Đào tạo diễn viên nghệ thuật truyền thống: Đổi mới để tồn tại và phát triển

Đào tạo diễn viên nghệ thuật truyền thống: Đổi mới để tồn tại và phát triển

Chính diễn viên trẻ là những người giữ nghề, là thế hệ kế tiếp sẽ truyền nghề. Chính sách của chúng ta có, nhưng chưa đủ, chưa phổ quát và chưa quan tâm đúng mức với nghệ sĩ các môn nghệ thuật truyền thống...
Nhiều nỗi lo lắng
Với sự góp mặt của 35 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc, gồm các môn: cải lương, tuồng, chèo, nhã nhạc, dân ca, kịch, xiếc, ca, múa… Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Hội thi cũng là dịp để đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở; tạo môi trường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu toàn xã hội. Hội thi cũng nhằm vinh danh công lao các thầy cô giáo trong việc đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ...
Cần nhiều chính sách gìn giữ nghệ thuật tuồng
Tuy nhiên, đến với hội thi, nhiều nghệ sĩ không khỏi mang tâm trạng lo lắng. Bởi việc đào tạo còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu học sinh, sinh viên tâm huyết thật sự với khát vọng cháy bỏng. Là người gắn bó với nghệ thuật truyền thống, nghệ sĩ ưu tú Trần Nhật Lệ - Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đánh giá: “Ngoài số ít sinh viên xuất sắc vẫn còn tồn tại việc đào tạo không đạt chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật khi nhận các em về đều phải “đào tạo lại” mới sử dụng được”.
Cùng chung tâm sự ấy, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoài Huệ, Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã thốt lên: “Không thể giữ mãi cách đào tạo, ưu đãi diễn viên các môn nghệ thuật truyền thống như hiện nay. Cần có phương pháp mới, có sự đầu tư để những nghệ sĩ tên tuổi gìn giữ nghề, truyền lửa và nâng cao vị thế của các môn này”.
Ngày 10/10 vừa qua, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định kỷ niệm 55 năm ngày thành lập. Từ ngày thành lập, năm 1962 đến nay, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ từ các hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, khu vực và toàn quốc.
Đoàn cũng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, huân huy chương cao quý về những thành tích đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của các môn nghệ thuật khác, nghệ thuật Bài chòi bị “lép vế”, việc đào tạo gặp rất nhiều khó khăn. Các thế hệ nghệ sĩ của đoàn dù giàu tâm huyết, nhưng cũng không tránh khỏi sự lo lắng trước việc thiếu “truyền nhân” giỏi nghề.
Bởi dù nói thế nào thì người diễn viên là lực lượng trung tâm của sân khấu, nhưng hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên, học sinh. Bởi thế, cần nhiều chính sách hơn nữa trong việc khích lệ học sinh, sinh viên.
Tại khu vực miền Trung, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những cái nôi của nghệ thuật truyền thống, song một số trường có đào tạo môn nghệ thuật truyền thống những năm qua đã không tuyển được học sinh ở một số môn. Như Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Huế 7 năm không tuyển được học sinh tuồng.
Bởi thế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế phải tự đào tạo thế hệ kế cận để giữ gìn tuồng Huế. Trong quá trình đó, lãnh đạo nhà hát nhìn ra được tố chất của các em và cực lực tập luyện cho các nghệ sĩ trẻ. Kết quả là vừa rồi, 8 trích đoạn tuồng của nhà hát đi thi tài năng trẻ đều có giải.
Cách nào thu hút người giữ nghề?
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc phát hiện, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ về nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc.
Thật sự, đúng như tinh thần phát biểu của bà Liên từ năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, trong đó ghi rõ: “Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc…”, song tình trạng thiếu hụt học sinh, sinh viên theo học cũng chưa được cải thiện.
Cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định thông qua “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo đó, nhiều học sinh ở các vùng miền từ 14 đến 16 tuổi được chọn vào học tập chuyên môn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, song song với việc học văn hóa để tiếp tục hoàn thiện chương trình THPT. Các cơ quan chức năng hy vọng, với sự khuyến khích này sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên theo ngành.
Một trong những ý kiến chia sẻ quan trọng, như ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, nói: “Nếu chúng ta có chính sách hợp lý, có tính khuyến khích cao hơn nữa, như việc miễn hoàn toàn học phí đối với bậc đào tạo đại học, tiếp tục có những chính sách ưu đãi như bao cấp trọn gói đối với mô hình đào tạo liên kết. Phải có những ưu đãi đặc biệt và cơ chế đặc thù thì mới bù đắp được những thiệt thòi mà các nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp phải, để họ yên tâm gắn bó với nghề”.
Cũng phải thừa nhận, những năm qua việc tổ chức dạy học ở nhiều cơ sở đào tạo không gợi được niềm đam mê cho sinh viên, chất lượng không cao, vẫn quá chú trọng lý thuyết mà xem nhẹ thực hành, đào tạo chưa theo nhu cầu của xã hội. Là người gắn bó nhiều năm với sân khấu, gìn giữ nghệ thuật tuồng ở Bình Định, NSND Xuân Hợi cho rằng, một trong những cái “yếu” trong lĩnh vực đào tạo, là còn bất cập từ khâu tuyển đến khâu ra nghề. Chưa tạo được sự hào hứng cho diễn viên trẻ sau khi ra trường, bởi thu nhập của diễn viên quá thấp so với nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Anh Hợi nhấn mạnh: “Chính diễn viên trẻ là những người giữ nghề, là thế hệ kế tiếp sẽ truyền nghề. Chính sách của chúng ta có, nhưng chưa đủ, chưa phổ quát và chưa quan tâm đúng mức với nghệ sĩ các môn nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi mong những hội thảo được tổ chức, để các cơ quan chức năng và các nhà hát bàn kỹ hơn về sự đãi ngộ”.
Từ ngày 21 đến 27/10, Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” năm 2017 diễn ra tại Khánh Hòa. Từ chất lượng của hội thi và thực tế tại các đoàn nghệ thuật cho thấy cần mau chóng thay đổi cách đào tạo và chế độ đãi ngộ diễn viên. Không thể cứ áp dụng mãi những điều đã cũ từ hàng chục năm trước.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương