Nghệ thuật tuồng đi đâu, về đâu?

Nghệ thuật tuồng đi đâu, về đâu?

Nghệ thuật sân khấu tuồng ở nước ta những năm vừa qua gần như chìm khuất trong đời sống nghệ thuật. Khán giả hiện nay đa phần tìm đến các chương trình, loại hình giải trí mới, lạ... Điều này khiến cho nghệ thuật tuồng đứng trước nguy cơ mai một và nếu chúng ta không có hành động để bảo tồn, lưu giữ tuồng thì bộ môn nghệ thuật này chỉ còn trong ký ức.

Tuồng là nghệ thuật truyền thống ra đời sớm ở nước ta (từ thế kỷ XV) và có nhiều giá trị đặc biệt. Giới chuyên môn cho biết, tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ và là bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Khác với những loại hình nghệ thuật truyền thống khác như xẩm, ca trù, cải lương... tuồng là loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII, tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.
Có nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử nhưng tuồng đang có dấu hiệu mai một
Các tư liệu cổ có ghi lại sự phát triển của tuồng trong chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thời kỳ thịnh vượng của tuồng được đánh giá vào thế kỷ XVIII, XIX. Vào thời kỳ này tuồng phát triển mạnh tại các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Gia Định, Mỹ Tho ở miền Nam Việt Nam. Ở miền Bắc lúc này tuồng cũng khá phát triển, diễn ra ở các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa và TP. Hà Nội. Tuồng bắt đầu được xuất hiện tại các địa phương nông thôn, khi lễ hội hoặc các sự kiện tôn giáo diễn ra thường có biểu diễn tuồng và họ biểu diễn trên các sân khấu tạm thời dựng lên.
Tại Kinh đô Huế, đặc biệt là trong giai đoạn dưới triều vua Tự Đức (từ 1847 đến 1883) đã xuất hiện nhiều nhà viết tuồng nổi tiếng. Hầu hết họ là những người có một bề rộng về kiến thức, bắt nguồn từ các nghiên cứu sâu rộng và có tài năng văn học như là Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Gia Ngoạn, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Diệu, Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Phan Bội Châu...
Trong số này, Đào Tấn - một nhà thơ, nhà viết kịch, một đạo diễn sân khấu và là một nhà lý luận tài giỏi đã để lại cho đời trên 40 vở tuồng nổi tiếng: Diễn Võ Đình, Trầm Hương Các, Hoàng Phi Hổ Quá Giới Bài Quan, Hộ Sanh Đàn. Hầu hết, nội dung các vở tuồng trong thời kỳ này đều mượn những câu chuyện có thật trong lịch sử hoặc trong các tác phẩm văn học.
Có thể nói, trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống thì tuồng có những nét đặc sắc và chất riêng vốn có. Không như các loại hình sân khấu khác, nội dung tác phẩm tuồng thường mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc...
Ở nghệ thuật tuồng, với cách hoá trang tạo diện mạo cho nhân vật hoàn toàn tượng trưng. Người diễn viên, ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải biết vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào. Nhờ những gương mặt được hoá trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật. 
Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm và những biến đổi xã hội, nghệ thuật sân khấu tuồng đã không còn được nhiều người chú ý. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các loại hình giải trí mới du nhập, mở ra liên tục ở nước ta càng làm cho tuồng không còn đất diễn. Một thực tế mà giới làm nghề nhận thấy hiện nay và những năm qua, đó là sân khấu tuồng thiếu lớp người kế cận, các tài năng trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống và trong đó có tuồng.
Ngoài ra, theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật tuồng hiện nay chủ yếu chạy “sô” biểu diễn trong các lễ hội, nghi thức hành lễ với dàn trống, dâng hương chứ ít có cơ hội biểu diễn một vở trọn vẹn. Khi tuồng được đưa lên sân khấu các nhà hát thì khán giả rất ít, có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, tại rạp hát Hồng Hà (Hà Nội) nằm ngay khu phố cổ, các nghệ sĩ vẫn có các đêm diễn trong tuần để phục vụ khách du lịch, với các trích đoạn tuồng cổ đặc sắc: Ông già cõng vợ đi xem hội, Nhã nhạc cung đình Huế, Múa Lân mẹ đẻ lân con, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo… nhưng chỉ là cho khách nước ngoài, trong khi đó khán giả Việt dường như rất ít. Điều này báo động nghệ thuật sân khấu tuồng nếu không được quan tâm, bảo tồn và lưu giữ, lớp trẻ không tiếp nối thì việc tuồng trở thành cái bóng thời gian là điều khó tránh khỏi.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, để tuồng thực sự có sức sống trọn vẹn thì chúng ta cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên tuồng; đưa nghệ thuật tuồng thành sản phẩm du lịch để bộ môn nghệ thuật này có được chỗ đứng trong lòng khán giả và từ đây lan tỏa trong đời sống xã hội.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương