Khi tài năng không muốn theo nghề

Khi tài năng không muốn theo nghề

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 vừa mới khép lại tại Thanh Hóa. Đây là cuộc thi để lại nhiều ấn tượng, bởi nhiều bạn trẻ có tài năng tham gia. Song từ đó cũng dấy lên những băn khoăn, bởi cách nào đủ hiệu quả để nuôi dưỡng những tài năng sân khấu tuồng, chèo vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Nhìn vào con số ấn tượng, với gần 100 nghệ sĩ trẻ khoảng 30 tuổi thuộc 19 đơn vị dự thi là con số đáng mừng cho thấy vẫn còn những người trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. PGS, TS. Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhận định: “Chúng tôi rất mừng phát hiện không ít những tài năng trẻ hội đủ các yếu tố thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần. Trong đó, có nhiều giọng hát chèo thể hiện được cả những làn điệu khó khiến các thành viên giám khảo bất ngờ”.
Cần chính sách ưu đãi những nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng họ đang là những hạt nhân nòng cốt biểu diễn tại các đơn vị hiện nay. Song liệu họ có cần mẫn theo nghề, xây dựng sự phát triển của các đơn vị hay không lại là chuyện không ai dám chắc chắn.
Thực tế đã cho thấy mức thu nhập của nghệ sĩ theo nghiệp tuồng, chèo quá thấp. Không ít người từng công tác ở các nhà hát chèo, tuồng phải bỏ nghề, thậm chí là “chân trong, chân ngoài”, làm thêm nghề khác để sống. Nhiều đơn vị như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế… đã rất nỗ lực, cố gắng đào tạo con người, diễn viên.
Thế nhưng việc đào tạo đã không đơn giản, việc giữ chân các nghệ sĩ trẻ lại càng khó khăn hơn. Tham gia cuộc thi lần này, diễn viên Đặng Thị Thu Hà (Nhà hát Chèo Thái Bình) thốt lên: “Người nghệ sĩ theo nghiệp như con tằm rút ruột nhả tơ. Nhưng các chế độ đãi ngộ vẫn chưa phù hợp với những đam mê, nỗ lực cống hiến!”.
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng chèo toàn quốc 2017 cho hay: Các đơn vị nghệ thuật thật sự đang phải đối mặt với bài toán cơm áo, khi việc dựng xong vở diễn nhưng không thể bán vé để có tiền. Chèo, tuồng không còn là những món ăn tinh thần được công chúng lựa chọn.
Các hoạt động biểu diễn èo uột, chỉ trông vào các mùa lễ hội thôi. Hơn thế, một số địa phương đã và đang thực hiện việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo... thành mô hình nhà hát nghệ thuật mặc dù biết đây chỉ là giải pháp tinh giảm biên chế.
Nhìn sâu hơn vào các loại hình nghệ thuật truyền thống, hiện cả nước ta chỉ có gần 20 đoàn nghệ thuật chèo và 7 đoàn nghệ thuật tuồng. Việc Nhà nước đầu tư thích đáng hơn để giữ gìn nghệ thuật truyền thống là không khó, nhưng tại sao vẫn chưa được làm một cách bài bản?
Thật sự, Nhà nước cần chọn lọc, tìm ra các đơn vị có vị trí, tiêu biểu để đầu tư trọng điểm thay vì dàn trải đầu tư, rồi để các địa phương tự tách, nhập khiến nhiều đơn vị bị giảm uy tín, bị nghiệp dư hóa và dần dần mai một nghệ thuật truyền thống.
Sau một cuộc thi, các nghệ sĩ trẻ đã có những vinh quang đã có sự lột xác và không ít người mong muốn cống hiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống này. Rồi sau đó trở về, họ sẽ phải lao đi với cuộc sống mưu sinh, khó mà an tâm sống với nghề khi mức lương và cả trợ cấp bèo bọt. Nhiều nghệ sĩ trẻ lại có tâm lý “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Tài năng của họ cũng sẽ bị mai một khi “đạo” đã thiếu “thực”.
Bệ phóng nào, cách thức nào giữ chân các nghệ sĩ trẻ? Nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống là rất nên làm, rất cần được các cơ quan chủ quản địa phương và trung ương quan tâm. Không thể để các đơn vị nghệ thuật truyền thống “tự bơi” mãi trong khi đang bị lấn át bởi các loại hình giải trí bề nổi khác.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương