Nữ nghệ sĩ cải lương miền Tây không thích có chồng

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ còn tồn tại chưa tới 10 đoàn cải lương, tất cả đều là đoàn hát Nhà nước. Không như kép hát (nam diễn viên) đang “khủng hoảng thừa” do số đoàn hát giảm, đào cải lương (nữ nghệ sĩ cải lương) cho các đoàn hát hiện đang rất khó tìm, bởi họ bị “hút” về TP.HCM hoặc ra ngoài chạy “sô” tự do, đi hát quán, đám tiệc, chứ không thích ràng buộc cố định trong một đoàn hát. Vì vậy mà “đào hát” luôn là vốn quý của các đoàn, họ được ưu ái, quan tâm hơn các “kép hát”. Có một xu thế hiện nay là các đào cải lương không muốn có chồng, họ thích cuộc sống độc thân, nhiều người chấp nhận có con mà không cần biết cha nó là ai.

Có chồng sớm làm gì…

Cách đây chừng 20 năm, thời cải lương còn ăn khách, các đoàn cải lương miền Tây còn “vào Nam ra Bắc” biểu diễn, nghệ sĩ cải lương còn sống khỏe với nghề, không có hiện tượng đào hát thích sống độc thân. Thời đó, các cô đào chính của các đoàn cải lương thường có chồng là kép hát (kép chính hoặc kép phụ) trong đoàn hoặc cán bộ quản lý của đoàn. Mái ấm gia đình của họ cùng rong ruổi theo đoàn hát quanh năm suốt tháng, họ thường gửi con nhỏ lại cho gia đình bên vợ hoặc chồng để chăm sóc, học hành.

Hình ảnh
Một nữ diễn viên rất nổi tiếng ở miền Tây đang sống độc thân.


Diễn viên nữ chánh A.H của Đoàn cải lương Long An lúc đó có chồng là đạo diễn, trưởng đoàn H.L, họ sống hạnh phúc và quanh năm gắn bó với đoàn hát. Một cô đào chính khác của đoàn là N.H cũng có chồng là nhạc công của đoàn, khi có con nhỏ, họ gửi con lại gia đình bên vợ để cùng theo đoàn hát rày đây mai đó.

Ở Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau), nữ diễn viên tài sắc vẹn toàn H.C cũng có chồng là kép chính của đoàn, họ sống hạnh phúc, vừa phục vụ đòan vừa mở “quán nghệ sĩ” bên ngoài để làm ăn thêm và trở nên khá giả. Ở Đoàn cải lương Kiên Giang, nữ diễn viên chính cũng là vợ của một cán bộ lãnh đạo đoàn.

Ở Đoàn cải lương Tây Đô (Cần Thơ) hay Đoàn cải lương Cao văn Lầu (Bạc Liêu) các nữ diễn viên chính cũng đều có chồng là đồng nghiệp trong đoàn. Đào hát các đoàn cải lương có chồng là đồng nghiệp (hoặc công tác chung đoàn) đã giúp họ có sự cảm thông, chia sẻ về nghề nghiệp, gần gũi nhau thường xuyên. Nhưng đó là chuyện của “ngày xưa”, còn bây giờ đã khác.

Tại Đoàn cải lương Long An, ngoài các diễn viên nữ vào nghề cách đây hơn 15 năm đều có chồng là đồng nghiệp công tác chung, các diễn viên nữ còn lại vào nghề khoảng 10 năm trở lại đây đều đang hài lòng với cuộc sống độc thân của mình. Họ đều đã trên dưới tuổi 30, nhưng không ai có vẽ gì nôn nóng chuyện lập gia đình. Trước họ, trong đoàn có 2 đào chính nay đã chuyển công tác đi nơi khác, cũng không lập gia đình dù đã trên dưới tuổi 40. Tại Đoàn cải lương Hương Tràm cũng có cùng tình trạng, khi các nữ diễn viên chính ở đây cũng đang tiếp tục cuộc sống độc thân, dù tuổi của họ cũng đều trên dưới 40.

Diễn viên nữ chính của Đoàn cải lương Bến Tre cũng đang “phòng không gối chiếc” dù chị đã ngoài 40 tuổi. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các đoàn cải lương còn lại ở ĐBSCL như Tây Đô, Cao Văn Lầu, Đồng Tháp…, cũng phổ biến chuyện nữ diễn viên duy trì cuộc sống độc thân, trong khi các đồng nghiệp nam thì ai cũng có gia đình, vợ con. Không chỉ các cô đào trẻ mới vào nghề sau này và chưa từng lập gia đình mới “kết” cuộc sống độc thân, nhiều diễn viên nữ trước đây từng có chồng con, sau khi ly hôn vì lý do nào đó, giờ họ cũng ít người “đi bước nữa”, phần lớn đều chọn cuộc sống “không phụ thuộc vào đàn ông”.

Do điều kiện sống hay do “chán đàn ông”?

Cô đào độc thân L.V của một đoàn cải lương tâm sự: “Ngày trước cải lương còn ăn khách, nghệ sĩ cải lương thu nhập cao, cuộc sống thoải mái. Vì vậy mà vợ chồng cùng đi hát có thể sống khỏe, con cái gửi gia đình bên vợ hoặc bên chồng nuôi dạy. Bây giờ cải lương đã hết thời, các đoàn hát ở cái nôi cải lương miền Tây phải sống lay lắt bằng nguồn trợ cấp của Nhà nước, nếu vợ chồng cùng đi hát thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nên đành “ở vậy””.

Cũng theo cô L.V, các đồng nghiệp nam của cô thường có vợ ngoài nghề, chồng đi hát vợ ở nhà làm nghề khác và nuôi dạy con. Chuyện đó ở các nam nghệ sĩ thì được, chứ đào hát mà có chồng bên ngoài, rồi quanh năm theo đoàn hát, bỏ nhà cửa, con cái cho chồng lo, không có người đàn ông nào chấp nhận được.

Cô L.V nói: “Muốn lập gia đình thì phải bỏ nghề. Mà tôi lại không thể bỏ nghề hát được, nên đành chấp nhận cuộc sống độc thân”. Thế nhưng, theo “kép” N.T ở Đoàn cải lương LA, ngày trước giữa nam và nữ diễn viên cải lương không có sự khác biệt, tức họ đều bình đẳng trong đoàn hát, họ đều được trân trọng như nhau nếu có tài ngang nhau. Sau này do cải lương xuống dốc, đào hát bị hút hết ra ngoài (để hát quán hoặc chạy “sô”), nên diễn viên nữ trở nên “hút hàng”, được săn đón, ưu ái. Vì vậy mà họ nhìn đồng nghiệp nam với cái nhìn không ngang bằng, họ khó chấp nhận lấy chồng là diễn viên cải lương cùng đoàn. Trong khi đó họ cũng khó lấy chồng là “người ngoại đạo” không đi theo đoàn hát, vì vậy mà họ phải chịu cảnh “phòng không”.

Còn cô đào N.C của một đoàn cải lương thì quyết sống độc thân vì lý do khác. Cô từng có chồng là đồng nghiệp chung đoàn hát, có một con trai đã 10 tuổi. Thế nhưng, đi tới đâu chồng cô cũng la cà “trăng hoa” với những người hâm mộ nữ. Sau bao lần sóng gió, cuối cùng họ đã chia tay, cô gửi con cho cha mẹ ruột nuôi và xin chuyển đi hát ở đoàn khác. Bây giờ cô không còn niềm tin chung thủy ở những kép hát, mà lấy chồng bên ngoài thì khó, vì vậy nên sống độc thân, đi hát dành dụm tiền đem về đưa mẹ nuôi con.

Cô N.C không ngại ngùng nói: “Không có chồng, nhưng tôi cũng có tình yêu là một fan hâm mộ. Thà vậy mà hay”. Các đào hát “ngôi sao” chọn cách sống độc thân còn có một nguyên do khác, đó là họ luôn được các fan hâm mộ nam (thường là những “đại gia”) săn đón. Nếu lập gia đình, sự săn đón ấy sẽ không còn. Vì vậy mà họ chưa lập gia đình để giữ sự thu hút của “sao”, tới khi nào “sao” hết tỏa sáng thì hãy tính chuyện chồng con. Nhưng họ không nghĩ rằng, đến khi hoa đã “phấn nhạt hương tàn” thì bướm ong nào có bén mảng tới, vì vậy cuộc sống về chiều tuy đầy đủ vật chất nhưng thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ trong mái ấm gia đình hạnh phúc là điều có thể thấy trước đối với họ.

Một mình, một con, một nhà lầu, một xe hơi

Phần nhiều các đào cải lương đang chọn cuộc sống độc thân, năm tháng cứ qua đi, tuổi tác của họ ngày càng lớn, sẽ ra sao khi cuộc sống về chiều rồi ai cũng phải tới. Để lo “hậu vận”, một số “sao” nữ trong làng cải lương miền Tây đã xin con nuôi khi tuổi đời đã ngấp nghé 40. Diễn viên NS là người đầu tiên trong giới đào hát miền Tây nghĩ tới và thực hiện xin con nuôi. Một đứa trẻ con của một gia đình nghèo nào đó đã may mắn được nữ nghệ sĩ nhận về nuôi dưỡng đủ đầy, yêu thương như con ruột, mà nếu khi lớn lên đứa bé có chút năng khiếu sân khấu, có khi nó cũng trở nên nổi tiếng như mẹ nuôi không chừng.

Hình ảnh
Cảnh xem cải lương ở miền Tây.


Một nữ nghệ sĩ khác tên M.T thì chọn cách nhận nuôi dạy đứa cháu con người chị ruột, đứa bé ấy đang là niềm vui, hạnh phúc của chị sau những lúc đi diễn về. Không chọn cách “bị động” nhận con nuôi, nữ nghệ sĩ xinh đẹp H.M của một đoàn cải lương đã chấp nhận sinh con mà “không cần biết cha nó là ai”. Hiện chị đang gần ngày “khai hoa nở nhụy”, một mình lo toan mọi điều cho cuộc sống làm mẹ. Chị nói: “Đối với tôi vậy là đủ, có một đứa con, tiếp tục gắn bó với nghề hát…”. Tôi tò mò hỏi chị đứa bé đang còn trong bụng mẹ là kết quả của một tình yêu, là sự rung động của 2 trái tim, hay đó chỉ là kết quả của nhu cầu muốn có con để “dưỡng già”, chị không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, chỉ tâm sự: “Xã hội ngày nay đã tiến bộ nhiều, người ta không đặt nặng vấn đề “không có chồng mà có con”, cơ quan tôi cũng không ai hỏi han về chuyện này. Đó là điều rất “nhân bản” đối với những phụ nữ có hoàn cảnh như tôi. Tất nhiên, con tôi sinh ra trên đời cũng là kết quả của một giọt máu nào đó, tức nó cũng có cha. Nhưng tôi tự nhủ sẽ giữ điều đó làm bí mật của riêng mình, có thể tới lúc nào đó (khi tôi đã già hoặc trước khi tôi qua đời chẳng hạn) điều bí mật này mới được tiết lộ với con”.

Có một thực tế là trong khi các kép hát ở miền Tây thường có cuộc sống chật vật, thì ngược lại đào hát (nhất là các đào hát trẻ, mới nổi) thường có cuộc sống khá giả. Không ít cô đào trẻ đã cất nhà riêng (thậm chí nhà lầu, biệt thự), mua xe hơi đời mới…Lương ở đoàn hát do Nhà nước “bao cấp” chỉ đủ để họ ăn uống và mua ít phấn son, để sống khá giả, họ phải tranh thủ chạy “sô”, sẵn sàng hát phục vụ ở mọi nơi, kể cả đám giỗ, miễn là được trả thù lao hợp lý.

Một nữ nghệ sĩ ở Đoàn cải lương LA được trả bồi dưỡng mỗi đêm diễn khoảng 100 ngàn đồng (cùng với lương “theo chấm” hàng tháng), nhưng chị sẵn sàng bỏ chi phí đi xe hơi riêng vượt quảng đường hàng trăm cây số để biểu diễn cùng đoàn hát, xong về ngay để chạy “sô”. Chị không thể bỏ hẳn đoàn hát để ở nhà chạy “sô”, vì “nghiệp tổ” và vì một chút thương hiệu của đoàn. Đó là chuyện lao động nghệ thuật để cải thiện cuộc sống. Cũng có đào hát nhờ lọt vào “mắt xanh” của những fan hâm mộ là “đại gia” mà con đường đi đến “nhà lầu, xe hơi” càng rộng mở.

Hiện có nhiều đào hát ở miền Tây có cuộc sống “3 trong 1”, như: Một mình – một con – một nhà lầu; Một mình – một nhà lầu – một xe hơi; Một mình – một con – một xe hơi. Hiện vẫn chưa có nữ nghệ sĩ nào đạt được “bốn trong 1”: Một mình – một con – một nhà lầu – một xe hơi. Thế nhưng có một đào hát đã quả quyết với tôi rằng, trong năm tới chị sẽ là “4 trong 1” (hiện chị đã có nhà lầu, xe hơi đời mới), khi chị cũng đang tính chuyện có 1 đứa con mà không cần biết cha nó là ai!

Đoàn Dũng - Theo PhunuToday

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương