Đờn ca tài tử, thú chơi tao nhã

Hình ảnh
Đờn ca tài tử có sức lan toả và lâu bền trong cuộc sống người dân Nam Bộ.


Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cuối tháng 3 vừa qua, nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) cũng đã hoàn tất hồ sơ trình tổ chức UNESCO để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Nam Bộ mà còn là vinh dự của nền nghệ thuật nước nhà.

Thú chơi đặc sắc của người Nam Bộ

Theo PGS.TS Đặng Hoành Loan, người trực tiếp xây dựng hồ sơ về ĐCTT, môn nghệ thuật dân gian này xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa vùng đất phương Nam. Thời kỳ sơ khai, ĐCTT tồn tại và phát triển dưới dạng văn hóa truyền khẩu. Dần dần, những lớp người đi khai hoang mở đất đã tiếp biến những nét tinh hoa của nhạc lễ, nhạc cung đình, ca dao, dân ca... để sáng tạo nên một hình thức mới, phù hợp với đặc trưng vùng sông nước.

Thời kỳ hưng thịnh của ĐCTT phải kể đến giai đoạn từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhất là dưới thời Nguyễn. Thời kỳ này, ĐCTT phát triển rất mạnh và trở thành nhu cầu, thú tiêu khiển không thể thiếu của giới quý tộc, quan lại. Thân phụ của GS-TS Trần Văn Khê là cụ Trần Văn Triều (Hai Triều), người đứng đầu một trong hai ban ĐCTT nổi tiếng ở xứ Mỹ Tho, Tiền Giang thời bấy giờ. Ban còn lại do ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) làm chủ. Những tài tử giai nhân của hai ban ĐCTT này không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn được mời sang Pháp biểu diễn. Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật đánh giá, chính vì sinh ra trong lòng nhân dân nên ĐCTT có sức lan tỏa và lâu bền. Thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho thấy, ĐCTT xuất hiện ở 21, tỉnh thành phía Nam với hơn 2.000 câu lạc bộ ĐCTT sinh hoạt thường xuyên, thu hút 23.000 thành viên tham gia.

Nét độc đáo của ĐCTT, theo nhiều nhà nghiên cứu là nghệ thuật này vừa mang tính dân dã lại mang tính hàn lâm. Tính hàn lâm biểu hiện ở chỗ, những người muốn chơi được ĐCTT thường phải học và mất nhiều năm mới thành tài; còn tính dân gian thể hiện ở chỗ khi đã ngẫu hứng thì bất kể thời gian, không gian nào họ cũng chơi được. “Nếu Quan họ Bắc Ninh người ta sinh hoạt nhiều vào đầu xuân thì ở Nam Bộ, họ không quy định chơi ĐCTT vào mùa nào, lúc nào. Cứ nhàn rỗi là chơi. Cứ uống rượu là chơi, cứ gặp bạn là chơi. Chính vì lối sinh hoạt ấy nên nó mới có chữ tài tử, tức là nó không có gò bó gì, mang nặng tính ngẫu hứng cá nhân. Buồn có thể chơi bản tứ đại, vui có thể đánh bản bắc. Cho nên tính khoáng đãng và cá nhân của nó rất mạnh”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết.

Quan trọng là bảo tồn

Ngày 30/3 vừa qua, hồ sơ của ĐCTT đã được hoàn tất và gửi đến UNESCO. Hồ sơ thể hiện rõ những cuộc điền dã khảo sát, kèm theo đó là kiểm kê di sản của cộng đồng Nam Bộ, để qua đó, mọi người có cái nhìn tổng quan về di sản đang tồn tại và được người dân Nam Bộ lưu giữ, phát huy. Về khả năng ĐCTT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông Loan cho biết: “Tôi tin tưởng đến 90%. Quá trình lập hồ sơ rất kỹ lưỡng, cẩn trọng. Thêm nữa, ĐCTT là hiện tượng văn hóa vừa độc đáo vừa sáng tạo, có đời sống sâu rộng trong cư dân Nam Bộ”

Tuy vậy, cũng như Ca trù hay bất kỳ môn nghệ thuật truyền thống khác, điều quan trọng là sau khi được tôn vinh, chúng ta phải có giải pháp bảo tồn vốn di sản quý báu này. Vì vậy, để ĐCTT không bị mai một, trước mắt cần quan tâm tới đời sống của nghệ sỹ, nghệ nhân, những chủ thể trực tiếp làm nên sức sống lâu bền của ĐCTT.

N.Thủy - Theo kinhtenongthon.com.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương