệ và kinh tế toàn cầu, nhưng nhân dân Nam bộ vẫn trân trọng, yêu mến và duy trì lối chơi  Đờn ca tài tử trong đời sống thường nhật.
Đờn Ca tài tử, âm nhạc “cổ truyền muộn” của cư dân Nam bộ xứng đáng được xếp vào hàng Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
 [1] Trần Thanh Bình: Đờn ca Tài tử – tiếng tự tình dân tộc, Thông báo Khoa học, số 13/2004, Viện Âm nhạc
 [2] Vũ Nhật Thăng: Một cách hiểu về Điệu và Hơi trong nhạc Cải Lương - Tài tử. Tạp chí Âm nhạc, số  3.1993
 [3] GS. Tô Vũ. Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, tr. 124. Viện Âm nhạc - 2002
 [4] FGS. Hoàng Đạm, Hòa tấu biến hóa Lòng bản âm nhạc cổ truyền người Việt. Viện Âm nhạc - 2003
 [5] Trần Văn Khê. Vài cái hay cái dở trong nhạc Việt (Lối ca Huế và đàn tài tử). Tạp chí Bách Khoa, số 320. 1969.
[6] Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương: Sân khấu Cải lương, tr. 86.  Nxb. Văn hóa Sài Gòn - 2007.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương