Ai xứng hơn Minh Vương?
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
TP - Khó ngờ khi đường tới danh hiệu nghệ sỹ nhân dân (NSND) của “Khôi nguyên vọng cổ” Minh Vương lại gian nan đến độ ba lần đều rớt. Người yêu mến cải lương bày tỏ sự tiếc nuối, thương cảm lẫn phẫn nộ với trường hợp của Minh Vương, đòi hỏi một sự công bằng cho những nghệ sỹ thuộc hàng “cây cao bóng cả”.
Lần 3 không được thì… lần nào mới được?
Khác với một số nghệ sỹ không mặn mà với danh hiệu, NSƯT Minh Vương trân trọng danh hiệu. Còn nhớ khi ông cùng với 58 nghệ sỹ được Sở Văn hóa Thể thao TPHCM đề xuất lên Hội đồng cấp nhà nước để được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND, danh ca cải lương đã bày tỏ thái độ trước báo chí: “Bên cạnh tình cảm lớn lao của khán giả, danh hiệu là một trong những phần thưởng ghi nhận nghề hát của tôi”.
Thế mà niềm vui chưa được bao lâu đã tắt ngấm. Trong danh sách hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu NSND đã được công bố, vắng mặt Minh Vương. Người trong cuộc bộc lộ cảm giác bất bình công khai trên phương tiện truyền thông: “Tôi cảm thấy thiếu công bằng”; “Tôi rất buồn vì sự đóng góp và cống hiến của tôi đối với nghệ thuật cải lương đã bị xem nhẹ” v.v…
Mới đây, khi trao đổi với TPCN, Minh Vương chỉ cười chua chát, từ chối phân tích lí do vì sao bị trượt liên tiếp: “Tôi cũng không hiểu thế nào, cô nên hỏi người có trách nhiệm, người duyệt danh hiệu. Bản thân tôi là một nghệ sỹ, tôi chỉ biết làm hết lòng vì sân khấu, vì nghệ thuật, vì khán giả, vì nhân dân”.
Nhìn lại hành trình làm nghệ thuật Minh Vương không biết mình có lỗi gì. Từ lúc 14 tuổi vào nghề cải lương với giải nhất “Khôi nguyên vọng cổ” đến khi nhận lương hưu, chưa lúc nào nghệ sỹ ngưng hoạt động nghệ thuật, đem lời ca tiếng hát làm vui, làm đẹp cho đời: “Sau 1975, tôi nghe lời kêu gọi, các nghệ sỹ miền nam nên góp sức vào tập thể thế là tôi đi theo tập thể, vào Đoàn văn công giải phóng thành phố, sau đó đoàn này sáp nhập với Đoàn cải lương Trần Hữu Trang. Thời ấy ai cũng ngại gia nhập đoàn văn công nhà nước vì đồng lương eo hẹp. Rồi 60 tuổi tôi nghỉ hưu. Trong thời gian nghỉ hưu tôi vẫn đi hát. Rồi cùng đồng nghiệp dựng một sân khấu để anh em nghệ sỹ hát không lĩnh tiền lương, dành tiền đó xây dựng nhà cho người nghèo. Chúng tôi đã xây dựng được 50 căn nhà tình thương. Tôi cũng đã hoạt động 11 năm trong thành phần ban giám khảo chấm “Chuông vàng vọng cổ” để tìm ra những giọng ca hay, mới lạ. Tôi cũng đã từng đi diễn ở châu Âu nhưng cũng từng biểu diễn ở mặt trận 479, chiến trường Campuchia, sàn diễn luôn đào sẵn cái hố, có tiếng nổ là nhảy ngay xuống trú ẩn, ngưng tiếng súng, nghệ sỹ lại lao lên mặt đất hát phục vụ chiến sỹ”.
Với người yêu mến cải lương, dấu ấn Minh Vương đậm nét trong nhiều vở cải lương nổi tiếng, tiêu biểu như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt…. Chúng tôi hỏi NSƯT Minh Vương: “Liệu ông có làm hồ sơ lần 4?”. Ông cười, hỏi lại: “Lần 3 không được thì lần nào mới được hả cô? Tôi hết biết rồi”. Thời gian của nghệ sỹ Minh Vương cũng… không biết thế nào, ông đã thay thận được 6 năm nay và đã đón nhận danh hiệu NSƯT khá lâu, từ năm 2007.
Một sự hợp lòng dân, sao không làm?
Câu chuyện NSƯT Minh Vương trượt danh hiệu NSND đã khiến nhiều nghệ sỹ gạo cội của nghệ thuật cải lương bức xúc. Có người đòi trả lại danh hiệu NSND vì thấy nếu không công tâm thì danh hiệu cũng mất danh giá. Trao đổi với NSND Bạch Tuyết, bà cười lớn và hỏi: Phải chăng “người miền Bắc không hiểu cải lương của người miền Nam. Cũng giống như người miền Nam khó bắt nhịp với chèo miền Bắc vậy”? Dù vì lí do nào đi nữa, để một nghệ sỹ gạo cội rớt danh hiệu cao quí đến 3 lần là một hành động gây tổn thương sâu sắc cho những con người có tâm hồn nhạy cảm: “Người ta cống hiến cuộc đời, ra chiến trường sống chết người ta có nề hà đâu? Mà tại sao một sự công nhận hợp lòng dân lại không làm?”. Về chuyện những nghệ sỹ lớn tuổi thường không thể sánh với người trẻ về huy chương, nghệ sỹ Bạch Tuyết lí giải: “Diễn viên đi thi thì có huy chương nọ kia, làm thầy có ai đi thi, nếu cơ chế xét tặng danh hiệu chỉ dựa hoàn toàn vào huy chương thì vô lí, vô tâm trong một số trường hợp”.
Mặc dù trước đó một vị có trách nhiệm khẳng định như đinh đóng cột trên báo chí: “Nghị định 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT không có quy định đặc cách nào. Cái gì không có quy định thì không áp dụng. Làm gì cũng phải bám theo luật, văn bản nhà nước”. Nhưng hiện nay, tình thế có vẻ trở nên có lợi hơn với trường hợp của nghệ sỹ Minh Vương (hay nghệ sỹ Thanh Tuấn, một nghệ sỹ cải lương nổi tiếng cũng trượt danh hiệu NSND lần này): “Hội đồng do con người làm ra thì con người cũng có thể thay đổi”, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua và Khen thưởng, Bộ VHTTDL phát biểu trên một tờ báo. Còn nhớ trong đợt xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2016, những tác giả như Thu Bồn, Xuân Quỳnh cũng từng lao đao. Ngay khi vấn đề đang nóng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi cho những người làm công tác thi đua khen thưởng: “Có câu hỏi rất lớn là tại sao Xuân Quỳnh, Thu Bồn chưa được trao giải thưởng? Do thủ tục, cách làm hay do chủ quan của bộ phận làm thi đua khen thưởng?”.
Đang là khoảng thời gian để những người có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của người dân, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Chuyện trượt danh hiệu của Minh Vương, khiến nhiều người viết thơ an ủi nghệ sỹ, thí dụ: “Tú Xương thi hỏng bảy lần/Vẫn là đại thụ trong dòng thi ca/Minh Vương chỉ mới hỏng ba/Là vua vọng cổ trong lòng nhân dân”. Rất nhiều khán giả chung một câu hỏi: “Minh Vương trượt danh hiệu NSND, thì ai xứng đây?”.
NÔNG HỒNG DIỆU
Nhận xét
Đăng nhận xét