Tôi đến và đi đều tình cờ

Tôi đến và đi đều tình cờ


NSƯT Bạch Tuyết luôn hướng đến công việc làm rạng rỡ cho sân khấu dân tộc, trong đó có bộ môn nghệ thuật cải lương. Tại rạp Hưng Đạo (TPHCM), chị đang đưa vở Đoạn tuyệt lên sàn tập.

* Phóng viên: Chị có thể cho biết suy nghĩ của chị khi nhận lời mời của NSƯT Minh Vương (Chủ nhiệm Sân khấu Vàng) dàn dựng kịch bản Đoạn tuyệt mà chị đã thực hiện thành công nội dung này trong một DVD sau khi tốt nghiệp đạo diễn tại Bulgaria?

- NSƯT Bạch Tuyết: Tôi vui vì lời mời vừa trân trọng vừa rất chân tình của người đồng nghiệp. Cái vui thứ hai là có cơ hội giới thiệu một trong những vở cải lương kinh điển đã tạo dấu ấn trong lòng bà con yêu mến nghệ thuật dân tộc với thế hệ khán giả hôm nay.

* Phóng viên:Điều gì khiến chị yêu thích kịch bản Đoạn tuyệt? Có kỷ niệm nào mà chị nhớ nhất về vở diễn này?

- NSƯT Bạch Tuyết:: Tôi thích Đoạn tuyệt trước hết về nội dung đả phá một số những hủ tục không còn hợp lý trong đời sống hiện tại ví dụ chuyện cưỡng ép hôn nhân, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện trị bịnh trẻ con bằng tà thuật mê tín... Dù là vở đã từng được dàn dựng thành công vang dội từ lâu trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, nhưng với thời gian nó chưa bao giờ cũ bởi nội dung, ý tưởng, chất văn học, bài bản... đều mang giá trị nhất định của loại hình. Những vấn đề được đặt ra trong toàn vở vẫn còn cần thiết cho cuộc sống hôm nay.


* Phóng viên: Theo chị thân phận Loan trong Đoạn tuyệt có điểm gì giống và khác với phụ nữ ngày nay? Giá trị nhân văn của tác phẩm văn học Đoạn tuyệt có gì mới qua bản dựng của chị trên Sân khấu Vàng?

- NSƯT Bạch Tuyết: Loan xưa trong Đoạn tuyệt và Loan nay ngoài cuộc đời hầu như gặp phải những hoàn cảnh bất hạnh, hoặc không toại ý ở chỗ, một mặt người ta kêu gọi nam nữ bình quyền, kêu gọi cần phải học tập để mở mang dân trí, nhưng mặt khác để thay đổi một quan niệm, một tập quán đã ăn sâu nhiều đời thì không đơn giản như chúng ta thường nghĩ. Đặt vấn đề với người đương thời thông qua việc dàn dựng lại vở Đoạn tuyệt, chúng tôi gióng tiếp một tiếng chuông nhân văn, một cách sống văn hóa trong cuộc sống hiện nay.

* Phóng viên: Để dàn dựng tác phẩm Đoạn tuyệt, khâu âm nhạc có được xem là quan trọng trong bản dựng của chị?

- NSƯT Bạch Tuyết: Những người thầy dạy chúng tôi rằng: Âm nhạc là linh hồn của nghệ thuật sân khấu ca kịch dân tộc, ngoài ra diễn xuất, dàn dựng, cấu trúc, mỹ thuật... cũng quan trọng không kém để tạo nên một bản “giao hưởng” hoàn chỉnh vừa ý nghĩa vừa mang tính hấp dẫn về mặt hình thức, đáp ứng đòi hỏi của công chúng.

* Phóng viên: Ngày trước nhân vật Trạng sư do NSND Phùng Há thể hiện đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, nhân vật này được giao cho NSƯT Thanh Vy. Chị nghĩ gì khi chọn những diễn viên trẻ cho kịch bản này?

- NSƯT Bạch Tuyết: Tôi không phải là người quyết định toàn bộ sự phân vai. NSƯT Thanh Vy là một trong những đồng nghiệp mà tôi quý mến và đặt trọn lòng tin tưởng bởi ngoài tài năng, chị còn được trân trọng bởi sự làm việc nghiêm túc. Tôi đã có nhiều dịp làm việc với các bạn trẻ. Chúng tôi đã trao cho các bạn một số kinh nghiệm nhưng đồng thời nhận lại từ các bạn sự tươi mới, những khát vọng cháy bỏng. Với Đoạn tuyệt, tất nhiên các bạn ngoài việc đọc kịch bản còn được phân tích cặn kẽ về nội dung tác phẩm văn học.

* Phóng viên: Khâu thiết kế sân khấu sẽ được thể hiện ra sao một khi dư luận khán giả cho rằng cái đẹp của sân khấu cải lương ngày nay quá đơn giản?

- NSƯT Bạch Tuyết: NSND Phan Phan, người được Sân khấu Vàng mời thiết kế trang trí mỹ thuật cho Đoạn tuyệt lần này cũng chính là người đã thiết kế vở Đoạn tuyệt cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga mấy mươi năm về trước. Chúng tôi có trao đổi với ông và tôi tin rằng ông có đầy đủ kinh nghiệm và dữ liệu để thể hiện cái đẹp cũng như cái chưa được đẹp của sân khấu cải lương hôm qua, hôm nay. Tuy nhiên điều đơn giản mà bạn nói có đồng nghĩa với sự thiếu phương tiện, thiếu tiền? Nếu thật vậy thì sân khấu cải lương... đâu có lỗi?

* Phóng viên: Sáng tác kịch bản cải lương là một nghề nghiệp khác của chị sau nghề diễn viên, đạo diễn. Chị đang ôm ấp đề tài sáng tác nào mới sau thành công của nhiều kịch bản như: Nguyệt khuyết, Đài trang, Dung lệ, Hoàng hôn trong mắt mẹ...?

- NSƯT Bạch Tuyết: Mọi thứ trong đời tôi đến và đi đều tình cờ, nhưng lại là những tình cờ đầy trách nhiệm. Nếu đủ duyên, lại gặp gỡ những tình cờ như thế, tôi sẽ tiếp tục viết, trước hết là cho mình.

* Phóng viên: Chị vừa chuyển thể xong Trường ca Sơ Tổ Trúc Lâm từ tác phẩm của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, một tác phẩm nghệ thuật sân khấu mới sau Trường ca Kinh Pháp cú. Trường ca Kinh Kim Cương. Chị cho biết vì sao chị chọn nhân vật Trần Nhân Tông?

- NSƯT Bạch Tuyết: Vì đó là một ông vua không chỉ vĩ đại đối với dân tộc VN với câu nói bất hủ: “Xem ngai vàng như đôi dép rách!”. Ngài còn là ông vua đã lãnh đạo dân tộc đánh thắng hai cuộc ngoại xâm, đã khai sáng đạo Phật VN với tư tưởng của dân tộc Việt. Sau đó bỏ tất cả, lên núi Yên Tử tu cho đến khi thành đạo.

Thanh Hiệp (Theo NLD)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương