“Kép độc” NSƯT Trường Sơn: Diễn xuất thần, khán giả thấm cái độc, cái ác vì...ghét
Nhắc đến NSƯT Trường Sơn người ta sẽ nhớ đến những vai diễn độc, lạ, dị. Những vai diễn ấy đã giúp ông trở thành gương mặt ấn tượng của sân khấu và đến nay, người ta vẫn nhắc đến cái tên Trường Sơn khi nói đến các kép độc.
Thành danh nhờ "kép độc"
NSƯT Trường Sơn chào đời năm 1950, tuổi Canh Dần. Cha ông là nghệ sĩ Bảy Đực, tay trống rất giỏi của đoàn hát bội Vĩnh Xuân – Khánh Hồng, sau đó là đoàn hồ quảng Minh Tơ – Khánh Hồng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ ông đã được sống cùng lời ca, giai điệu và tình yêu dành cho nghệ thuật đến với cậu bé Trường Sơn lúc nào không hay. Sau đó, ông tham gia đoàn Đồng Ấu Minh Tơ và được thầy Minh Tơ dạy từng điệu bộ, cách ca. Bạn nhí của ông là Bửu Truyện, Thanh Tòng, Thanh Loan, Xuân Yến... con nhà nòi của dòng họ Minh Tơ.
Nói về những ngày đầu đến với sân khấu cải lương, NSƯT Trường Sơn tâm sự: “Ngày bé, nhà tôi ở ngay đình Cầu Quan. Tôi có cái may mắn khi được nhiều người chỉ bảo, dẫn dắt tôi vào nghề. Tôi tập tễnh làm quen với nghề từ việc nhỏ nhất như đi mua nước đá giúp các cô, chú trong đoàn. Nhiều lần nép sau cánh gà nghe cha đánh trống, xem các cô, chú biểu diễn, tình yêu sân khấu lớn lên trong tôi từ dạo đó”.
NSƯT Trường Sơn thời trẻ.
Hơn nửa thế kỷ theo nghề hát, NSƯT Trường Sơn đã ghi dấu ấn qua nhiều vai diễn độc đáo. Dù là vai chính hay phụ, NSƯT Trường Sơn đều thể hiện được chiều sâu của nhân vật. NSƯT Trường Sơn nói, ông sợ nhất sự lặp lại nên luôn cố gắng tạo nét riêng cho từng nhân vật thể hiện. Ông dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho vai diễn từ động tác cho đến giọng ca.
Ông kể, mỗi khi nhận một vai kép độc mới là sẽ tìm cách “xóa” toàn bộ hình ảnh của vai trước đó để bắt đầu nghiên cứu tính cách, hoàn cảnh, bối cảnh... của nhân vật. Ông mở ra những ngăn kéo ký ức, trải nghiệm để chọn lọc ở đó những chi tiết, gam màu phù hợp, từ đó phác họa nên chân dung cho nhân vật mới. Khi tìm hiểu kỹ về nhân vật, ông tiếp tục thổi hồn bằng cách nhấn nhá ca từ, cách thoại lời, giọng cười, động tác vũ đạo để cái hồn nhân vật được thể hiện rõ nét. Vì sự tinh tế ấy mà các vai diễn của NSƯT Trường Sơn luôn được khán giả nhớ đến, nhiều vai diễn của ông được coi là chuẩn mực.
Cũng vì đóng quá đạt nên ông thường xuyên bị khán giả ghét, nhưng với ông điều đó chẳng có gì to tát. Bởi, diễn có chuẩn, có xuất thần thì khán giả mới “thấm” hết cái ác, cái độc, cái đáng ghét của nhân vật và với một nghệ sĩ, đó là thành công.
“Với người nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là phải làm tốt vai diễn của mình, dù chính hay phụ, dù hiền lành hay gian ác. Vai kép độc càng bị khán giả ghét càng thành công. Khán giả càng ghét nhân vật thì càng nhớ mình lâu hơn”, nghệ sĩ NSƯT Trường Sơn chia sẻ. Vì lẽ đó mà ông có thói quen hay lân la nghe ngóng xem mình đã bị khán giả “ghét” cỡ nào mỗi khi đóng vai kép độc để làm thước đo cho sự thành công của vai diễn.
Nỗi niềm đau đáu
NSƯT Trường Sơn bắt đầu đến với cải lương từ năm 10 tuổi và từ đó đến nay ông đã sống, lao động miệt mài. Càng yêu nghề, ông càng xót xa khi nghệ thuật cải lương dần mất đi vị trí độc tôn trong lòng khán giả. Khi mạng internet ngày càng phát triển, các chương trình truyền hình ngày càng phong phú thì việc lưu giữ tuồng cổ chẳng phải là điều dễ dàng. Với những nghệ sĩ từng gắn bó cả cuộc đời mình cùng sân khấu cải lương tuồng cổ Nam Bộ, việc làm sao để giữ lại sự tinh túy, nét đẹp và để bộ môn nghệ thuật này sống mãi là nỗi niềm đau đáu.
Khi các con quyết định nối nghiệp cha, ông không giấu được niềm trăn trở nhưng chưa khi nào ông cấm cản, bởi ông biết như vậy sẽ có lỗi với tổ nghiệp. “Ông bà đã cho tôi cái nghề, nay lại cho các con của tôi tiếp tục con đường đó, nếu mình ngăn cản thì mang tội lắm. Tôi chỉ dạy các con hãy sống hết mình với nghề khi còn có thể. Có lần, xem con gái biểu diễn ở một sân khấu, khán giả thưa vắng, tôi rớt nước mắt”, NSƯT Trường Sơn tâm sự.
NSƯT Trường Sơn và nghệ sĩ Thanh Loan trong vở Tô Hiến Thành xử án.
Đến nay, các con của ông và nghệ sĩ Thanh Loan đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu cải lương, được khán giả ái mộ. Khi cải lương đã không còn được sức hút như xưa, ông luôn đồng hành bên các con để động viên, dạy bảo và truyền kinh nghiệm. Thời điểm, hai cháu ngoại đến với cải lương, ông đã rất hạnh phúc và lại tận tình chỉ bảo.
Đến nay, NSƯT Trường Sơn dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng vẫn đứng trên sân khấu. Với ông, cuộc sống là sân khấu, thế nên tuổi già, thời thế thay đổi chẳng thể cản bước ông. Điều hạnh phúc hơn cả chính là ông vẫn được khán giả yêu mến, ủng hộ và đón nhận nồng nhiệt khi đứng trên sân khấu. Hiện nay, những đêm diễn có sự xuất hiện của NSƯT Trường Sơn vẫn thu hút nhiều người. Có lần, ông cùng 5 người con của mình hát chung trên sân khấu. Ông nói, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghệ thuật của mình...
Lê Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét