GIAI NHÂN CHƠI QUÂN TỬ CẦM – MỘT HIỆN TƯỢNG ÍT GẶP TRONG ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ

GIAI NHÂN CHƠI QUÂN TỬ CẦM –
MỘT HIỆN TƯỢNG ÍT GẶP TRONG
ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ
Đặng Hoành Loan
Nhạc tài tử là tên gọi một thể loại âm nhạc giải trí do người dân Nam Bộ sáng tạo vào khoảng cuối thế kỉ XIX và liên tục phát triển trong suốt thế kỉ XX cho mãi tới ngày hôm nay – thế kỉ XXI.
Nhạc tài tử đạt trình độ cao của lối chơi độc tấu và hòa tấu nhạc không lời ; là sự bứt phá ngoạn mục khỏi số phận nhạc cụ làm « đầy tớ » cho giọng ca (nhạc cụ đệm cho hát) suốt hàng ngàn năm lịch ; là biển âm thanh mệnh mông dành cho người nghệ sỹ thể hiện mọi cảm xúc của mình trước cuộc đời.
Nhạc tài tử cũng luôn thân thiện với giọng ca, nâng đỡ giọng ca, song hành cùng giọng ca, làm bạn với giọng ca, tạo thành lối chơi hòa ca, có tên gọi Đờn ca tài tử.
Có rất nhiều nhạc cụ dùng để chơi Nhạc tài tử : Kìm, Cò, Tranh, Tì bà, Sến, Guitare phím lõm, Bầu, Cò, Gáo, Violon, Tiêu. Tuy nhiên, tùy vào lối chơi, cuộc chơi mà các tài tử lựa chọn, bố trí các nhạc cụ phù hợp với tâm nguyện của cuộc chơi. Nếu chơi hòa đờn các tài tử thường chơi hòa tấu 2 nhạc cụ, 3 nhạc cụ, 4 nhạc cụ và tối đa là 5 nhạc cụ (gọi là ngũ tuyệt). Trong những nhạc cụ ấy, có một nhạc cụ rất ít khi vắng trong các lối chơi, đó là đờn Kìm.
Các tài tử gọi đàn Nguyệt là đờn Kìm để chỉ rõ tính năng và chức năng của nó trong hòa tấu. Tính năng : nó là nhạc cụ chơi ít nốt, nhấn nhá sâu, tiết tấu rành rẽ. Chức năng : nó là « chỉ huy » dàn nhạc, giữ nhịp độ và tốc độ khi hòa tấu. Người chơi đờn Kìm luôn là người gõ song loan, giữ chắc nhịp đờn. Vì những tính năng và chức năng ấy đờn Kìm còn được gọi là « Quân tử cầm » – đàn của người quân tử.
Đã gọi là « Quân tử cầm » thì người chơi phải là đấng mày râu chứ không thể là giai nhân liễu yếu (Điều này chưa thành văn, nhưng hình như đã thành tập tục). Do vậy người ta ít gặp giai nhân chơi Quân tử cầm trong những buổi đờn ca.
Nghĩ là vậy, nên vào năm 2010 khi về điền dã tại Bạc Liêu, tôi đã ngạc nhiên, khi gặp một giai nhân chơi Quân tử cầm trong dàn nhạc toàn quân tử. Thế là tôi tập trung quan sát dung nhan, vóc dáng, lối chơi, kĩ năng chơi Quân tử cầm của giai nhân. Càng quan sát, càng nghe, tôi càng bị hấp dẫn bởi tiếng đàn trong veo, tiết tấu mạch lạc, nhấn nhá « đến bờ đến góc ». Thế là máu nghề nghiệp thúc bách tôi phải tìm hiểu « nguồn cơn » dẫn đế sự đột biến này của Quân tử cầm là giai nhân.
Tên nàng là Đỗ Ngọc Cần. Nàng sinh năm 1978, trong một gia đình thuần nông ở Bạc Liêu. Ông nội và cha Ngọc Cần đều là những tay chơi đờn tài tử có tiếng trong vùng. Tôi đoán, đây chắc chắn là nguyên nhân làm nảy sinh khả năng chơi đờn của Ngọc Cần.
Để giải tỏa phỏng đoán, tôi tìm cách tiếp cận với Ngọc Cần để hỏi han, trò chuyện. Nhưng Ngọc Cần rất kiệm lời, không muốn bộc bạch chuyện đời, chuyện nghề cho một người chưa quen biết như tôi. Mọi cố gắng của tôi cuối cùng nhận được câu trả lời của Ngọc Cần : mai cha tui lên, anh hỏi cha là biết hết mà.
Sáng hôm sau tôi gặp cha của Ngọc Cần. Vừa gặp tôi, ông đã vui vẻ giới thiệu : tôi là Đỗ Văn Trọng, cha của Ngọc Cần. Sau vài câu chào hỏi, tôi ngỏ lời cám ơn ông đã cho tôi được tiếp chuyện. Ông nói : chuyện thì nhiều lắm, anh muốn tôi nói chuyện gì chứ ? Dạ, tôi muốn nghe bác kể chuyện học đờn Kìm của Ngọc Cần. Ông gật đầu, rồi bắt vào câu chuyện:
« Tôi có 9 đứa con, 2 nam, 7 nữ. Lúc bấy giờ Ngọc Cần mới 9 tuổi, nhưng nó mê đờn. Nó mò mẫm thế nào, nó gảy nghe được, âm thanh ngọt ngào. Cho nên tôi mới bắt đầu dạy con.
Hồi đó tôi nghèo lắm, tính dạy nó chơi guitare phím lõm, nhưng nghĩ tiền mua đờn đã khó, tiền mua dây đờn mỗi khi đứt dây còn khó hơn. Mà cái đờn phím lõm nó hay đứt dây lắm. Suy đi tính lại tôi dạy nó chơi đờn Kìm. Đờn Kìm mình sẵn có, dây đờn có đứt mình lấy dây nhựa ở lưới cá mắc tạm vẫn chơi được. Mà nếu có mua nó cũng không mắc như dây đờn phím lõm. Quyết định vậy tôi làm vậy.
Tôi dạy nó mấy bản nhỏ trước như Kim tiền Huế, Khốc Hoàng thiên. Một thời gian thấy nó đờn được, tôi đờn con ca rồi con ca cha đờn cứ thế tập với nhau. Tới năm 1993, tôi ngồi tôi nghe đài phát thanh của Thành phố rao lên là Tp. Hồ Chí Minh tổ chức thi Đờn ca tài tử. Chương trình thi là hai chục bài tổ. Biết vậy, tôi mua băng thâu âm về chép hai chục bài tổ ra giấy, dạy cho con.
Sắp đến ngày thi, tôi dắt con lên thành phố. Năm đó nghèo khổ, tôi phải bán đi mấy chục dạ lúa được triệu bạc, hai cha con lên đường. Ngày đi con tôi nó đăng ký bảng thi đờn « 3 Nam qua 4 Oán » thì các ông không cho. Ông Bảy Bá với ông Văn Luyện không cho đờn bài Văn Thiên Tường với Phụng Hoàng, nói cái bài đấy là bài của Cải Lương.
Mình mới tập sự con đi chơi thì mình đàn mấy bài đó được rồi. Tôi năn nỉ mấy ông hết sức mà không được. Buộc lòng ngày mùng 1, cha con mới quay đi về (mùng 1 tháng 11 năm 1993 đấy). Tôi quay trở về tìm ông anh tôi là nhạc sĩ Hai On, dạy cho nó 6 câu Tứ Đại Oán. Đêm 13, sáng 14 tôi đi lên trển (trên ấy). Cha con lên tới nơi, tối rồi dợt đờn lại để sáng (15/11/1993) vào thi.
Lúc đầu nghe nói con nhỏ ở tiết mục thứ 3, sau rồi các ổng sửa thành tiết mục số 1. Con nhỏ lên chới với vì bị thay đổi đột ngột. Tôi ngồi dưới hội trường vừa lo, vừa hồi hộp. Tới khi giới thiệu, con nhỏ lên sân khấu, tôi ngó thấy nó run. Nhưng khi nó ngồi xuống ghế, so dây, tôi ngó thấy nó bình tĩnh trở lại. Tôi nghĩ trong bụng, ngon đó nghe. Con nhỏ chơi bản Tứ đại oán nhịp 16. Tôi ngồi dưới lấy tay vẫy nhịp cho nó, khi còn có một câu nữa là hết bài thì nó chuyển sang chơi 2 câu vọng cổ. Trời ơi, tôi lo hết hồn vì sợ nó phạm quy. Tới khi nó xuống khỏi sân khấu, các ông bồng nó lên, khen, chúc mừng. Phóng viên, nhà báo nó vây cha con tui nó phỏng vấn quá trời. Kì đó con nhỏ mới có 16 tuổi.
Ngày 15 thi, rồi tới ngày 22 mới phát giải. Hết tiền rồi, đâu có tiền ăn, tiền ở mà ở lại thành phố để chờ nhận giải. Hồi bấy giời xin tiền Sở các ông không cho. Trong túi tui chỉ còn đúng tiền mua vé quay lui. Về tới nhà cô bác sang chơi ai cũng chúc mừng, vui nhất là vậy thôi.
Mãi 2 tháng sau con nhỏ mới nhận được phần thưởng của ban tổ chức. Tiền thưởng không bù được tiền bán mấy dạ lúa đi thi, nhưng con nhỏ thì mừng hết lớn.
Nhờ vậy, sau này nghe tin Đoàn Hương Tràm của tỉnh Ca Mau chiêu sinh tôi mới đưa con vô Sở Văn hóa Cà Mau xin vô Đoàn Cải lương Hương Tràm. Con nhỏ ở đó cho tới bây giờ ».
Nghe xong câu chuyện của ông Đỗ Văn Trọng (cha của nữ tài tử Đỗ Ngọc Cần) tôi càng tin rằng mọi giáo lí, mọi quan niệm đều sẽ cũ kĩ trước cuộc đời. Cuộc đời luôn đổi thay, Quân tử cầm cũng sẽ thay đổi. Nó không chỉ là cây đờn của quân tử, mà sẽ là cây đờn được giai nhân yêu Đờn ca tài tử của thế kỉ XXI học chơi.
ĐHL

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương