Người tạc hình cho quân tử cầm
Người tạc hình cho quân tử cầm
TT - Duyên là tên vợ anh Hai Vĩnh, mỗi lần làm đàn xong, Hai Vĩnh ngồi khảy còn chị Duyên xáp vô mà ca. Coi như một cách nghiệm thu nội bộ trước, hòa đàn hòa ca mà “êm” thì cây đàn được xuất xưởng...
Ông Võ Văn Liến (nghệ danh Hai Vĩnh) đang làm đàn - Ảnh: N.C. |
Gỗ ngô đồng được xẻ thành từng tấm, chở đến nhà Hai Vĩnh. “Người ta biết ý tui nên đưa đến những tấm phải đạt yêu cầu. Tui gõ nghe kêu bong bong thì ưng, còn nghe bạch bạch thì thua, ván đó bị điếc rồi! Hồi trước trong Nam xài gỗ tung, sau này xài ngô đồng từ ngoài Bắc chở vô, tiếng ngô đồng vang hơn” - Hai Vĩnh xởi lởi vào chuyện...
Còn giới chơi nhạc chuyên nghiệp, từ nhạc sĩ trẻ Huỳnh Tuấn thường đi đàn cho quán xá hoặc những dịp liên hoan hội thi, cho đến bậc thầy là nhạc sĩ Ba Tu, đều nói họ đặt đàn nơi tiệm Duyên Vĩnh. Chỉ mỗi tiệm đó thôi.
“Khách đến đặt phải cho tui số điện thoại, khi nào làm xong thì tui điện đến lấy. Hối thúc quá tui bỏ ngang, không làm. Riết rồi khách hàng biết ý. Mà tui nói trước giá bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không trả giá. Được vậy tui mới có hứng” - Hai Vĩnh nói rành rọt. Mới nghe dễ bị sốc.
Nhưng có chứng kiến tận mắt Hai Vĩnh bỏ công bỏ sức, suốt ngày lui cui trong xưởng đàn có lẽ sẽ hiểu hơn điều anh nói. Giá cả cũng vô chừng, 700.000đ, 1 triệu đồng và hơn nữa, tùy công phu chế tác đàn. Anh chỉ cho tôi một cây đàn nằm trong góc: “Cây này làm 20 bữa rồi mà tui chưa ưng ý đó!”. Đàn cũng như người, mỗi cây mỗi tính. Có cây như vừa thấy làm gần cả tháng, nhưng có cây chỉ vài ba ngày là hoàn tất ngọt xớt. Tùy vào tấm ván làm mặt đàn, tùy vào thời tiết, rồi tùy vào... “cái số”.
Gặp lúc Hai Vĩnh thủng thẳng thì có thời gian toàn tâm toàn ý cho cây đàn, nhưng rủi lúc chủ nhân bận túi bụi chuyện “hàng chợ” thì cây đàn đành phải nằm chờ. “Hàng chợ” ở đây là loại đàn “souvenir” chỉ vài trăm ngàn đồng một cây, mỗi tháng làm vài chục cây đem bỏ mối. Lấy hàng chợ để nuôi công việc chế tác đàn kìm cấp độ nhà nghề.
“Cái nghề này kỳ lắm. Lâu lâu cũng bị “vật”. Vuốt giấy nhám lên mặt đàn lỡ mạnh tay một chút xíu thôi, lập tức đàn không kêu đúng ý. Tiếc có tiếc nhưng tui bỏ luôn, làm cái mới để giữ uy tín” - Hai Vĩnh nói khi dẫn tôi ra sau nhà.
Bào mặt đàn kỹ lưỡng, vừa dứt khoát vừa nhẹ nhàng. Công đoạn khó là lúc vô cặp mặt (mặt trên, mặt đáy), dán keo, thử tiếng. Hai Vĩnh áp tai vào mặt đàn, gõ một cách âu yếm rồi ngóng tai nghe một đỗi như ngóng lấy dư âm còn nằm vọng đâu đó.
Đêm về, quãng 11 giờ khuya yên ắng tứ bề, đó là thời khắc để Hai Vĩnh thử đàn. Không mồ hôi nhễ nhại như lúc bào, gõ, đục, thay vào đó là sự thong thả, thư thái. Nhưng chính lúc này là lúc quyết định thành bại, chứng tỏ sự tinh tế trong chế tạo âm thanh đến mức nào...
Hai Vĩnh vui vẻ nói: “Vài năm gần đây nghề làm đàn của tui coi bộ khấm khá hơn trước. Phong trào đờn ca tài tử rôm rả, miền Tây rồi miền Đông, nhiều người tìm đến nhà tui lai rai đặt hàng. Mừng không chỉ vì thu nhập mà vì cổ nhạc đang có sức sống trở lại”.
Nhận xét
Đăng nhận xét