Sân khấu truyền thống: Xem ai, ai xem?
Sân khấu truyền thống: Xem ai, ai xem?
22:17 18/09/2019Trước sự mở cửa ồ ạt của nhiều loại hình văn hoá nghe nhìn đặc sắc, sự lấn át của hàng loạt các game show truyền hình, và đa dạng chương trình giải trí độc đáo khác, sân khấu truyền thống đứng trước nguy cơ bị đe doạ nghiêm trọng.
- Sân khấu truyền thống: Vắng khách do đâu?
- Nghệ thuật sân khấu truyền thống: Cần nỗ lực đổi mới, tránh lối mòn
- Sân khấu trầy trật tìm tiếng nói chung
Các đơn vị nghệ thuật sân khấu trên cả nước đang bị thít chặt, co kéo lại, hàng loạt đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong vấn đề tìm khán giả và nguồn kinh phí để dựng vở, nhiều nghệ sĩ dù tha thiết bám trụ với nghề Tổ nhưng lại không sống được bằng nghề.
Một số các đề án, chiến lược phát triển văn hoá còn có nhiều bất cập, hiện nay Bộ Văn Hoá - Thể thao & Du lịch đang giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Vụ Pháp chế cùng các ban ngành liên quan chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thời đại mới.
Ồ ạt sáp nhập có giữ được bản sắc ?
Đã qua rồi thời kì sân khấu của một thời vàng son từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc đó những đơn vị nghệ thuật biểu diễn (tuồng, chèo cải lương, dân ca, kịch), từ trung ương đến địa phương hoạt động tấp nập, những đêm diễn luôn chật kín khán giả.
Tại ngôi nhà nhỏ trên phố Huế của nhà viết kịch sung sức Lưu Quang Vũ luôn có 4, 5 người đại diện của các đoàn nghệ thuật chầu trực. Họ đợi nhà viết kịch nổi tiếng viết xong vở mới nào sẽ mang đi ngay. Thời kì rực rỡ ấy kéo dài được hơn chục năm rồi dần dần sân khấu lại đứng trước nguy cơ thưa thớt dần khán giả.
Vở “Bệnh sỹ” của Nhà hát Kịch Việt Nam được đánh giá cao tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015. |
Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật sân Khấu Việt Nam chia sẻ: Đầu tiên phải nói đến các chương trình truyền hình, trước đây cả nước chỉ có vài ba đài truyền hình ở các thành phố lớn, sau này địa phương nào cũng có kênh truyền hình riêng, chưa kể là ngay các bộ cũng thành lập kênh truyền hình của riêng bộ mình.
Thêm nữa, mỗi một đài truyền hình còn có nhiều kênh để khán giả thoải mái lựa chọn với những tiêu chí riêng. Hàng loạt các chương trình game show hấp dẫn, phim truyền hình lên ngôi từ các kênh cho đến phim Mỹ hành động, phim dài tập Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam...
Thời đại công nghệ 4.0, không cần phải ở nhà mới xem được tivi, ngay kể cả lang thang ở vùng núi, vùng biển, miền quê hẻo lánh xa xôi, chỉ cần có một chiếc lactop bạn có thể kết nối với cả thế giới. Những chương trình thông minh của máy tính với facebook, internet, báo mạng khiến cho con người khó có thể rời nó, và rồi tất cả những điều đó làm cho sân khấu đứng trước sự lao đao, khó khăn đi dần vào ngõ cụt.
Do sự phát triển xã hội, nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hoá ra đời, đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của sân khấu, như sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Idecap... Nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị nghệ thuật công lập hoàn toàn bằng tiền vốn nhà nước, nhà nước trả lương, còn đơn vị nghệ thuật xã hội hoá sống bằng cách tự cung tự chi.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có những đơn vị sân khấu truyền thống công lập: 7 đơn vị nghệ thuật tuồng, 14 đơn vị chèo, 16 đơn vị cải lương, 12 đơn vị sân khấu kịch, 4 đơn vị múa rối, 9 đơn vị dân ca kịch, 5 đơn vị xiếc.
“Qua cơn mưa trời lại sáng”, nhưng đợi mãi, kể cả qua mưa bão vẫn chưa thấy trời quang, mây tạnh, sân khấu truyền thống vẫn đứng trước nguy cơ tứ bề.
Trước đây, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống từng là niềm tự hào của người dân vì gắn liền với đời sống tinh thần văn hoá của vùng miền trải dài suốt chặng đường lịch sử của dân tộc. Những cải lương Nam Bộ, hát dân ca bài chòi, chèo quê lúa Thái Bình, kịch nổi tiếng Nam Định... thì ngày nay vì thiếu vắng khán giả, èo uột về vở diễn nên các đơn vị nghệ thuật ngày càng co kéo, thít chặt lại.
Ví dụ như ở Thanh Hoá đang từ ba đoàn nghệ thuật truyền thống hoạt động riêng rẽ, nay sát nhập lại làm một gọi chung là Nhà hát Truyền thống (tuồng - chèo - cải lương). Hay Nam Định có ba hhà hát nghệ thuật hoạt động riêng biệt thì nay cũng sát nhập lại làm một gọi là Nhà hát Truyền thống (chèo - cải lương - kịch).
Ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều đoàn nghệ thuật bị giải thể, hay sát nhập không còn là câu chuyện hiếm gặp. Nhiều người e dè, lo ngại việc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp sát nhập lại với các trung tâm văn hoá, vậy thì làm sao chúng ta giữ được bản sắc?! NSND Lê Tiến Thọ khẳng định: “Muốn giữ được bản sắc thì phải có cơ chế hoạt động rõ ràng”.
“Thầy đổ cho em, em trách lại thầy”
Để làm nên một tác phẩm sân khấu đòi hỏi cả một đội ngũ, ê kíp thành phần nghệ thuật để bổ trợ như: âm thanh, ánh sáng, hội hoạ, điêu khắc, mỹ thuật, đạo diễn, diễn viên, kịch bản, âm nhạc. Sân khấu là sự tổng hợp tất cả các môn nghệ thuật khác, thiếu một trong những thành phần đó cũng làm cho vở diễn mất đi sự thi vị.
Vở diễn “Dâu bể một kiếp tằm” được Nhà hát Cải lương Hà Nội đầu tư công phu. |
Và, khán giả có đến nhiều với sân khấu hay không còn là nhờ công tác tuyên truyền, định hướng của đội ngũ người làm phê bình sân khấu. Hiện nay, đội ngũ người làm phê bình sân khấu dường như đang có phần ngủ đông, vắng lặng, khiến cho cảnh chợ chiều sân khấu càng thêm ảm đạm, thê lương.
PGS Nguyễn Tất Thắng đã từng nói: “Tại sao đời sống lí luận phê bình sân khấu còn thiếu và yếu là do các anh chưa có tác phẩm hay”. Theo NSND Lê Tiến Thọ, đời sống sân khấu ngày hôm nay thiếu kịch bản hay, thiếu những nhà phê bình lí luận giỏi. Những nhà lý luận phê bình được đào tạo ở các nước XHCN khi xưa như Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari, Trung Quốc... thì nay đã người còn, người mất.
Người còn tuổi cũng đã cao, mắt mờ, xương đau không đủ sức khoẻ để xem một vở diễn kéo dài hai tiếng đồng hồ trên sân khấu. Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội là cái nôi đào tạo ra những nhà lý luận phê bình sân khấu tương lai thì đội ngũ này lại quá mỏng, èo uột.
Đời sống đang ăm ắp những điều nhức nhối như vấn nạn tham ô, tham nhũng của những viên quan tham hàng triệu đô vơ vét bòn rút tiền của của nhà nước đang chờ thi hành án. Cảnh gia đình máu mủ tàn sát chém giết lẫn nhau vì tranh giành đất đai, nhà cửa mất đi mấy mạng người không còn là điều hiếm gặp. Vợ chồng xô xát, con cái hư hỏng hỗn hào.
Sự lạnh lùng, dửng dưng của người dân trước cái ác đầy rẫy trong cuộc sống xung quanh ta. Dường như, thiếu đâu đó tiếng nói hôi hổi hơi thở đời sống, một tài năng biên kịch sân khấu đích thực. Từ ngày nhà biên kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ mất đi, đến giờ đã qua cả một chặng đường dài 30 năm có lẻ, trông ngóng mòn mỏi mãi mà vẫn chưa tìm thấy một gương mặt xuất sắc để thay thế?!
Đã có những đêm diễn phải trả lại vé khán giả vì quá ít người xem. Câu trả lời là phải có khán giả, nếu không có khán giả thì sẽ không có sân khấu. Các nhà quản lý xác định tác phẩm nào tiếp cận được đời sống khán giả hôm nay, chú trọng đào tạo đội ngũ sáng tác. Công tác của hội nghệ sĩ là tổ chức các trại sáng tác, các kì liên hoan, những buổi đi tập huấn để làm sao có được những tác phẩm gắn với đời sống hôm nay.
“Đi thi mà xôi hỏng, bỏng không thì rất đau khổ”
Hiện nay, Nhà nước có hai nghị định cơ bản gắn liền với đời sống hoạt động của sân khấu. Đó là Nghị định 90/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “nghệ sỹ nhân dân”, “nghệ sỹ ưu tú”.
Vở diễn “Sự sắp đặt của số phận” - Nhà hát Kịch Hà Nội. |
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, trước đây Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã kí một đề án về chiến lược, quy hoạch phát triển sân khấu, đề án này có giá trị hết năm 2020. Trong đề án có Tổ chức liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cả nước cứ ba năm một lần của từng bộ môn nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, kịch... sau đó lại quay vòng.
Ông cũng cho biết, sân khấu nếu không có những cuộc liên hoan thì cảnh chợ chiều càng thêm vắng lặng, đìu hiu. Và, tại những cuộc liên hoan mới mang về cho nghệ sĩ huy chương để góp phần vào việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn từ rất lâu, người hoạt động nghệ thuật sân khấu không sống được bằng nghề, chỉ có một số ít may mắn thoát nghèo. Những diễn viên xúng xính lộng lẫy xiêm y là ông vua, bà chúa, tiểu thư trên sân khấu sau giờ diễn lại phải trở về đời thực lo cơm áo gạo tiền. Tiền cát sê thấp, cộng với liên tục vắng ánh đèn sân khấu khiến cho họ chật vật đời sống mưu sinh.
Chỉ có một số rất ít thuộc hàng “sao” đi đóng phim truyền hình và trở thành nhân vật nổi tiếng được đặc biệt yêu thích thì sống bằng tiền làm phim hay đi dự sự kiện, còn lại đa phần đời sống diễn viên sân khấu rất khốn khó, bần hàn, dật dờ chờ qua ngày.
Mô hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật xã hội hoá rất khác với mô hình hoạt động nghệ thuật công lập. Khác từ khâu kịch bản. Nếu như đơn vị nghệ thuật công lập vẫn còn được nhà nước ưu ái bao tiền thanh sắc, lương hàng tháng thì ở các đơn vị xã hội hoá phải tự lo mọi khâu từ A tới Z.
Ở những đơn vị nghệ thuật công lập việc phải quyết tâm giành được giải cao ở các kì liên hoan hội diễn đặt lên hàng đầu. Vì rằng để ra được một vở diễn phải đầu tư ít nhất từ 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng, thậm chí hơn. Đây là nguồn kinh phí của sở văn hoá, của tỉnh sở tại... nếu không giật được giải thì về rất “mất mặt”.
Chính vì lẽ đó mà từ trưởng đoàn, giám đốc nhà hát phải cố mời bằng được những gương mặt có tên tuổi “số má”, là những “ông lớn” như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu... Chẳng vậy mà có những kì liên hoan sân khấu, tên của những “ông lớn” kia chiếm đến 1 phần 3 vở diễn của toàn liên hoan, thậm chí là một nửa.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cho biết, có kì liên hoan có đoàn mang đi hai tiết mục, chẳng được giải thường nào. Diễn viên buồn đã đành. Trưởng đoàn, phó đoàn mặt ủ rũ, rầu rĩ như bầu trời sắp sửa sập, trông họ toát hết cả mồ hôi, vì khi về không biết ăn nói thế nào với lãnh đạo sở, tỉnh là những nơi rót vốn đầu tư cho đi thi?!
NSND Lê Tiến Thọ nhận xét: “Kể cũng lạ, đoàn nào cũng vậy. Không có giải, họ rất đau khổ rồi trách người này, người kia. Vở được giải thì nghiễm nhiên là do công cả đoàn, còn vở không được giải tất cả là do lỗi của ban giám khảo”.
Và một thực trạng bất cập hiện nay là liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là nơi để giao lưu, học hỏi, cạnh tranh, phấn đấu lành mạnh thì hiện nay lại đang diễn ra rất lãng phí. Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cứ quay vòng 3 năm tổ chức một lần ở một thành phố.
Đầu tư cho một vở diễn mất bao tiền của rất tốn kém, nhờ có các kì liên hoan, sân khấu mới sôi động và tưng bừng nhưng hiện tượng đoàn nào xem đoàn nấy, không giao lưu, và cũng chẳng học hỏi nhau được gì.
Một vở diễn diễn ra chỉ để cho ban giám khảo và một số khán giả xem, còn lại các đoàn bạn thì vô cùng hạn chế. Lý do của việc này là do nghệ thuật sân khấu nghèo quá, các đoàn tiền ăn còn thiếu thốn lấy đâu ra tiền ở. Một kì hội diễn diễn ra trong vòng 10 ngày, cả đoàn mấy chục con người phải tốn kém đi lại ăn ở nên họ chỉ đi từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình... vào thành phố Hồ Chí Minh diễn xong một buổi rồi lại cuốn gói về ngay. Hoặc ngược lại.
Có chăng ở lại, dăm người gồm trưởng đoàn, phó đoàn và diễn viên chính chờ xem có được giải thưởng hay không ?
Những điều bất cập này theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì Bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch đang rà soát lại để có thể tới đây chỉ tổ chức liên hoan theo từng khu vực, cho đỡ tốn kém, tránh lãng phí.
Trần Mỹ Hiền
Nhận xét
Đăng nhận xét