Nghệ nhân tài tử thấy ấm lòng khi được quan tâm

Nghệ nhân tài tử thấy ấm lòng khi được quan tâm

18/06/2018 | 08:06 GMT+7
Thông tin 10 nghệ nhân tài tử của Hậu Giang vừa được Hội đồng xét duyệt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn vào danh sách trình lên Hội đồng cấp Nhà nước xét để công nhận, làm nức lòng những người yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT).
Đờn ca tài tử luôn sống và phát triển trong dòng chảy cuộc sống, nhiều em còn nhỏ tuổi đã hát được bài bản khó…
Miệt mài phát triển trong dòng chảy cuộc sống
Từ rất lâu, tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu ở vùng đất miền Tây sông nước nói chung, Hậu Giang nói riêng. Vào những dịp cuối tuần, sau những giờ nông nhàn hay những đêm sáng trăng, những người đam mê tài tử lại tập hợp cùng nhau để đờn ca cho thỏa chí đam mê. Đó là những người hát vì yêu thích, tạo nên phong trào rộng rãi ở khắp nơi. Nhờ vậy, phong trào ngày càng được nhân rộng, góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật này trong lòng Nhân dân.
Ở Hậu Giang, hiện tại có hàng trăm CLB ĐCTT với trên 1.000 nghệ nhân. Ở cấp tỉnh, huyện, xã, đều có những CLB kiểu mẫu làm nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ để các CLB khác biết cách tổ chức một buổi sinh hoạt cũng như tập đờn, ca các bài bản tài tử cho đúng. Ông Nguyễn Thanh Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy, chia sẻ: “CLB ĐCTT tại huyện là những nghệ nhân tài tử tiêu biểu của huyện tham gia. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, có mời đại diện các CLB cấp xã. Qua đó, họ được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi còn có những đợt kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho các CLB này, để họ sinh hoạt thật bài bản, đúng chất tài tử”.
Còn cấp tỉnh, việc xây dựng và tổ chức sinh hoạt chỉn chu hơn. CLB ĐCTT của Trung tâm Văn hóa tỉnh đang được xây dựng thành CLB kiểu mẫu, để đủ tự tin, bản lĩnh hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị cấp huyện, xã. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Triều, phụ trách CLB ĐCT của Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức đi giao lưu với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Kế hoạch này sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên, vừa giúp các nghệ nhân tài tử trau dồi nghiệp vụ, ca đúng, đờn đúng. Đây còn là dịp để chúng tôi phát hiện và chăm bồi những nhân tố mới, tạo lớp kế thừa cho ĐCTT”.
Khi tình yêu chẳng thể tách rời
Nhiều nghệ nhân tài tử nói rằng, nếu ai không có đủ đam mê, sẽ không theo được nghề, bởi gánh nặng cuộc sống luôn đè nặng. Vì nghề tao nhã nên việc dựa vào đó để nuôi gia đình là không thể, buộc các nghệ nhân phải có thêm nghề khác để có thu nhập ổn định.
Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Nhựt, 71 tuổi, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, phải làm vườn cật lực, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi gia đình và nuôi cả ước mơ đờn ca. Ông tập hợp những người yêu tài tử ở địa phương lại để sinh hoạt đều đặn vào ngày rằm mỗi tháng, đã hơn 20 năm nay. Giờ, các con đã trưởng thành, ông vẫn chưa cho mình nghỉ ngơi, vẫn chăm sóc mảnh vườn và nhiệt tình với CLB ĐCTT do mình lập ra. Hay nghệ nhân Trần Thị Tuyết Lan, ở phường III, thành phố Vị Thanh, lênh đênh gần nửa cuộc đời, dù vất vả mưu sinh để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học, chị vẫn thấy vui và hạnh phúc vì được sinh hoạt trong CLB ĐCTT…
Các nghệ nhân theo nghề mà họ xem là nghiệp đều không nghĩ đến ngày họ được vinh danh. Chỉ nghĩ đơn giản vì tình yêu chẳng thể tách rời. Vì thế, khi được thông báo có 10 nghệ nhân vừa được Hội đồng cấp Bộ thống nhất đưa vào danh sách trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, niềm vui ấy không có gì tả xiết. Vừa hay tin, nghệ nhân Lê Thanh Quý (ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy), nói ông vui và hạnh phúc đến không ngủ được. Tình yêu dành cho tài tử của ông đã được ghi nhận và ông sẽ tiếp tục truyền lại ngọn lửa đam mê này cho các thế hệ tiếp theo. Còn nghệ nhân Nguyễn Văn Út Chót (CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa tỉnh), thì chia sẻ rằng, được theo nghề đã là niềm vui. Ông xin chúc mừng và mong rằng 10 nghệ nhân sẽ được xét tặng ở vòng cuối cùng sắp tới. Đó không chỉ là niềm vinh dự của chính họ, mà còn là niềm hãnh diện của những người theo nghiệp tài tử như ông và bao nhiêu nghệ nhân ở Hậu Giang này. Hồi đó, ông bỏ cả học để theo đờn, ca. Nhìn lại hơi tiếc, nhưng lại thấy hạnh phúc vì đã theo đến cùng và cũng sống được với nghề mình chọn. Giờ, truyền nghề là tâm nguyện của ông, ai thích học đờn, ca tài tử là ông dạy miễn phí, nhưng phải hứa với ông là học cho đàng hoàng, đến nơi đến chốn…
10 nghệ nhân Hậu Giang được tuyển chọn có những câu chuyện đời, chuyện nghề khác nhau, nhưng ở họ có chung đam mê, sống hết lòng, sống trách nhiệm với đờn ca tài tử!
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được