Danh hiệu và nỗi lòng nghệ sĩ

Danh hiệu và nỗi lòng nghệ sĩ


(VOH) - Đối với bất kỳ nghệ sỹ nào được phong tặng nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân cũng là một vinh dự vô cùng to lớn. Tuy nhiên, việc lấy huy chương làm quy chuẩn chính yếu cho việc xét tặng, rồi sau đó mới đến quá trình cống hiến làm không ít nghệ sĩ tâm tư và chạnh lòng.

Không phủ nhận, thành tích với các huy chương vàng, bạc phần nào đánh giá tài năng của mỗi nghệ sĩ, vì nếu không có thực tài, sáng tạo và cống hiến những vai diễn hay thì không thể có được huy chương. Thế nhưng, sự lao động cống hiến cả đời cho nghệ thuật nước nhà của nhiều nghệ sĩ mà không có điều kiện đến với các kỳ liên hoan hội diễn vì lớn tuổi, vì lý do khách quan khác cũng là một quy chuẩn quan trọng cần được xem xét trong quy trình xét tặng. Sự bất cập trong quy chuẩn xét tặng này đã dẫn đến hệ lụy, nhiều nghệ đã nói “không” với danh hiệu ngay từ lúc bắt đầu.
Đối với khán giả mộ điệu sân khấu thì rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ đã là những dấu ấn đẹp trong lòng họ và cả con cháu họ như: Châu Thanh, Chí Linh, Vân Hà, Bạch Long, Thanh Loan… đến giờ phút này vẫn chưa được đón nhận danh hiệu NSƯT vì rào cản huy chương.
Nghệ sĩ trẻ Trinh Trinh, trưởng thành từ đoàn Đồng ấu Bạch Long, bày tỏ: “Việc xét tặng danh hiệu NSƯT đã nhiều lần rồi không có tên NS Bạch Long, vì đây là một nghệ sĩ rất xứng đáng, NS Tú Sương, Vũ Luân, Quế Trân… đều do nghệ sĩ Bạch Long đào tạo, từ đoàn đồng ấu Bạch Long mà ra. Vậy mà đến hôm nay bảng danh hiệu cho NSƯT Bạch Long chẳng có gì, chẳng được quan tâm mặc dù đã nói nhiều lần rồi”.
Hay như trường hợp của nghệ sĩ Hồng Nga, nhiều mùa xét tặng danh hiệu đã qua, nhưng vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT mặc dù bà từng làm hồ sơ. Chưa nói đến thành tích, chỉ nói đến chặng đường lao động nghệ thuật hơn 50 năm qua với biết bao vai diễn để đời. Thế nhưng cho đến hôm nay bà vẫn chưa được gì.
Trường hợp gần đây nhất là NSƯT Minh Vương, NSƯT Út Bạch Lan cũng là câu chuyện làm nhiều ngươi suy nghĩ. Dù thời gian đã bào mòn sức khỏe ít nhiều nhưng họ vẫn miệt mài dưới ánh đèn sân khấu, nhả những sợi tơ cuối cùng của mình cho nghiệp tổ, nhưng ước nguyện được đặc cách xét tặng danh hiệu NSND cho những ngày còn lại của đời nghệ sĩ trở nên ngày một xa hơn.
Nếu lấy quy chuẩn hai giải vàng quốc gia thì chắc chắn ngày đó sẽ không bao giờ đến,  trong khi đó những nghệ sĩ cùng thời như Lệ Thủy, Bạch Tuyết,  Ngọc Giàu, Kim Cương đều đã là NSND, NSƯT Minh Vương chạnh lòng cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi đâu có cơ hội diễn trọn kịch bản hay tham gia các cuộc liên hoan nên đâu có huy chương.Tôi nghĩ một nghệ sĩ mà được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là một điều vinh dự và hạnh phúc, dù được cứu xét hay không cứu xét gì thì đối với một nghệ sĩ bao năm nay cái máu nghề, sự tâm huyết, đam mê với nghề thì tôi cũng hết lòng vì sân khấu để đáp lại sự thương mến của khán giả”.
NSND Thanh Tòng cũng khá bức xúc, nếu cho rằng chỉ cần 2 huy chương vàng để được xét tặng danh hiệu NSƯT thì một số em còn học trong trường thi 1 cuộc nhảy là được 1 huy chương vàng, tham gia tài năng trẻ được thêm 1 cái huy chương thì chưa tốt nghiệp đã thành danh, rồi đến 10 năm sau hợp thức hóa là được danh hiệu NSƯT.
“Nên coi lại sự cống hiến, mồ hôi xương máu nước mắt của những người nghệ sĩ đã đổ, đã cống hiến trên sân khấu. Bởi những nghệ sĩ như các đàn anh của tôi: NS Nam Hùng, NS Hùng Minh, hơn 60 năm trên sân khấu mà vẫn chưa được NSND. Như vậy cần xem lại đã công bằng chưa cho những giọt mồ hôi nước mắt của người nghệ sĩ” - NSND Thanh Tòng chia sẻ.
Những nhạc công, nhạc sỹ cải lương là người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chuyện xét tặng danh hiệu. Rất ít nhạc sỹ tên tuổi được phong tặng danh hiệu ngoài NSND Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), NSƯT Văn Môn, NSƯT Thiện Vũ vì những cống hiến cho nghệ thuật, còn những cái tên được khán thính giả mộ điệu yêu mến, ngưỡng vọng trong suốt hàng thập kỷ qua như: Khải Hoàn, Nhứt Dũng, Duy Kim, Hoàng Thành, Hữu Đang, Minh Nhựt… vẫn chưa một lần dám mơ đến danh hiệu.
Ai cũng biết nhạc sỹ chính là người giữ hồn, chắp cánh cho nghệ sỹ biểu diễn, đưa nghệ sỹ thăng hoa trên những phím đờn. Ấy thế mà, theo quy định về việc xét tặng NSND, NSƯT thì ít nhất phải có 2 giải vàng quốc gia, hoặc 1 giải vàng và 2 giải bạc quốc gia, điều này là không tưởng với các nhạc sỹ cải lương vì các Liên hoan nghệ thuật biểu diễn toàn quốc từ trước tới nay chưa có cơ cấu nào dành cho nhạc công, dù vai trò của họ rất quan trọng. Như vậy cánh cửa chạm đến danh hiệu coi như đã đóng.
Nghệ sỹ Khải Hoàn hơn 45 năm gắn bó với nghề, là thầy của rất nhiều nghệ sỹ ưu tú tên tuổi như Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm… nhưng ông không khỏi chạnh lòng khi mình chưa được phong danh hiệu NSƯT vì không có HCV quốc gia dù đã có rất nhiều giải thưởng vì sự nghiệp văn hóa.
NS Khải Hoàn cho biết: “Đờn 45 năm, có những vở HCV thì Đoàn hưởng, diễn viên hưởng, nhạc sỹ suốt cả đời không bao giờ có HCV, ước phong NSƯT để nhà nước thấy đóng góp của người nghệ sỹ. Nhà nước nên coi lại, đặc cách nhạc sỹ nói riêng đỡ buồn đỡ tủi đóng góp cho sân khấu này”.
Với người nghệ sĩ, làm nghệ thuật trên hết là vì yêu nghề, yêu khán giả chứ chưa từng nghĩ làm nghệ thuật vì bất kỳ một danh hiệu gì. Dù có được danh hiệu hay không thì họ vẫn lao động hết mình cho sàn diễn. Nên chăng có một quy định riêng đặc cách cho những nghệ sĩ đã lớn tuổi đã có biết bao năm “ăn quán, ngủ đình” vì sân khấu, đừng để rồi khi họ mất đi mới truy tặng danh hiệu như một số trường hợp trước kia.
“Nghệ sĩ chúng tôi chỉ nói đến tình cảm chứ ít khi khép mình vào quy định, huy chương sẽ là rào cản và gây thiệt thòi cho nỗ lực làm nghề của nhiều anh em”  - NSND Kim Cương trăn trở.
Bà cho biết thêm: “Thước đo anh em nghệ sĩ, thước đo đóng góp tâm hồn, nhiệt huyết cũng như tấm lòng không đo bằng những huy chương vàng được đâu, thước đo của anh em là khán giả, khán giả thương khán giả bằng lòng thì ít nhất người đó cũng đã có một khả năng nào đó mới được như vậy. Tôi nghĩ rằng nên lựa những anh em được khán giả thương hay nói nôm na một chút là có tên tuổi, có uy tín thì xét duyệt, như thế tôi thấy sẽ đúng hơn là việc phải có 1 huy chương, 2 huy chương… mới duyệt”.
Dẫu biết rằng mỗi một công việc điều có một quy trình, quy định riêng nhưng với nghệ thuật thì cũng đừng quá quy định cứng nhắc, nên có những đặc cách riêng cho những trường hợp đặc biệt nếu họ thật sự có tài năng, uy tín và được khán giả công nhận. Các cơ quan quản lý cần lắng nghe tâm tư của họ và có những quy chế đặc cách. Vì cứ mãi “xin cho” thì lòng tự trọng của người nghệ sỹ cũng vơi đi ít nhiều.
Ngọc Thu – Hải Hạnh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương