Quá trình hình thành và phát triển nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ

Quá trình hình thành và phát triển nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ

(PGVN)

Những ngôi chùa đầu tiên trên vùng đất mới như Vạn An, Hộ Quốc, Long Thiền, Đại Giác, Kim Cang… ở Đông Nam bộ; Khải Tường, Từ Ân, Giác Lâm ở Gia Định; Tam Bảo ở Hà Tiên…

1.  Khái quát về tình hình Phật giáo Nam bộ thời các chúa Nguyễn

Phật giáo vào Việt Nam khá sớm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết từ giữa thế kỷ I, trung tâm Luy Lâu đã hình thành với sự có mặt của những thương nhân Ấn Độ. Một số thiền sư Ấn Độ đã tham gia vào những thuyền buôn này để đến Giao Châu. Thời Sĩ Nhiếp (207) đã thắp hương và dùng lễ nhạc ở Giao Châu “Sửa lòng người bằng lễ nhạc”(1). “Các nghiên cứu đặc biệt về vai trò của Thiền sư Tăng Hội trong giai đoạn này cụ thể hóa việc có mặt của đạo Phật ở nước ta rất sớm (…) 

Ngài đã học và đọc tụng kinh điển Phật giáo tại Giao Châu trước khi truyền đạo và đưa âm nhạc Phật giáo Việt lên phía Nam Trung Hoa mà Hán ngữ gọi là Phạn bối, tức phong xướng tụng (bối= banna) có nguồn gốc từ phạn ngữ Phật giáo(2) “Có thể căn cứ vào nhiều tư liệu quý hiếm như Cao tăng truỵên (của Huệ Hạo), Hậu Hán thư hay Giao Châu ký đã xác định về sự hình thành âm nhạc Phật giáo thời ấy”(3). Như vậy, ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo Việt Nam đã tiếp nhận và hình thành nhiều hệ phái Phật giáo, trong đó tư tưởng của Phật giáo Bắc tông (Mahayana) dễ dàng được đón nhận và hội nhập nhanh chóng vào xã hội Việt Nam. Theo dòng thời gian, các thiền sư Trung Hoa thuộc tông Lâm Tế và Tào Động đã sang kinh đô Huế truyền đạo.

Khi du nhập vào vùng đất mới, đạo Phật đã có những tiền đề lịch sử - xã hội cho sự phát triển của mình. Những ngôi chùa đầu tiên trên vùng đất mới như Vạn An, Hộ Quốc, Long Thiền, Đại Giác, Kim Cang… ở Đông Nam bộ; Khải Tường, Từ Ân, Giác Lâm ở Gia Định; Tam Bảo ở Hà Tiên… là những ngôi chùa theo các hệ phái Bắc tông. Các thiền sư Trung Hoa đã đến Nam bộ vào thế kỷ XVII như Khoáng Viên (đời thứ 32 tông Lâm Tế), Nguyên Thiều (đời thứ 33 tông Lâm Tế). Các thiền sư Việt Nam kế truyền vào thế kỷ XVIII, XIX như Liễu Quán (đời thứ 35 tông Lâm Tế), Phật Ý (đời thứ 35 tông Lâm Tế), Tổ Tông (đời thứ 36 tông Lâm Tế), Hải Tịnh (đời thứ 37 tông Lâm Tế)…Từ trong những ngôi chùa đầu tiên này và với sự hoằng hóa của các thiền sư, nhạc lễ Phật giáo lại được tiếp tục phát huy qua các buổi lễ cúng, các đại trai đàn.
                                  Ảnh minh họa Nguồn: Internet
Là vùng đất được hình thành muộn trong cả nước, Nam bộ là địa bàn phát sinh và phát triển của nhiều tôn giáo. Phật giáo là tôn giáo chủ đạo, có mặt sớm ở Việt Nam và cũng là hành trang theo đoàn di dân vào vùng đất mới hơn 300 năm qua. Trong các hoạt động của Phật giáo, nghi lễ chiếm vai trò quan trọng. Nghiên cứu về con người và những họat động của con người, E. Adamson Hoebel cho biết: “Nghi thức là sự cử hành theo định kỳ một lọat những hành động về lòng tin, mà những hành động này cần phải giữ đúng tình trạng nguyên thủy, hoặc nhằm đạt đến một mục đích riêng biệt nào đó. Lễ nghi là một phức hợp gồm nhiều nghi thức”(4)

Tìm hiểu nghi lễ, trong đó có nhạc lễ Phật giáo không thể không nghiên cứu chuỗi thời gian có quan hệ với các sự kiện, gắn liền trong quá trình phát triển xã hội Nam bộ. Đó là những giai đoạn riêng biệt của quá trình xã hội mà các nhóm người điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi bên trong và thích ứng với môi trường bên ngoài. Victor Turner cũng nhận xét: “Nghi lễ là hành vi được quy định có tính chất nghi thức dành cho những dịp, không liên quan đến các công việc có tính chất kỹ thuật hàng ngày, mà có quan hệ với các niềm tin vào đấng tối cao hay các sức mạnh thần bí”(5).

Bất cứ một tôn giáo nào đều phải có những hình thức nghi lễ để tiêu biểu tinh thần đạo vị của mình. Tìm hiểu nghi lễ Phật giáo Nam bộ cũng không thể không nhắc đến lễ nhạc Phật giáo. Đó là một bộ phận quan trọng tạo nên tính đặc thù so với nghi thức cúng tế ở phía Bắc và miền Trung, và cũng là dấu ấn có liên quan đến quá trình nhập cư, khai hoang và mở đất ở Nam bộ. Nghi lễ, trong đó có lễ nhạc Phật giáo Nam bộ, chủ yếu nhằm phục vụ cho hai nhu cầu quan trọng nhất của lưu dân: đó là lễ cầu an và cầu siêu (6)

Mỗi khi hành lễ, muốn được điều hoà âm thanh nhịp nhàng trầm bổng để tăng phần trang nghiêm và linh cảm cần phải có những pháp khí để làm phương tiện hỗ tương trong những khóa lễ.(7)

2.  Nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ trong tiến trình lịch sử

Thời Đức Phật còn tại thế, âm nhạc chỉ phù hợp cho người phật tử tại gia. Đối với tăng đoàn, âm nhạc được xem là không phù hợp lắm, “vì nó thường gợi lên những tình cảm bi lụy, quyến luyến, làm xáo động tâm thức và gây ra nhiều trở ngại cho sự thăng hoa của tâm linh. Mỗi khi tụ hội và ôn lại những lời dạy của đức Phật, chư vị tỳ kheo chỉ tụng theo ngữ điệu thông thường, không có nhạc cụ, và dĩ nhiên cũng không tán tụng du dương như thời nay ”(8).

Nghi lễ Phật giáo Nam bộ phản ánh khuynh hướng văn hoá - nghệ thuật đương thời. Do tính chất “tùy thuận/khế lý, khế cơ” của Phật giáo mà từ buổi đầu du nhập vào Nam bộ, Phật giáo đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh của vùng đất mới, hình thành những hình thức tán, tụng mang màu sắc riêng biệt. Bài bản dành cho nghi lễ Phật giáo gồm các dạng kinh, kệ, chú, niệm, đọc, hô, bạch, tụng, xướng, thỉnh, tán, niệm hương, đọc sớ, hô kệ, thỉnh linh…Tuy nhiên, đỉnh điểm của lễ nhạc Phật giáo vẫn là “tán”. Khí nhạc thường được sử dụng trong những buổi lễ lớn.

Không phải ngẫu nhiên GS.TS. Nhạc sĩ Trần Văn Khê, trong nhiều buổi nói chuyện về âm nhạc Phật giáo Việt Nam đã luôn nhấn manh đến tính chất địa -văn hóa của vùng đất Nam bộ và nêu ra những thang âm, điệu thức mang tính tổng hợp cao trong âm nhạc Phật giáo, dung hòa hai thái cực trong tình cảm con người. Đó là tính bi và tính hài. Tính chất này đã thể hiện rõ nét trong nhạc lễ qua điệu Thiền và điệu xuân. 

“Mặc dù đạo Phật thành lập từ Ấn Độ, mặc dù một số kinh chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, nét nhạc trong các bài tụng, tán trong truyền thống Việt Nam không chịu ảnh hưởng của Ấn Độ hay Trung Quốc (…) Nhạc Phật giáo là một lọai thanh nhạc. Khí nhạc Phật giáo chỉ để phụ họa cho lời tán, tụng (…). Cách tán, tụng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam rất gần với cách tán, tụng các nước trong phái Bắc tông (…) Trong nước Việt Nam, nét nhạc của các bài tụng, tán thay đổi tùy theo miền, theo vùng. Mà thang âm điệu thức dùng trong những bài tán, tụng rất gần thang âm điệu thức của tiếng hát ru, những điệu dân ca đặc biệt của mỗi vùng”(9)

Ở Nam bộ, trong hai thế kỷ XVII và XVIII, nhạc lễ Phật giáo gắn với hình thức diễn xướng các bài kinh, tụng, tán (10) Phật bằng chữ Hán - Việt. Hình thức tán tụng ngân nga từng chữ được ưa chuộng, được xem là trang trọng. “Mỗi miền đều có giai điệu đặc thù theo giọng nói địa phương. Nếu không thuộc trước đọan kinh, chúng ta sẽ không biết người kia tụng tán cái gì” (11). “Khi tụng một bài kinh, thanh giọng mỗi chữ không thay đổi, thang âm chính phù hợp với thang âm của âm nhạc dân gian Việt Nam (ngũ âm). Bài tán là khen ngợi nên giọng đọc kéo dài, nhịp thay đổi, mỗi chữ có nhiều giọng. Trong lễ cầu siêu (cúng vong) thường sử dụng lối Nam Ai, vì lối này dùng cho những bài buồn” (12).

Nét tương đồng trong nhận thức về cái đẹp, về lòng từ bi, tính khoan dung độ lượng trong giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, đã dễ dàng hội nhập vào nghi lễ Phật giáo để từ đó được nhập làm một, hoà vào với nghệ thuật biểu diễn dân gian đến mức độ khó tách biệt, để cùng tồn tại, duy trì và phát huy nét đẹp ấy cho đời sau.

Trong nghi thức cầu siêu cho các vong linh, tại các ngôi chùa cổ thường sử dụng hình thức ứng phú. “Ứng phú là môn kinh hành sự trong chùa, là môn âm nhạc riêng trong đạo. Khi hành lễ, chư tăng tụng kinh, tán xướng. Ứng phú thường sử dụng lối “tán” (mục đích khen ngợi, với giọng đọc kéo dài, thang âm cẩn thận, nhịp rất phức tạp). Nội dung cúng là cầu siêu cho người chết hay cúng vong linh. Nhìn chung, lối cúng ứng phú này rất gần với âm nhạc cổ truyền Việt Nam, trong đó có ảnh hưởng của hát Hồ Quảng (Trung Quốc). Khi hành lễ, khoa ứng phú thường sử dụng rất nhiều pháp khí như chuông, trống, mõ, đồng la, đẩu, linh, khánh, còi, thủ lư, thủ/phủ xích…(13). Có thể nói, ứng phú là hình thức sinh hoạt Phật giáo chủ yếu của người Việt ở Nam bộ giai đọan đầu khai hoang mở đất.

Ứng phú gồm rất nhiều khoa: Công văn, Nghinh, Phát lược, Tịnh Trù, Trí Linh, Cấp Thủy, Trình thập chúng, Môn sơn Thí thực, Du Già… được ghi lại trên 20 quyển sách dịch từ chữ Hán. Đa số các chùa có thực hành ứng phú đều sử dụng sách “Du già yếu tập thí quỷ thực nghi”, nguyên bản của Vạn Thế đại sư, in năm 1606. Kết hợp các khoa, một lễ cúng phải kéo dài 36 giờ, do ban kinh sư chịu trách nhiệm tổ chức. Mỗi buổi lễ cúng, tùy tính chất to nhỏ mà có thể có từ 7 thầy cúng trở lên, có sám chủ (thầy cả) đứng đầu, theo sau là duy na (đánh chuông), duyệt chúng (gỏ mõ) và cặp vĩ (đẩu, trống).

Ở Nam bộ, những buổi cúng thí thực cô hồn được gọi là ngồi giàn. Các buổi lễ cúng lớn đều áp dụng theo nghi Đại khoa (Du già). Tại những buổi lễ cầu siêu lớn, tổ chức tại nhà phật tử, ban kinh sư khi đi cúng thường mang theo bộ sám bài. Ở Nam bộ, sau khi cúng còn có hát bộ/bội, nên có câu: “Trong chay, ngoài bộ”.  Huỳnh Tịnh Paulus Của đã định nghĩa: “Trong chay ngoài bộ” là cuộc bày trong ăn đồ lạt, làm việc sám hối; ngoài bày chuyện vui chơi ca hát.(14)

Các thầy cúng cũng “dội mặt” (hoá trang) làm Mục Liên, Thanh Đề, hát bội các bài Ông Đổng (15) đi tu, Nguyệt Kiểu đi tu, Quan Âm giáng thế, Mục Liên tầm mẫu… Một buổi lễ cúng cầu an hoặc cầu siêu tại nhà phật tử như vậy chi phí cúng rất cao, gồm tiền cúng dường chư tăng, tiền bồi dưỡng thầy cúng, tiền bao giàn hát bộ, nên những người tương đối giàu mới dám tổ chức. Một đám cúng kinh đàn lớn nhất chi phí khoảng 20 đồng,  mà vào thời điểm ấy 1 đồng mua được 3 giạ lúa (16).

Mặc dù ở những giai đọan tiếp sau, do điều kiện xã hội và môi trường sống có khác, khoa “ứng phú đạo tràng” không còn chiếm vị trí chủ đạo, nhưng nó đã trở thành một hình thức sinh họat văn hóa dân gian Phật giáo ở Nam bộ. Dần dần qua quá trình thực hiện ứng phú, một số không nhỏ các tăng sĩ đã trở thành những “Thầy cúng đám” thuần túy. “Xét cho cùng, ứng phú tồn tại và phát triển được một phần chính là từ trong âm hưởng của tiếng kinh đọc tụng, khi trầm, khi bổng, khi thâm u trầm lắng, gợi nhớ, gợi thương, như thiết tha cầu nguyện. Điều đó đã giải tỏa được phần lớn những nỗi niềm thương nhớ vì xa quê, cách tổ của lưu dân và một phần lớn hơn đã đi vào âm điệu của tình tự dân tộc (17).
                                   Ảnh minh họa Nguồn: Internet
Nguồn gốc của trang phục trong lễ nhạc cúng vong phổ biến ở Nam bộ xuất phát từ đời nhà Tống Trung Quốc. Phái Thanh Y giỏi phù phép nên mượn hình thức chữa bệnh vào chùa tập hợp để chống triều đình. Khi du nhập vào Việt Nam, ứng phú thịnh hành ở miền Bắc hơn 300 năm. Đến cuối thế kỷ XVIII, hát bội đã phát triển đến một mức độ đáng kể, vì vậy khoa ứng phú cũng song hành với nhạc lễ Phật giáo phục vụ các lễ nghi cúng cầu an và cầu siêu (18) tại vùng đất mới với trang phục áo hậu màu xanh ngọc thạch; cổ và tay áo viền đỏ; nền vải thường có hình lá cây.

