NSND Thanh Tòng: Niềm đam mê giải tỏa nỗi oan mất gốc lai căng

NSND Thanh Tòng là một trong những cây đại thụ của làng cải lương Việt. Tình yêu cháy bỏng dành cho nghệ thuật cải lương đã giúp ông sáng lập cải lương tuồng cổ...

Dù cải lương tuồng cổ được khán giả đón nhận, giúp sân khấu cải lương trở nên nhộn nhịp hơn nhưng cũng chính nó khiến ông phải đối diện với thị phi, bùa rìu dư luận...  Thế nhưng, sau tất cả, ông đã được giải oan và được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND danh giá.
Thần đồng cải lương
Thanh Tòng là con nhà nòi, cha ông chính là nghệ sĩ Minh Tơ, bầu gánh cải lương hồ quảng Minh Tơ, cũng là người thành lập nhóm Đồng ấu Minh Tơ cho con cháu có nơi học nghề. Nói đến Thanh Tòng là người ta nhớ đến cả một dòng họ của ông bầu Thắng lừng danh. Dòng họ này có đến hơn 30 người con, cháu, hiện là nghệ sĩ nổi tiếng của làng sân khấu.
Trong số các con, ông Minh Tơ dành nhiều tâm sức nhất trong việc đào tạo Thanh Tòng. Ông bắt con trai học đủ thứ từ ca cổ, tân nhạc, nhảy thiết hài, cách dàn dựng, cách viết tuồng và bắt đóng đủ loại vai văn, võ, mùi, độc, trung, nịnh, lão, điên, thậm chí còn cho giả gái luôn... Đây là kiểu đào tạo chỉ có thể dành cho “đệ tử chân truyền” mà thôi.
NSND Thanh Tòng lên sân khấu hát bội từ 3 tuổi và nhanh chóng mê ánh đèn sân khấu. Dù chỉ là một nhóc tỳ nhưng ông mê ca, mê múa và được cha dạy cho nhiều điều.
Nói về cha, nghệ sĩ Thanh Tòng từng bùi ngùi chia sẻ: “Vậy mà tôi vẫn chưa học hết nghề của ba. Ông còn biết vẽ cảnh, đánh trống, đánh đàn. Tôi thật sự thần tượng cha mình và cảm ơn những ngày khổ luyện. Tôi học lơ mơ là ổng rầy la dữ lắm. Càng lớn, ngẫm lại, tri ân cha vô cùng”.
Ở tuổi thứ 10 ông chính thức theo nghề, năm 11 tuổi nổi tiếng khắp nơi. Khi ấy, ông được coi là “thần đồng” của sân khấu cải lương. Đam mê diễn và thường xuyên phải theo đoàn nên việc học hành cũng vì thế mà dở dang. Ông kể, mình chỉ học đến lớp 7 vì quá mê hát.
Ngôi sao - NSND Thanh Tòng: Niềm đam mê giải tỏa nỗi oan mất gốc lai căng

NSND Thanh Tòng trong vở Lưu Bình Dương Lễ.

Khi ấy, ông thường xuyên đi học trễ, mỗi lần như vậy mẹ ông lại phải đến năn nỉ thầy giáo... Sau khi nghỉ học, Thanh Tòng bắt đầu sống cuộc đời của một nghệ sĩ nhí. Không đến trường, tuổi thơ của NSND Thanh Tòng sau cánh màn nhung, quá say mê, quá lung linh, quyến rũ...
Nỗi oan đã dứt
Từ hát bội tới hồ quảng là bước đi của ông bầu Minh Tơ và người em rể - NSND Thành Tôn (cha của Thành Lộc). Khi ấy, làn sóng phim ảnh nước ngoài và làn sóng tuồng Đài Loan, Triều Châu, Quảng Đông với những giai điệu lạ “nhập khẩu” vào Việt Nam đã ít nhiều cũng có khán giả.
Đài truyền hình Sài Gòn khi ấy (dưới chế độ cũ) muốn có một chương trình cải lương tuồng Tàu như thế để thường xuyên phát sóng nên hai ông Minh Tơ và Thành Tôn bàn nhau thực hiện. Nhưng, hai ông cũng không hẳn giữ nguyên bài bản ngoại nhập ấy mà chen vào những vũ đạo, những trình thức của hát bội và những giai điệu của cải lương, vì vậy mới có tên là cải lương hồ quảng.
Tuy nhiên, sau năm 1975, cải lương hồ quảng dừng lại và NSND Thanh Tòng phải đối mặt với sóng gió cuộc đời. Trước giải phóng, cuộc sống của ông hầu như chỉ bó hẹp tầm mắt trong đình Cầu Quan, và nhận thức cũng không đi xa hơn đời anh kép hát với những tích tuồng xưa cũ. Thế nhưng, dù bỏ học sớm, nhưng ông lại mê đọc sách. Vì vậy, sau khi giải phóng ông được theo những khóa tập huấn, các trại sáng tác và bắt đầu từ lúc này, NSND Thanh Tòng bắt nhịp với cuộc sống mới, tri thức mới.
“Tôi được tiếp xúc với những bậc thầy cải lương có trình độ lý luận và tay nghề chính quy, đầu óc tôi như vỡ ra, mới mẻ. Tôi cũng có tự ái dân tộc nên quyết tâm loại bỏ dần những gì của người ngoài, đem những gì của mình vào nghệ thuật, làm nên một loại hình vừa kế thừa vừa khác hẳn so với cải lương hồ quảng của ba tôi”, NSND Thanh Tòng trải lòng.
Ông lao vào viết tuồng sử, nghiên cứu các nhân vật Nguyễn Huệ, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Toản, Hồ Huân Nghiệp, công chúa An Tư... để viết kịch. Ông cũng cho thêm vũ đạo hát bội vào, thêm các điệu lý, các bài vọng cổ, bản vắn của cải lương vào... Những vở diễn do ông viết kịch bản được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Tuồng cổ cũng bắt đầu hồi sinh và phát triển từ đó.
Những thành công bước đầu ấy đã giúp ông thêm tự tin thành lập một nhóm hát thường xuyên, gây quỹ xây dựng nhà truyền thống sân khấu ở số 33 Cô Bắc (quận1, TP.HCM) nhờ đó đưa nhiều diễn viên lên thành “ngôi sao” nổi tiếng rất nhanh như Ngọc Đáng, Hữu Lợi, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Vân Hà, Chí Linh, Thoại Mỹ... Thật sự, thập niên 1980, 1990 cải lương tuồng cổ chiếm lĩnh sân khấu lẫn video, các ngôi sao chạy sô không kịp thở và cát-xê cao ngất trời.
Ngôi sao - NSND Thanh Tòng: Niềm đam mê giải tỏa nỗi oan mất gốc lai căng (Hình 2).

NSND Thanh Tòng và con gái Quế Trân.

Thế nhưng, những nỗ lực của nghệ sĩ Thanh Tòng vẫn chưa được công nhận. Người ta vẫn xì xầm các tác phẩm của ông “lai căng”, “mất gốc”. Trước những lời chỉ trích ấy, ông suy sụp, “tủi thân, bị tâm bệnh, muốn bỏ nghề, có khi còn muốn tự tử”. Nhưng rồi, vì niềm đam mê dành cho nghệ thuật mà ông ráng nhẫn nhịn, im lặng và tìm cách chứng minh. Ông gửi băng tư liệu lên trung tâm Nghiên cứu cải lương của TP.HCM (nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn uy tín) để nhờ họ nghiên cứu, đối chiếu xem có phải là tuồng cổ đã khác xa hồ quảng hay không.
Sự im lặng của ông cuối cùng cũng được đền bù. Sân khấu công nhận, khán giả vẫn vỗ tay sau từng đêm diễn của ông. Năm 2007, ông được phong NSND vì tài năng và những đóng góp cho sân khấu.
Ở độ tuổi xế chiều, niềm hạnh phúc và tự hào lớn của nghệ sĩ Thanh Tòng là con gái ông - nghệ sĩ Quế Trân. Cô con gái xinh đẹp nay đã thành danh khi tiếp bước cha ông giữ "ngọn lửa" nghệ thuật truyền thống. Với những ai đã từng đến nhà nghệ sĩ Thanh Tòng sẽ thấy, căn nhà ngập tràn ảnh Quế Trân và câu chuyện của ông với khách cũng chỉ xoay quanh cô con gái tài năng. Thanh Tòng là người nghệ sĩ có niềm đam mê cháy bỏng với cải lương tuồng cổ nên việc có một đứa con tiếp tục giữ lửa đam mê, gắn bó với nghệ thuật truyền thống là điều vô cùng hạnh phúc.                                                          
Vào lúc 10h, ngày 22/9/2016, NSND Thanh Tòng đã qua đời tại nhà riêng vì bạo bệnh. Ông ra đi khi mới chỉ 68 tuổi. Những kịch bản sáng tác tiêu biểu của NSND Thanh Tòng gồm: Dưới cờ Tây Sơn, Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tờ mật chỉ, Hoàng hậu không ngôi... Các nhân vật mà ông từng tâm đắc gồm: Võ Minh Thành (vai mùi - vở Đời cô Lựu), Chu Phác Viên (vai độc - vở Lôi Vũ), cậu Tân (vai hài - vở Tô Ánh Nguyệt). Ông đã đạt 4 huy chương Vàng và 6 huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu toàn quốc. 3 lần đoạt giải Mai Vàng.
Nguồn: Tổng hợp

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được