Tiếng rao đàn của nghệ nhân mù

Tiếng rao đàn của nghệ nhân mù


Sinh ra và lớn lên ở Cần Đước, tỉnh Long An cái nôi của đờn ca tài tử nên tình yêu dành cho lời ca, tiếng đờn dường như thấm sâu vào máu của nghệ nhân Trần Ngọc Nương. Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng ông là thầy đờn có tiếng ở thị trấn Cần Đước.
Nghệ nhân Trần Ngọc Nương dạy ca cho các học trò trong ngôi nhà nhỏ của mình

Nghệ nhân Trần Ngọc Nương dạy ca cho các học trò trong ngôi nhà nhỏ của mình
Căn nhà nhỏ của nghệ nhân Ngọc Nương gọn gàng, ấm áp. Trên vách, dàn nhạc cụ và giấy khen treo đầy. Nghệ nhân Ngọc Nương cho biết, không chỉ chơi được guitar mà cả đờn sến, đờn cò, đờn hạ uy di,... ông cũng có thể chơi thành thạo. Không chỉ vậy, ông còn ca được những bản tài tử. Tổ ấm của ông thường “ngập” tiếng đờn, lời ca như một cách giải tỏa những mệt nhọc trong cuộc sống đời thường.
Nghệ nhân nói: “Tôi có 4 người con, không ai theo đờn ca tài tử chuyên nghiệp nhưng đứa nào cũng biết ca. Con dâu, cháu nội, cháu ngoại cũng ca được nên những lúc rảnh rỗi, cả nhà thường quây quần đờn ca hát xướng”.
Cả cuộc đời ông, dường như đam mê lớn nhất chính là đờn. Được sinh ra và lớn lên tại cái nôi của đờn ca tài tử nên có lẽ niềm đam mê ấy ngấm sâu vào máu.
Từ nhỏ, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, ông vẫn lén theo học các lớp dạy đờn ca. Càng học, ông càng nhận ra sức hút mãnh liệt từ tiếng đờn, lời ca. Nhờ vậy, bây giờ Cần Đước có thêm một thầy đờn có tiếng.
Người bình thường học đờn đã khó, người khiếm thị như ông lại càng khó khăn hơn. Nếu người bình thường có thể nhìn được cách bấm phím, so dây để làm theo thì nghệ nhân Ngọc Nương chỉ có thể dựa hoàn toàn vào đôi tai để học. Điều đó đòi hỏi ông phải có khả năng cảm âm hết sức tuyệt vời để nhận ra những sai lệch về giai điệu, kịp thời điều chỉnh cho đúng. Nghệ nhân chỉ có thể học thuộc lòng bằng cách truyền miệng hoặc chép lại lời các bài bản đờn ca thành chữ nổi.
Ông kể: “Thường tôi nhờ vợ, con hoặc học trò đọc lời bài ca cho mình chép lại. Mình phải thuộc bài ca thì mới dạy học trò được”.
Giờ đây, nghệ nhân Ngọc Nương vừa chơi đờn ca tài tử, vừa đờn nhạc lễ. Mỗi ngày, ông vẫn miệt mài tập luyện để tiếng đờn thêm điêu luyện. Ông còn nhận dạy đờn ca miễn phí, rất nhiều lớp học trò đến rồi đi giúp tạo nên sức sống mạnh mẽ của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử trên quê hương Cần Đước./.
Phương Phương

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được