NSND Thanh Vy: Kịch bản mới dần rời xa thông điệp cuộc sống
(NLĐO) - NSND Thanh Vy cho biết nỗi trăn trở của bà hiện nay chính là sàn diễn cải lương đang rời xa cách làm chuyên nghiệp. Một số sàn diễn chỉ cốt làm để bán vé, không tuân theo chuẩn mực.
(NLĐO) - NSND Thanh Vy cho biết nỗi trăn trở của bà hiện nay chính là sàn diễn cải lương đang rời xa cách làm chuyên nghiệp. Một số sàn diễn chỉ cốt làm để bán vé, không tuân theo chuẩn mực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng chứng nhận danh hiệu NSND cho NS Thanh Vy tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 29-8
Nhân dịp nhận được danh hiệu NSND cao quý mới đây, nữ nghệ sĩ từng tạc trong trí nhớ khán giả với nhân vật "Nàng Xê Đa" đã chia sẻ với phóng viên về thực trạng sàn diễn cải lương hôm nay. Bà cho biết hàng trăm bài tham luận đã phân tích nhưng rồi chiến lược và những vấn đề cốt lõi chưa được tháo gỡ. Theo NSND Thanh Vy, sân khấu chuẩn mực chính là cách làm phải tử tế. Đó là nền tảng vững chắc, không được xem nhẹ.
"Tôi cho rằng hiện nay, nhiều bạn trẻ theo học các chuyên ngành sáng tác kịch bản đã vướng vào một lối mòn. Cách bố cục kịch bản quá cũ, không có tính bứt phá. Câu chuyện kịch thiếu tính đối thoại với cuộc sống, không theo kịp nhu cầu của người xem trước một số vấn đề bức bối . Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của sân khấu cải lương khi người xem không tìm được tiếng nói của mình. Khán giả xem vở cũ cũng chỉ là để cho đỡ nhớ sân khấu, chứ còn để đồng hành với những điều trăn trở mà nghệ sĩ thông qua kịch bản, gửi gắm đến họ thì các vở mới cứ dần rời xa thông điệp cuộc sống" – bà trăn trở.
NSND Thanh Vy và NSND Thanh Tuấn trong lễ đón nhận danh hiệu tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 29-8
"Việc sáng tác của đội ngũ tác giả kịch bản cải lương hiện nay là một lỗ hổng lớn. Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức các lớp tập huấn sáng tác kịch bản cải lương, mừng là có nhiều bạn trẻ tham gia nhưng vẫn chưa có kịch bản hay ra đời. Tôi từng cảnh báo khi các nhà sản xuất, nhà tổ chức cứ quen với việc chọn tên tuổi tác giả mà đặt hàng, không tạo điều kiện, cơ hội cho thế hệ trẻ giới thiệu tác phẩm thì cải lương không có bước kế thừa" – bà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với NSND Thanh Vy, nhà viết kịch Chu Thơm từng lấy ví dụ từ bản thân. Năm 2015 có 2 hội diễn quy mô toàn quốc là tuồng và chèo thì 5 đơn vị đã đến tìm ông để đặt hàng. Sức ông một năm cố gắng lắm cũng chỉ viết được 1-2 kịch bản, trong khi nhiều người trẻ có sáng tác mới lại ít được các đơn vị quan tâm.
NSND Thanh Vy
NSND Thanh Vy cho rằng cần động viên các cây bút trẻ sáng tác những vấn đề họ quan tâm, những điểm nóng mà khán giả quan tâm. Dù còn non nớt trong thủ pháp viết nhưng hãy để họ làm và hoàn thiện kịch bản qua sự góp ý, nâng đỡ của những người có kinh nghiệm.
"Có một thực tế mâu thuẫn: Đội ngũ sáng tác giàu kinh nghiệm do lớn tuổi nên không đi thực tế nhiều, không có chất liệu từ cuộc sống; trong khi đội ngũ sáng tác trẻ năng nổ, đi nhiều, cọ xát thực tế nhiều nhưng lại hạn chế về cấu trúc. Để dung hòa hai đội ngũ này, vai trò của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và Hội Sân khấu TP là rất lớn. Cần sớm kiện toàn trước khi đội ngũ sáng tác lớn tuổi dần rơi rụng do sức khỏe, tuổi tác" – NSND Thanh Vy kiến nghị.
"Tôi không muốn các cây bút trẻ có niềm đam mê sân khấu cải lương buông bỏ ngòi bút. Hãy mạnh dạn lao tới, tìm kiếm chất liệu từ cuộc sống, biết lắng nghe, khơi gợi và tạo ngay niềm tin để viết. Sàn diễn cải lương chuyên nghiệp hãy bắt đầu từ kịch bản tử tế. Có bột mới gột lên hồ" – NSND Thanh Vy bày tỏ.
Nhận xét
Đăng nhận xét