Kỳ nữ Kim Cương nhớ "Lá sầu riêng" trong ngày độc lập

(NLĐO) – Vở kịch nói "Lá sầu riêng" đã trở thành bảo bối của gia đình NSND Kim Cương. Trong những ngày cả nước chào mừng ngày độc lập, kỳ nữ đã chia sẻ nhiều kỷ niệm về vở kịch này.

Kỳ nữ Kim Cương nhớ Lá sầu riêng trong ngày độc lập - Ảnh 1.
NSND Bảy Nam hóa trang vai bà mẹ trong vở "Lá sầu riêng"
"Mỗi năm cứ đến ngày này thì đài truyền hình thường phát sóng vở kịch "Lá sầu riêng". Còn với đoàn kịch nói Kim Cương. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, dịp Lễ Quốc khánh 2-9 là đoàn diễn mỗi ngày 4 suất vở "Lá sầu riêng". Khán giả đến xem đông như ngày hội. Trong hậu trường, anh chị em nghệ sĩ mỗi người mang một món ăn do mình chế biến, cùng đem vào góp với bếp ăn nghệ sĩ. Không khí vui như tết. Tôi nhớ má tôi, có một chiếc ghế xếp nhỏ, bà cứ nằm đó nghỉ ngơi, đến lớp diễn thì bước ra cánh gà. Những tràn pháo tay của khán giả như sấm vang khi má tôi bước ra sân khấu. Và suất nào hai má con cũng khóc, khán giả bên dưới cũng khóc nức nở khi thấy cảnh bà mẹ xứt dầu cho con gái, bị bạo hành do nhà chồng ức hiếp. Ngày 2-9, mỗi diễn viên lãnh đến 4 cữ lương, lại có thêm tiền thưởng nên anh chị em diễn viên đều vui mừng hớn hở. Có người đã hỏi vì sao cứ đến 2-9 tôi lại diễn vở "Lá sầu riêng"? Tôi trả lời đó là vở diễn nói lên thân phận của những người nghèo khổ trong một xã hội muốn vươn lên, muốn phá bỏ những xiềng xích cũ" - NSND Kim Cương xúc động chia sẻ.
Kỳ nữ Kim Cương nhớ Lá sầu riêng trong ngày độc lập - Ảnh 2.
NSND Kim Cương lúc trẻ
Vở kịch "Lá sầu riêng" kể câu chuyện về một bà mẹ nghèo sống bằng nghề mò cua bắt ốc, bán tôm cá ngoài chợ, bà có đứa con trai tên Sang mà bà đã cố dành dụm nuôi con, mong được khôn lớn, thành tài. Sau năm 1945, Sang học lấy được bằng bác sĩ, có người yêu xinh đẹp là con gái của một gia đình giàu có. Tính đến chuyện cưới nhau nhưng lo bị gia đình phía người yêu từ chối vì không "môn đăng hộ đối", Sang đã nói dối rằng anh ta vốn là con của một đốc phủ sứ, một quan chức lớn trước đây nhưng cha mẹ đều đã chết.
Ngày hai người tính đến gặp nhau tại nhà Sang để bàn chuyện đám cưới thì có ông cậu từ quê lại thăm. Anh ta nói với người cậu về chuyện đã lỡ nói dối và thiết tha dặn khi có cô vợ sắp cưới đến, mong ông cậu đóng vai là người quản gia. "Nhân vật ông cậu đã được tôi sáng tạo nhân vật theo hình tượng những người tham gia cách mạng, gầy dựng hàng ngũ nhà nông đứng lên đòi độc lập, giành chính quyền. Vở kịch "Lá sầu riêng" lúc mới ra đời đã từng bị chính quyền Sài Gòn thắc mắc về nhân vật người cậu, nhưng tôi phớt lờ với tuyên ngôn, nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh. Người cậu đứng lên đòi giải phóng chế độ thực dân, đòi quyền cho người dân là chính đáng. Qua từng năm tháng, vở "Lá sầu riêng" được "thêm da đắp thịt", được thăng hoa cảm xúc chính là từ sự hưởng ứng của khán giả. Họ thấy được họ trong đời sống vở kịch" - NSND Kim Cương kể.
Kỳ nữ Kim Cương nhớ Lá sầu riêng trong ngày độc lập - Ảnh 3.
NSND Kim Cương xúc động viếng mộ mẹ - NSND Bảy Nam
Vở kịch "Lá sầu riêng" thành công chính là đề cập đến đạo hiếu mà người Việt Nam coi là có ý nghĩa hàng đầu trong việc tu dưỡng về nhân cách. Vở kịch đã chạm đến trái tim khán giả khi kể về chuyện người con trai suýt bất hiếu với mẹ của mình. Vì mê giàu sang, sợ mất tình yêu mà cậu đã xem thường công ơn của một bà mẹ thuộc dân lao động rất nghèo nhưng hết mực thương con. Và rồi trước tình mẹ, trước dòng nước mắt của mẹ, lương tâm về đạo hiếu, về nghĩa của người mẹ đã thức tỉnh người con trai.
NSND Kim Cương khẳng định: "Giáo dục đạo hiếu là tâm điểm trong giáo dục về nhân cách làm người. Khuynh hướng sáng tác, dàn dựng của Kịch Kim Cương chính là thể hiện rõ điều này. Tôi nghĩ đất nước mình độc lập cũng từ nếp nhà của mỗi con người Việt Nam. Ai cũng kính yêu cha mẹ, phụng sự tổ quốc, để góp phần đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vở kịch "Lá sầu riêng" đã thể hiện giá trị đó, để qua thời gian, vở kịch vẫn còn nhận được nhiều tán thưởng đó là điều hạnh phúc của gia đình tôi".
Kỳ nữ Kim Cương nhớ Lá sầu riêng trong ngày độc lập - Ảnh 4.
NSND Kim Cương và NSND Bảy Nam trong vở "Lá sầu riêng"
NSND Đinh Bằng Phi nhận xét: "Vở kịch "Lá sầu riêng" được nhìn nhận là một kịch bản kinh điển của sân khấu kịch nói miền Nam, đặc biệt câu chuyện kịch bám chặt tính đời thường, nói lên tiếng lòng của quần chúng. Còn về nghệ thuật diễn xuất, vở kịch có phong cách diễn xuất "rất Nam Bộ". Tôi biết, để có được tác phẩm này, tác giả đã trăn trở suy nghĩ, đầu tư về trí tuệ để có được một dấu ấn đẹp. Và cứ đến ngày 2-9, tôi lại nhớ không khí của đoàn kịch nói Kim Cương khi khán giả xếp hàng rồng rắn để mua vé vào xem. Mùa trước, chị Kim Cương đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, thật xứng đáng".
Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nhận xét

Bài phổ biến

Từ guitar đến guitar phím lõm trong nhạc tài tử cải lương

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngọc Bích

Những nghệ sĩ cải lương tiêu biểu đất Tiền Giang

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu