Bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử bằng cách nào?
VOV.VN - Mặc dù có ảnh hưởng trên diện rộng nhưng ở nhiều địa phương hiện nay, Đờn ca tài tử còn mang tính tự phát.
Sáng nay (27/4), tại Bạc Liêu, Bộ VHTT&DL và Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ nhất 2014 tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản Đờn ca tài tử Nam bộ trong xã hội đương đại”.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản Đờn ca tài tử Nam bộ trong xã hội đương đại” là cơ hội để các nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý, bảo tồn và nghệ nhân nghệ sĩ trình bày những bất cập, đề xuất hướng đi và thống nhất về mặt học thuật, qui chế chung cho hoạt động Đờn ca tài tử (ĐCTT) ở các địa phương. Vì vậy, Hội thảo trong suốt ngày hôm nay (27/4) đã diễn ra hết sức sôi động với nhiều ý kiến trái chiều.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản Đờn ca tài tử Nam bộ trong xã hội đương đại” là cơ hội để các nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý, bảo tồn và nghệ nhân nghệ sĩ trình bày những bất cập, đề xuất hướng đi và thống nhất về mặt học thuật, qui chế chung cho hoạt động Đờn ca tài tử (ĐCTT) ở các địa phương. Vì vậy, Hội thảo trong suốt ngày hôm nay (27/4) đã diễn ra hết sức sôi động với nhiều ý kiến trái chiều.
Tại hội thảo, các diễn giả có nhiều ý kiến trái chiều về mặt học thuật như: vấn đề nhận diện ĐCTT Nam bộ khác hẳn thể loại với sân khấu cải lương hay sân khấu cải lương là hình thức phát triển cao hơn trong âm nhạc tài tử; vấn đề bài bản cũng được bàn luận khá sôi nổi giữa việc có cố định hệ thống bài bản gốc hay có thể sáng tác thêm bài bản mới, viết mới phần lời cho nhạc lồng bản tài tử…
Toàn cảnh hội thảo |
Các diễn giả như nghệ nhân dân gian Nguyễn Tấn Nhì của thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Khê, ông Dương Huỳnh Khải – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau… đồng thuận với nhiều diễn giả khác về việc tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử các cấp phải được lưu giữ hình thức thể hiện theo các thuộc tính đặc thù của cuộc chơi đờn ca tài tử. Bao gồm: tính thính phòng không doanh thu, tính tâm tấu ngẫu hứng quăng bắt giữa người đờn với người ca hoặc giữa các loại đờn trong cùng 1 bản hòa tấu nhạc cổ, tính chơi trọn 1 bản gốc và tính tri âm giữa những người cùng am hiểu nhạc tài tử.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Nhì cho rằng, ĐCTT không thể vì thời gian công nghiệp mà cắt ngắn các bài, bản để thành tiết mục không đầu không đuôi: “Vì ĐCTT bài bản và rất phức tạp nên nghệ nhân không chỉ sáng tạo mà phải trau dồi luyện tập. Bây giờ ĐCTT toàn chơi theo kiểu ‘mì ăn liền’ của thời kỳ đương đại nên không bài bản, không thể hiện được cái gốc của đờn ca”.
Với các tham luận, ý kiến về chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT sẵn có, hỗ trợ cho công tác truyền nghề và phổ biến âm nhạc truyền thống trong cộng đồng, Hội thảo đạt được những đồng thuận chung. Đó là việc cần thống nhất 1 tiêu chí chung để xét công nhận nghệ nhân, nghệ dân gian và nghệ nhân ưu tú.
Việc nghệ nhân nào được mở lò truyền dạy nhạc tài tử và dạy như thế nào thì phải bàn bạc với nhau và được Bộ VHTT&DL thống nhất.
Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận của tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tôi nghĩ, trong thời gian tới, các tỉnh và ngành bảo tàng cần ngồi lại với nhau, tìm 1 cách tốt đẹp hơn để bảo tồn ĐCTT. ĐCTT là loại hình văn hóa phi vật thể nên vấn đề bảo tồn rất phức tạp. Đặc biệt trong bối cảnh ĐCTT có rất nhiều dị bản như trường hợp của “Dạ cổ hoài lang”.
Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận (Bạc Liêu) trình bày tham luận tại Hội thảo |
Trước nhiều ý kiến đề xuất và phân tích rõ ràng từ thực tế cụ thể của các địa phương, Ban tổ chức Hội thảo khoa học đã ghi nhận rất nhiều vấn đề cần quan tâm làm dự thảo cho những nghị định trình Chính phủ và đưa ra hướng giải quyết trước mắt một số khó khăn có thể làm ngay.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết thêm: “Hiện nay, Bộ đang dự thảo Nghị định cho Chính phủ về phong tặng nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân. Trong Nghị định cũng yêu cầu đưa ra chính sách tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy tài năng. Trong khi chờ Chính phủ thông qua nghị định, hiện nay, Bộ đã chủ trương đề nghị tất cả các tỉnh tùy điều kiện cụ thể của mình có thể xây dựng, lập 1 Quỹ ở địa phương để tạo điều kiện chăm sóc nghệ nhân gặp khó khăn. Thứ hai là tùy theo điều kiện địa phương mà xây dựng những công trình thiết thực”.
Sau 1 ngày làm việc vất vả và hết sức sôi động, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản Đờn ca tài tử Nam bộ trong xã hội đương đại” kết thúc thành công tốt đẹp. Tất cả các diễn giả và giới quan tâm đều tin tưởng rằng, Hội thảo lần này sẽ có tác động quan trọng đến việc thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị và các cấp quản lý văn hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trong đời sống cộng đồng./.
Nhận xét
Đăng nhận xét