Nghệ thuật Đờn ca tài tử: "Đặc sản" phương Nam

(HNM) - Ngày 31-3 tới, hồ sơ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ sẽ tới UNESCO "tranh cử" danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng, nghệ thuật Đờn ca tài tử sẽ sớm được thế giới tôn vinh.

Vừa dân dã, vừa cao sang

Nhắc đến Đờn ca tài tử, người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn phương Nam. Đây là thể loại "thính phòng" đặc thù của miền Nam, tương tự Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung. Những ai đã từng sống hay có dịp về thăm phương Nam, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, vào dịp cúng tế ở đình, miếu, đám cưới, đám hỏi… đều có thể được thưởng thức đờn ca tài tử.
Các nghệ sĩ biểu diễn tại một liên hoan Đờn ca tài tử.
Có người hiểu lầm rằng chữ "tài tử" nghĩa là không chuyên nghiệp, mang tính cách giản dị, dân gian chỉ dành cho giới nghiệp dư. Không phải vậy, theo GS Trần Văn Khê - cố vấn khoa học cao cấp về xây dựng hồ sơ đờn ca tài tử thì "tài tử" có nghĩa là người có tài như trong câu "dập dìu tài tử giai nhân" (Truyện Kiều). Chữ "tài tử" còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trình độ của người tài tử lại thấp. Để trở thành người tài tử đúng nghĩa, phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, "rao" sao cho mùi, "sắp chữ" sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng. Những người thích đờn ca tài tử hay cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người rồi cùng hòa đàn để người mộ điệu thưởng thức. Không ai quy định một buổi đờn ca tài tử như thế phải có bao nhiêu người, cũng không ấn định thời gian, có lúc năm ba tiếng, cũng có khi đờn ca suốt đêm, khi nào thỏa thích thì thôi.

GS. Trần Văn Khê cho biết thêm: Đến nay chưa có tài liệu nào xác định được năm ra đời cụ thể của đờn ca tài tử. Nhưng dựa theo các tư liệu nghiên cứu thì môn nghệ thuật độc đáo này hình thành vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi các nhạc sĩ, nhạc quan triều Nguyễn vào Nam theo phong trào Cần Vương mang theo truyền thống ca Huế. Trên đường đi, họ dừng chân ở các tỉnh duyên hải miền Trung, từ đó ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng. Vào đến miền Nam, đờn ca tài tử không ngừng phát triển, sáng tạo, hình thành một loại hình nghệ thuật mới là cải lương. Vì thế, nghệ thuật đờn ca tài tử dù có lịch sử hình thành muộn hơn so với nghệ thuật tuồng, chèo, quan họ hay ca trù… nhưng nó đã chứa đựng đầy đủ giá trị của văn hóa Việt, vừa chuyên nghiệp, vừa đậm chất dân dã, tài tử.

Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí

Nói đến hồ sơ đờn ca tài tử, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhận xét: Dựa trên các tiêu chí của UNESCO để công nhận một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nghệ thuật đờn ca tài tử hoàn toàn đáp ứng được. Bởi đờn ca tài tử có tính đại diện rất rõ ràng, nó gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của người dân 21 tỉnh, thành phố phía Nam, được ví như "hơi thở" âm nhạc dân tộc ở miền Nam. Hơn thế, nó được người dân từ đời này sang đời khác lưu truyền, phát triển rộng rãi trong một không gian văn hóa rất đặc thù, đó là nhà, sân, vườn… của nhà dân chứ không phải sân khấu. Đặc biệt, nghệ thuật đờn ca tài tử thể hiện đậm nét bản sắc của cộng đồng người Việt, có sức sống mãnh liệt và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân. Con số kiểm kê di sản bước đầu ở 21 tỉnh, thành có nghệ thuật đờn ca tài tử với 2.019 CLB, 22.643 thành viên, 7.926 bản cam kết, 2.850 nhạc cụ, 120 đầu tư liệu, xuất bản phẩm nghệ thuật đang tồn tại, hoạt động đã chứng minh điều này. Điển hình như Bến Tre có 230 nhóm, đội, câu lạc bộ đờn ca tài tử, 1.772 nghệ nhân đang sinh hoạt, trong đó có 961 nghệ nhân hoạt động từ sau năm 1975 đến nay. Về hiện vật, Bến Tre có 276 nhạc cụ và các hiện vật khác gắn liền với hoạt động đờn ca tài tử. Tương tự, Đồng Tháp cũng có 220 CLB với 2.200 thành viên tham gia sinh hoạt… Đây chính là tiêu chí quan trọng nhất đối với một di sản phi vật thể đại diện - bà Lê Thị Minh Lý khẳng định.

Ngoài ra, sự lan tỏa của môn nghệ thuật này cũng được thể hiện rất rõ bởi không chỉ có người Kinh mà các dân tộc anh em như Chăm, Khmer… đều tham gia sinh hoạt, biểu diễn đờn ca tài tử. Mặt khác, những loại nhạc cụ được dùng trong nghệ thuật đờn ca tài tử như đàn guitar, đàn violon đều cho thấy loại hình di sản văn hóa này đã biết kế thừa văn hóa dân tộc, biết Việt hóa những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Như vậy, nghệ thuật đờn ca tài tử đã sớm hội nhập với văn hóa thế giới để tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc VIệt Nam.

Cùng nhận định đờn ca tài tử hội đủ yếu tố trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, GS. Trần Văn Khê đưa ra dẫn chứng: Ngay từ năm 1972, UNESCO đã trực tiếp cử chuyên gia ghi âm và chụp hình lại những bản đờn ca tài tử do chính giáo sư và nhạc sĩ Vĩnh Bảo biểu diễn tại Paris (Pháp). Đến năm 1973, UNESCO tuyển chọn các bản đờn ca tài tử này và sản xuất thành đĩa mang nhãn hiệu của UNESCO để phát hành trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, GS. Trần Văn Khê cũng lưu ý, ngay từ bây giờ các cơ quan hữu quan cần có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử không bị biến dạng, không bị sân khấu hóa hay thương mại hóa...
Ngân Hà

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương