Đàn Tỳ Bà nguyên là hậu thân của đàn Cầm.

Đàn Tỳ Bà nguyên là hậu thân của đàn Cầm.

Cầm Phục Hy sở tác,
cổ vi ngũ huyền,
hậu dụng tứ huyền,
toàn huyền phàm thập tam huy. 

(Đàn cầm do vua Phục Hy chế ra, xưa là 5 dây, nay dùng 4 dây, thân đàn có 13 phiếm.)

Hoàng Đàm Tân Luận:
Phục Hy thị thủy tước đồng vi cầm,
thằng ti vi huyền.

Sách Hoàng Đàm Tân Luận: Đời Thượng cổ, vua Phục Hy mới chẻ gỗ ngô đồng làm thân đàng và xe tơ làm dây.)

Vể sau người Hồ nương theo cây đàn cầm để biến cải và đổi tên thành tỳ bà.

Thích Danh:
Vị kỳ khí xuất ư Hồ trung mã thượng sở cổ;
thôi thủ tiền viết Tỳ; dẫn thủ khước viết Bà.
Tỳ Bà tứ huyền nhạc khí,
nội hệ tế đồng điều vi đảm,
thập tam phẩm, do Cầm chi huy vị.

(Sách Thích Danh gọi đàn này nguyên của quân Hồ cởi ngựa mà đàn, đưa tay tới gọi là tỳ, kéo tay lui gọi là bà. Đàn Tỳ Bà 4 dây, trong thân đàn có buộc một mảnh lá đồng, cũng 13 phiếm như đàn Cầm.)

Ngày nay đàn Tỳ Bà có mặt tại nhiều nước châu Á. Đàn Tỳ Bà du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ 11. Về cấu trúc hình dáng, cây đàn Tỳ Bà Việt Nam nhỏ hơn đàn Tỳ Bà Trung Quốc. Trên đầu đàn có chạm hình con dơi và chi gắn 9 phiếm thay vì 13 phiếm. Về tính năng, đàn Tỳ Bà Việt Nam chủ trọng những âm biến cung và những kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy. Còn của Trung Quốc thì chủ yếu dùng kỹ thuật reo dây, chạy nốt. Vì thế người Trung Quốc cầm đàn thẳng đứng, còn người Việt Nam thì cầm đàn nằm ngang.
***
VỀ HÌNH ẢNH CON DƠI TRÊN CÂY ĐÀN TỲ BÀ
Con Dơi là một con vật rất đặc biệt, chỉ thích ở trong tối, ngủ thì lộn đầu xuống đất nên người xưa ví hạng tiểu nhân là con Dơi. Trong các loại nhạc khí cổ truyền, cây đàn Tỳ Bà được gọi là cầm vương vì tiếng đàn Tỳ Bà có thể cảm hóa được lòng người qua những nỗi niềm.
Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Chau mày, tay gảy khúc sầu,
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn.
Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt,
Trước "Nghê thường", sau thoắt "Lục yêu".
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng. *
(Trích "Tỳ Bà Hành", Bạch Cư Dị; Người dịch: Phan Huy Thực)

Theo truyền thuyết vào đời Tần, có con Dơi bổng nhiên sà vào đậu trên đầu cây đàn Tỳ Bà trong lúc một nghệ nhân đang gảy đàn mà đuổi đi đến 3 lần vẫn cứ bay trở lại không chịu rời đi. Từ đó mỗi đêm con Dơi được nghe nghệ nhân chơi đàn cho đến ngày chết khô. Người nghệ nhân xúc động bèn cho làm một cây Tỳ Bà đầu chạm hình con Dơi thay cho chữ Thọ trước đó. Điều này mang ý nghĩa tiếng đàn Tỳ Bà có thể hóa cảm một kẻ xấu thành người tốt, một hạng tiểu nhân thành bậc quân tử, một người từ trong tối thấy được ánh sáng.

Bí nhiệm và huyền diệu thay tiếng đàn Tỳ Bà.
Cây đàn của Kinh Kha thuộc vào đời Tần. Khi đứng trên sông Dịch Thủy, tráng sĩ đã cất tiếng ca rất bi ai làm cho những người đưa tiễn phải khóc. Nhưng rồi cũng chính câu hát đó với tiếng đàn Tỳ Bà bi tráng của Cao Tiệm Ly phụ họa thì mọi người lại cùng đưa tay muốn theo đánh giăc. Cây đàn xưa của Trung Quốc linh nghiệm đến thế mà nay còn đâu.

Gió hiu hiu, nước sông Dịch lạnh ghê,
Tráng sĩ một đi, không trở về. **

Hai câu này Kinh Kha hát khi từ biệt Cao Tiệm Ly lên đường hành thích vua Tần là Doanh Chính. Cuộc chia tay diễn ra bên bờ sông Dịch.
Cây đàn Tỳ Bà của Việt Nam hiện nay chính là cây đàn Tỳ Bà xưa của Trung Quốc, có giọng đàn vô cùng bi tráng, huyền nhiệm. Nên nếu dùng Tỳ Bà Việt Nam để chơi nhạc mới thì thật là khó để có thể bắt kịp cây đàn Tỳ Bà của Trung Quốc hiện nay. Cái hay của tiếng đàn Tỳ Bà Việt Nam cốt yếu dùng những kỷ thuật của chiều sâu như nhún, ép, giật, búng, mổ, chày, bịt, vả, chuyền, ray, phi, rã, vuốt... Vì thế không cần phải gắn thêm phiếm làm mất đi nét đẹp thủy ba của cây đàn Tỳ bà Việt Nam. 
(*) 絃絃掩抑聲聲思 , 似訴平生不得志 , 低眉信手續續彈, 說盡心中無限事 , 輕攏慢撚抹復挑 , 初為霓裳後六么 , 大絃嘈嘈如急雨 , 小絃切切如私語
(Huyền huyền yểm ức thanh thanh tứ, Tự tố bình sanh bất đắc chí, Ðê my tín thủ tục tục đàn, Thuyết tận tâm trung vô hạn sự, Khinh long mạn nhiên mạt phục khiêu, Sơ vi Nghê thường hậu Lục yêu, Ðại huyền tào tào như cấp vũ, Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.)
(**) 易水歌. 風蕭蕭兮,易水寒, 壯士一去兮,不復還。
(Dịch thuỷ ca. Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.)
***

VỀ THỦY BA TRÊN ĐÀN TỲ BÀ
Thầy ơi, tại sao hiện nay hiếm thấy sóng thủy ba trên cần đàn Tỳ Bà? Và ý nghĩa của thủy ba là gì?

Câu hỏi sẽ tốn nhiều giấy mực, nên chỉ tóm tắc đôi giòng như sau: Sóng nhỏ gọi là
ba 波. Thủy ba là làn sóng nhỏ trên sông nước. Khi âm nhạc phát ra tiếng, thì những tiếng còn dư lại gọi là âm ba 音波. Trong nhạc cổ truyền thi “âm ba” chính là cái tài tài của người chơi đàn. Đàn Tỳ Bà là nhạc khí đứng đầu trong ban ngũ tuyệt, nên còn gọi là Cầm vương.

Ngày nay người ta không còn gắn thủy ba trên cần đàn mà thay bằng phiếm là để nới rộng âm vực hầu chơi nhạc mới. Thậm chí có những cây đàn Tỳ Bà gắn thêm phiếm nửa cung để sử dụng kỷ thuật reo dây, chạy nốt nghe như đàn Guitar của Tây Phương.

Nguyên gốc của đàn Tỳ Bà là do người Mông Cổ sử dụng làm nhạc khí cho tinh thần hưng phấn trên lưng ngựa. ”Thôi thủ tiền viết Tỳ; Dẫn thủ khước viết bà”. Đưa tay tới gọi là Tỳ, rút tay lui gọi là Bà. "Tỳ Bà tứ huyền nhạc khí, nội hệ tế đồng điều vi đảm, thập tam phẩm, do Cầm chi huy vị". Đàn Tỳ Bà 4 dây, trong thân đàn có buộc một mãnh lá đồng, cũng 13 phiếm như đàn Cầm.

Không phải ngẫu nhiên mà trên áo hoàng triều của vua, hoàng hậu, thái tử đều có vân sóng thủy ba. Vậy ý nghĩa của thủy ba nói lên điều gì? Trong âm nhạc cổ truyền: Sóng là một hình tượng ẩn dụ hóa thân của sự trữ tình, luôn luôn thao thức, luôn luôn xao động. Qua tiếng đàn, sóng diễn đạt cảm xúc nhiều cung bậc: trăn trở, khát khao, nhớ thương, hờn giận. Soi vào sóng để thấy rỏ lòng mình. Trong áo mão cung đình: Sóng biểu thị cho năng lượng dẫn dắt con người, mang khát vọng tiền đồ rộng mở, với ước mong đem lại hạnh phúc vĩnh hằng cho thần dân.

Trúc Minh nghe giải thích lập tức chở thầy đến viện bảo tàng lịch sử để tân mắt nhìn xem “phiếm thủy ba” trên đàn Tỳ Bà và “vân thủy ba” trên áo mão hoàng triều, rồi lại đặt tiếp câu hỏi: ”Thầy ơi, tại sao lại có sự trùng hợp như thế này". Thầy trả lời: Một bên là biểu tượng của quân vương, một bên là biểu tượng của cầm vương. Thôi, chiều rồi, Con hỏi nhiều quá. Chiêu đãi thầy uống bia đi." Thật ra với câu hỏi này Trang Duyệt Thị cũng... chịu thua.

Nhận xét

Bài phổ biến

Từ guitar đến guitar phím lõm trong nhạc tài tử cải lương

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Tấn Giao

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Những nghệ sĩ cải lương tiêu biểu đất Tiền Giang

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Ngọc Bích

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu