Nặng nợ tiếng đờn kìm

Nặng nợ tiếng đờn kìm

Ở cái tuổi gần 80, nhưng ông vẫn nặng nợ với tiếng đờn kìm. tình yêu của ông dành cho âm nhạc tài tử chưa bao giờ “già”. Ông là , nghệ nhân dân gian Đặng Quất vân, mà mọi người trong giới tài tử vẫn hay gọi một cách thân thương - chú Bảy vân, ở phường 2, TP.Tân An.
12 tuổi, dù chưa hiểu nhiều về âm nhạc tài tử nhưng điệu du dương, trầm lắng từ tiếng đờn của cha đã níu hồn ông Bảy Vân. Thế rồi, ông bắt đầu học đờn và cha ông chính là người thầy đầu tiên truyền dạy. Theo lời kể của ông Bảy Vân, ngày đó, ông học đàn rất nhanh vì “vốn là con nhà nòi khi cả cha và anh trai đều là những tay đờn khá nên được truyền dạy tỉ mỉ. Hơn nữa, niềm đam mê cùng với năng khiếu dường như đã có sẵn trong máu thịt, chỉ cần có người dìu dắt thì tố chất sẽ phát huy”.
Sau những bản đơn giản được học đầu tiên, ông tiếp tục học những bản Tây thi, Cổ bản, Xuân tình, Bình bán chấn, Lưu thủy và Phú lục. Năm đó, ông vừa tròn 15 tuổi. Mỗi ngày, ông đều dành vài giờ để khảy đờn cho cha và anh trai góp ý. Chưa dừng lại ở đó, tay đờn trẻ Bảy Vân lúc bấy giờ còn học cách chơi những bài Oán, 20 bản tổ, 8 bài Ngự và 3 bài Nam.
Để ngón đờn ngày càng chín chắn và điêu luyện, mỗi bữa, ông lại vác cây đờn kìm mà gia đình mua cho ra thị trấn Thủ Thừa để chơi cùng bạn bè. Giữa đêm trăng thanh, gió mát, lòng người cứ trải dài theo điệu đờn một cách tự nhiên, thoải mái đúng với cách chơi, cái “chất” của loại hình âm nhạc tài tử truyền thống.Ngoài đờn kìm, ông Bảy Vân còn biết chơi đờn guitar phím lõm, violon và đờn tranh. Nhạc sư Hồng Tấn Phát quê ở tỉnh Trà Vinh chính là người thầy đã dạy cho ông Bảy Vân chơi đàn violon.
Và, trong ngôi nhà ở phường 2, TP.Tân An bây giờ, tài sản vô giá đối với ông có lẽ là bộ sưu tập các loại đờn tranh, cò, kìm, guitar, violon. Đây là những “tri kỷ” mà ông đã dành dụm tiền để mua trong suốt mấy mươi năm chơi đờn ca tài tử. Ông xem những nhạc cụ ấy như “báu vật” bởi nó từng gắn bó với ông trong những chuyến hành trình xuôi ngược mang điệu đờn đến với công chúng. Tuy nhiên, có một điều, dù biết chơi và sở hữu nhiều loại đờn nhưng khi nhắc đến cái tên Bảy Vân, nhiều người vẫn nghĩ tới cây đờn kìm, vì nhiều anh em trong giới đờn ca tài tử (ĐCTT) thường bảo “tiếng đờn kìm của ông rất hay”.
Với ông, cây đờn kìm cũng có nhiều kỷ niệm và là loại nhạc cụ ông chơi điêu luyện hơn cả. Ông bảo rằng: “Học đờn kìm không khó nhưng để chơi đờn kìm thật hay không dễ vì phải nắn nót, nhúng theo nhịp. Để tiếng đờn đi vào lòng người, ít nhất phải mất gần 10 năm học và rèn”.Cũng chính sự điêu luyện ấy, nhiều người đã tìm đến ông để “tầm sư học đạo”. Lúc 19 tuổi, khi còn sinh sống tại quê nhà ở thị trấn Thủ Thừa, ông Bảy Vân đã bắt đầu chia sẻ cách chơi đờn kìm cho gần 10 học trò.
Ông kể: “Gọi là học trò nhưng đa phần đều là người lớn tuổi. Tôi và các anh em vừa học, vừa chơi như người thân trong một gia đình. Lúc đó, cứ buổi sáng làm vườn, làm ruộng, buổi chiều mấy anh em mang gạo đến nhà tôi ở cả đêm để học đờn”. Cũng từ ngày đó đến nay, nghệ nhân dân gian Bảy Vân đã truyền dạy cho rất nhiều học trò. Trong đó có người đã chia tay tiếng đờn nhưng cũng có những người thủy chung và thành danh như tay đờn Bảy Sâm chơi đờn kìm, guitar và anh Ba Khanh chơi đờn guitar, hạ uy di,… Bây giờ, những người yêu ĐCTT ít thấy ông lui tới tham dự các cuộc liên hoan ĐCTT hay giao lưu giữa các tỉnh hoặc hình ảnh ông điều khiển dàn đờn cho chương trình tiếng hát truyền hình như trước vì tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu. Nhưng, ở tại ngôi nhà của mình, ông vẫn duy trì một lớp dạy đờn với hơn 10 học viên vào mỗi buổi sáng, chiều.
Lớp học này là tâm huyết như ông đã nói: “Tuổi đời còn lại bao nhiêu, tôi muốn dành hết cho học trò để có người giữ lại tiếng đờn dân tộc. Đặc biệt, tôi luôn khuyên các em nên học đờn kìm vì hiện nay, người biết chơi loại đờn này còn nhiều nhưng người chơi hay rất ít. Và, tôi thấy vui khi có 4 học trò chịu học đờn kìm”.
Vì cái tâm, cái nợ với đờn kìm nên ông hết lòng chỉ dạy thế hệ trẻ hôm nay. Dạy đờn kìm không phải dễ vì phải chỉ dẫn cách nhấn chữ đờn nên đầu tiên ông dạy từng ngón đờn và đờn cho học trò nghe chứ không phiên ra nốt nhạc. Có những học trò “tối”, “ngón đờn” chậm và hay quên bài nhưng ông vẫn không nản lòng, kiên trì hướng dẫn.Ngoài lớp học trò đang theo học, để giữ mãi tiếng đờn, hằng ngày, ông vẫn dành vài giờ đồng hồ để chơi đờn kìm ở nhà.
Rồi có những lúc, vì tuổi đã cao nên ngón đờn chậm lại hay quên đi một nhịp nào đó, ông Bảy Vân lại buồn, dõi mắt xa xăm và thầm nghĩ, mai này liệu rằng, có còn những người trẻ yêu và say mê tiếng đờn dân tộc để phát huy? Với người nghệ nhân dân gian ấy, tiếng đờn kìm là nỗi niềm đau đáu trong tuổi xế chiều.
THÙY HƯƠNG

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được