Tại miền Trung, ứng phú phát triển giai đoạn Pháp xâm lược. Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết, giữa thế kỷ XIX (1854-1858) vua đã chiếu dụ cho biên chép, đóng tập các bài tán, tụng:  “Quản viện Hàn Lâm là Phạm Hữu Nghị tâu xin kiểm xét các bài sách, mệnh, chiếu, cáo, tiên, biểu, thư, sớ, bi, ký, và tờ lộ bố cùng là các thể tán, tụng, tự, bạt, do các quan nghĩ sọan, thuộc về bản triều từ năm Gia Long nguyên niên đến năm Thiệu Trị thứ 7, chọn lấy bài nào hơn cả, chia từng môn, định từng loại, biên chép đóng thành tập, nhan đề là “ Đại Nam văn tuyển thống biên” để điển chương của thịnh triều có thể lưu lại về sau mãi mãi. Vua cho là phải, dụ sai Nghi Thân trông coi việc ấy, chuyên giao cho thuộc viên viện ấy, chia đến các Bộ, Viện, Các, Quán, các Nha xét kiểm để làm (ngoài các nơi  ấy ra, các danh gia có chứa riêng được bản nào, mà có thể dùng được, cũng chuẩn cho sao chép cả). Về sau, thống biên chép xong, cộng 76 quyển (còn chưa khắc in), thông tin chọn được 1.421 bài (trong đó có 62 bài chép phụ và chép sót)” (19)

Vào miền Nam, tinh thần ứng phú đặt nặng vào yêu cầu cần có thầy cầu an và cầu siêu và có tiền sinh sống nhờ vào cúng tế này. Ứng phú thực sự đi vào hoạt động có tổ chức từ năm 1850 với trung tâm đào tạo là chùa Giác Viên ở Gia Định, do Thiền sư Hải Tịnh khai mở. Từ trung tâm này, dần phát triển sang các vùng thuộc Đông Nam bộ như chùa Phước Thạnh (Bàu Lớn-Trảng Bàng) có Thầy Mười dạy khoa Ứng Phú đạo tràng và ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thông qua các ứng phú sư được đào tạo ở Gia Định. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật nhất có Thiền sư Nguyệt Chiếu, người đã có công tập họp các bài nhạc lễ Phật giáo, làm nền tảng cho lễ nhạc Phật giáo giai đoạn sau khi hình thức ứng phú dần bị đi vào quên lãng.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay còn khá nhiều ứng phú sư nổi tiếng như thầy Từ Thiện, Từ Tâm, Huệ Thanh, Từ Tánh, Phước Quang (chùa Giác Lâm); Lệ Trang (chùa Định Thành)… Các chùa Tứ Phước (quận 11); Từ Thoàn (quận 8) cũng thực hành ứng phú cho đến sau năm 1975. Âm điệu của ứng phú thể hiện 7 điệu: Hỉ, nộ, ái, ố, ai, dục, lạc. Theo nhận xét của HT.Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền–Đồng Nai) thì “nhạc lễ ứng phú có “Quy cũ bất đồng”, mỗi nơi đều có âm điệu khác nhau. Ở miền Trung, ứng phú mang âm điệu giống của Trung Quốc, đặc biệt nhất là tại Huế”.

Trong giai đọan chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, “các hòa thượng mở trường Phật học, chỉnh đổi một số nghi thức để cho nhiều người có thể tiếp cận với giáo lý đạo Phật (..) Lúc này các bài kinh được tụng theo một lối cách điệu gần với âm nhạc dân gian địa phương. Giọng tụng Huế gần với hò Huế - giọng tụng Sài Gòn gần với vọng cổ” (20).

Từ giai đoạn này, ứng phú với hình thức diễn xướng nghệ thuật dân gian là hát bội đã dần mai một. Đến năm 1952, Hòa thượng Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam ra lệnh cấm tu sĩ không được lên sàn diễn, không được hóa trang… nên việc tăng sĩ diễn tuồng dần dần đã không còn tiếp tục nữa.

Tỉnh Bạc Liêu đầu thế kỷ XX có Thiền sư Nguyệt Chiếu (1882-1947) xuất gia theo phái Thiên Thai Giáo Quán tông, được đặt pháp danh là Đạt Bảo, pháp tự là Nguyệt Chiếu. Thầy cầu pháp của thiền sư này vốn là người am hiểu về nhạc lễ. Trong thời gian sống tu tại nhiều ngôi chùa, đặc biệt là Vĩnh Phước An (phường 2-thị xã Bạc Liêu) và Vĩnh Đức (phường 1-thị xã Bạc Liêu), thiền sư có nhiều cơ hội để quen biết và trao đổi về nhạc lễ cổ truyền Nam bộ với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Nhạc Khị, người có công tu chỉnh, hiệu đính, canh tân cổ nhạc. Sau đó, thiền sư còn nhận công việc đào tạo cho đội nhạc công của chùa An Thạnh Linh (xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) nên mối quan hệ ảnh hưởng của ca cổ vào hình thức nhạc lễ Phật giáo càng rõ nét, đặc biệt là tại tỉnh Bạc Liêu, nơi xuất phát bài ca cổ nổi tiếng: Dạ cổ hòai lang của Cao Văn Lầu.

Cũng cần nhận thấy mối quan hệ cộng cư của các tộc người ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ngoài cộng đồng người Kinh theo đạo Phật, còn có người Hoa. Khi hành lễ, người Hoa đọc kinh tụng bằng ngôn ngữ địa phương, sử dụng nhiều pháp khí. Vì vậy, trong nhạc lễ Phật giáo giai đọan đầu thế kỷ XX về sau ở Nam bộ, còn có thể thấy ảnh hưởng của thang âm, điệu thức của lối hát Hồ Quảng.

Sau ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981) họat động Phật giáo có nhiều chuyển đổi cho phù hợp với xu thế mới của đất nước. Ban Nghi lễ Trung ương đã nhận xét: “Nghi lễ hàm ẩn nhiều yếu tố tích cực đưa đến chân, thiện, mỹ. Nếu nhìn nghi lễ dưới góc độ giải thoát thì nó truyền đạt những diệu nghĩa, những tinh hoa Phật học rất cô đọng và súc tích qua những pháp ngữ, tán tụng, sớ văn (…) do tính đặc thù của lịch sử từng vùng, miền, sự biệt truyền của tông môn hệ phái, vì thế Ban nghi lễ luôn luôn thận trọng không thể một sớm một chiều mà đi đến thống nhất toàn bộ” (21). Đánh giá cách tụng, tán trong nhạc lễ Phật giáo hiện nay, GS.Trần Văn Khê cho biết: “Cách tụng, tán trong Phật giáo Việt Nam ngày nay có xu hướng đi đến chỗ giản dị hóa.” (22)

Tóm lại, có thể nhận thấy trong quá trình phát triển, nhạc lễ ở Nam bộ mang một số đặc điểm sau:

-Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam bộ nói riêng mang tính phong phú, đa dạng trong thành phần hệ phái, dòng phái. Nam bộ cũng là địa bàn cộng cư đa dân tộc. Từ những tiền đề này đã đưa đến tính dung hợp cao về văn hóa. Trong hình thức nhạc lễ của Phật giáo, hệ phái Bắc tông thể hiện rõ nét nhất tính dung hợp và hội nhập này.

-Lễ nhạc Phật giáo, là một phần của âm nhạc truyền thống Việt Nam, diễn ra trong các ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông cho thấy tiến trình dân tộc hóa trong nhạc lễ phật giáo. Dù cho có những yếu tố mang âm hưởng của lối hát Hồ Quảng, có những màu sắc trong trang phục có nét tương đồng của phái Thanh Y đời Tống… Nhưng trên hết, cội nguồn của dòng nhạc lễ Phật giáo vẫn thể hiện tính dân gian Việt Nam. Từ thang âm, điệu thức của tụng, tán…khi xướng lên vẫn không cho phép ta lầm lẫn với bất kỳ lối hát nào, đặc biệt là ở giai đọan ca cổ đã phát triển.

-Lễ nhạc Phật giáo, trong đó tán, tụng là chủ yếu, mang tính phong phú, đa dạng. Mỗi thời cúng trong ngày đều có những bài tán, tụng riêng. Cúng khai kinh có trì chú Mật tông (chú Phổ Am, Lăng Nghiêm…). Cúng Tịnh độ buổi tối có chú Vãng Sanh; cúng Mông sơn thí thực, buổi chiều có chú chẩn tế cô hồn.

-Lễ nhạc Phật giáo Nam bộ chuyển đổi theo sự biến đổi của văn hóa - nghệ thuật, diễn xướng dân gian của từng giai đoạn lịch sử. Từ hình thức ứng phú nặng ảnh hưởng của hát bội ở thế kỷ XVII-XVIII, đến hình thức tán, tụng mang âm hưởng cải lương, có chất Hồ Quảng trong diễn xướng của người Hoa. Chính những nét giao lưu văn hoá trong lễ nhạc Phật giáo đã chứng minh và mang lại dấu ấn đặc thù cho Nam bộ, trên nhiều lĩnh vực, trong đó bộc lộ đặc trưng quan trọng của văn hóa vùng, từ tính chất đa dân tộc và đa tôn giáo nơi vùng đất cuối cùng của tổ quốc.

Tiến sĩ Trần Hồng Liên

Chú thích:
[[1]] Đại Việt sử ký tòan thư. 1998. tập I. Hà Nội. Nxb KHXH. Tr. 119.
[2.]Nguyễn Thuyết Phong 2006. Tiến trình dân tộc hóa lễ  nhạc Phật giáo tại Việt Nam. Văn hóa Phật giáo số 23,  tháng 12. Tr. 16.
[3.]  Lê Mạnh Thát  2001.Lịch sử âm nhạc Việt Nam từ thời Hùng Vương đến thời Lý Nam Đế. Tp.HCM. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Tr.241.
[4.] E. Adamson Hoebel. 2007. Nhaân chủng học khoa học về con người. ( Anthropology : The study of man)  Lê Sơn, Lê Trọng nghĩa, Phạm Khương dịch. Tp.HCM. Nxb  Tổng hợp TP.HCM. Tr. 620.
[5]. Victor Turner 1964. Biểu tượng trong nghi lễ của người  Ndembu. Trong sách “ Những vấn đề Nhân học tôn giáo”. Nxb Đà Nẳng-Tạp chí Xưa & Nay. Tr.242.
[6 ] Theo  Hùynh Tịnh Paulus Của 1895. Đại Nam Quốc Âm Tự vị.  Sài Gòn. Cầu an là cầu cho được an  (tập I, tr. 111) ; Siêu độ là cứu chữa, làm cho tiêu rỗi ( tập II, tr. 297).
[7 ] Ban Trị sự Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam –Đà Nẳng 1993. Nghi lễ Phật giáo. Quảng Nam –Đà Nẳng. Tr. 4.
[8 ]Đồng Thành 2001. Bước đầu tìm hiểu về âm nhạc Phật giáo.  Nguyệt san Giác Ngộ số 59, tháng 2. Tr. 29.
[9 ]Trần Văn Khê.2001. Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam. Nguyệt san Giác ngộ số 59 tháng 2. Tr.23.
[10].Tán  là ca ngợi công đức chư Phật  và  ý nghĩa uyên thâm  của  con đường tu học; Chú (thần chú) là bài dịch âm trực tiếp từ tiếng Phạn.
[11].Chơn Quang. 2002. Vài nhận xét  về sự thay đổi khuynh hướng trong nghi  lễ và trong phương pháp tu tập của đạo Phật Việt Nam.Trong sách Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn Tp.Hồ Chí Minh. Tp.HCM. Nxb Tp.HCM. Tr. 364.
[12] Trần Hồng Liên 2000. Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ VN, từ  thế kỷ 17 đến 1975. Hà Nội. Nxb KHXH.  Tái bản lần I. Tr.152.
[13] Xem thêm  âm nhạc Phật giáo và các loại pháp khí này trong: Trần Hồng Liên 1995. Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ VN, từ  thế kỷ 17 đến 1975. Hà Nội. Nxb KHXH. Tr.145-152.
[14] Hùynh Tịnh Paulus Của. 1895. Đại Nam Quốc Âm Tự vị.  Sài Gòn. Tập I, tr. 115.
[15] Tức Đổng Kim Lân
[16]Theo tư liệu do HT. Thích Huê Viên , trụ trì chùa Giác Viên –Q.11 Tp.HCM)  cung cấp năm 1994.
[17] Thiền Hoà tử Huệ Chí. 1983. Sơ lược tiểu sử chùa Tổ đình Giác Lâm. Bản thảo.
[18]Theo sách Nghi lễ Phật giáo, tr. 7,  thì  Cầu an là mục đích sám hối tội lỗi để được thân tâm an lạc. Cầu siêu là mục đích sám hối tội lỗi cho người quá vãng. Cầu cho thần thức người được nhẹ nhàng thảnh thơi , siêu  sanh về nơi thế giới tịnh lạc, chóng thóat luân hồi.
[19] Đại Nam Thực lục chính biên. Tập 28. Hà Nội. Nxb KHXH 1973, tr.73-74.
[20] Chơn Quang. 2002. Sđd,  tr, 364.
[21] HT. Trí Tâm. Tham luận của  ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN. Ngày 10/1/2007. Đọc tại Hội thảo kỷ niệm 25 thành lập GHPGVN. 
[22] Trần Văn Khê. 2001. Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam. Nguyệt san Giác ngộ số 59, tháng 2. Tr.27.

Tài liệu tham khảo: 
-Ban Trị sự Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam –Đà Nẵng 1993. Nghi lễ Phật giáo. Quảng Nam –Đà Nẳng.
-Đại Việt sử ký tòan thư. 1998. tập I. Hà Nội. Nxb KHXH.
-Đồng Thành 2001. Bước đầu tìm hiểu về âm nhạc Phật giáo. Nguyệt san GiácNgộ số 59,tháng 2
-E.B Tylor  2001. Văn hóa  nguyên thủy. Hà Nội. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.
-E. Adamson Hoebel. 2007. Nhaân chủng học khoa học về con người. (Anthropology : The study of man)  Lê Sơn, Lê Trọng nghĩa, Phạm Khương dịch. Tp.HCM. Nxb  Tổng hợp TP.HCM. Tr. 620.
-Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.2006. Những vấn đề Nhân học tôn giáo. Nxb Đà Nẳng-Tạp chí Xưa & Nay. Tr.242.
-Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn Tp.Hồ Chí Minh. Tp.HCM. Nxb Tp.HCM.
-Nguyễn Lang 1973. Việt Nam Phật giáo sử luận. Tập II, III. Sài Gòn: Nxb Lá Bối
-Nguyễn Thụy Loan 1997. Tín ngưỡng tôn giáo và ca nhạc cổ truyền. Văn hóa Nghệ thuật số 12.
-Nguyễn Thuyết Phong 2006.Tiến trình dân tộc hóa lễ  nhạc Phật giáo tại Việt Nam. Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 23,  tháng 12.
-Trần Văn Khê 1997. Âm nhạc Phật giáo. Giác Ngộ số 89, ngày 13/12/1997.
-Trần Văn Khê.2001. Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam. Nguyệt san Giác ngộ số 59, tháng 2.
-Vũ Tiến 2003. Phát huy đặc thù bản sắc nghi lễ Phật giáo. Giác Ngộ số 174, ngày 29/5/2003.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương