Giữ hồn đờn ca

Giữ hồn đờn ca
(LV) - Trong khi chờ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận đờn ca tài tử của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhiều người tâm huyết với loại hình nghệ thuật độc đáo này đã tìm cách gìn giữ và tôn vinh các giá trị của nó. Chúng tôi tìm về mảnh đất được coi là cái nôi, nơi xuất xứ của đờn ca tài tử để gặp những con người như thế
Lịch sử tiếng đàn
Bà Phận giới thiệu về đờn ca tài tử.
Bà Phận giới thiệu về đờn ca tài tử..
Gặp ông Huỳnh Văn Sỹ, 76 tuổi ở Phước Vân (Cần Đước - Long An), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử Phước Vân, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết mỗi thứ Bảy hằng tuần, rất đông người cao tuổi tập trung tại nhà ông cùng nhau chơi đờn ca tài tử. Cách đây chừng 5 năm, CLB đờn ca tài tử Phước Vân được thành lập để tập hợp những người có cùng đam mê với nhau, quảng bá loại hình nghệ thuật này rộng rãi hơn nữa.
Tìm hiểu về lịch sử, xuất xứ của đờn ca tài tử, chúng tôi được biết: Đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc độc đáo, là sự kết hợp của nhạc bác học và nhạc dân gian, có nguồn gốc từ miền Trung. Cụ thể hơn, theo GS. Trần Văn Khê, vào những năm 1870, một quan của triều đình Huế là Nguyễn Quang Đại, còn gọi là Ba Đợi, đã hưởng ứng chiếu Cần Vương, chống giặc Pháp. Sau khi thất bại, ông lưu lạc vào vùng đất mới khẩn hoang ở Chợ Đào, Cần Đước. Sau đó, ông thu nhận thêm nhiều đệ tử và truyền dạy các bản nhạc có xuất xứ từ cung đình Huế cho người dân quanh vùng. Đến thế hệ sau, nhờ sự kết hợp hài hòa nên các bản nhạc này được thể hiện một cách sinh động, phù hợp với phong tục, tập quán và gần gũi hơn với người dân vùng sông nước. Đờn ca tài tử thường được chơi ở đám cưới, đám ma, đám giỗ hay đơn giản chỉ là cuộc nhậu lai rai ở chòm xóm…; âm thanh dễ đi vào lòng người, dễ thể hiện và cũng dễ cảm nhận
Rồi, từ vùng đất Cần Đước, theo hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đờn ca tài tử đã nhanh chóng lan ra tất cả mọi ngóc ngách của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ và hưng thịnh vào những năm đầu thế kỷ XX.
60 năm một khúc đàn kìm
Theo bà Võ Thị Phận, 77 tuổi, vợ ông Sỹ, thành viên tích cực của CLB đờn ca tài tử Phước Vân, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, bao biến động của kiếp người, ông bà vẫn thường đàn cho nhau nghe những bản đờn ca tài tử thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt, ông Sỹ có cây đàn kìm rất quý, được làm từ gỗ sến, dây bằng sợi cước đặc biệt. Mỗi khi chơi, những thanh âm réo rắt như trầm, như bổng du dương lạ lùng.
Bà Phận tâm sự: 'Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, đang theo mẹ đi cấy lúa thì gặp ổng. Ổng cứ nhìn tôi cười cười mà không nói năng chi. Đến lúc nghỉ tay ăn cơm, ổng vớ cây đàn trên thuyền ca mấy bài mùi mẫn làm tôi mủi lòng. Thế là tôi tương tư ổng. Duyên nợ hai người bao nhiêu năm qua cũng từ cây đàn kìm và những bài đờn ca tài tử này mà ra. Gần 60 năm rồi ổng vẫn chơi đi chơi lại những khúc đờn ấy. Tôi và con cháu, bạn bè nghe hoài cũng không thấy chán".
Ở CLB đờn ca tài tử xã Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc), ông Phạm Văn Miễn, 73 tuổi, cũng là tay chơi đờn ca tài tử có tiếng từ khi còn thanh niên. Không như vợ chồng ông Sỹ, ông Miễn chỉ là tay đờn chứ không phải chủ xướng. Chỉ sang bên kia đường, nơi giao lưu mỗi tối thứ Bảy của CLB, ông bảo cứ đến tối cuối tuần là bạn bè lại gặp gỡ nhau đàn hát. nhiều người bắt con cháu phải đưa đi bằng được chứ nhất quyết không bỏ một buổi đờn ca nào. Mà cũng đâu có gì to tát, chỉ là dăm người ngồi cùng nhau bên ấm trà, vừa hàn huyên, vừa hát, vừa chơi đàn.
Hết lòng vì lớp trẻ
"Có lẽ, cái khó khăn nhất của đờn ca tài tử hiện nay là làm sao để truyền lại cho giới trẻ", ông Sỹ chia sẻ. Nói thế không có nghĩa là lớp trẻ đều quay lưng với đờn ca tài tử mà còn nhiều người muốn thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Hiện nay, trong CLB của ông Sỹ, ngoài những bạn bè chơi đàn lâu năm còn có thêm lớp trẻ kế cận cũng ham mê chơi đờn ca tài tử. Họ là cán bộ Đoàn, những người muốn và ước mơ đưa đờn ca tài tử trở thành một trong những hoạt động giao lưu thường xuyên của các bạn đoàn viên trẻ trong xã.
Bạn Trần Anh Thư, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Sài Gòn rất mê đờn ca tài tử. Theo bạn, đờn ca tài tử không đơn thuần là loại hình âm nhạc mà còn là văn hóa, là truyền thống, là đặc trưng và là một phần lịch sử, tâm hồn của vùng đất này. Thư cho biết, có nhiều người trẻ muốn học đờn ca nhưng không biết học ở đâu, không biết chơi ở đâu. Thư may mắn hơn vì nhà ở gần CLB nên có thể đến thường xuyên để học hỏi, được các cụ hết lòng chỉ bảo, dạy dỗ. Thư bảo, nếu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì đờn ca sẽ phát triển và trở lại thời huy hoàng. Cái đó đơn giản như một cú hích, một sự công nhận, một cột mốc để người trẻ chú ý đến. Hiện nay, để thành lập CLB đờn ca tài tử và duy trì được là rất khó khăn. Ngoài những người tâm huyết với nó cần phải tăng cường truyền bá đến thế hệ trẻ, để họ thổi vào đờn ca tài tử sức sống của thời đại, hơi thở cuộc sống.
BN (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương