Sân khấu Việt: Xuất ngoại để tìm lại vị thế

Sân khấu Việt: Xuất ngoại để tìm lại vị thế

Đứng trước nhiều khó khăn, thử thách do thiếu vắng khán giả, thiếu kịch bản hay… nhưng nghệ thuật sân khấu nước ta vẫn đang có nhiều nỗ lực để phát triển. Không những thế, nhiều vở diễn của các nhà hát còn tạo tiếng vang tại đấu trường quốc tế khi xuất ngoại, tạo động lực cho giới làm nghề có thêm niềm tin để “sống chết” với nghề.
Thực tế không thể phủ nhận, nhiều năm trở lại đây nghệ thuật sân khấu Việt đang gặp không ít khó khăn để duy trì và tồn tại. Sở dĩ, các vở diễn của nhiều nhà hát không được công chúng chú ý bởi một phần trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại hình giải trí hấp dẫn và hiện đại.
Cảnh trong vở Ngũ biến
Bên cạnh đó, các đài truyền hình đua nhau thực hiện các gameshow hài có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tổ chức dàn dựng và trình chiếu suốt ngày những tiểu phẩm tấu hài, hài kịch... đã khiến lượng khán giả đến với các sân khấu kịch bị chia sẻ. Ở thời điểm kinh tế khó khăn, việc bỏ vài trăm ngàn đồng mua vé xem kịch dịp cuối tuần không được khán giả chọn lựa. Thay vì phải ra khỏi nhà, khán giả bây giờ thích ở nhà, mở các kênh truyền hình và chọn xem chương trình mình thích.
Rất nhiều những chương trình, tiểu phẩm hài nhảm nhí, vô bổ vẫn được chiếu đi chiếu lại. Sau một thời gian dài tiếp nhận những sản phẩm kém chất lượng như thế, đã khiến một bộ phận khán giả tỏ ra dễ dãi khi tiếp nhận các sản phẩm giải trí.
Thiếu vắng khán giả, thiếu tác phẩm hay, chất lượng, cơ sở vật chất còn lạc hậu… là những vấn đề tồn tại của nghệ thuật sân khấu nước ta những năm trở lại đây. Nhưng trong muôn vàn khó khăn, thử thách ấy; đáng mừng là vẫn có nhiều vở diễn tạo được dấu ấn, cảm xúc đối với người xem. Đặc biệt hơn, nhiều vở diễn còn xuất ngoại để chinh phục khán giả quốc tế, quảng bá sân khấu Việt tới bạn bè năm châu.
Cuối năm ngoái, Nhà hát kịch Việt Nam đã dàn dựng và đưa vở kịch “Hamlet” - biểu diễn tại Singapore và được công chúng quốc tế đón nhận. Vở “Hamlet” khi mang đi lưu diễn vẫn giữ nguyên tinh thần và nội dung cơ bản. Bên cạnh đó, để khán giả nắm bắt được nội dung của vở diễn, một phụ đề tiếng Anh chiếu trên màn hình đã được thực hiện.
Trong vở “Hamlet”, đạo diễn - NSND Anh Tú đã lồng ghép năm trò diễn nổi tiếng của làng Xuân Phả (tỉnh Thanh Hóa) để làm tăng thêm tính bi - hài mà không làm phá vỡ cấu trúc của sân khấu chính kịch. Tới gần đây nhất, vở “Ngũ biến”, “Chia tay hoàng hôn” và vở kịch thiếu nhi “Ăn quả trả vàng” (Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn) cũng đã giành nhiều giải thưởng khi đến với đấu trường quốc tế.
Cụ thể, tại “Tuần lễ Liên hoan và Diễn đàn sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 5” tổ chức tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với 11 nước tham gia vừa qua, vở Chia tay hoàng hôn (tác giả: Sỹ Hanh - đạo diễn: NSND Xuân Huyền) và vở kịch thiếu nhi Ăn quả trả vàng (tác giả và đạo diễn NSND Anh Tú) đã được Ban tổ chức trao giải “Hoa râm bụt” dành cho vở diễn xuất sắc.
Ngoài ra, các nghệ sĩ: NSND Lệ Ngọc, NSƯT Lâm Tùng, Khánh Linh, Lâm Cương cũng được vinh danh “diễn viên xuất sắc” tại sự kiện sân khấu quy mô diễn ra tại Trung Quốc. Vở Chia tay hoàng hôn đã thể hiện những bi kịch gia đình trong xã hội ngày nay khi con người ngày càng chú trọng và coi việc kiếm tiền là đích tới cao nhất, thậm chí định giá trị cao thấp thông qua tiền bạc. Thông qua những xung đột của các gia đình, các thế hệ, Chia tay hoàng hôn phần nào thể hiện sự nhọc nhằn của giới văn nghệ sĩ, những thoái hóa, biến chất do tham nhũng… trong bối cảnh xã hội chạy theo đồng tiền.
Trong khi đó, vở kịch thiếu nhi Ăn quả trả vàng lại đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau, được khai thác và chuyển thể từ truyện cổ tích “Cây khế” của Việt Nam. Đây không phải là vở diễn đơn thuần là thoại kịch nhí nhảnh mà còn có sự kết hợp với ảo thuật, xiếc thú, nhảy hiện đại “Bống bống bang bang”. Chính vì yếu tố này đã giúp cho vở diễn được chú ý và sự mới lạ với khán giả nước ngoài.
Thành công hơn nữa với nghệ thuật sân khấu kịch nước ta mới đây chính là vở Ngũ biến đã được biểu diễn trên sân khấu nhà hát Princesse Grace, Monaco (Pháp) tại Liên hoan sân khấu thế giới Monaco 2017 (Mondial du Theatre Monaco 2017). Ngũ biến là vở diễn người nghệ sĩ hóa thân vào 5 nhân vật trên cơ sở 5 giá đồng của tín ngưỡng văn hóa lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu trong tâm linh của người Việt.
Tiết mục do NSND Lệ Ngọc biểu diễn với sự cộng tác của NSƯT Lâm Tùng và các diễn viên khác đã giúp khán giả quốc tế hiểu về văn hóa thờ Mẫu và Hầu đồng của người Việt, sự lộng lẫy về trang phục, ánh sáng, bài trí sân khấu cùng âm nhạc hòa quyện với những điệu hát quyến rũ đã tạo một ấn tượng đặc biệt đối với khán giả tại Pháp nói riêng, thế giới nói chung.
Ngũ biến sau đó đã được Hiệp hội Sân khấu thế giới trao Kỷ niệm chương vì đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đó là nghi lễ Hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu.
Rõ ràng, dù đang khá “èo uột” trong nước nhưng các tác phẩm sân khấu ở nước ta khi xuất ngoại đã khoác lên mình tấm áo mới đẹp đẽ, sang trọng hơn. Đây chắc chắn sẽ là “liều thuốc quý” cho nghệ thuật sân khấu và giới nghề để hướng về một tương lai tốt đẹp, mở ra hướng đi mới để tìm lại vị thế.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương